Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân: Giấc mơ lớn với cây đàn cello

Thứ Tư, 12/02/2020, 12:20
Tôi ấn tượng với Đinh Hoài Xuân bởi vóc dáng bé nhỏ bên cây đàn cello trầm ấm của chị. Xuân trở về Việt Nam sau nhiều năm học tiến sĩ ở Bungari, trở thành nữ tiến sĩ cello đầu tiên ở Việt Nam. Và chị mong ước nhiều hơn thế, để lan tỏa tình yêu cello trong các thế hệ khán giả Việt Nam.


Cô gái đến từ miền Trung nắng gió ấy mang theo mình một giấc mơ lớn, giấc mơ mang tiếng đàn cello đến với nhiều trẻ em và trở thành một nghệ sĩ cello solo với nhiều dàn nhạc danh tiếng trên thế giới. Đó là những giấc mơ mà cô gái nhỏ bé đến từ miền Trung nắng gió sẽ biến thành hiện thực trong hành trình âm nhạc của mình.

18 tuổi, Đinh Hoài Xuân mới biết đến cây đàn cello dù chị học nhạc từ năm 10 tuổi. Chị đã bị cây đàn trầm ấm ấy khuất phục ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Sau đó là một hành trình miệt mài đi xe đò từ Huế ra Hà Nội tìm thầy học và quyết tâm thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nhưng giấc mơ của Xuân không dừng lại ở đó. “Khi học đại học và thạc sĩ ở Hà Nội, tôi là người chăm nhất khoa Cello. Cello với tôi như là một, ăn cùng cello, ngủ cùng cello và nằm mơ cũng cello”.

Hoài Xuân tốt nghiệp xuất sắc cử nhân, rồi thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2012 và dành được học bổng kép bậc Tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam và Rumani cho chuyên ngành biểu diễn Cello tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani. 

Trước khi đi du học, Đinh Hoài Xuân đã trăn trở với nhiều dự định, muốn mang cây đàn cello đến gần hơn với công chúng. Chị ra mắt nhiều MV trong đó bộ phim ca nhạc "Hướng về Hà Nội" (Hoàng Dương) với sự đầu tư lớn về kinh phí và ê kíp làm việc tâm huyết, tài năng nên sản phẩm ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô gây tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc trong nước khi được các nhạc sĩ, nghệ sĩ, truyền thông và công chúng đánh giá cao. 

Album “Khúc phiêu du một đời” được Đinh Hoài Xuân ra mắt gồm 8 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chuyển soạn cho đàn cello và dàn nhạc bán cổ điển trình tấu năm 2013 cũng đánh dấu nỗ lực và tình yêu của nghệ sĩ tài năng xinh đẹp này. Chị đã tham gia lưu diễn tại nhiều trên thế giới như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Nga, Úc... và cũng từng là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Đông Nam Á (2006).

Đinh Hoài Xuân đã hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn Cello tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani và trở thành nữ Tiến sĩ chuyên ngành Cello đầu tiên tại Việt Nam. Chị chọn cách đi một con đường riêng dù gian nan nhưng đặc biệt. Trong sâu thẳm trái tim nữ nghệ sĩ xinh đẹp luôn hiểu rằng muốn đến gần hơn với công chúng thông qua âm nhạc cổ điển trong thị trường âm nhạc hiện nay không phải là điều dễ dàng. 

"Con đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng tôi không sốt ruột mà vẫn nỗ lực để tìm cách đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Dù thị trường âm nhạc khắc nghiệt và nhiều khó khăn tôi cũng không cho phép mình bỏ cuộc và phải học cách vượt qua" - nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân nói.

Nhưng tôi tin, Đinh Hoài Xuân sẽ thực hiện được giấc mơ của mình. Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ: 

"Một nữ nghệ sĩ đã thực sự muốn đi đến cùng, chấp nhận mọi thách thức, hơn nữa lại nuôi một hoài bão mạnh mẽ, theo cách của riêng mình, quyết tâm đưa vẻ đẹp tuyệt vời của tiếng đàn cello đến với công chúng, chinh phục công chúng. Bằng tài năng và ý chí, niềm đam mê cùng với sự sáng tạo, bằng sự kiên trì và cả lòng dũng cảm, người nghệ sĩ này bước đầu đã có những thành công đáng trân trọng trong nhiều chương trình suốt mấy năm qua do chính mình xây dựng. Ai mà đáng nể, đáng quý, đáng yêu vậy? Xin thưa, đó là nữ nghệ sĩ, nữ tiến sĩ chuyên ngành Cello đầu tiên của Việt Nam - Đinh Hoài Xuân". 

Còn nhạc sĩ Dương Thụ nể phục: “Tôi rất thán phục Đinh Hoài Xuân. Tôi nhớ khi làm chương trình “Điều còn mãi” với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, thấy Xuân thật bé nhỏ ngồi trong dàn nhạc với các chị lớn mà hôm nay đã là nghệ sĩ solo trong những concert quốc tế bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng khác, hơn thế nữa cô ấy còn đứng ra tổ chức chuỗi hòa nhạc Cello Fundamento của mình, người làm được như thế ở thế hệ của cô chắc là rất hiếm, rất hiếm".

