Nghệ sĩ Bùi Công Duy:

Nếu không tự vận động và thay đổi, chúng ta sẽ chết

Thứ Bảy, 13/08/2016, 15:21
Bùi Công Duy luôn thấy may mắn khi quyết định trở về Việt Nam. Bởi anh được cọ xát, được thử thách và được làm những điều mình muốn, cho âm nhạc cổ điển Việt Nam… Bởi ở đó, anh không chỉ xuất hiện với tư cách là một nghệ sĩ chơi đàn.


- Festival âm nhạc quốc tế sắp diễn ra tại Việt Nam, với tư cách là nhà tổ chức, chắc anh sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn khác. Điều gì đưa một nghệ sĩ chơi đàn đẳng cấp như anh chuyển qua vai trò là nhà tổ chức?

+ Mục đích của festival âm nhạc quốc tế không phải kinh doanh. Đây là dịp để các nghệ sĩ tham gia và cùng chơi những thứ mình thích, là cơ hội giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Rất nhiều nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, đó cũng là dịp để chúng ta quảng bá văn hóa, con người Việt Nam.

Với tư cách là một nhà tổ chức, chương trình này giúp tôi hiểu hơn được thực trạng của ngành văn hóa Việt hiện nay. Trước đây, văn hóa, nhất là âm nhạc cổ điển được nuôi dưỡng trong bao cấp, các buổi hòa nhạc đều có nhà nước chống lưng. Khán phòng có thể đầy, nhưng chưa chắc đã là thực chất.

Chúng ta hay mặc định, đã tổ chức thì phải đông, nếu vé không bán được hết thì thường phát miễn phí trước giờ diễn. Chính điều đó đang giết chết nghệ sĩ. Bảo sao các nghệ sỹ mình nghèo vì tư duy bao cấp đó đang hạn chế sự phát triển của ngành nghệ thuật hàn lâm. Festival kiên quyết không làm việc đó.

Có thể khán phòng 850 chỗ chỉ có 400 người đến xem thì chúng tôi vẫn biểu diễn, vì đó là 400 khán giả thực sự có nhu cầu thưởng thức và họ tự bỏ tiền ra mua vé. Tư duy bao cấp khiến các nghệ sĩ luôn nghĩ rằng, chỉ cần được chơi đàn thôi, thù lao ít cũng không sao, như thế chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ được.

Việt Nam đã có nhiều thay đổi, trong xu thế xã hội hóa, các nhà hát đang rất khó khăn, nếu nghệ sĩ cứ mang tư tưởng bao cấp thì rất khó tồn tại lâu dài. Nếu chúng ta không tự vận động, không thay đổi, chúng ta sẽ chết. Đừng nhìn vào những chương trình mỗi năm chỉ có một số đêm hòa nhạc kín chỗ mà lạc quan.

Một thủ đô văn hóa phải có nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật cho mọi người thưởng thức. Chúng ta đã có nhiều chương trình bán vé nhưng mọi người vẫn có thói quen, cứ hòa nhạc, nhạc cổ điển là xin vé mời. Tư duy đó sẽ không thể giúp ích cho sự phát triển nghệ thuật hàn lâm nước nhà.

- Nhưng nhiều người quan niệm, nghệ sĩ chỉ biết biểu diễn thôi?

+ Đó là khi anh ở một đất nước có truyền thống âm nhạc hàn lâm lâu đời hoặc đang phát triển mạnh mẽ, còn thực trạng của nước ta như thế nào, chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn được, nên người nghệ sỹ phải học cách thích nghi với hoàn cảnh của mình.

Những chương trình đầu tiên của festival Âm nhạc đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Nghệ sỹ bây giờ không nên thụ động, họ phải linh hoạt hơn. Ở nước ngoài, các tập đoàn lớn đều có kinh phí tài trợ cho nghệ thuật, Việt Nam thì chưa có điều dó, mình buộc phải tự vận động, tổ chức bán vé, kiếm tiền. Tôi nghĩ sự thay đổi này là cần thiết, giúp mình hoàn thiện bản thân hơn.

