Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang: Sau điện ảnh là hội hoạ

Thứ Năm, 01/02/2018, 19:16
Mới đây, 30 tác phẩm trong triển lãm“Qua miền Tây Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, được vẽ trong hai năm 2016 - 2017 tiếp tục đánh dấu cuộc trình làng hội họa cá nhân của NSND Trà Giang sau gần 15 cầm cọ.

Trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang có nhiều vai diễn để đời và là nghệ sĩ hiếm hoi mặc dù đã nghỉ đóng phim gần 30 năm nhưng mỗi lần xuất hiện vẫn được khán giả nhiều thế hệ kính trọng. Mới đây, 30 tác phẩm trong triển lãm“Qua miền Tây Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, được vẽ trong hai năm 2016 - 2017 tiếp tục đánh dấu cuộc trình làng hội họa cá nhân của NSND Trà Giang sau gần 15 cầm cọ.

Nói về cơ duyên đến với hội hoạ, NSND Trà Giang từng tâm sự, sau khi nghỉ diễn suất vì cảm thấy không hợp với dòng phim thị trường thì cứ thấy “thiếu thiếu” một cái gì đó. Đầu năm 1999, NSND Trà Giang đến thăm bà Lê Thị Thoa (vợ Thượng tướng Trần Văn Trà - PV), thấy treo rất nhiều tranh. Hỏi ra mới biết tranh của phu nhân tướng Trần Văn Trà. 

Trong khi bà Lê Thị Thoa là tiến sĩ sinh hoá, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, NSND Trà Giang nghĩ bâng quơ, cô là tiến sĩ sinh hoá đã cao tuổi mà vẫn chịu khó học vẽ và vẽ đẹp thì chắc mình cũng vẽ được.

Rồi nghệ sĩ Trà Giang đăng ký các lớp học vẽ. Một biến cố khác đến trong cuộc đời là cuối năm 1999 thì chồng NSND Trà Giang (NSND Bích Ngọc, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh) bệnh nặng và qua đời. Một khoảng hẫng quá lớn khiến NSND Trà Giang đến gần hơn với hội hoạ. Kể từ đó bà chuyển phần lớn tâm sự vào màu sắc, cũng là một cách thiền.

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang với đam mê hội họa.

Tôi có dịp đến thăm phòng tranh của NSND Trà Giang trong một căn hộ chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP Hồ Chí Minh) và thực sự bị mê hoặc bởi tranh, màu sắc, cọ vẽ và những bức ảnh đã in màu thời gian trong sự nghiệp điện ảnh của bà. 

Trong căn phòng đó, mỗi ngày chỉ có NSND Trà Giang đối diện với chính mình, thả hồn vào nét cọ và màu sắc để tạo nên những bức tranh thiên nhiên đầy sắc màu. Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày NSND Trà Giang đều vẽ và giữ nhịp độ làm việc như thế trong suốt bao năm qua, trừ những ngày bận quá, ốm hoặc phải đi sang Anh quốc thăm con gái (nghệ sĩ piano Bích Trà - PV).

Chính sức sáng tạo không ngừng cùng sức làm việc bền bỉ của NSND Trà Giang trong một thời gian dài như thế là bà có hàng chục cuộc triển lãm chung cùng ba cuộc triển lãm cá nhân và có tranh treo ở nhiều phòng tranh lớn trên thế giới.

Còn nhớ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong lần triển lãm cá nhân chủ đề “Mùa xuân”, NSND Trà Giang đã khóc khi phát biểu, vì từ 2006 đến 2016, sau 10 năm bà mới triển lãm cá nhân trở lại. 

Hôm ấy những người bạn điện ảnh một thời của NSND Trà Giang như NSND Thế Anh, NSND Minh Đức đều ngạc nhiên và rất phục khả năng lao động miệt mài của người bạn diễn một thời. Với cách thể hiện gần gũi đầy nữ tính, 30 bức tranh sơn dầu trong triển lãm “Mùa xuân” của NSND – họa sĩ Trà Giang đi vào miêu tả những cảm xúc tinh tế đã được chắt lọc. 

