“Nếu không kiên quyết, tôi sẽ là người có tội”

Thứ Hai, 28/01/2013, 14:20

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực – được coi là người có công đầu trong việc mở cửa thị trường viễn thông và đưa internet vào Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lớn về sự phát triển thông tin liên lạc của Việt Nam. Nhiều người trong giới công nghệ thông tin (CNTT) thường nói, thật may cho ngành CNTT vì thời điểm đất nước mở cửa, một trong những người lãnh đạo ngành Bưu chính viễn thông lại là ông Mai Liêm Trực, một cán bộ luôn có tư duy đổi mới, luôn khao khát học hỏi cái mới, khao khát hội nhập.

PV: Bên cạnh việc là người  có công đầu trong việc đưa internet vào VN, ông còn có một “hồ sơ cá nhân” hết sức ấn tượng: gia đình ông có hai bộ trưởng, một thứ trưởng và đều là những nhà lãnh đạo có cá tính. Con người ông có chịu sự ảnh hưởng gì của gia đình?

Ông Mai Liêm Trực: Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống ham học. Anh hai (anh cả) tôi được đặt tên là Mai Kỷ, vì muốn con cháu sau này luôn giữ được kỷ cương, nền nếp. Những anh em chúng tôi sau này đều được ba tôi đặt tên là Trực với nguyện vọng con cái sẽ sống ngay thẳng, chính trực. Anh em tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ gia đình, đều có tính ham học, giao việc gì cũng cố gắng làm tới cùng.

Làm việc, muốn thành công thì phải đam mê, làm quan thì không được tham, không được ác. Anh em chúng tôi đều không tham quyền cố vị, đến tuổi là nhất định nghỉ. Khi hết tuổi, Ban Bí thư gọi tôi lên, đề nghị ở lại giữ một cương vị khác, tôi từ chối. Tôi nói thẳng: “Bây giờ nhiều người đến tuổi mà không chịu nghỉ, nhiều người dân gọi là tham quyền cố vị. Mấy anh em tôi đều có quan điểm đến tuổi nghỉ là nghỉ, tôi mà làm thêm sẽ mang tiếng cho gia đình”. Ba anh em chúng tôi làm việc, có cái thành công, có cái chưa thành công, nhưng chắc chắn có một điều là chưa bao giờ đòi hỏi, chưa bao giờ tranh giành quyền lực, chỉ biết xả thân cho công việc.

PV: Thưa ông, ông biết 4 ngoại ngữ. Đừng nói đến thời điểm đó, ngay cả thời điểm này, tôi biết không mấy lãnh đạo của mình có khả năng ngoại ngữ đáng mơ ước cùng tư duy mới, dám nghĩ, dám làm như thế…

Ông Mai Liêm Trực: Tôi đam mê nhiều thứ nhưng không có một đam mê nào nó vô cùng, vô tận như sự đam mê về hiểu biết, về sáng tạo. Đó là niềm đam mê lớn nhất và đi trọn cuộc đời. Như chuyện học ngoại ngữ, hồi phổ thông tôi học tiếng Trung, nhưng tôi tranh thủ tự học thêm tiếng Nga và tiếng Anh vì muốn được đọc nhiều sách báo nước ngoài. Sau này đi học nước ngoài, tôi học thêm tiếng Đức.

Tôi thích học các ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tôi đều có thể đọc tài liệu chuyên môn, phục vụ cho công việc của mình, vì về cơ bản, cái gốc của một số ngôn ngữ rất giống nhau, nên có lần khi đang làm Tổng Giám đốc VNPT, tôi sang Thụy Điển công tác, những đối tác của tôi ở Ericsson đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi đọc một tờ báo bằng tiếng Thụy Điển.

PV: Sự đam mê tri thức, đam mê học hỏi đó, có ảnh hưởng gì đến sự sáng tạo trong công việc của ông?

