Nghệ sĩ Vinh Khuất: Tôi có thể "chết" sau mỗi lần biểu diễn

Thứ Năm, 14/11/2019, 07:28
Một trong những màn biểu diễn được chờ đợi tại sân khấu Monsoon năm nay là sự xuất hiện của nghệ sĩ Vinh Khuất với những bản "hit" như "Quá lâu", "Im đi"... Sở hữu hàng loạt giải thưởng âm nhạc tại châu Âu, Vinh Khuất đang là một trong những nghệ sĩ Việt kiều gây chú ý trong nước. Không chỉ vậy, anh còn mang trong mình khát khao đưa âm nhạc dân tộc của Việt Nam vươn ra thế giới.


- Vinh được khá nhiều bạn trẻ ở Việt Nam biết đến. Bằng chứng là đêm diễn của anh ở Monsoon năm nay nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả trong nước. Vậy cuộc sống ở Đức của Vinh như thế nào?

+ Tôi là một nhạc sĩ tự do, tôi sống bằng nghề sáng tác nhạc cho các công ty ở Đức như Yotube, các ngân hàng, Google. Công việc đó giúp tôi kiếm tiền. Còn ước mơ của tôi vẫn là sáng tác những bài hát và tìm cho mình một con đường riêng, style riêng.

- Đến bây giờ, sau nhiều năm sáng tác, giành được một số giải thưởng của thế giới, có lượng fan hâm mộ riêng, anh đã tìm style của mình chưa?

+ Tôi nghĩ là chưa và có lẽ sẽ không bao giờ tìm được bởi những gì tôi sáng tác đã là style riêng của tôi rồi mà. Nhưng tôi muốn tìm ra nhiều màu sắc khác nhau để trộn vào và mới mẻ hơn. Điều quan trọng của người nghệ sĩ là tìm ra con đường riêng của mình.

- Nhạc của Vinh rất hiện đại, pha trộn của nhiều dòng nhạc jazz, rock, nhạc dân tộc… Vậy cái chủ đạo trong sự pha trộn đó là gì?

+ Đó là giai điệu của nhạc nhẹ, tôi luôn trộn với nhiều giai điệu khác, nhạc jazz, nhạc dân tộc, nhạc rock… Cô Võ Thúy Hà, giảng viên Dàn nhạc Dân tộc đã dạy tôi các giai điệu của nhạc cụ dân tộc, tôi học đàn tranh, đàn bầu, đàn t'rưng. Tôi rất thích, muốn hiểu về nơi mình đã sinh ra như thế nào, âm nhạc của dân tộc Việt Nam ra sao. Tôi học và mix các giai điệu của dân tộc Việt Nam với các giai điệu nhạc nhẹ của phương Tây.

- Khi anh đi biểu diễn ở các nước, họ có nhận ra các giai điệu đó đến từ Việt Nam hay không?

+ Ồ, họ rất thích thú vì nó khác biệt. Âm nhạc phương Tây chỉ có mấy nốt đồ, rê, mi, pha, son thôi, nhưng nhạc dân tộc có thêm nhiều màu sắc, độ luyến láy rất độc đáo và hấp dẫn. Nếu bấm vào một nốt đàn piano ta chỉ nghe ra một nốt nhạc thôi, còn đàn bầu có thể kéo dài thêm, như một giọng hát vậy, có độ rung và nhấn. Tôi quen với ghi ta, piano và đây là màu sắc mới, nó làm cho thế giới âm nhạc của tôi đỡ nhàm chán hơn và tôi luôn nghĩ, mình phải làm gì với các nhạc cụ mới này.

Nghệ sĩ Vinh Khuất biểu diễn trên sân khấu.

- Với một người được đánh giá là tài năng như Vinh, cuộc sống ở nước ngoài có dễ dàng với anh không?

+ Tôi có cuộc sống là mơ ước của nhiều người vì tôi được làm cái gì mình muốn, tôi sống được bằng nghề. Nhiều người hàng ngày ngủ dậy không thích đi làm, chán và cứ mong có ngày nghỉ là vui, còn tôi, ngày nào cũng vui vì được làm việc mình thích. Nhưng cũng có khó khăn, tất nhiên nhiều niềm vui hơn.

- Âm nhạc nuôi sống Vinh từ khi nào?

