Nghệ sĩ ballet Thu Huệ: “Tôi đã sống một tuổi trẻ vô cùng ý nghĩa"

Thứ Năm, 07/05/2020, 07:09
Thu Huệ đến với ballet như một giấc mơ và đến bây giờ, sau hành trình 16 năm gắn bó với ballet, chị vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng. Với vai diễn Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen trong vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga”, Thu Huệ đã trở thành một hiện tượng của truyền thông trong năm 2019.


Chị là một trong số ít nghệ sĩ ballet trẻ dưới 30 tuổi được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh vì những đóng góp cho nghệ thuật múa cổ điển này.

- Chị sinh ra từ một vùng quê nghèo, đam múa đến với chị từ bao giờ?

+ Tôi vốn thích múa từ nhỏ. Cô giáo tôi bảo rằng, thử theo dõi chương trình ti vi, khi nào có thông bảo tuyển sinh thì đi thi vì tôi có bàn chân gầy, dáng mảnh mai rất hợp với múa. 

Cô khuyên tôi theo hát múa dân gian. 12 tuổi, tôi ra Hà Nội học lớp tạo nguồn, tôi thích thú với việc học múa, được trải nghiệm nhiều thể loại khác nhau. Ba tháng hè, tôi một mình đi xe buýt từ Kim Giang đến trường múa, ngày nắng cũng như ngày mưa, chưa khi nào muộn học. 

Mọi thứ quá khắc nghiệt với một đứa trẻ 12 tuổi. Rồi tôi thi đậu vào trường Cao đẳng nghệ thuật múa. Bố mẹ xót con muốn tôi về quê học văn hóa. Nhưng không hiểu sao, từ ngày còn nhỏ ấy, tôi đã có những ước mơ riêng của mình. Tôi muốn ở lại Hà Nội học, muốn khám phá bản thân nhiều hơn nữa. Tôi đã khóc nguyên cả một năm đầu nhưng vẫn cố gắng học.

Nghệ sĩ Thu Huệ được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2019.

- Vì sao chị chọn ballet, môn nghệ thuật khá kén khán giả và ít có cơ hội tiếp cận với công chúng nhưng lại đòi hỏi sự khổ luyện vất vả?

+ Tôi học đến năm thứ 3, bắt đầu được múa theo những chuyển động khó hơn và tôi biết đến ballet. Tôi cảm nhận được những luật động của múa ballet, tôi có thể khai thác những cái bên trong mình, sự sang trọng, nét đẹp quý phái. 

Âm nhạc và thế giới của ballet gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi tìm được cảm xúc mới lạ trong tôi mà chỉ  múa ballet mới mang lại. Tôi quyết tâm khám phá bản thân sâu hơn nữa. Hạnh phúc và vinh quang đứng trên sân khấu với những vai diễn ballet khiến tôi luôn nỗ lực. 

6 năm nuôi dưỡng tình yêu và đam mê của mình với một thái độ không chủ quan, tôi đã chạm tay tới giấc mơ. Mơ ước đầu tiên là tôi được về Nhà hát Nhạc vũ kịch và múa với thầy Cao Chí Thành. Nhưng ngày được múa với thầy Thành lại đến sớm hơn, trong chính buổi báo cáo tốt nghiệp của tôi. 

Ngẫm lại, tôi tự thấy ước mơ của mình đến nhanh hơn mình nghĩ. Nhưng nó không tự dưng mà đến. Bởi vì tôi đã không chủ quan và luôn cố gắng, nỗ lực. Trong suốt quá trình học múa, tôi luôn đến Nhà hát Lớn để xem các buổi biểu diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. 

Khi ra trường, về Nhà hát Nhạc vũ kịch, sau hai tháng tôi được chọn làm solid 2 của vở ballet “Hồ Thiên Nga” màn 2. Và sau hai tháng nữa, tôi được chọn làm solid 1 cho vở “Kẹp hạt dẻ”. Và rồi tiếp tục là Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen trong vở ballet “Hồ Thiên Nga”.

Nghệ sĩ Thu Huệ trong vở “Hồ Thiên Nga”.

- Có vẻ như con đường của Thu Huệ đang được trải hoa hồng?

+ Con đường tôi đi rất êm chứ không phải được trải hoa hồng. Bởi tôi không coi những đau đớn phải trải qua trong quá trình luyện tập là khó khăn, vất vả. 

Tôi xác định đó là những thứ mình phải nếm trải khi đi trên con đường này. Những người thân của tôi chứng kiến con đường tôi đi, những năm tháng tôi luyện tập sẽ cho rằng tôi dẫm trên gai chứ không phải hoa hồng như mọi người nghĩ. Nhưng tôi luôn có thái độ tích cực trước mọi vấn đề. Những vất vả, đau đớn, tôi thường nín chịu một mình. 

Có những lúc tôi ngồi trong nhà tắm, xả nước thật to để khóc, vì tủi thân, vì đau đớn… Chị thử tưởng tượng một cô bé xa nhà từ năm 12 tuổi và theo đuổi một bộ môn nghệ thuật khó như múa ballet thì thế nào. 

Ngày ra Hà Nội, tôi không nhìn thấy tương lai của mình, trong khi các bạn đều có định hướng rõ ràng. Tôi lao vào học và quyết giành học bổng trước, đó là cách để tôi hỗ trợ ba mẹ về kinh tế. 16 tuổi, tôi đã tự đi kiếm tiền bằng nghề múa.

Nghệ sĩ ballet Thu Huệ trong vai Thiên Nga Trắng.

