Nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân: Cây đàn cello với tôi như là một

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:39
Fundamento đã đi đến mùa thứ 4. Đó cũng là chương trình duy nhất tại Việt Nam thời điểm này do một nghệ sĩ cello khởi xướng, tôn vinh cây đàn cello như một nhạc cụ solo. Theo đuổi cello và quyết tâm đi con đường khó, mang tiếng đàn của mình đi khắp thế giới. Đó là những giấc mơ mà cô gái nhỏ bé đến từ miền Trung nắng gió sẽ biến thành hiện thực trong hành trình âm nhạc của mình.


- Cây đàn cello đến với chị từ khi nào?

+ Tôi lớn lên ở Huế, lúc đó Nhạc viện Huế chưa có đàn cello, tôi vào học bằng piano, organ, ghita, thậm chí cả múa. Một ngày tôi nhận ra rằng, tôi chưa thực sự hòa quyện được với những nhạc cụ  đó. Đến một ngày cello xuất hiện, lần đầu tiên được nhìn thấy cây đàn cello, từ hình dáng đến âm thanh trầm ấm của nó, tôi bị khuất phục ngay, tôi yêu và mê luôn từ ánh mắt đầu tiên. Lúc đó tôi đã 18 tuổi. 

Đinh Hoài Xuân.

- Đến với cello muộn, nhưng chị đã có những cú bứt phá thành công cho thấy sức lao động miệt mài và tình yêu của chị dành cho cây đàn. Hành trình đó như thế nào?

+ Chính vì từ đầu thiệt thòi nên tôi phải cố gắng rất nhiều. Có những giai đoạn, vì quá khó khăn nên tôi không ra hẳn Hà Nội học được mà phải đi những chuyến xe đò rất ít tiền và ôm theo cây đàn to tướng. Nhiều lúc ngủ quên mở mắt ra thấy có gà, vịt, có heo, đó là những kỷ niệm không thể quên. Tôi đã đi ra Hà Nội một năm liền như vậy để ôn thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia với số điểm rất cao.

Huế là nơi nuôi dưỡng tâm hồn tôi khi tôi lớn lên và chính mảnh đất nắng gió, gian khổ ấy càng giúp tôi quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn. Khi học đại học và thạc sĩ ở Hà Nội, tôi là người chăm nhất khoa cello. Cello với tôi như là một, ăn cùng cello, ngủ cùng cello và nằm mơ cũng cello.

- Nhiều nghệ sĩ học xong, họ sẽ chọn con đường trở thành một nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng. Còn chị, vì sao chị không chọn con đường yên phận đó?

+ Tôi đã làm với dàn nhạc trong 2 năm, tôi hoàn toàn không tìm thấy cái tôi của mình trong dàn nhạc và tôi nhận ra đây không phải là con đường của mình. Điều quan trọng là phải tự biết mình hợp với con đường nào. Tôi nghĩ rằng, con đường kia quá khó khăn nhưng mình có một cuộc đời để sống và thời gian để làm, tại sao mình không thử. Tuổi trẻ cứ thử đi. Tôi xác định mình phải bỏ ra nhiều thời gian để tu luyện và học một cách thực sự, nếu không thành công thì mình cũng không hối tiếc. Và tôi đi học, đau đáu mơ ước trở thành một nghệ sĩ solo và không chỉ solo ở Việt Nam mà còn hướng ra thế giới.

Mình cứ làm thôi, từng bước, từng bước như con kiến nhặt lâu đầy tổ. Khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, tôi tìm con đường riêng cho mình và thấy con đường còn quá xa nên tôi quyết định phải đi học tiếp và vươn ra thế giới, phải chạm tay tới cái nôi của âm nhạc cổ điển và may mắn đến tận 3 năm sau tôi mới có được suất học bổng toàn phần đi du học ở Đại học Âm nhạc Quốc gia Bucharet.

Đinh Hoài Xuân là nữ tiến sĩ cello đầu tiên của Việt Nam.

Và trong 3 năm chờ đợi đó, tôi phải đi đường vòng, ra mắt các sản phẩm âm nhạc như album “Khúc phiêu du một đời” gồm 8 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chuyển soạn cho đàn Cello và dàn nhạc bán cổ điển trình tấu năm 2013, bộ phim ca nhạc “Hướng về Hà Nội” để tiếp cận dần với các bạn trẻ.

Suốt 4 năm du học ở Bucharet, tôi chỉ biết có 3 con đường, không phải vì tôi không thích đi chơi, khám phá, mà tôi quyết tâm đã thiệt thòi thì đây là cơ hội cho mình vươn lên. Tôi dành 8 tiếng 1 ngày để luyện đàn và tôi chỉ biết đường đi ra siêu thị, đi ra Đại sứ quán nhận học bổng và đường đến trường. Bền bỉ như vậy trong vòng 4 năm, tôi tốt nghiệp xuất sắc và luận án được Hội đồng giáo sư in ra sách với 3 thứ tiếng cùng với dự án Cello Fundamento phổ cập cello ở Việt Nam.

- Thực tế, có nhiều nghệ sĩ tài năng của chúng ta đã ra nước ngoài học và không trở về vì không có đất dụng võ, chúng ta đang bị chảy máu chất xám về nghệ thuật. Còn chị, vì sao chị chọn trở về khi cây đàn cello vẫn còn khá xa lạ với công chúng?