+ 4 tuổi rưỡi mẹ tôi đã bắt tôi học piano. Tôi luôn muốn hát nhưng mẹ bắt phải vỡ giọng mới được học hát. Sau đó tôi tự sáng tác luôn. Kiếm tiền đầu tiên là năm 13-14 tuổi, ông thầy ở trường biểu diễn vì bận nên kéo tôi lên diễn, lần đó tôi nhận được 100 Euro, cũng to lắm đây chứ. Hơn 20 tuổi, tôi đã tự kiếm tiền rồi.

- Anh có một lượng fan hâm mộ ở Việt Nam khá đông. Anh có đọc các comment của khán giả và phản hồi lại?

+ Tôi chỉ lướt qua thôi vì quá nhiều comment. Nhiều người chê bộ râu của tôi, chê ngoại hình của tôi không được đẹp trai cho lắm, nhưng họ lại khen nhạc của tôi hay. Với một người làm nhạc thì được khen nhạc hay là vui rồi. Nhiều người còn bảo, ông này "điên điên" thế nhỉ, tôi thì nghĩ, nên điên mới làm được nghề này, bởi phần trăm thành công rất nhỏ, nên khi đã theo đuổi con đường âm nhạc, mình phải dồn toàn bộ tâm trí, tình cảm của mình vào đó.

Nghệ sĩ Vinh Khuất từng nhiều lần về Việt Nam biểu diễn.

- Cảm giác Vinh như một người "tăng động" trên sân khấu, khi biểu diễn anh như rút hết năng lượng? Sau mỗi lần như thế Vinh cảm thấy thế nào?

+ Vinh có thể "chết" luôn (cười) vì mất quá nhiều sức. Lúc biểu diễn trực tiếp không cho phép mình sai. Tôi tập nhiều lắm, mỗi bài phải 200-300 lần. Càng làm nhiều thì mình mới biết ứng xử như thế nào để những cái lỗi thành tốt được.

- Vinh có chia sẻ, anh bị mẹ bắt học đàn piano từ 4 tuổi. Giờ nhìn lại, anh nghĩ gì về sự "ép buộc" đó của mẹ?

+ Hồi nhỏ, tôi nghịch lắm, vì thế, bắt tôi ngồi học đàn là một việc vô cùng khó. Nhưng mẹ nhìn thấy năng khiếu của tôi. Rất khó để bắt đầu nhưng khi ngồi vào đàn, tôi có thể chơi 3-4 tiếng. Có lẽ, vì tôi là con nhà nòi, ông ngoại tôi, nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm dạy acordeon và saxophone. Mẹ tôi cũng làm việc ở trường Đại học Văn hóa, cậu tôi là trưởng khoa nhạc nhẹ của Học viện Âm nhạc.

- Anh có theo dõi đời sống âm nhạc của Việt Nam và thích nhạc sĩ nào không?

+ Tôi thích âm nhạc của chú Trần Tiến. Từ ngày xưa, chú đã đi con đường mới rồi. Nhiều bài của chú rất hay bởi chú dám đi con đường của mình. Tôi cũng đang trên hành trình tự tìm ra con đường của mình, tạo dấu ấn riêng cho mình. Mỗi khi bài hát cất lên, phải biết đó là nhạc của ai. Tôi cũng thích nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca từ của ông gần với tôi hơn. Cách ông vẽ tranh bằng chữ giúp tôi dễ tiếp cận hơn với vốn tiếng Việt còn hạn chế của mình.

- Các MV anh đẩy lên youtube rất đơn giản. Anh có nghĩ đến việc đầu tư những MV cầu kỳ, kỹ lưỡng hơn không?

+ Tôi quan niệm, người sáng tác như người xây nhà, cần mẫn xây từng viên gạch, vì thế tôi làm youtube rất đơn giản, 1 vài ngày xong. Khi viết xong một bài hát tôi muốn dứt ra để viết bài mới. Nếu đầu tư kỹ làm youtube, tôi phải có ê kíp, gặp nhau, bàn bạc, quay, mất khá nhiều thời gian, trong thời gian đó tôi không sáng tác tiếp được vì tôi cần kết thúc để bắt đầu một cái mới. Các sản phẩm của tôi khá đơn giản, ai quay cũng được, hơi amateur tí bởi vì tôi là người tự do.

- Thời gian tới anh dự định sẽ phát triển theo hướng nào, một nhạc sĩ hay ca sĩ?

+ Tôi muốn làm cả hai, cứ làm cái gì vui là được rồi. Tôi có nhiều lời mời về Việt Nam biểu diễn nhưng rất mệt vì phải di chuyển khá lâu. Tôi không quen ngủ ở khách sạn. Mỗi lần đi diễn tôi sẽ mất nhiều thời gian sáng tác, mà việc sáng tác lại rất quan trọng với tôi. Vì thế, tôi chỉ nhận những show không từ chối được như của VTV, chú Quốc Trung mời.