Ông Mai Liêm Trực: Nó khiến tôi luôn so sánh giữa những cái được và cái chưa được của chúng ta so với các nước khác. Thời gian ở Campuchia, tôi nhận ra tư duy của mình ảnh hưởng quá nặng bởi một thời kỳ bao cấp đã trở nên không ổn. Tuy Campuchia lúc đó rất khó khăn sau nạn diệt chủng Pol Pot, nhưng vì họ không trải qua thời kỳ bao cấp nên tư duy của họ vẫn rất khác.

Trong những năm làm trưởng đoàn chuyên gia bưu điện để giúp bạn xây dựng lại hệ thống bưu chính – viễn thông, tôi có dịp làm việc với Thủ tướng của họ về quy định giá cước các dịch vụ bưu chính viễn thông. Ông ta đưa ra một nguyên tắc rất đơn giản: giá cước phải cao hơn chi phí. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá cước một con tem, một phút điện thoại nội hạt chỉ bằng 1/3 giá thành mà trình mãi không được phê duyệt.

Tôi có một may mắn là tôi về Việt Nam vào năm 1987, đúng lúc đổi mới bắt đầu, cũng là lúc công nghệ số hóa trên thế giới phát triển, đánh dấu bước chuyển giao công nghệ từ analog sang số hóa. Đến năm 1990, phần lớn các quốc gia vẫn đang dùng công nghệ analog, chỉ có khoảng 5 triệu thuê bao dùng số hóa.

Nhưng từ năm 1987, chúng tôi đã quyết định bỏ qua công nghệ analog, Việt Nam đang có 100.000 thuê bao điện thoại dùng công nghệ analog. Chúng tôi đã quyết định bỏ qua công nghệ analog để tiến thẳng lên số hóa, vì khi đó Việt Nam mới chỉ có 100.000 thuê bao điện thoại, nên việc thay thế vô cùng đơn giản, chỉ sau một đêm, các thuê bao đã hoàn toàn số hóa.

Thật ra thời điểm đó, chúng ta có hai lựa chọn: lựa chọn thứ nhất là tiến thẳng lên số hóa, lựa chọn thứ hai là mua lại những thiết bị công nghệ analog đã bị thay thế của một số nước trên thế giới với giá rẻ, để mở rộng thuê bao ở Việt Nam. Thời điểm đó chúng ta không có tiền, kinh tế vô cùng khó khăn, việc tiếp tục sử dụng công nghệ analog và mua lại thiết bị analog giá rẻ trong tư duy nhiều người là sự lựa chọn phù hợp hơn. Nhưng ngành Bưu điện đã quyết tâm số hóa và thuyết phục được các lãnh đạo đồng ý với quyết tâm này.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Bưu điện Cuba sang thăm Việt Nam, khi nghe chúng tôi chia sẻ về quyết định số hóa mạng điện thoại cả nước thay cho công nghệ analog, Bộ trưởng Bộ Bưu điện Cuba đã nói: “Các đồng chí mạo hiểm, duy ý chí. Các đồng chí đang bị cấm vận, các nước sẽ không chia sẻ công nghệ cao. Làm sao các đồng chí có đội ngũ cán bộ chất lượng để sử dụng công nghệ mới? Mà công nghệ mới thì đắt đỏ. Chúng tôi sẽ chờ xem các đồng chí sẽ làm thế nào”. Nhưng chúng ta đã làm được, bất chấp những lo ngại như thế.

Bốn năm sau, Cuba đã xin lại các tổng đài analog của ta, chúng ta đã tặng bạn toàn bộ. Từ năm 1987 đến năm 1992, chúng ta đã số hóa được một số thành phố lớn, đến năm 1995 thì số hóa cả nước. Đó là một quyết định táo bạo và dũng cảm.

PV: Những gì ông Bộ trưởng Bộ Bưu điện Cuba nói không phải không có lý. Bài toán đó đã được ngành Bưu điện giải quyết như thế nào?