- Nhưng liệu sự đa năng đó có ảnh hưởng đến chất lượng và chiều sâu không, khi âm nhạc cổ điển đòi hỏi những quy chuẩn rất rõ ràng?

+ Khi nghệ sĩ đạt đến một trình độ nhất định nào đó và đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội thì mọi công việc cũng sẽ luôn dựa trên chuẩn mực và uy tín của chính mình. Nghề này khó lắm, học lâu, khẳng định cũng lâu. Diễn một buổi thành công chưa nói lên điều gì cả.

Nếu muốn có một dấu ấn phải mất ít nhất 10 - 20 năm, những chiêu trò sân khấu chỉ qua mắt được vài lần và không thể tồn tại lâu dài. Sự thanh lọc của nó rõ ràng, sòng phẳng. Sự năng động, đa năng của nghệ sĩ là cần thiết, đồng thời vẫn phải  đảm bảo được chiều sâu, chất lượng.

- Tôi cũng thấy một thực trạng, nhiều bạn trẻ bây giờ không lựa chọn cổ điển mà đi theo con đường đa năng đó. Liệu có phải là một tín hiệu tốt?

+ Đúng, nhiều bạn trẻ bây giờ chọn con đường mới, chơi những thể loại dễ nghe hơn, gần với thị trường hơn và các em làm cũng chuyên nghiệp hóa hơn, có ban nhạc riêng, quản lý riêng… Họ là những người năng động, tạo được những dấu ấn riêng. Tuy nhiên, mỗi con đường đều có những hạn chế nhất định, thường nhanh nổi thì hay nhanh chìm.

Hiện nay học nhạc rất thuận lợi vì các em học sinh có nhiều học bổng đi học ở nước ngoài, nhưng nhiều em đã từ chối vì sợ mất cơ hội ở Việt Nam. Âm nhạc hàn lâm là nghề không nóng vội được, mà nhiều người cứ muốn ngay, nhưng đó là quyền lựa chọn của mỗi người.

- Như vậy, chúng ta đang có sự lãng phí lớn về tài năng?

+ Có, chúng ta có một số lãng phí vì bây giờ thị trường mở, nhiều cơ hội kiếm tiền thêm nên làm các em dễ bị cám dỗ. Ngoài ra, có một số em khả năng tốt, rất đam mê, nhưng có theo lâu dài được hay không thì còn cần phải có người định hướng đúng cho các em.

Nhiều em rất năng khiếu, nhưng nếu sa đà biểu diễn quá sớm thì sẽ ảnh hưởng đến con đường phát triển lâu dài. Nếu có điều kiện, thì nên cho các em đi học ở nước ngoài, càng sớm càng tốt.

- Nhưng cũng có một thực tế là nhiều người đi học ở nước ngoài ngại không về nước vì không có đất dụng võ?

+ Vì đa số mọi người ngại mạo hiểm. Đó cũng là lựa chọn của mỗi người thôi. Nếu sống ở nước ngoài, có lẽ tôi sẽ chủ yếu là chơi đàn, chứ không đa năng như bây giờ. Về Việt Nam, ở trong môi trường mà mọi thứ còn sơ khai như thế này, tôi đã khám phá ra được rất nhiều và cuộc sống khá thú vị.

Mọi người cứ lo không có môi trường làm việc và biểu diễn. Nhưng tôi lại nghĩ khác, môi trường do mình tự tạo, như Festival này là do mình tạo ra đấy chứ. Mình tự tạo và sống với nó.

Thời điểm tôi về nước, ít ai về. Nhưng ở lại có thực sự được như mình mong muốn không, cũng là dấu hỏi. Những người Việt ở nước ngoài thành công thực sự hiếm lắm, như NSND Đặng Thái Sơn là số ít và để có được thành công như vậy ở nước ngoài hoàn toàn không đơn giản.

Nếu ai cũng chọn ở lại thì đất nước mình bao giờ mới phát triển được. Tuy nhiên, phía Nhà nước cũng nên có một chính sách khuyến khích để những người đi học lâu năm ở nước ngoài mong muốn được về cống hiến cho Việt Nam.