+ Tôi không hẳn trở về cũng không hẳn ra đi, tôi sẽ 50-50 giữa đi và về. Và Fundamento không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà con đi ra thế giới. Nhưng mơ ước đau đáu cho sự nghiệp riêng của mình là tôi muốn trở thành một nghệ sĩ solo được solo với các dàn nhạc danh tiếng trên thế giới. Tôi sẽ dành cả cuộc đời còn lại để làm. Ở Việt Nam, tôi muốn lan tỏa tình yêu cây đàn, đóng góp vào việc nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc cho các em nhỏ. Còn cá nhân tôi muốn hướng ra thế giới.

Tôi đặt mục tiêu cho 10 năm tới sẽ chạm tay tới ước mơ của mình. Mỗi ngày tôi thức dậy từ 5-6h sáng, dành 6-7 tiếng tập đàn, vì thế, so với các bạn thế giới và Hà Nội, tôi bắt đầu muộn với cello, nhưng tôi tin, thế giới có nhiều tấm gương học muộn nhưng vô cùng thành công, vì thế tôi có động lực để cố gắng. Các huyền thoại âm nhạc, tiếng đàn của họ sống mãi trong lòng khán giả, chính nhờ màu sắc riêng của họ.

Khi kỹ thuật đạt đến một đỉnh cao nào đó thì sự thành công hay không chính là tìm thấy cái tôi của mình. Sau 4 năm được ra với thế giới, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ huyền thoại và một nền văn hóa lâu đời ở Đông Âu, tôi lại càng nuôi một tình yêu mạnh mẽ và khát vọng lớn hơn rằng trăm năm nữa, Việt Nam cũng có một bề dày âm nhạc không chỉ là dân ca, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt mà âm nhạc giao hưởng cũng phát triển ở Việt Nam.

Đinh Hoài Xuân từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

- Còn chị, sau một hành trình dài khổ luyện, chị đã tìm thấy cái tôi của mình?

+ Với concert Cello Fundamento 4 - Home Sweet Home (Trở về) diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đêm 29-12 này, tôi hy vọng khán giả sẽ nhìn thấy màu sắc riêng của mình. Mỗi nghệ sĩ đều có một thế giới nội tâm riêng, một cá tính âm nhạc riêng, quan trọng là họ có tìm được sự đồng cảm với khán giả hay không. Nhiều người cảm nhận được sự nhiệt huyết và nhiều khát khao trong tôi khi chơi nhạc. Điều này góp phần giúp tôi lan tỏa tình yêu cello đến với khán giả.

- Sau 4 mùa tổ chức biểu diễn Cello Fundameto ở Việt Nam, chị có thấy những tín hiệu lạc quan từ phía khán giả?

+ Tôi vô cùng tin vào khán giả, càng ngày càng tin hơn. Khán giả càng ngày càng nghe tinh hơn, biết chắt lọc âm nhạc hơn. Tôi hy vọng vào thế hệ mầm non, các em sẽ có cơ hội tiếp cận âm nhạc cổ điển. Nhìn qua số lượng đặt vé để tôi luôn tin, con đường mình đi là đúng. Tôi để mức vé cao để khẳng định tính chuyên nghiệp và thành quả xứng đáng với nghệ sĩ cổ điển. Tất nhiên, khi tôi học xong tiến sĩ, tôi mới chỉ bắt đầu con đường của mình. Phía trước là một chặng đường khó khăn khác mà tôi phải đối diện.

- Chị nghĩ gì về vai trò của một người tiên phong đưa cây đàn cello trở thành một nhạc cụ solo và phổ cập  cello ở Việt Nam?

+ Mình cứ làm tốt, mọi người sẽ đồng cảm với mình. Chí hướng của tôi được xác định ngay từ đầu và tôi muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực. Bây giờ về Việt Nam, tôi có một nơi luyện tập yên tĩnh ở trên núi để luyện đàn. Rất nhiều người cười và bảo tôi xa rời thực tế quá.

Nhưng tôi không hề, thay vì hàng ngày mọi người đi làm, kiếm sống để có kinh tế thì tôi giảm thiểu tối đa nhu cầu sống của mình, tôi ăn uống đơn giản, có cuộc sống cân bằng, thuận tự nhiên và dành thời gian cho tập luyện. Như thế không phải là hy sinh, thường muốn thành công phải hy sinh những hạnh phúc nho nhỏ khác nhưng tôi không cho rằng, đi cafe, shopping không phải là hạnh phúc phải có trong cuộc sống của tôi.

Mình xác định mục tiêu vào cái gì mình sẽ có thời gian dành cho nó. Các bạn trẻ bây giờ có quá nhiều thứ chi phối nên mất rất nhiều thời gian. Nếu xác định rõ từ đầu thì rất đơn giản. Tất nhiên, mọi thứ không dễ dàng nhưng nếu tình yêu mình lớn mình sẽ vượt qua được.

- Nhiều người cho rằng, nghệ sĩ phải lăn vào đời sống, va đập với đời sống thì tiếng đàn của họ sẽ sâu sắc hơn. Còn chị, chị có đang xa rời đời sống?

+ Tôi không xa rời thực tế mà đang đi đúng con đường của mình. Tuổi thơ của tôi 10 tuổi sống tự lập, xa gia đình, va chạm quá nhiều, quá đủ cơ cực cho cả tiền vận rồi. Giờ tôi chọn một lối sống yên tĩnh hơn để toàn tâm tập luyện. Mỗi tháng tôi diễn một sự kiện nho nhỏ để đủ trang trải. Nhu cầu sống của tôi không nhiều, không hàng hiệu, tôi gội đầu bồ kết, về với thiên nhiên tôi thấy thư thái hơn. Đó là cách phù hợp với tôi, như vậy tôi có nhiều thời gian tập luyện, nhiều concerto đang chờ. Nếu mình cứ toàn tâm toàn ý, giấc mơ một ngày nào đó cũng sẽ trở thành hiện thực.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.