Nghệ sĩ Thanh Bùi: Mình không ngồi đây để trách ai hết

Chủ Nhật, 18/06/2017, 18:57
Mới đây, thông tin nghệ sỹ Thanh Bùi xác nhận ngồi ghế "nóng" của chương trình "Thần đồng âm nhạc - Wonderkids" làm cho nhiều người khá bất ngờ.


Sau khi làm giám khảo của "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên, anh từ chối lời mời ngồi ghế "nóng" của các gameshow dành cho trẻ em; thậm chí anh còn cực đoan tới mức khi cho rằng, nhà đài nên dẹp hết những chương trình này đi...

- Thời gian qua, gần như Thanh Bùi lui về hoạt động chủ yếu trong vai trò người thầy của Học viện Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật SOUL. Sau "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu, anh từ chối tất cả lời mời làm giám khảo của các gameshow. Tại sao Thần đồng âm nhạc là một ngoại lệ, thưa anh?  

+ Tôi chọn làm giám khảo của "Thần đồng âm nhạc - Wonderkids" vì đây là chương trình có nhiều giá trị lồng ghép giữa tính giáo dục và tính giải trí của chương trình. Tôi chọn trở lại và sẽ gắn bó với truyền hình vì chính các con tôi. Sau khi có con, tôi bắt đầu chú ý tìm những chương trình truyền hình có ý nghĩa giáo dục cho con nhưng xem ra có ít chương trình như vậy. Do đó, tôi muốn góp phần tạo thêm món ăn tinh thần cho thế hệ tương lai. 

Ngoài ra, đây là một chương trình giáo dục - giải trí chứ không phải là một gameshow. Trong khi những cuộc thi khác dễ tạo cho người ta cảm giác có thể trở thành thiên tài trong một đêm - một "sự thật" không hề có thật - thì "Thần đồng âm nhạc - Wonderkids" hoàn toàn ngược lại. Chương trình tôn vinh nỗ lực của các em trong một thời gian dài rèn luyện trước đó.

Đặc biệt, chương trình còn tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng sau này thông qua giáo dục và chỉ bằng con đường giáo dục. Đây có lẽ là chương trình duy nhất mà giải thưởng không được trao bằng tiền mặt. Đây cũng là chương trình có giá trị giải thưởng lớn nhất và mang tính cộng đồng nhất từ trước đến nay. 

Mình thấy nghệ thuật dành cho tất cả mọi người. Chương trình này muốn phá vỡ cái suy nghĩ thông thường của xã hội mình, đó là nhạc cổ điển là nhạc chỉ dành cho những người đẳng cấp, để không ai có suy nghĩ rằng tôi đẳng cấp thì tôi phải nghe nhạc cổ điển. Dân mình còn nghèo, còn khổ nhiều.

Qua chương trình này, mình muốn đưa thông điệp đó là muốn làm nghệ sỹ thì phải có nền tảng. Tại sao Thanh Bùi nhận lời ngồi ghế "nóng"? Bởi đây không phải là một chương trình hát. Thời gian qua, chúng ta bị "bội thực" bởi các gameshow ca hát. Cái gì cũng đưa yếu tố ca hát vào. Mình không muốn làm giám khảo của những chương trình hát nữa.

Đây là một sân chơi lành mạnh, đa dạng. Hát có, nhảy có, ba lê có, piano có, trống có… Trong quan điểm của mình, nghệ thuật không phải là đi hát để kiếm tiền. Mình cần những cái gì đó có thông điệp khác hơn. Ngay cả hai chữ "nghệ sỹ", chúng ta cũng cần phải hiểu đúng...

- Cần định nghĩa lại như thế nào là "nghệ sỹ", nghĩa là anh sẽ động chạm tới một bộ phận không nhỏ những người được gọi là "nghệ sỹ" đấy, thưa anh? 

+ Đừng gọi họ là nghệ sỹ. Cũng chẳng có gì là động chạm ở đây cả. Đó chỉ là suy nghĩ khác thôi. Mình nghĩ, nghệ thuật nên được đánh giá cao hơn hoặc ít nhất là bình đẳng về mặt giá trị như những nghề nghiệp khác.