Ông Mai Liêm Trực: Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi quan điểm rõ ràng về nhiệm vụ của ngành Bưu điện: thứ nhất là quyết tâm nhanh chóng số hóa cả nước, thứ hai là dứt khoát ngành Bưu điện phải tự kiếm tiền khi Nhà nước còn nghèo và cuối cùng, cán bộ, nhân viên bưu điện phải được chăm sóc về đời sống đầy đủ, nhân viên ngành Bưu điện phải sống được với đồng lương.

Thời điểm đó, Việt Nam bị Mỹ cấm vận trên ba phương diện: Cấm vận về kinh tế, cấm vận về công nghệ, cấm vận về thông tin. Những công ty của Mỹ và những công ty nước  ngoài có 10% vốn của Mỹ không được phép bán công nghệ cho Việt Nam. Cổng thông tin liên lạc của Việt Nam cũng bị Mỹ khóa. Có một số nước, đầu tiên là các hãng của Úc, sau đó đến Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Hàn Quốc đã hợp tác với chúng ta trong việc trao đổi công nghệ. Chúng ta mua thiết bị nào có thể mua được, thiết bị nào không được phép mua, chúng ta đề nghị bạn cho mượn và giải quyết được bài toán khó đó.

Nước đầu tiên hợp tác về CNTT với chúng ta mạnh mẽ nhất là Chính phủ Úc. Ở Úc, người Việt Nam sống rất nhiều, mà trong nhiều năm trời họ không thể gọi về liên lạc với người nhà. Công ty viễn thông quốc tế OTC của Úc đã nhìn thấy tiềm năng kinh doanh từ đó, nên đã rất nhiệt tình hợp tác với Việt Nam. Nhưng lúc đó dân Việt Nam rất nghèo, cước điện thoại lại đắt, nên tôi đã giải quyết bài toán đó như sau: chúng tôi dùng hình thức connect call, nghĩa là cước phí điện thoại đều do người Việt Nam ở Úc thanh toán, phần lợi nhuận chia cho Việt Nam theo tỉ lệ hợp lý.

Nhờ biện pháp này, kinh doanh viễn thông quốc tế của chúng ta bắt đầu có lợi nhuận và phát triển ra một số nước khác. Nhưng thị trường quan trọng nhất, lớn nhất và cũng khó tiếp cận nhất là Mỹ thì chúng ta không dễ gì bước vào được. Lúc đó có một tập đoàn truyền thông lớn nhất nước Mỹ đã vào Việt Nam từ tháng 3/1988. Họ cũng rất muốn khai thông đường liên lạc thông tin giữa hai nước để kinh doanh, vì người Việt Nam ở Mỹ rất đông, dự báo có thể thu được lợi nhuận lớn. Họ sẵn sàng mua thiết bị, rất muốn mở liên lạc, nhưng không thể vì chính sách cấm vận của Mỹ.

Lúc đó tôi đã lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ: “Các ông cứ nói về nhân quyền, về điều nọ điều kia, vậy mà bây giờ gia đình, vợ chồng, con cái, cháu chắt nhà người ta ở Mỹ muốn gọi về Việt Nam cũng không được, thế nhân quyền là cái gì?”. Điều ngạc nhiên là họ rất đồng ý với suy nghĩ của tôi. Họ nói: “Chúng tôi cũng chỉ trích Chính phủ Mỹ về chính sách này”.

Sau này có lần tôi sang Mỹ tham dự một hội nghị quốc tế, tôi đã gặp lãnh đạo của tập đoàn này để bàn với họ về giải pháp xóa bỏ cấm vận viễn thông. Các tập đoàn ở Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam rất ủng hộ vấn đề này. Họ đã thuyết trình ở Hạ viện và Thượng viện, nhờ đó bỏ được cấm vận viễn thông trước 2 năm so với cấm vận về kinh tế.

Thị trường Mỹ là thị trường mang lại lợi nhuận viễn thông khổng lồ. Trong thời gian 2 năm đó, chúng tôi đã thu được 50 – 70 triệu USD lợi nhuận, chiếm khoảng 40% lợi nhuận liên lạc viễn thông. Mỗi một phút từ nước ngoài liên lạc về Việt Nam, ta thu được 1 USD, 100 triệu phút là thu được 100 triệu USD. Lúc đó tôi còn kiêm Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế. Tôi có thể khẳng định viễn thông quốc tế chiếm khoảng 40% lợi nhuận toàn ngành Bưu điện.

