Nam Ninh – Điềm tĩnh một nghiệp văn

Thứ Sáu, 17/07/2015, 09:00
“Không khí xã hội toát ra trong tập truyện là cái cũ, cái gò bó, chật hẹp đang được khép lại. Các nhân vật xấu có, bao dung có, nhỏ nhen có, nhưng cùng bước qua một trang mới, một bối cảnh mới buộc họ tự nhìn lại chính mình, đo lại chính mình. Nghệ thuật truyện ngắn đa dạng, nhiều độ nén, lấp lánh nhiều trang miêu tả nội tâm sống động, gợi cảm”.

“Những truyện ngắn trong tập truyện này ghi chép được một thời kỳ đầy biến động trong lịch sử: Cuộc sống của những viên chức cơ quan một thời bao cấp với những hậu quả trong tính cách, tâm lý con người, tâm trạng của họ trước diễn biến của cơ chế thị trường mới hình thành".

Trên đây là lời bình, quan trọng hơn, là hai sự đánh giá của hai lá phiếu rất có sức nặng trong tư cách uỷ viên Ban chung khảo xét trao giải thưởng Văn học công nhân, lần thứ 6 (1990 - 1995) của Tổng Liên đoàn Lao động và Hội Nhà văn Việt Nam dành cho một tập truyện ngắn dự giải, in trong Tạp chí Tác phẩm mới, số tháng 5 năm 1998.

Đánh giá thứ nhất là của nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Hội Nhà văn, đồng Chủ tịch Ban chung khảo. Đánh giá thứ hai là của nhà văn Xuân Cang - được coi như tiếng nói đại diện về học thuật của Tổng Liên đoàn, cho dù lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cử hai uỷ viên Ban chấp hành tham gia Ban chung khảo. 

Kết quả là, tập truyện xinh xẻo dày 100 trang in này giành được sự đồng thuận cao của Ban chung khảo: trao giải B (giải Nhì) cho tác giả tập truyện, dù nó được gửi đến Ban tổ chức không đúng thời hạn và không qua đọc sơ khảo. Nghe nói, sau khi trao giải, nguồn tin từ Ban chung khảo còn hé lộ: Nếu tập truyện không mắc hai cái "vướng" đó (gửi muộn, không qua sơ khảo), thì tác giả tập truyện sẽ được trao giải A kia!

Trước khi viết bài này tôi đã tìm đọc lại tập truyện "Khoảng trống đêm tất niên”, dù biết rằng nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Xuân Cang đều có tiếng là những người có con mắt soát xét tác phẩm tinh và kỹ. Đọc hết tập truyện, tôi thầm phục những nhận xét chính xác của hai ông và thấy "Khoảng trống đêm tất niên" được trao giải thưởng cao là đúng và đáng!

Đây là giải thưởng Văn chương thứ ba nhà văn Nam Ninh được nhận, mốc son thứ ba của Nghiệp Văn ông - một Nghiệp Văn điềm tĩnh và có nhiều khác lạ, như tính cách con người ông vậy!

Nhà văn Nam Ninh.

Là con út của một gia đình do biết tính toán làm ăn và cần cù lao động mà trở nên giàu có, lắm ruộng nhiều trâu, nên dù sau cách mạng tháng 8 năm 1945 bố đã làm đến Phó Chủ tịch huyện Phụ Dực, sau đó bị Pháp bắt bỏ tù, hai anh trai tình nguyện vào bộ đội, một anh hy sinh trong trận công đồn Vô Tình thuộc huyện Trực Nam tỉnh Nam Định, nhưng khi cải cách ruộng đất, gia đình Lê Nam Ninh (tên đầy đủ của nhà văn Nam Ninh) vẫn bị quy thành phần địa chủ bóc lột. 

