Nghệ nhân dân gian Vũ Văn Hồng: Đắm say một đời đàn Đáy

Thứ Năm, 25/10/2012, 09:57
Đêm đêm, tiếng đàn đáy của nghệ nhân dân gian Vũ Văn Hồng vẫn vang lên ở đình Kim Ngân, Hà Nội. Da diết, tinh tế, nỗi niềm ca trù réo rắt trong tiếng đàn của cụ Hồng. Tuổi 93, bước chân run run. Ánh mắt mờ đục. Nhưng gân đàn vẫn còn tha thiết lắm với những âu lo, khi mình chết, không còn ai chơi đàn, di sản ca trù sẽ đi vào quên lãng...

Tiếng đàn qua hai thế kỷ

Làng Phú Mỹ xưa, giờ thuộc Mỹ Đình, Hà Nội là một giáo phường ca trù nổi tiếng. Tương truyền rằng, bà tổ ca trù của làng Phú Mỹ từng vào kinh thành hát cho nhà vua nghe. Tiếng hát của bà đã khiến nhà vua xiêu lòng, được rước vào dinh làm vợ. Đền thờ tổ ca trù giờ chỉ còn lại một tấm bia ở cuối làng.

Phú Mỹ xưa, họ Vũ ai cũng mê và biết hát ca trù. Anh chị em cụ Hồng, 6 trai, 3 gái đều mê và biết ca trù. Lúc bấy giờ ở Hà Nội có câu: "Đinh Phú Đa/ Điền Phú Mỹ". Nhà cụ Hồng không nhiều đất ruộng như các gia đình khác nhưng bù lại, có nghề dạy hát ca trù nên cũng vào hàng khấm khá và có uy tín trong làng.

Các gia đình có con gái chín mười tuổi đã gửi cha mẹ cụ Hồng để học đàn, học hát. Cụ bà tên Mạch là một trong những đào nương có sắc, có tài. Cụ ông là cụ Vũ Uyên không chỉ là tay đàn giỏi mà còn là một người thầy có tâm, có đức. Trong nhà không lúc nào ngơi tiếng đàn tiếng hát. Cụ ông, cụ bà lại còn nhận thêm các con nuôi nên lại càng đông vui

Lớn lên trong tiếng đàn lời ca, trong nhịp gõ phách và tiếng trống chầu, ca trù thấm vào cụ từ ngày bé. 13 tuổi, cha buộc Vũ Văn Hồng làm quen với cây đàn đáy. Chiếc đàn dài 1m7, mà Hồng thì bé tí. Cha phải buộc dây vào đàn treo lên tường để đàn không bị đổ. Nhưng cụ Hồng còn là đưa trẻ ham chơi. Học được một lúc, cha sểnh đi, Vũ Văn Hồng lại chạy ra chơi khăng, chơi đáo với chúng bạn. Nhưng hễ nhìn thấy bóng cha là ngồi vào đàn nghiêm chỉnh.

Nghệ nhân Vũ Văn Hồng trong tác phẩm Báu vật nhân văn sống của tác giả Việt Văn.

Chỉ có 5 cung nhưng chia ra làm 2 cung Nam, cung Bắc. Từ các cung đó khi luyện vào bài hát thì biến hoá vô cùng, vừa phải học vừa phải cảm và có sự kiên trì mới thành tài. Phải mất 5 năm sau, cụ Hồng mới có thể trở thành một tay đàn độc lập để ra nghề. Ngày đó học đàn đáy được coi là một nghề kiếm sống.  

18 tuổi, Vũ Văn Hồng cùng cây đàn đáy đã nổi danh ở khắp các gánh hát, từ Nhật Tân, Quảng Bá, đến Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Bạch Mai. Ngón đàn ông càng ngày càng điêu luyện. Tiếng lành đồn xa. Các anh chị nhà cụ Hồng người có vốn liếng, mở nhà hát ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở. Hồng là em ông chủ. Chơi đàn điệu nghệ. Nên được nhiều người mê. Những cô gái hâm mộ, trong đó có nhiều đào nương xếp hàng dài.