Mục tiêu tự kinh doanh để lấy tiền tái đầu tư đã đạt được, chống được sự bao cấp trong ngành Bưu điện, đời sống cán bộ bưu điện khi đó cũng được cải thiện nhanh chóng. Tôi nhớ có lần năm 1992, tôi lên Yên Bái công tác, ông Bí thư tỉnh Yên Bái tỏ vẻ không hài lòng: “Lương bưu điện cao quá. Nhân viên bưu điện ở huyện trực tổng đài mà lương cao gấp 3 lần Bí thư Huyện ủy”. Tôi đã trả lời: “Yên Bái thu được 1 đồng thì Tổng cục Bưu điện phải bỏ ra thêm 2 đồng để đầu tư lại cho Bưu điện Yên Bái, chứ không hề lấy tiền của nhân dân Yên Bái. Các ông muốn chúng tôi trả lương cao để họ yên tâm trực tổng đài hay muốn chúng tôi trả cho họ thấp để họ đi nuôi heo, đi làm thêm việc này việc kia, gọi qua tổng đài không ai trực máy”.

Ông Bí thư tỉnh đã phải công nhận là tôi nói đúng. Lúc đó nhiều ngành phải thực hiện kế hoạch III, nghĩa là làm thêm để trang trải cuộc sống. Còn cán bộ nhân viên ngành bưu điện có thể sống thoải mái nhờ đồng lương của mình. Anh em trong ngành họ rất mừng và rất yêu quý lãnh đạo.

PV: Chẳng lẽ lúc nào những việc ông làm cũng được suôn sẻ như thế?

Ông Mai Liêm Trực: Không phải thế! Khoảng năm 1995 – 1996, tôi làm Tổng Giám đốc VNPT, lúc đó Báo Lao động có đăng một bài điều tra rất nặng nề với nội dung VNPT đã thu 956 tỷ cước chuyển mạng từ analog sang số hóa. Trước đó, tôi đã làm báo cáo sang Bộ Tài chính, đề nghị cho thu thêm cước chuyển mạng, ngoài cái giá cước chung do Chính phủ quy định.  Tùy điều kiện kinh tế từng tỉnh mà mỗi thuê bao chuyển mạng, chúng tôi thu 1 – 2 triệu.

Sau khi bài báo xuất hiện trên Báo Lao động, VKSNDTC đã vào kiểm tra VNPT suốt 6 tháng trời rồi báo cáo với Thường trực Chính phủ. Tôi được gọi lên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cả 4 Phó Thủ tướng cùng với các bộ, ngành đều có mặt. Tôi biết vấn đề nghiêm trọng, bởi bình thường họp Chính phủ, hiếm khi có mặt đầy đủ các lãnh đạo chính phủ. Sau khi VKSNDTC báo cáo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu tôi giải trình.

Tôi đã nói: “Về việc VKSNDTC kiểm tra VNPT, tôi đã ký vào kết luận kiểm tra, trong đó có bảo lưu ý kiến không đồng ý với những kết luận của VKSNDTC. Thưa Thủ tướng, đất nước thì mở cửa, giá cước thì không thể tăng lên được, nhà nước thì không có tiền đầu tư để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu tham gia kinh tế thị trường vì thế mà có nguy cơ phải chờ 3 – 4 năm để có một cái điện thoại. Thay vì chờ đợi, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để lắp đặt điện thoại ngay, còn chúng ta có tiền tiếp tục đầu tư hạ tầng. Doanh nghiệp ủng hộ, tại sao chúng ta lại không thể làm?