Hậu quả là ông bố bị bắt giam, tài sản bị tịch thu hết, tuổi thơ của nhà văn sống trong nghèo đói và sợ hãi. Đã vậy, nỗi nhà cộng thêm cảnh mẹ già, mẹ đẻ, học hết cấp 2 phổ thông ông phải giã biệt người cha thân yêu và nơi chôn rau cắt rốn, ra đất than Quảng Ninh sống với mẹ để theo học cho hết cấp 3. 

Ông giời thương, phú cho trí thông minh nên sức học khá, đặc biệt giỏi môn Toán, ấy vậy mà mùa hè năm 1965, có trong tay tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, Nam Ninh không được gọi vào Đại học, cho dù năm đó và liền mấy năm sau, việc học tiếp bậc Đại học không phải qua thi tuyển. 

Bị chặn đứng mất đường học hành, biết cái thân phận hẩm hiu do "thành phần xuất thân" nó ám, sau những ngày buồn, Nam Ninh nộp đơn xin vào làm công nhân nhà máy điện Uông Bí, và thật may là nguyện vọng đó được chấp thuận, được biên chế vào tổ sửa chữa. Thành anh thợ trẻ, ăn cơm tập thể, ở nhà tập thể, tháng tháng lĩnh lương, nỗi buồn dần nguôi ngoai, Nam Ninh đặt cho mình cái đích: cố gắng phấn đấu để một lúc nào đó nhà máy cho đi học Đại học. Và, ước vọng đó của Nam Ninh cũng thành hiện thực.

Nhớ lại chuyện của ngót bốn chục năm trước, gương mặt nhà văn vẫn lộ rõ sự buồn bực. Ông chiêu hớp trà rồi rít liền mấy hơi thuốc lá.

Là người cùng cảnh ngộ - nạn nhân của cái thời nhìn nhận, đánh giá một con người chủ yếu qua lý lịch xuất thân, tôi cảm được nỗi buồn bực khó kìm nén của Nam Ninh. Chúng tôi cùng yên lặng thưởng trà. Lúc lâu sau, tôi chủ động kéo nhà văn trở về với câu chuyện ông bỏ dở:

- Sau đó thì sao? Tiếp tục làm thợ, rõ rồi. Nhưng cũng bắt đầu cầm bút viết văn, đúng không?

- Đúng vậy. Tôi đã viết truyện đầu tay đúng vào dịp ấy. Viết như một sự giải toả vậy thôi. Một truyện viết cho thiếu nhi, có mấy trang, bây giờ tôi cũng không nhớ nó thế nào nữa. Nhưng có được đăng. Vâng, đăng trong một tập san của Quảng Ninh.

- Tốt quá? Vạn sự khởi đầu nan, mà khởi đầu tốt đẹp thế...

Tôi xuýt xoa chia vui cùng Nam Ninh, và hỏi ông:

- Có đà, chắc là viết tiếp chứ?

- Vâng. Tôi bắt tay viết "Chuyện trong một gia đình". Viết xong, tình cờ biết báo Văn nghệ mở cuộc thi viết truyện ngắn, thế là mang truyện ra Bưu điện gửi. Cũng nghĩ: viết được truyện thì gửi, chứ chắc chẳng trông hòng gì. Là bởi, thú thật rằng đến lúc ấy tôi chẳng biết chút xíu gì về cách thức viết truyện. Suốt những năm học phổ thông, tôi chỉ khoái học Toán và học khá giỏi môn đó, chứ không thích học Văn, và cũng chả thấy mình có năng khiếu văn chương gì. Và như tôi vừa nói, tôi viết truyện chẳng qua để giải toả, để quên đi nỗi buồn bực, bế tắc đường đời mình thôi. Vậy mà, thật bất ngờ, "Chuyện trong một gia đình" lại được đăng và được trao giải thưởng nữa. Giải khuyến khích. Đó là năm 1971.

- Thế truyện “Trong phòng trung tâm” gây xôn xao dư luận, viết và in năm nào? Tôi nhớ là sau khi truyện được in, dư luận khen ghê lắm. Hình như ông còn được phỏng vấn và in cùng số báo với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu?