- Nhiều nghệ sĩ Việt đang làm nghề theo xu hướng Top trending. Các bản nhạc của Vinh trên yotube chưa được như thế, Vinh nghĩ gì về xu hướng đó ở Việt Nam?

+ Top trending là những MV rất đẹp, có thể người ta đổ nhiều tiền và nhiều thời gian vào MV hơn là âm nhạc. Cũng có mặt tốt và mặt không tốt. Đó có thể là những sản phẩm tốt về mặt hình ảnh nhưng lại thiếu âm nhạc. Mặt tốt của nó là các nghệ sĩ đi theo trend sẽ giống nhau có cơ hội bán tốt, khán giả thích cái gì thì mình làm nhưng mình sẽ giống 5, 6 người khác.

Còn những người muốn đi con đường riêng, không dễ lên top trending, may thì được lên thôi vì đúng cái gì mình đang làm được khán giả thích. Có hai  con đường, đi đường nào cũng được tùy lựa chọn của từng người. Ở Đức cũng đi theo xu hướng top trending như vậy, đó là một dòng nhạc khác. Nó không giống nhạc của tôi lắm.

- Anh có dự định làm album riêng và thu ở phòng thu chuyên nghiệp?

+ Tôi chờ khi nào có đủ bài tốt mới làm album. Bây giờ các bài của tôi cũng chưa tốt lắm vì tôi mới bắt đầu con đường của mình thôi. Tôi tập sáng tác từ năm 19-20 tuổi, 23-24 tuổi mới tập trung vào công việc đó. Tôi tốt nghiệp nhạc viện khoa sáng tác nên phải có tối thiểu 30 bài tự sáng tác, phối khí mới được tốt nghiệp. Tuy nhiên, hành trình đó còn dài.

- Những bài hát Vinh viết chủ yếu về đề tài tình yêu. Có bao nhiêu trải nghiệm thực tế trong những bài hát đó?

+ Tôi viết từ những trải nghiệm thật, trước tình yêu, trong tình yêu và sau tình yêu. Tất nhiên, trong đó vẫn có những cảm xúc vay mượn, nếu mỗi bài hát là một tình yêu thì tôi yêu sao đủ chừng ấy cô. Tôi thường hay viết giai điệu trước, từ giai điệu sẽ tự ra ca từ, ý tưởng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Vinh.

Vinh Khuất sinh năm 1990, tại Hà Nội. Năm 1 tuổi anh cùng gia đình sang Đức sinh sống. Cũng chính tại nơi đây, tài năng của chàng trai quê Hà Nội được phát hiện và ươm mầm ngay từ rất nhỏ. Vinh đã được gia đình tạo điều kiện tiếp xúc với âm nhạc từ năm 4 tuổi. Lớn lên, Vinh Khuất theo học Nhạc viện Hannover với hai chuyên ngành hát và sáng tác nhạc Jazz. Đây là môi trường đã cho Vinh những kiến thức bổ ích về âm nhạc, giúp Vinh hoàn thiện những kỹ năng một cách chuyên nghiệp nhất.

Năm 15 tuổi, Vinh từng tham gia cuộc thi Giọng ca vàng tổ chức tại Đức (2005) và giành được hai giải Thí sinh ấn tượng nhất và Giải tài năng trẻ. Năm 18 tuổi, Vinh Khuất đã giành giải nhất cuộc thi Made in Schauburg tổ chức 3 năm một lần tại Đức. Đến năm 2011, Vinh tham gia một cuộc thi quốc tế tại Áo cùng một nhóm nhạc về Acappella và tiếp tục được giải nhất. Năm 2012 Vinh Khuất tiếp tục tham gia cuộc thi Boss Loop Station Word Championship cho ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ và giành giải nhất. Sau đó anh tiếp tục tham gia cuộc thi thế giới tổ chức tại Los Angeles Mỹ và giành giải tư.

New Ware cuộc thi được tổ chức thường niên suốt 12 năm qua nhằm tìm ra những gương mặt trẻ đại diện cho nền nhạc Pop đương đại. Cuộc thi năm nay gồm 16 thí sinh từ 12 quốc gia khác nhau trên thế giới. Và Vinh Khuất đã xuất sắc vượt qua các thí sinh khác để lọt vào top 3 của cuộc thi với giải thưởng 20.000 euro.

Linh Nguyễn (ghi)
.
.
.