Vậy theo ý Thủ tướng, chúng ta nên làm thế nào: lắp đặt thiết bị ngay cho người ta hay bắt người ta đợi 3 – 4 năm, làm chậm các cơ hội kinh doanh của người ta? Xin thưa Thủ tướng, toàn bộ số tiền đó dùng để đầu tư cho ngành, nếu 1 đồng nào trong đó chúng tôi bỏ túi riêng, Thủ tướng hãy cách chức Tổng Giám đốc của tôi. Chúng tôi chỉ làm những việc mà chúng tôi nghĩ rằng có lợi cho đất nước”.

Sau khi nghe tôi trình bày, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi: “Lương Tổng Giám đốc của anh bao nhiêu?”. Tôi trả lời: “Lương Tổng giám đốc của tôi gấp 2,5 lần lương bình quân cán bộ, công nhân toàn ngành Bưu điện. Lương bình quân toàn ngành là 1,1 triệu, còn lương của tôi là 2,7 triệu. Tôi biết lương công nhân làm đường có 500 nghìn, thu nhập không bằng công nhân bưu điện. Nhưng xin nói với Thủ tướng, nhà giám đốc giao thông bao giờ cũng to hơn nhà giám đốc bưu điện”.

Quả thật sau 6 tháng kiểm tra của VKSNDTC, VNPT còn chịu sự thanh tra của Bộ Tài chính, nhưng chúng tôi hoàn toàn minh bạch. Những khúc mắc từ bài báo trên Báo Lao động được giải quyết hoàn toàn.

PV: Trong những năm đó, bên cạnh việc số hóa mạng điện thoại – một thành công rất quan trọng của ông và các lãnh đạo ngành Bưu điện, ông còn được cho là người có công đầu trong việc đưa internet vào Việt Nam. Năm 1997, mạng internet có mặt ở Việt Nam, không chậm bao nhiêu so với các nước trên thế giới. Nhưng trước đó là cả một quá trình mà ông cùng với những người có tư duy đổi mới đã kiên trì thuyết phục những nhà lãnh đạo đồng ý với quyết định này…

Ông Mai Liêm Trực: Do điều kiện công việc cùng với lợi thế ngoại ngữ, tôi thường xuyên đi công tác nước ngoài. Năm 1991, tôi tham dự hội nghị quốc tế về thông tin vệ tinh tại Washington DC để ký kết các thỏa thuận giữa các nước và các hãng viễn hông, tôi được các đồng nghiệp giới thiệu về internet. Cùng năm đó, mạng world wide web ra đời. Những năm sau đó, khi tôi đi họp ở nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia đã có internet, khi bắt tay tạm biệt, họ không nói “See you again” – hẹn gặp lại, mà nói “see you on internet” – hẹn gặp trên mạng.

PV: Điều đó làm ông suy nghĩ?

Ông Mai Liêm Trực: Đúng thế. Đến năm 1995, Việt Nam đã số hóa và tự động hóa hoàn toàn mạng viễn thông cả nước bằng các tổng đài điện tử kỹ thuật số và các đường truyền cáp quang và viba số. Đó là cơ sở quan trọng nhất để đưa internet vào Việt Nam. Mặt khác, công nghệ internet cũng không quá phức tạp và đầu tư cũng không lớn. Một số kỹ sư và nhà khoa học của Việt Nam đã có những thí nghiệm về công nghệ internet như tại VDC, FPT và đặc biệt là Viện CNTT. Vấn đề còn lại chỉ là xin phép Chính phủ đồng ý cho Việt Nam tham gia vào mạng internet toàn cầu.

Năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia ASEAN. Một số thành viên ASEAN đã bắt đầu nói về một ASEAN điện tử. Nếu Việt Nam không có internet thì làm sao có thể hội nhập với họ, trong khi hội nhập là vấn đề mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt ưu tiên hàng đầu thời điểm đó. Khi đề nghị đưa internet vào Việt Nam được đưa ra, có nhiều lo ngại từ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lo ngại thứ nhất là sợ lộ bí mật Nhà nước. Cái lo lắng thứ hai là vấn đề thông tin độc hại, trong đó có những thông tin tuyên truyền, nói xấu chế độ, nói xấu Đảng, Nhà nước và các lãnh đạo.