- Gần 10 năm lựa chọn về sống và làm việc ở Việt Nam, có những lúc mỏi mệt, có những va đập, tôi tự hỏi, liệu khi nào Bùi Công Duy ân hận với lựa chọn của mình không?

+ Tôi không có gì ân hận, thậm chí thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình. Ngày đó, rất nhiều người phản đối việc tôi về Việt Nam. Tôi thích thử thách thì tôi về, tôi nghĩ mình đã đúng. Tôi mong mọi người về nước nhiều hơn, dù về Việt Nam chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thứ, nhưng nếu mình có đủ đam mê và năng lực thực sự, thì mình vẫn sẽ phát huy được. Mọi người giữ định kiến về Việt Nam bị thui chột là không đúng, bây giờ đất nước mình mở rồi, nếu có năng lực, thì ở đâu cũng sống được.

- Về nước làm việc và cống hiến, nhưng còn nhớ, cách đây mấy năm, việc phong tặng NSƯT với anh còn bị nâng lên đặt xuống. Anh có buồn không?

+ Đối với tôi, thước đo NSND hay NSƯT chính là khán giả. Khi tôi biểu diễn được khán giả quan tâm, ủng hộ đó là niềm vui lớn nhất của nghệ sĩ. Thế giới luôn có nhiều sự bất cập, đôi khi thiếu công bằng, nên tôi không quá bận tâm.

 - Cuộc sống thường ngày của một nghệ sĩ violon như Duy diễn ra thế nào?

+ Nghệ sĩ cũng là người bình thường. Làm người bình thường cũng không phải dễ. Tôi sống giản dị, đời thường, có một vài sở thích cá nhân để cân bằng cuộc sống. Nhưng cảm giác thích nhất vẫn là sự tĩnh lặng.

- Chúng ta cũng nói mãi về cuộc sống khó khăn của các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cổ điển, vì ở Việt Nam họ không có nhiều đất diễn. Còn Duy thì sao?

+ Tôi nghĩ, theo đuổi nghệ thuật thì không thành triệu phú được đâu. Tất cả là do sự tự cân bằng cuộc sống của mình, nếu nhu cầu cao hơn khả năng thì sẽ khổ. Bây giờ, thần đồng tự phong nhiều quá. Cứ gọi là có khả năng, có năng khiếu là tốt rồi, chúng ta quá lạm dụng từ tài năng, thần đồng. Tài năng là phải có gì rất đặc biệt, vượt trội, và tài năng không có nhiều. Còn thần đồng thì phải tầm cỡ như Mozart, Bethoven hay Kissin, Vengerov, Repin..…

Bản thân tôi cũng chỉ nhận là mình có khả năng, năng khiếu tốt trong thế kỷ 21 hiện nay thôi (ở giai đoạn cách đây 20 năm thì may ra còn có thể được gọi là tài năng). Phải nhìn ra thế giới, bây giờ mọi người giỏi lắm, 4 tuổi đã chơi rất siêu và học đàn từ 2 tuổi. Chúng ta cứ tự tung hô nhau, có thể nói chuẩn mực quốc tế thế kỷ 21 của chữ "tài năng" ngày một cao xa và khó chạm tới. Mình nên khích lệ, nhưng không ảo tưởng.

Những gì liên quan đến chuyên môn sâu, nên có sự kiểm duyệt qua những người có uy tín trước khi phát ngôn sẽ chính xác hơn. Sự thổi phồng và những giá trị ảo có phần đang chiếm lĩnh đời sống âm nhạc của chúng ta.

- Với tư cách là một người thầy, anh có lời khuyên gì với những bạn trẻ đang theo đuổi dòng nhạc cổ điển?

+ Các em phải xác định cho mình một tâm thế không vội vàng. Tôi đi diễn 20 năm rồi cũng chưa thấm thía gì, đi càng xa càng khó. Theo tôi ở đâu cũng có những bất cập, không nơi nào tốt hết, không nơi nào tồi hết cả, Việt Nam cũng có những cơ hội cho mình. Phải kiên trì nuôi dưỡng đam mê, không ngừng luyện tập, học hỏi với tinh thần lạc quan.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.