- Quan bác có trí nhớ tốt thật đấy? - Nhà văn Nam Ninh cười cười - nhưng “Trong phòng trung tâm" không chỉ nhận được lời khen. Cũng có tiếng chê. Rằng, nó già ký, non truyện. Chất ký hơi bị nhiều. Có điều lạ là, cái phòng trung tâm tôi đã tả trong truyện, nhất là cái kết cục của nó, đúng như những gì diễn ra với phòng trung tâm nhà máy điện Uông Bí của tôi. Phòng trung tâm của nhà máy cũng đã bị bom Mỹ đánh tan nát, anh ạ.

- Cái đó người ta gọi là “tính dự báo của nghệ thuật” hay còn gọi đó là “linh cảm của nhà văn” đấy. Kể tiếp đi, rồi sao nữa? Con đường văn chương của ông xem ra có vẻ hanh thông nhỉ?

- Vâng, có vẻ như vậy thật. Truyện "Trong phòng trung tâm" quả có đem lại cho tôi sự hào hứng viết lách. Tôi viết say mê, và đều thành công. Bằng chứng là sau đó tôi tập hợp các truyện đã viết dồn thành một tập truyện, lấy “Chuyện trong một gia đình” làm tên chung của bản thảo, gửi cho nhà xuất bản Quảng Ninh, không lâu sau tập truyện của tôi được in chung cùng phần truyện của nhà văn Lê Hường, với tên sách là "Cây sao đen". 

Nhưng, tôi nói điều này chắc anh không tin, là đối với tôi, niềm vui có cuốn sách đầu tay vẫn không làm tôi quên được ước ao học Đại học. Sau mấy năm làm trong ngành điện nên ao ước của tôi không phải là khoa Toán trường Tổng hợp nữa, mà khoa Điện lực trường Bách Khoa. May sao, Ban Giám đốc nhà máy thấu hiểu nguyện vọng đó của tôi, đã cử tôi theo học một khoá hàm thụ Đại học. 

Bận lao động và học hành, liền mấy năm trời tôi chẳng hứng thú gì, thậm chí coi như thôi hẳn việc theo đòi con đường văn chương. Ngay cả sau khi đã có tấm bằng kỹ sư điện trong tay, được rút lên làm kỹ thuật, vừa đỡ vất vả vừa có thời gian, vậy mà tôi chẳng nghĩ đến chuyện viết lách. 

Mất năm sáu năm như vậy. Mãi năm 1981, không nhớ là cớ gì đã kéo tôi trở lại với văn chương, và tôi viết được truyện "Căn nhà ở phố” gửi báo Văn nghệ, rồi Văn nghệ quân đội, đều không được in. Khi gửi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, được Ban biên tập và bạn bè khen, sau đó được in vào tập truyện “14 truyện ngắn chọn lọc". 

Nhà văn Văn Chinh và nhà văn Nam Ninh trên mỏ lộ thiên Khe Sim.

Niềm vui sáng tạo được khơi dậy, tôi viết liền liền, truyện nọ nối truyện kia, hầu như các truyện đều được in báo, cái in Văn nghệ Quảng Ninh, cái in Văn nghệ quân đội, Văn nghệ của Hội Nhà văn. Thấy viết và in đã kha khá, tôi lại làm tập. Lần này quyết in riêng, không in díu đôi nữa. Thế là tập truyện “Căn nhà ở phố” của mình tôi trình làng năm 1985. Vâng, đến tháng 1 năm 1993 thì tập “Khoảng trống đêm tất niên” lại ra mắt bạn đọc, và ngày 29/4/1998 tôi được mời về Hà Nội lĩnh giải B "Văn học công nhân" lần thứ 6 như anh đã biết, tặng cho tập truyện này.

- Vậy là đã có hai đầu sách rưỡi, lại có giải thưởng, dư tiêu chuẩn gia nhập Hội Nhà văn rồi. Ông vào Hội năm nào?