Khi chúng tôi báo cáo với Thường trực Bộ Chính trị, câu hỏi đầu tiên mà đồng chí Lê Khả Phiêu hỏi ngay: “Chúng ta có ngăn chặn được hết những nguy cơ lộ bí mật và các thông tin độc hại hay không, tôi trả lời thành thật: “Thực tế thì không thể nào kiểm soát được hết. Nhưng khi chưa có internet, chúng tôi cũng bị phê bình thư từ và fax có thể lộ bí mật. Không thể vì những lo lắng đó chúng ta cản trở sự phát triển. Khi đưa internet vào, chúng tôi sẽ có những giải pháp để hạn chế tối đa những tiêu cực đó bằng biện pháp kỹ thuật, quản lý hành chính và nâng cao ý thức của những người sử dụng internet để hạn chế tối đa những tiêu cực đó.”

Khi báo cáo chính phủ, các đồng chí lãnh đạo cũng có những lo ngại đó. Tuy nhiên trước những lợi ích của Internet,  đặc biệt là nhu cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã rất ủng hộ. Vì đây là vấn đề mới sẽ tác động mạnh và còn nhiều lo ngại, nên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định 21 ban hành một quy chế tạm thời về sử dụng internet ở Việt Nam.

Trước khi mở chính thức, Thường vụ Bộ Chính trị đã có văn bản chỉ đạo với tinh thần đồng ý cho mở, nhưng quản lý chặt chẽ với phương châm “quản đến đâu mở đến đó”. Vì vậy thời gian đầu không cho phép mở đại lý internet, không có cafe internet, ngay cả VNPT cũng không được mở đại lý internet. Chỉ có ai có điện thoại và có máy tính mới vào internet được.

Hơn 2 năm trời, chúng tôi đã phải thuyết phục các bộ, ngành liên quan và các lãnh đạo về tư duy quản lý internet. Chẳng lẽ vì quản lý kém, chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ phát triển? Vì vậy khi xây dựng Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam, chúng tôi đã nêu hai vấn đề quan trọng trong chỉ thị này, để phát triển viễn thông và internet, đó là: Quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển và mở cửa thị trường viễn thông trong nước, thúc đẩy cạnh tranh”.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Bưu điện trình Chính phủ thông qua Nghị định 55 về phát triển và sử dụng internet tại Việt Nam với tinh thần thay thế nghị định tạm thời trước đây. Cộng thêm với việc công nghệ ADSL vào Việt Nam sau đó, internet Việt Nam đã bước vào một thời kỳ phát triển bùng nổ. Sự bùng nổ của internet cũng thúc đẩy sự ra đời của các tờ báo mạng, tạo ra một cuộc cách mạng về thông tin.

PV: Internet và viễn thông ở Việt Nam đã thoát khỏi độc quyền. Đã qua cái thời mà một nhà mạng có thể áp giá cước bao nhiêu tùy ý mà người dân vẫn phải dùng. Nhân dân bây giờ có thể chọn những dịch vụ viễn thông tốt nhất, nhưng giá cả hợp lý nhất, kéo theo các nhà mạng cũng phải bước vào một cuộc chiến sinh tử thực sự để giành lấy thị phần. Hình như phá bỏ độc quyền viễn thông cũng là một trong những mơ ước và nỗ lực của ông và nó đã thành công?

Ông Mai Liêm Trực: Việc phá bỏ độc quyền viễn thông ở Việt Nam thành công có ảnh hưởng rất lớn từ tư duy của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người sớm có tư duy mở cửa thị trường viễn thông, xóa bỏ độc quyền. Từ năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có định hướng nên có thêm một vài công ty viễn thông khác.

