Diễn viên Tạ Tuấn Minh:

Nếu yêu, sẽ nhận được tình yêu

Thứ Hai, 23/05/2016, 13:41
Tuấn Minh nói, anh muốn thoát khỏi ám ảnh của Hamlet để bắt đầu một vai diễn mới. Với anh, điều đáng sợ nhất của một diễn viên là bị đóng khung vào một vai diễn nào đó, tạo nên một ngọn núi mà mình không thể vượt qua. Bởi khát vọng chinh phục của anh vẫn còn phía trước.


- Cảm giác của anh thế nào sau chuyến đi mang "Hamlet" sang Singapore. Liệu đó có phải là một giấc mơ?

+ Đến bây giờ, tôi vẫn có cảm giác như đó là một giấc mơ. Chúng tôi được diễn trong một nhà hát sang trọng ở Singapore. Ở đó, mọi thứ đều quá hoàn hảo, từ âm thanh, ánh sáng, sân khấu. Trở ngại lớn nhất về mặt ngôn ngữ nhưng chúng tôi đã khắc phục được. Chúng tôi mang được văn hóa Việt ra nước ngoài mà vẫn không mất đi tinh thần Shakespeare, vì thế khán giả rất thích.

Có một vị giáo sư người Việt, sống lâu năm ở đó đã thốt lên rằng, ông rất tự hào khi Việt Nam làm được những vở diễn tầm cỡ như thế. Có một bạn người nước ngoài ra đường gặp tôi, giơ tay chào: "A, Hamlet". Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

Với hiệu ứng tốt đẹp ở Singapore thì cuối năm nay, chúng tôi có thể có chuyến lưu diễn ở London. Được diễn "Hamlet" trên chính quê hương của ông thì còn gì bằng. Đó là ước mơ của tôi và ekip.

Tuy nhiên, đi ra mới thấy ngậm ngùi. Sân khấu thế giới đã đi xa lắm rồi. Còn chúng ta quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những bục, bệ… phải cởi bỏ tư duy của người làm nghề và cần sự đầu tư thích đáng của Nhà nước.

- Có lẽ đó cũng là vai diễn mơ ước của bất cứ ai đứng trên sân khấu. Đến bây giờ anh đã thoát khỏi những ám ảnh của vai diễn nặng ký này chưa?

+ Tôi thấy mình may mắn. Đạo diễn Anh Tú đã biết khai thác điểm mạnh của diễn viên, để họ có thể thăng hoa hơn khả năng của mình. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có cơ hội vào một vai lớn như thế. Tôi có duyên với Shakespeare, trước đó là vai Otenlo, và bây giờ là Hamlet. Tôi đọc và xem rất nhiều phiên bản diễn Hamlet của thế giới, nếu mình làm y như họ thì sẽ thất bại, bởi Hamlet luôn là một ẩn số và chúng ta có thể khai thác nhân vật theo nhiều góc nhìn.

Tôi thích cách xoáy vào những góc tăm tối nhất trong tâm hồn con người. Nó thực sự ám ảnh tôi rất nhiều trong quãng thời gian vừa qua. Nhưng bây giờ, phải thoát khỏi Hamlet để bắt đầu một vai diễn khác thôi. Làm nghệ thuật hạnh phúc với vai diễn và phải quên nó đi để làm vai khác. Nếu mình cứ bị ám ảnh mãi, sẽ khó mà sống một đời sống khác.

- Anh có sợ Hamlet là một đỉnh núi khó vượt qua với chính mình?

+ Ám ảnh thì có, trong thời gian mình làm vở. Nhưng như tôi đã nói, đôi khi phải biết quên nó đi để bắt đầu một thứ khác. Có những nghệ sĩ bị đóng đinh vào một vai diễn nào đó quá thành công của họ. Tôi không muốn như vậy, bởi làm sân khấu là được sống nhiều cuộc đời, và tôi luôn muốn mình có những vai mới.