- Năm 1994. Cùng hơn chục vị nữa. Dự trại sáng tác này cũng có mấy vị kết nạp đợt đó.

- Ai vậy?

- Đào Thắng và Từ Nguyên Tĩnh. Ông Đào Thắng đang làm Đổng lý văn phòng Hội, còn Từ Nguyên Tĩnh thì hiện đang gánh chức Tổng biên tập Tạp chí “Xứ Thanh" của Hội Văn nghệ Thanh Hoá đấy.

Chuyện đang vào "phom" thì có tiếng gõ cửa, rồi hai ông Chu Lai, Từ Nguyên Tĩnh ào cùng gió biển vào phòng, mang theo niềm vui phố biển Sầm Sơn hai ông vừa "chớp" được. Đây là nét sinh hoạt thân tình đáng yêu của Trại sáng tác. 

Từ 20 tháng 3, hơn ba mươi cây bút từ Thừa Thiên - Huế trở ra được Nhà xuất bản Công an nhân dân mời về dự Trại sáng tác văn học Sầm Sơn nhằm tạo điều kiện để các tác giả viết tiểu thuyết, truyện và ký hưởng ứng cuộc thi sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống". Hàng ngày, sau những giờ miệt mài sáng tạo, trước và sau bữa cơm chiều, các tác giả lại nhóm tốp dạo chơi phố biển để sau đó quay về nhà nghỉ Hương Thanh san cho nhau những niềm vui.

Nhà văn Nam Ninh đưa mắt sang tôi, dừng chuyện.

***

Tôi đọc kỹ lại "Chuyện bạn bè” của nhà văn Nam Ninh. Truyện dài 118 trang này in trong tập truyện “Dòng chảy” - đầu sách thứ 5 của ông do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành quý 4 năm 2005. Sau cuốn “Khoảng trống đêm tất niên” được tặng giải thưởng, năm 2003 Nam Ninh in tập truyện "Cuộc ly hôn hẹn trước”, trong đó có truyện ngắn “Tiếp thị" dự thi báo Văn nghệ và được trao giải. Vậy là hai lần ông giành giải thưởng truyện ngắn của tờ báo uy tín bậc nhất về văn chương của đất nước.

Điều đáng nói, là cùng với trưởng thành trong nghiệp văn chương, ông nhà văn kỹ sư ngành Điện Lê Nam Ninh ngày càng có uy tín và có chỗ đứng vững chắc trong cái ngành ông đã suốt đời gắn bó. Ông được tin cậy giao giữ chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh của ngành Điện tỉnh Quảng Ninh, dù trong những năm tháng đó đã hai lần ông chuyển đi chuyển về giữa Quảng Ninh và Hà Nội. 

Cuối năm 1998, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã nhất quyết ký Quyết định điều Nam Ninh về Bộ, giao cho ông công tác tại Cục Kỹ thuật an toàn. Có chữ ký của Bộ trưởng, Nam Ninh chuyển khẩu cho vợ con nhập được cả về Hà Nội và với sự giúp đỡ của bạn bè, ông đã lo được cho tổ ấm của mình có chỗ ở tươm tất. Cái gánh hậu phương coi như tạm ổn, ông yên tâm làm việc tại cơ quan mới, và được cấp trên tín nhiệm đề bạt làm Trưởng phòng giám sát Điện năng của Bộ, có tầm bao quát toàn quốc. 

Mọi việc có vẻ suôn sẻ nhưng nợ làm nhà chưa trả hết, và hai con - một trai một gái - đều theo học Đại học Kiến trúc, cần chi tiêu nhiều. Làm gì để có thêm thu nhập, cho vợ con đỡ phải tằn tiện? Viết truyện để in báo, nhuận bút nào bõ bèn gì! In sách, người ta trả nhuận bút bằng sách, nhiều tác giả còn bị ép phải bán "giúp" bên in sách vài ba trăm cuốn nữa kia.