- Tạp chí Fobers Việt Nam vinh danh chị là một trong 30 gương mặt trẻ tiêu biểu. Trong phần giới thiệu nghệ sĩ, Forbes khẳng định: “Thu Huệ là diễn viên ballet Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai chính Thiên nga trắng và Thiên nga đen… 

Việc phân vai này đòi hỏi nghệ sĩ phải có tài năng, sức khỏe và sự khổ luyện để đạt tới kỹ thuật mong muốn. Đây là một thách thức lớn trong môi trường ít có điều kiện biểu diễn, đào tạo còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam". Còn chị, chị đã hóa thân vào hai vai diễn Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen như thế nào?

+ Tôi đã sống trọn vẹn với vai diễn của mình, gần như đánh mất Huệ luôn, không nói chuyện với ai trong suốt thời kỳ luyện tập. Ba tháng đó, số lần gọi về cho bố mẹ cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Tôi dừng mọi việc đi làm thêm ở ngoài, hằng ngày đi ngủ từ 9h tối, đó là quãng thời gian nghĩ về vai diễn, phân tích vai diễn và nuôi dưỡng cảm xúc của mình. Ba tháng đó tôi quên đi bản thân mình, chỉ có Trắng và Đen. 

Tôi đưa ra những nguyên tắc, khi cảm xúc chưa phải là của mình, nếu mình còn bắt chước một ai đó hay đang cố biểu diễn thì cảm xúc chưa chân thật. Nên tôi luôn dành thời gian suy nghĩ và tìm hiểu sâu về nhân vật. 

Cảm xúc phải đi ra từ bên trong mới mang đến cho khán giả nụ cười chân thật nhất. Với nhân vật Thiên Nga Đen, tôi không khai thác cái ác bên trong nhân vật. Tôi đã gạt bỏ hẳn những định kiến về cái ác, coi ác là cái đẹp và khai thác nó ở góc cạnh đó. 

Tôi hy vọng, những đợt diễn “Hồ Thiên Nga” khác, tôi sẽ tiếp tục làm mới mình. Phải đi qua, phải vấp ngã diễn viên mới có kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Việc khai thác bản thân rất thú vị, đó là một thế giới phong phú, đa sắc màu. 

Ballet đã giúp tôi có được những trải nghiệm tuyệt vời đó. Đối với khán giả, ballet là một bộ môn đẹp, họ được đắm chìm trong âm nhạc và sự chuyển động của các diễn viên với sự hào nhoáng, lộng lẫy nhất. Nhưng sau cánh màn nhung là sự khổ luyện nhọc nhằn, thậm chí phải đánh đổi rất nhiều thứ của các nghệ sĩ.

- Chị có nghĩ, đó là một sự hy sinh vì đam mê?

+ Tôi không nghĩ đó là sự hy sinh, tôi thấy mình có một tuổi trẻ vô cùng ý nghĩa. Và niềm hạnh phúc của tôi rất trọn vẹn vì tôi đã sống hết mình, nỗ lực không ngừng cho đam mê của mình. 

Kể cả sau này, khi tôi không còn là một solid thì niềm hạnh phúc đó sẽ chuyển hóa sang một trạng thái khác, vì tôi luôn biết tiếp theo mình sẽ như thế nào, tôi chưa bao giờ dừng lại. Như người ta thường nói, nghệ sĩ ballet khi đạt tới đỉnh cao sẽ hết thời, còn tôi thì không. 

Khi tôi sống và làm việc bằng tất cả tình yêu, cố gắng làm tốt nhất bằng khả năng của mình thì tôi không có gì hối tiếc. Tôi nhớ từng ngày tuổi trẻ của mình. Tôi chưa bỏ rơi nhịp nào của cuộc sống. Đến bây giờ tôi vẫn luyện tập hàng ngày và chuẩn bị cho vai diễn mới của mình trong một vở nhạc kịch, dự án lớn của nhà hát trong năm 2020.

Vở “Hồ Thiên Nga” được đánh giá là một đột phá của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam.

- Đam mê ballet, khổ luyện với nó, làm thế nào để chị cân bằng cuộc sống.

+ Hàng ngày tôi dạy ballet cho các bé người nước ngoài sống ở Việt Nam, truyền ngọn lửa đam mê cho các em nhỏ. Đó là lý do vì sao tôi vẫn luôn yêu nghề và tìm thấy niềm vui với nghề. 

Cuộc sống của tôi ổn định và cân bằng mọi thứ. Nhiều người rất đáng tiếc vì họ yêu nghề nhưng không cân bằng được và phải lựa chọn con đường mưu sinh thay vì theo đuổi đam mê. Chị biết đấy, thu nhập của một nghệ sĩ ballet  rất thấp, trong khi chi phí cho bản thân khá lớn. Chúng tôi phải đầu tư cho sức khỏe, quần áo… 

Nếu không đủ tình yêu và không biết cách cân bằng giữa tình yêu và tiền bạc thì không thể theo nghề. Đó cũng là lý do nhiều năm qua, chúng ta đang thiếu vắng những người trẻ tài năng theo con đường này đến cùng. Những người ở lại với nghề cũng phải nỗ lực hơn rất nhiều.

- Vậy tình yêu ở đâu trong cuộc sống của chị?

+ Tôi có một mối tình 5 năm yêu xa, bạn trai tôi không ở Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc tôi nghĩ đến việc lập gia đình rồi. Hàng ngày tôi vẫn đi học thêm tiếng Anh, đó cũng là một niềm vui của tôi, chinh phục một ngôn ngữ mới và giúp cho mình tiếp cận với thế giới rộng lớn hơn.  

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.