Mất 6 năm để học và hiểu được cây đàn đáy. Nhưng thời gian biểu diễn của ông chỉ vỏn vẹn chừng 7 năm. Mỗi tháng kiếm rủng rỉnh 20 đồng, nhờ hát cửa đình. Vào những tháng lễ hội tháng 2, tháng 3 hàng năm. Người dân chen chúc nghe hát. Cụ chơi được những bài khó như Thiên Thai, Bắc Phản, Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Hồ Tây, Gửi thư...

"Học đàn đáy rất khó. Bởi nó không có nhạc lý mà chỉ học truyền khẩu, cung nam, cung bắc, học theo lời hát. Đòi hỏi sự kiên trì và cả sức cảm của người chơi đàn, hiểu được lời ca". Thế nên, 9 người anh em của gia đình cụ Hồng đều biết ca trù, nhưng chơi đàn đáy chỉ có mình cụ Hồng.

Khắc khoải trước ca trù ngày mai

60 năm bỏ quên cây đàn, lăn lộn mưu sinh. Cuộc đời cụ Hồng cũng đã trải qua nhiều dâu bể. Mối duyên với ca trù đã đưa đến mối duyên trong cuộc đời không mấy bình yên của cụ. Kép đàn tài hoa năm xưa, là niềm ngưỡng mộ của rất nhiều cô gái. Mối tình đầu được bố mẹ sắp đặt với một ca nương xinh đẹp hát hay. Nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Chàng trai phong tình thả hồn vào những mối tình thơ, lãng mạn và ý vị trong mộng tưởng, nhưng lại gặp những bi kịch trong đời thường. Cụ nói, có lẽ là số phận. Và đôi khi, tiếng đàn đã vận vào cuộc đời tôi. 6 cuộc hôn nhân đi qua. Những người đàn bà bỏ cụ Hồng ra đi. Người lên phố, kẻ theo gánh hát.

Nhiều người số phận cũng nổi trôi. Đến tận 40 tuổi, cụ mới kết hôn với một người phụ nữ thuần hậu chất phác, không biết đến tiếng đàn lời ca, nhưng biết chăm lo cho cuộc sống đời thường. 40 tuổi, cụ Hồng mới có hạnh phúc được làm cha. Nhưng cụ cũng chỉ sống với vợ được 10 năm. Bà mất, để lại 4 đứa con. Từ đó, cụ Hồng sống một mình, bươn bả nuôi đàn con khôn lớn.

Nhưng trong tâm tưởng cụ Hồng, những giai điệu buồn bã, tinh tế của ca trù vẫn là nỗi ám ảnh, nhung nhớ. Năm 2006, nghe tin ở Bích Câu đạo quán có Câu lạc bộ ca trù. Cụ Hồng bắt xe ôm đi ra đó. Đến tận lần thứ 4 mới gặp được Bạch Vân, chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội. Bạch Vân mừng quá, mời cụ về nhà. Tiếng hát của chị từ nay không còn cô đơn, lạc lỏng nữa.

Sau 60 năm, chân tay quen với đồng ruộng, run run nhận lại từ đào nương cây đàn đáy, cụ Hồng biết, mình sẽ không rời xa một lần nữa. Bàn tay chai sần vì mưa nắng, ngón tay cứng lại vì thời gian. Nhưng những ngón đàn nằm trong huyết mạch, chỉ cần một chạm khẽ, tất cả lại sống lại như mới hôm nào. Một tuần để nhớ, và chỉ một tháng, ngón đàn cụ Hồng đã nhuần nhuyễn trở lại

 Từ đó, hàng đêm thứ 4 và chủ nhật ở Bích Câu đạo quán và Đình Kim Ngân, Bạch Vân lại vào tận nơi đón cụ Hồng. "Tôi đi diễn không vì tiền. Bởi tiền sẽ không bao giờ mua được tiếng đàn. Chỉ cần được chơi đàn là tôi vui rồi".