Dò hỏi các bạn văn chương, thấy bảo muốn có nhiều tiền nhuận bút thì hãy viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Thật may, trong một lần gặp bạn cũ, được bạn kể cho nghe một chuyện tình éo le, Nam Ninh liền thử sức viết vở kịch dài dựa trên cốt truyện mới lượm được. Viết đi viết lại, cuối cùng, vở “Đi tìm nhân chứng" có hai văn bản: Bản ba màn, bản bốn màn. 

Chọn bản bốn màn, Nam Ninh nhờ một người bạn trao kịch của mình cho bạn ông ta - một kịch tác gia của Hội Nghệ sĩ sân khấu. Một tháng, hai tháng, rồi một năm trôi đi, chẳng nhận được một lời khen, một tiếng chê nào hết, hỏi thì ngại, Nam Ninh bấm bụng: Thì thôi vậy, chuyển vở kịch sang truyện, kẻo phí. Cặm cụi cả tháng, ông chuyển “Đi tìm nhân chứng”, thành truyện "Chuyện bạn bè”, dung lượng 118 trang in, giờ tôi đang đọc.

Từ một kịch dài chuyển thành truyện, hẳn nhiên “Chuyện bạn bè” không thể là một truyện ngắn, nó đã mang tầm vóc một truyện vừa đĩnh đạc. Không phải đến truyện này, do nội dung bắt buộc không thể làm khác, mà từ tập truyện "Cuộc ly hôn hẹn trước", tôi thấy Nam Ninh đã có ý muốn viết dài. 

Nhiều truyện ngắn trong sách, bắt đầu từ chính cái truyện có tựa đề được chọn làm tên sách, có thể ngắt ra làm hai, thậm chí có truyện có thể ngắt ra thành ba truyện ngắn - dĩ nhiên phải gia công, đắp điếm thêm. Tôi đoán là ông đang thử nghiệm để chuyển ngòi bút mình sang viết truyện vừa, truyện dài. 

Việc "thử" này cũng có cái không hay. Nó làm cho các truyện ngắn của ông trở nên ôm đồm, lắm khi lễnh loãng về nội dung, lỏng lẻo về bố cục và ảnh hưởng đến giọng điệu, làm mất đi cái mực thước của truyện ngắn, nhưng lại chưa đạt đến một kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh của truyện vừa, truyện dài. Rất may là đến “Chuyện bạn bè", với 118 trang in, ông đã dứt khoát viết dài, và xem ra ổn.

Nhưng nghiệp văn chương mỗi người mỗi tạng, mỗi nhà văn có sở trường, sở đoản riêng, nhà văn phải sàng lọc tìm ra thế mạnh của mình để xác lập cái chiếu riêng, không bị nhoà lẫn. Với Nam Ninh, thời gian và những giải thưởng đã kiểm chứng và khẳng định thế mạnh của ông: Ông chính là cây bút truyện ngắn, và đấy là tạng văn chương ông - phải vậy chăng?

Sau cuộc trò chuyện với tôi trong chiều Sầm Sơn ấy, nhà văn Nam Ninh đã viết và in liền hai cuốn tiểu thuyết: “Khoảnh khắc đời người” và “Đường vòng”. Rồi ông quay lại với truyện ngắn, cho ra tập “Bảy ngày mở hội”, đề tài chủ yếu lấy cảm hứng từ những chuyện lịch sử. Cùng với tập truyện ngắn này, Nam Ninh còn đưa in ba tập truyện sưu tầm trong chính sử sau khi ông đã in nhiều kỳ trên báo “Người Hà Nội cuối tuần”. Đó là các tập: “Định đô”, “Thế thời phải thế”, “Bước ngoặt”.

Vậy đó, Nam Ninh bình thản sống và viết, rồi nhẩn nha in.

Ông, và Nghiệp Văn ông, quả là đậm cái chất điềm tĩnh đến khác lạ, không giống ai?

Sầm Sơn, 11-13 tháng 4 năm 2008

Phạm Ngọc Chiểu
.
.
.