Thời điểm đó tôi là Tổng Giám đốc VNPT, đến năm 1997 mới lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Tuy nhiên, ngay từ khi làm Tổng Giám đốc VNPT, tôi cũng đã bắt đầu suy nghĩ về vấn đề mở cửa thị trường viễn thông, vì tôi làm Tổng Giám đốc VNPT nên tôi biết được rõ cái mạnh, cái yếu của VNPT. Ngoài những thành công mà tôi đã nhắc với ở trên, cán bộ, nhân viên của VNPT vẫn bị ảnh hưởng bởi cơ chế độc quyền, nên thái độ làm việc chưa chuyên nghiệp.

Khi tôi lên làm Tổng cục trưởng, tôi cương quyết mở cửa thị trường viễn thông. Động thái đầu tiên tôi làm là trong một ngày tôi ký 4 giấy phép cho 4 nhà khai thác internet là VDC, FPT, NetNam, Saigonnet và sau đó là Viettel.

Cái mở cửa thứ hai là ngày 3/2/2000, tôi cấp phép cho Viettel mở dịch vụ VolP – điện thoại qua internet. Đây là lần đầu tiên có điện thoại giá rẻ, cũng là lần đầu tiên có nhà khai thác thứ hai tham gia thị trường viễn thông ngoài VNPT. Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm đó, khi ngồi xem tivi, thấy quảng cáo dịch vụ 178 – gọi điện giá  rẻ của Viettel, tôi đã sững người trong một phút, dù chính mình là người đã ký văn bản cấp phép cho nó ra đời. Dù mừng vì việc xóa bỏ độc quyền đi được bước đầu tiên, nhưng dù sao tôi cũng là cái anh độc quyền nhiều năm, làm việc ở VNPT suốt một thời gian dài, tôi cũng phải mất một chút thời gian để thích nghi với tư duy mới đó và hiểu rằng sau khi internet có cạnh tranh thì hôm nay là bước ngoặt của thị trường viễn thông Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cũng có trách nhiệm bảo vệ VNPT tiếp tục ổn định và phát triển. Lúc đó Viettel mới chỉ mở dịch vụ ở một số tỉnh, thành phố lớn và đi quốc tế, chứ chưa mở dịch vụ ở các vùng sâu xa, nghĩa là mọi nhiệm vụ công ích, xã hội, VNPT vẫn phải gánh vác. Mà cái đầu tư cho VolP của Viettel lại rất thấp, lợi nhuận cao, nên tôi không để VNPT thiệt thòi vì mất đi “miếng bánh” ngon nhất. Tôi dùng hình thức phân chia cước, 1 cuộc gọi điện thoại qua VolP của Viettel nếu gọi đi nước ngoài là giá 1,3 USD/1 phút, thì 65 – 75 cent đầu tiên phải trả cho VNPT, tùy theo vị trí gọi đi là Hà Nội, TP HCM hay các địa phương khác. Thời điểm đó chúng tôi đã cho VNPT nhận phần lợi nhuận cao, thậm chí là cao hơn so với Viettel trong lợi nhuận mà Viettel thu được. Nhưng Viettel vẫn thu được lợi nhuận rất lớn.

Tuy nhiên không thể để kéo dài việc cơ quan quản lý nhà nước phân chia cước giữa các doanh nghiệp. Năm 2002, Tổng cục Bưu điện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về bưu chính viễn thông, quy định thành lập quỹ viễn thông công ích để xử lý bài toán công ích. Các doanh nghiệp khai thác viễn thông có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ viễn thông công ích và doanh nghiệp nào làm nghĩa vụ công ích thì sẽ được sử dụng quỹ viễn thông công ích đó. Lúc đó nhà nước không còn can thiệp về mặt cước phí nữa, dứt khoát quan điểm để thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, tự quyết định giá cước.

