Ngạc nhiên và xúc động về phóng viên Nhật Bản 89 tuổi vẫn hăng say đưa tin World Cup

Thứ Năm, 17/07/2014, 10:00
Hiroshi Kagawa, năm nay 89 tuổi, là nhà báo nhiều tuổi nhất đến Brazil làm việc tại World Cup năm nay - kỳ đại hội bóng đá thế giới thứ 10 của cá nhân ông.

Ngồi yên lặng trong phòng báo chí của FIFA, Hiroshi Kagawa điềm đạm giữa tất cả những phóng viên trẻ tuổi khác. Trong không khí nhộn nhịp và ồn ào, Hiroshi Kagawa chậm rãi kể lại câu chuyện của cuộc đời ông với ánh mắt rực sáng.

"Tôi đã đi nhiều nơi. Đầu tiên là ở sân Olympiastadion tại Munich. Trận chung kết World Cup 1974 vẫn còn hiện ra rất sống động trong đầu tôi. Johan Cruyff mặc áo màu cam và Franz Beckenbauer trong trang phục trắng. Tôi thật biết ơn họ"- người đàn ông già nhỏ bé, nheo mắt kể lại.

Sau này, Hiroshi Kagawa viết lại trong Tạp chí Hành trình World Cup (Nhật Bản): "Berti Vogts là một người đàn ông tài giỏi". Đó là điều đầu tiên ông mô tả về về hậu vệ huyền thoại của tuyển Đức trong trận chung kết năm 1974, người đã kèm chặt cầu thủ tài năng bậc nhất mọi thời đại của bóng đá thế giới Johan Cruyff.

Bốn năm trước tại Nam Phi, Hiroshi Kagawa đã không thể có mặt do vấn đề sức khỏe. Bệnh tật, tuổi già làm ông mất cơ hội dự World Cup lần thứ 10 liên tiếp nhưng thượng đế đã đền đáp cho ông chuyến đi đến Brazil cuồng nhiệt năm nay.

Hiroshi sinh ra tại Kobe, từ đây ông đã đi khắp nơi trên thế giới để đưa tin. Ông nói: "Tôi gặp nhiều người đến từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Điều đó cho tôi hiểu rằng, thế giới thật rộng lớn". Giữa những phóng viên trẻ lúc nào cũng ngập trong sức ép công việc, hạn nộp bài, Hiroshi Kagawa ngồi im lặng theo dõi trận đấu của đội tuyển Nhật Bản. Những phóng viên khác lỉnh kỉnh các món đồ của thời đại công nghệ, nào là thiết bị ghi hình, ghi âm, máy tính, sạc pin… Hiroshi chỉ có cây bút chì và một quyển sổ nhỏ.

Phóng viên Hiroshi Kagawa cần mẫn tác nghiệp.

Hiroshi ca ngợi những người đồng hương - cũng là những người đồng nghiệp trẻ tuổi - đang rót nước cho ông. Tuổi già khiến ông chậm lại, đi đứng khó khăn, nhưng không bao giờ đánh gục sự đam mê trong ông. Những phóng viên trẻ người Nhật khác giúp ông nhiều, giúp ông chụp hình và "sống sót" trong cuộc chiến đưa tin của báo chí.

Hiroshi gia nhập quân ngũ năm 1944 và tham gia chiến tranh thế giới thứ hai. "Tôi là một người may mắn khi sống sót", ông nói về lòng biết ơn cuộc đời đã cho ông cơ hội nuôi dưỡng đam mê với bóng đá. "Bóng đá là một điều tích cực, nó là thứ có thể giúp Nhật Bản phát triển"- ông nói tiếp.

Hiroshi bắt đầu nghiệp phóng viên thể thao từ những năm 1950, ông vẫn còn nhớ lần đưa tin CLB Helsingborg (Thụy Điển) đến Nhật Bản năm 1951. Hiroshi mơ ước một ngày nào đó Nhật Bản sẽ trở thành cường quốc bóng đá thế giới. Nhưng theo ông, đất nước mặt trời mọc còn gặp nhiều chông gai trên con đường này. Ông nói: "Bóng đá ít phổ biến ở Nhật Bản, xếp sau bóng chày và thậm chí sau cả rugby. Nhiều người bi quan cho rằng, người Nhật Bản quá nhỏ bé để chơi bóng đá".

Buổi nói chuyện bị gián đoạn bởi tiếng la hét trong khu vực báo chí, có một đội bóng nào đó vừa ghi bàn. Hiroshi đẩy gọng kính dày lên, mắt sáng rực và lại chăm chú theo dõi từng nhịp lăn của quả bóng

Trường Minh (tổng hợp)
.
.
.