Tuấn Minh vào vai Hamlet.

Nếu bị ám ảnh quá, khi vào những vai khác, mình sẽ bị na ná, lặp lại chính mình, điều đó rất nguy hiểm. Phải quên để có những vai diễn khác hay hơn. Vì mình không thỏa mãn với vai diễn này, bởi như thế sẽ là sự chấm hết.

- Rõ ràng, vai diễn của anh đã góp phần làm nên thành công của Hamlet. Nhưng thực tế, có rất nhiều lo ngại về một thế hệ diễn viên kịch kế cận vắng bóng những ngôi sao?

+ Điều đó quá rõ rồi, một khoảng trống rất lớn. Tuy nhiên, mỗi thời có một cách suy nghĩ, biểu diễn riêng. Chúng ta không thể áp đặt những giá trị xưa thành khuôn thước và cứ thế làm theo. Chúng ta cần hơi thở của thời đại, cách diễn của thời đại mình đang sống. Khoảng trống của tài năng một phần do cuộc sống của diễn viên khó khăn, tôi nhớ ngày xưa, khán giả xếp hàng dài để xem kịch. Đó là một giấc mơ. Nhiều diễn viên ra trường, khó hy sinh nhan sắc để về Nhà hát nhận đồng lương thấp như thế.

- Có lúc nào anh nản và đứng giữa những lựa chọn hay không?

+ Có những lúc nản chứ, nhưng tôi nhớ lời thầy Lê Mạnh Hùng dạy rằng, nghề này bạc thật, nhưng nếu yêu thật sự, hy sinh vì nó thì nó sẽ trả lại cho mình những gì xứng đáng. Còn yêu hời hợt  sẽ được trả lại những thứ hời hợt, vừa phải. Càng nghiệm, tôi càng thấy đúng. Tôi nghĩ, Hamlet là khởi đầu cho sự trở lại của những giá trị đích thực của sân khấu. Sân khấu kịch bây giờ đang rất khó khăn.

Và tôi tin những giá trị thực sự sẽ kéo khán giả đến rạp. Bởi những gì xổi, tức thời cũng chỉ kéo khán giả đến rạp để thư giãn một cách cơ học mà thôi. Còn thực sự ám ảnh phải là những tác phẩm tử tế, sâu sắc.

- Anh có lạc quan quá không trong thời buổi cuộc sống quá vội vàng và dường như sân khấu không tồn tại trong sự lựa chọn của nhiều người?

+ Thực tế khán giả không quay lưng lại với sân khấu. Bằng chứng là rất nhiều vở diễn của chúng tôi đã đạt tới mốc 100 đêm như "Lâu đài cát", "Trong mưa giông thấy nắng". Hay như những đêm diễn miễn phí thường rất đông. Khán giả Việt có ưu điểm, thích đi xem nhưng ngại bỏ tiền. Đó mới là một vấn đề.

- Từ bỏ nghề kiến trúc để sống chết với sân khấu trong hành trình gian nan này, tôi tự hỏi, điều gì giúp anh có được sự bền bỉ đó?

+ Đơn giản đó là đam mê, là tình yêu. NSND Anh Tú  nói một câu rất hay rằng, các diễn viên hãy coi mỗi đêm diễn như thể đây là đêm diễn cuối của mình. Tâm thế đó sẽ giúp ta biết tận hiến cho sân khấu. Với tôi, hạnh phúc là được đứng trên sân khấu, cảm giác đó lạ lắm.

Gia đình của Tuấn Minh.

Tôi nhớ, từ ngày còn bé, tôi được bố mẹ cho đi xem những vở cải lương, trong tôi nhiều cảm xúc lắm. Tôi cảm giác như một thế giới khác đang mở ra trong mình, như một cuộc sống đang hiển hiện song hành với cuộc sống của mình. Nó ám vào đầu tôi đến bây giờ. Đó là lý do vì sao tôi sa sả tập mà quên hết mọi mỏi mệt, đau đớn.