Đinh Hoài Xuân biểu diễn tại Hà Nội.

Trong lịch sử phát triển của nền âm nhạc nói chung và giao hưởng nói riêng, cello đảm nhiệm vai trò không thể thiếu trong các tác phẩm. Nhiều người quan niệm rằng cello chỉ mang âm vực trung độ. Nhưng thực sự, cello không những là điểm nối giữa hai tầng âm thanh trong dàn nhạc mà với âm sắc riêng biệt của mình, cây đàn này vẫn có thể làm say đắm lòng người khi độc tấu.

Đinh Hoài Xuân chia sẻ: “Nhưng mơ ước đau đáu cho sự nghiệp riêng của mình là tôi muốn trở thành một nghệ sĩ solo được solo với các dàn nhạc danh tiếng trên thế giới. Tôi sẽ dành cả cuộc đời còn lại để làm. Ở Việt Nam tôi muốn lan tỏa tình yêu cây đàn, đóng góp vào việc nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc cho các em nhỏ. Còn cá nhân tôi muốn hướng ra thế giới. Tôi đặt mục tiêu cho 10 năm tới sẽ chạm tay tới ước mơ của mình. 

Mỗi ngày tôi thức dậy từ 5-6 giờ sáng, dành 6-7 tiếng tập đàn, vì thế, so với các bạn thế giới và Hà Nội, tôi bắt đầu muộn với cello, nhưng tôi tin, thế giới có nhiều tấm gương học muộn nhưng vô cùng thành công, vì thế tôi có động lực để cố gắng. Các huyền thoại âm nhạc, tiếng đàn của họ sống mãi trong lòng khán giả, chính nhờ màu sắc riêng của họ. Khi kỹ thuật đạt đến một đỉnh cao nào đó thì sự thành công hay không chính là tìm thấy cái tôi của mình. 

Sau 4 năm được ra với thế giới, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ huyền thoại và một nền văn hóa lâu đời ở Đông Âu, tôi lại càng nuôi một tình yêu mạnh mẽ và khát vọng lớn hơn rằng trăm năm nữa, Việt Nam cũng có một bề dày âm nhạc không chỉ là dân ca, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt mà âm nhạc giao hưởng cũng phát triển ở Việt Nam”.

Xuân kể cho tôi nghe về những ước vọng của mình. Tại sao lại không nhỉ, khi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, hãy sống trọn vẹn với đam mê của mình. Những ngày về Việt Nam, Xuân sống yên tĩnh trên ngôi nhà vắng ở núi. Ở đó, chị được tĩnh lặng tâm hồn và lắng nghe những rung cảm của thiên nhiên, ở đó, Xuân hoàn toàn được trọn vẹn với cây đàn cello. Nhiều người bảo Xuân ra rời thực tế. Nhưng Xuân thì hiểu mình muốn gì. 

Thay vì hằng ngày đi kiếm sống, chị giảm thiểu tối đa nhu cầu sống của mình, ăn uống đơn giản, chọn lối sống thuận tự nhiên, gần với thiên nhiên. Không hàng hiệu xa xỉ, không nhiều nhu cầu vật chất. Xuân muốn dành trọn vẹn thời gian cho âm nhạc. 

“Mình xác định mục tiêu vào cái gì mình sẽ có thời gian dành cho nó. Các bạn trẻ bây giờ có quá nhiều thứ chi phối nên mất rất nhiều thời gian. Nếu xác định rõ từ đầu thì rất đơn giản. Tất nhiên, mọi thứ không dễ dàng nhưng nếu tình yêu mình lớn mình sẽ vượt qua được” - Xuân chia sẻ.

Với tình yêu đam mê mãnh liệt với cây đàn cello và mong muốn đưa tiếng đàn cello đến với đông đảo công chúng, mong muốn có nhiều em học sinh thế hệ mầm non yêu và chọn cello, tương lai Việt Nam sẽ có nhiều tài năng cello sánh ngang với thế giới. Vì vậy, từ năm 2016, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân đã sáng lập Cello Fundamento và duy trì tổ chức thường niên chương trình này tại Việt Nam. 

Đêm Fundamento năm 2019 khép lại đầy dư âm, trong không gian cổ kính, ấm áp của Nhà hát Lớn, tiếng cello lay động của Đinh Hoài Xuân ở tiết mục mở màn “Banh: Suite No.1 – Preldue” (Johann Sebastian) đưa người nghe đắm chìm vào cảm xúc an lành. 

Đêm nhạc một lần nữa lại minh chứng cho tình yêu và đam mê của Đinh Hoài Xuân. Và con đường của chị đi không hề đơn độc khi bên chị có rất nhiều bạn bè, nghệ sĩ trong và ngoài nước đồng hành. Nhưng không chỉ thực hiện ước mơ của một nghệ sĩ solo, Xuân còn dành nhiều đóng góp cho cộng đồng. 

Sau chương trình hòa nhạc Cello Fundamento Concert 4, Đinh Hoài Xuân sẽ kết hợp cùng Đại học Phú Xuân - Huế mang cello đến với các trường học, dự kiến tiếp cận hơn 100.000 học sinh, sinh viên khắp cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Việt Linh
.
.
.