Không ai hơn ai hết nên đừng để nghề nghiệp của mình thấp hơn những nghề nghiệp khác. Khi mình không coi trọng công việc, thì chúng ta sẽ không bàn tới câu hỏi ai động chạm ai nữa…

Đôi khi mình nghĩ, tại sao ông trời cho mình khả năng về âm nhạc, không phải để trở thành người nổi tiếng đâu. Điều không thích nhất và không thoải mái nhất trong cuộc đời Thanh Bùi, đó là người nổi tiếng. Khi mình hỏi học trò của mình, tại sao em muốn học nghề vậy? Có em bảo vì em muốn nổi tiếng...

Đó cũng chính là lí do mà mình theo nghề. Thời gian qua, báo chí, truyền thông đã đưa lên hình ảnh người nghệ sỹ lung linh, hào nhoáng... Nghệ sỹ đâu nhất thiết phải là như thế?

- Vậy là chúng ta có không ít "nghệ sỹ tự nhận", "nghệ sỹ ảo" ư?

+ Không chấp ai được hết. Đừng so sánh Việt Nam với những nước khác. Nền tảng của Việt Nam mình vẫn là một nước đang phát triển sau chiến tranh. Đừng so sánh, đừng bao giờ so sánh. Khi người ta còn đói, còn nghèo, còn khổ thì người ta phải kiếm tiền. Đó là chuyện bình thường. Xã hội nào cũng sẽ phải trải qua điều đó. Mình không ngồi đây để trách ai hết.

Thanh Bùi chưa bao giờ lên báo trách người này người kia, chưa một lần trách ai hết. Cũng chưa lên tiếng chửi một ai và sẽ không bao giờ làm việc đó. Sau khi về Việt Nam, mình học được một từ, đó là "thông cảm". Và những điều Thanh Bùi đang chia sẻ là dưới góc độ một người thầy về câu chuyện giáo dục âm nhạc, nghệ thuật. 

Ở trường, Thanh Bùi không dạy tụi nhỏ để trở thành ca sỹ, nhạc sỹ. Thực sự, cái mình quan tâm hơn là cách giáo dục con người thông qua âm nhạc, nghệ thuật. Thanh Bùi  có may mắn được tiếp cận với những phương pháp giáo dục mới, tiến bộ và thay vì muốn là người nổi tiếng, mình muốn là một nhà giáo dục hơn bất cứ thứ gì khác. Mình muốn dùng âm nhạc nghệ thuật để giáo dục con người.

- Âm nhạc có một vị trí như thế nào trong đời sống của chúng ta?

+ Nếu bạn để ý, cái gì xung quanh mình cũng sẽ là âm nhạc. Tùy cách nhìn nhận của mình. Những người có nghệ thuật, họ sẽ nhìn đời sống tích cực hơn. Họ hiểu cuộc sống sẽ phải có buồn có vui. Và người nghệ sỹ là người sẵn sàng đối mặt với tất cả. 

Sắp tới, hi vọng sẽ có nhiều chương trình mang tính giáo dục - giải trí cao. 2 năm nay, bao nhiêu show mời, mình đều bỏ. Thanh Bùi không đi  hát được. Mình cứ thấy sai đâu đâu đó. Có lẽ là cảm giác mình đi hát mà người ta ngồi dưới "một, hai, ba, dzô, uống".

Đó không phải là lí do Thanh Bùi theo nghệ thuật. Trong khi ở trường, Thanh vẫn hát miễn phí cho mấy đứa nhỏ nghe. Các em nghe từng câu, nuốt từng chữ. Mình giáo dục các em bằng âm nhạc, cũng có nghĩa đang giáo dục về con người. 

- Qua những điều mà anh chia sẻ, tôi thấy Thanh Bùi hiện tại rất khác so với trước đây. Có phải, sự thay đổi này bắt đầu từ khi anh làm cha?

+ Những suy nghĩ này được xây dựng mạnh hơn sau khi làm bố. Trước đó, mình đã làm trong môi trường sư phạm một thời gian dài rồi. Nhưng khi con mình ra đời, nhiều cảm giác hoàn toàn khác. Nó là máu thịt của mình. 

Khi có con, mình muốn giáo dục con mình những giá trị của Việt Nam mình. Mình muốn nó học tiếng Việt. Muốn nó hiểu văn hóa, lịch sử của cội nguồn mình…

- Cảm ơn Thanh Bùi!

Đậu Dung - Hải Âu (thực hiện)
.
.
.