Tôi bị hạn chế về chiều cao so với bạn diễn nên phải độn giày lên chừng 7-8 phân, đau lắm. Hôm diễn ở Nhà hát Lớn, tôi bị chệch chân ngay từ bước đầu tiên. Đau đớn mà vẫn phải diễn như thường. Nhưng tôi nghĩ, cái gì cũng có giá của nó, không lao động, không tìm tòi, vật vã với nó, ngấm nó, thì không thể nhập tâm vào nhân vật.

Khi nào người diễn viên sống được với nhân vật thì nhân vật sẽ sống, còn khi nào cố tình sống cùng  nhân vật thì sẽ gượng gạo. Phải đạt tới sự tự nhiên như hơi thở. Điều đó rất khó.

- Vâng, đòi hỏi sự khổ luyện, dấn thân, điều mà nhiều bạn trẻ không làm được. Vậy anh sẽ bước tiếp con đường của mình thế nào?

+ Tôi chỉ có một khao khát được làm nghề, được đứng trên sân khấu. Còn về sau này, tôi sẽ làm đạo diễn, làm người truyền lửa cho giới trẻ. Sân khấu bao giờ cũng là ưu tiên lớn nhất của tôi. Bởi chúng tôi phải làm đủ nghề để nuôi dưỡng tình yêu của mình như đóng phim, làm quảng cáo, đóng hài kịch. Nhưng tôi sẽ bỏ những thứ đó nếu cần thời gian cho sân khấu.

Tôi đã bỏ phim để làm vở "Đam San" và được giải Nam diễn viên chính xuất sắc. Khi tập "Hamlet", tôi cũng bỏ một bộ phim truyền hình. Cuộc sống, đôi khi mình chỉ được chọn một thôi,  muốn có cả vợ và người tình rồi bắt cả hai đều chung thủy thì khó lắm.

Số tôi may mắn, mất cái này tôi được cái khác, với Hamlet thì cả cuộc đời tôi không có cơ hội nào may mắn hơn nữa, bởi được vào vai Hamlet, không chỉ riêng tôi mà bất kỳ diễn viên nào trên thế giới cũng đều ao ước.

- Vợ anh cũng là diễn viên ở nhà hát. Ai đó nói rằng, tình nghệ sĩ mong manh. Anh có lo sợ điều đó?

+ Vợ tôi luôn đứng phía sau giúp tôi tỏa sáng. Cô ấy đã hy sinh vì tôi, một người bay còn một người chân phải chạm đất để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Chúng tôi đã yêu nhau 10 năm rồi. Điều quan trọng là chúng tôi hiểu, tin và tôn trọng nhau. Đó là nền tảng cơ bản nhất. Tôi yêu trên sân khấu tương đối nhiều, mỗi vở một cô. Nếu  vợ tôi không hiểu điều đó sẽ rất mệt. Tôi vẫn tin những giá trị truyền thống luôn bền vững.

- Có vẻ vì thế nên anh đứng ngoài những chiêu trò để nổi tiếng?

+ Tôi chỉ quan tâm đến làm nghề thôi. Đôi khi tôi thấy người ta tự đánh bóng mình chứ phàm là con người đều như nhau cả. Tôi thấy nhiều diễn viên cũng trưởng thành từ sân khấu kịch. Những người nổi tiếng như Xuân Bắc, Trung Anh, Quốc Khánh, nhưng cuộc sống của họ rất giản dị, chẳng cần chiêu trò gì để nổi tiếng bởi chính bản thân họ đã là những giá trị rồi.

Cái gì nhảm thì sẽ không đọng lại lâu, nó có thể đình đám trong một thời gian nhất định mà thôi. Tôi vẫn tin, cái gì giá trị thì vẫn đọng lại. Sân khấu như một vòng tròn, người ta đi mãi thì cuối cùng lại trở về với điểm khởi đầu của những giá trị kinh điển mà thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

PV (thực hiện)
.
.
.