Thế rồi, tiếng đàn của cụ Hồng rong ruổi theo Bạch Vân và Câu lạc bộ ca trù Hà Nội đi biểu diễn khắp nơi. Khi Thanh Hóa, Quảng Ninh. Khi Sapa, Lào Cai. Nơi nào mời là cụ lại hăm hở lên đường. Tuổi cao, sức yếu, nhưng niềm say mê của cụ khiến đám trẻ ngạc nhiên thán phục. Còn cụ chỉ cười, nụ cười lẫn trong chòm râu bạc như cước, hiền hậu, dí dỏm: "Tôi được tổ nghề tiếp sức cho ấy mà".

Tôi đã nhiều đêm ngồi ở đình Kim Ngân, nghe cụ Hồng chơi đàn. Cái dáng cao gầy mảnh khảnh, bước chân run run. Nhưng khi cụ ngồi vào chiếu đàn, thì dường như đã quên mất mình 93 tuổi, say đắm với cung Nam cung Bắc, theo tiếng nẩy của người hát. Dường như cụ đang dồn hết những tinh lực cuối cùng của cuộc đời vào tiếng đàn, khi nghe nhẹ tựa như gió, khi da diết buồn thương như nỗi lòng người lữ khách.

Cụ Hồng đệm đàn cho thí sinh tại cuộc thi Vietnam got talent 2011.

Người nghe chỉ dăm ba. Chủ yếu là khách Tây. Thỉnh thoảng có mấy người Việt sành nghe ca trù, họ đều thuộc hạng "con nhà" ngày xưa. Tìm được người nghe, như tìm được tri âm. Tiếng đàn càng thăng hoa. Thế nhưng, thật hiếm hoi. Nỗ lực của Bạch Vân và cụ Hồng dường như càng ngày càng vô vọng khi sau 3 năm trở thành di sản của thế giới, ca trù đang có nguy cơ biến mất.

Các anh chị nhà cụ Hồng đã khuất núi. Di sản ca trù còn mình cụ nắm giữ. Cụ Hồng tha thiết muốn con cháu theo tổ nghiệp, nhưng hồi các con còn nhỏ, xã hội còn nhiều định kiến với ca trù. Khi Nhà nước khôi phục ca trù thành di sản thì con đã lớn.

Các cháu có những mối bận tâm riêng. Để dụ chúng học ca trù, cụ đã trả thù lao cho mỗi buổi học. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, thù lao không còn hấp dẫn, cháu chán, bỏ đàn. Cụ Hồng thở dài. Ánh mắt xa xăm. Tôi hiểu nỗi buồn của cụ, khi một muốn truyền lại cho con cháu những ngón đàn trước khi rời xa cõi sống mà chẳng thể tìm được ai.

Xưa đàn đáy chỉ có kép nam. Giờ nữ tìm đến học, cụ Hồng nhận lời ngay, không lấy tiền học phí. Nhiều trò tìm đến nhưng được dăm bữa, nửa tháng đã đứt gánh giữa đường. Học đàn đáy, đòi hỏi sự khổ luyện, không thể ngày một ngày hai. Nhưng trò giờ có lẽ đã quen cuộc sống công nghiệp. Lấy ai còn say đắm với đàn.

Mấy hôm nay chị Bạch Vân ốm. Không có ai vào đón cụ Hồng ra đình Kim Ngân. Cụ buồn, lẩn thẩn vào ra. Tiễn tôi ra về cụ dặn với: "Nếu tối chủ nhật con có thời gian, qua đây chở cụ lên đình Kim Ngân. Không được chơi đàn, cụ buồn lắm". Tôi cứ đứng lặng người đi...

Năm 2011, tại Liên hoan Ca trù toàn quốc, kép đàn Vũ Văn Hồng được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Nhưng danh hiệu cũng chỉ là danh hiệu mà thôi. Những người như cụ Hồng không hề nhận được một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước. Họ vẫn sống âm thầm lặng lẽ. Và rồi, chính họ cũng sẽ âm thầm ra đi mang theo cả di sản của ông cha.

Khánh Linh
.
.
.