Tôi cho rằng mở cửa thị trường, đưa vào cạnh tranh cũng là một động thái tốt cho VNPT, chứ không phải làm hại VNPT. Phải nói rằng nhờ có cạnh tranh và nỗ lực của các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT v.v... mà Việt Nam bây giờ có được cơ sở hạ tầng viễn thông và internet tương đương với các nước trong khu vực cả về công nghệ hiện đại, về giá cước rẻ và tốc độ phổ cập dịch vụ, trong khi nhiều lĩnh vực khác, chúng ta còn thua kém các nước hàng vài chục năm như đường sắt, đường bộ, tàu điện ngầm…

PV: Trong 15 năm qua, chúng ta đã có những bước phát triển bất ngờ về CNTT. Có bao giờ ông đặt ra giả thiết, nếu không có CNTT, không có internet, nếu mỗi năm chúng ta chậm đưa internet vào Việt Nam, chúng ta sẽ bị tụt hậu bao nhiêu so với các nước khác trên thế giới không?

Ông Mai Liêm Trực: Rất khó có thể hình dung được cụ thể sự tụt hậu sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng ngày nay internet đã tác động đến toàn bộ hoạt động của xã hội từ các cơ quan chính phủ đến các doanh nghiệp, từ cách thức chúng ta làm việc, quan hệ, giao dịch, cách thức học sinh, sinh viên cũng như các nhà khoa học học hành, nghiên cứu khoa học, kể cả vui chơi, giải trí. Internet cũng làm cho cuộc sống công khai hơi, minh bạch hơn, dân chủ hơn. Nhiều ngành như ngân hàng, hải quan, hàng không, viễn thông không có internet không hoạt động được. Ngay cả báo chí của các bạn cũng thế!

PV: Năm vừa qua, ông được báo mạng điện tử Vnexpress vinh danh là “Người tiên phong”. Lựa chọn này của Vnexpress được rất nhiều người ủng hộ, đặc biệt là những người trong giới CNTT. Nhìn rộng ra, đó không chỉ là sự ghi nhận của một tờ báo mà còn là sự ghi nhận của xã hội với những đóng góp của ông. Cảm nghĩ của ông như thế nào trước những ghi nhận đó?

Ông Mai Liêm Trực: Tôi rất bất ngờ khi mình được bình chọn. Tôi rất vui, rất xúc động, vì mình đã nghỉ mấy năm rồi mà xã hội vẫn còn ghi nhận những đóng góp của mình. Đúng là khi số hóa ngành Viễn thông, khi đưa internet vào Việt Nam, khi mở cửa cho cạnh tranh thị trường viễn thông trong nước cũng như đàm phán mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam với nước ngoài, khi đàm phán về viễn thông trong Hiệp định thương mại Việt – Mỹ và WTO, tôi có một số đóng góp, nhưng thực ra đó cũng là cái nghề và trách nhiệm của mình.

Tôi muốn chia sẻ với những người trẻ một điều: hãy cứ đam mê và cống hiến hết mình với công việc. Có thể mình không có chức quyền nhiều, nhưng xã hội, nhân dân sẽ luôn công bằng, luôn ghi nhận những đóng góp thực sự của mình. Tôi nghĩ trong những thành công của mình, có cả phần may mắn.

Trong quá trình quyết định những vấn đề quan trọng đó, tôi phải chịu trách nhiệm đến cùng với Đảng, Nhà nước trước mỗi quyết định của mình. Có những thời điểm, có thể chính tôi cũng không lường trước được những hậu quả sẽ xảy ra khi đứng ra sẵn sàng chịu trách nhiệm về một quyết định của mình, nhưng là một lãnh đạo ngành Bưu chính viễn thông, tôi vẫn quyết định rằng mình không thể đi chậm so với các nước.

Đến thời điểm này, nhiều lúc tôi vẫn có khoảnh khắc giật mình khi nghĩ lại. Nếu tôi không kiên quyết, nếu tôi run sợ, không dám chịu trách nhiệm, nếu tôi cứ cố co cụm để bảo vệ mình, nếu tôi cứ hùa theo tư tưởng cố bảo vệ những quan điểm cũ, thì có lẽ tôi sẽ là người có tội khi cản trở sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập!

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất chân tình đầu xuân 2013! Chúc ông và gia đình một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc!

Tô Lan Hương (CSTC Xuân 2013)
.
.
.