Trong triển lãm lần “Mùa xuân” vào đầu xuân 2016, bên cạnh các bức tranh về mùa xuân thì NSND – họa sĩ Trà Giang đã giới thiệu một số tác phẩm khá sống động về quê hương. Trong đó tác phẩm “Núi Ấn – sông Trà” rất đặc sắc, và những bức tranh “Đường lên núi Ba Tơ”, “Giặt lưới”, “Con sông quê hương” đều bàng bạc hình ảnh quê hương Quảng Ngãi quê nội của nghệ sỹ.

Hỏi NSND Trà Giang nguồn lực ở đâu để làm việc miệt mài như vậy. Bà cho rằng, giờ đây vì lí do tuổi tác nên mỗi bức tranh vẽ không nhanh như trước nữa. “Mình vẽ vì mình, vì cuộc sống và đam mê của mình chứ còn cố vẽ để triển lãm thì rất vất vả”, hoạ sĩ Trà Giang chia sẻ.

Và thật sự bất ngờ, mùa xuân năm 2018, NSND Trà Giang trở lại với một triển lãm cá nhân chủ đề “Qua miền Tây Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Để có những bức tranh đẹp về Tây Bắc là kết quả của lần NSND Trà Giang đi thực tế cùng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và nhà quay phim Lý Thái Dũng chuẩn bị chọn cảnh quay cho một bộ phim truyện lịch sử. 

Các anh đã mời NSND Trà Giang thăm lại vùng Tây Bắc. Đây là lúc con mắt hội hoạ của NSND Trà Giang thu nhận rõ ràng cảnh sắc núi, rừng, suối, mây, trời Tây Bắc và có những cảm nhận tươi mới về đời sống của các tộc người thiểu số ở Tây Bắc.

Kết quả, những bức tranh Phong cảnh Tây Bắc, Đèo Pha-đin, Nắng sớm, Bông cải sau hè, Thanh bình (Ngôi nhà nhỏ có hoa đào và hàng rào đá), Người đàn bà Mông đi trong sương, Bản Xín Chải - Sa Pa, Mây xuống núi, Thung lũng đỏ, Chiều Tây Bắc… là những bức tranh đẹp, đầy cảm xúc của họa sĩ Trà Giang ra đời từ chuyến đi thực tế này.

Trong loạt tranh triển lãm “Qua miền Tây Bắc” nhiều người xem nán lại trước bức “Hải Hậu - Nam Định”. Bức tranh ghi lại dấu ấn trong một lần bà thăm lại vùng đất từng tham gia đóng bộ phim Ngày lễ Thánh (năm 1975) của đạo diễn Bạch Diệp. 

Trong dịp cùng bạn bè nghệ sĩ thăm lại nhà chủ tịch xã ngày xưa, những trang ký ức một thời bồi hồi trong suy nghĩ của “chị Nhân” (nhân vật chính trong phim do NSND Trà Giang đóng), NSND Trà Giang nhớ lại những cảnh diễn trên bờ ruộng, có lúc chị Nhân quýnh quáng để sổng một chú trâu đen; nhớ con đường đi dọc dài ra bãi biển, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng… 

Bây giờ, cảnh vật hai bên bờ sông đất Hải Hậu ngày ấy, đã khác xưa nhưng ký ức vẫn còn hiển hiện. Nhiều dãy nhà mới cùng ăng-ten truyền hình mọc lên; cuộc sống cũng hiện đại hơn nhưng hình ảnh ngôi nhà thờ cổ kính xa xa và những con đò chở hàng nhộn nhịp gần trên bến sông, dường như vẫn không có gì thay đổi…

Một số tác phẩm của nghệ sĩ nhân dân Trà Giang.

NSND Trà Giang khẳng định, chính điện ảnh đã góp phần rất quan trọng cho sự thành công của bà trong hội hoạ. Nhờ những năm tháng làm diễn viên, đặc biệt sự kết hợp giữa diễn xuất và khung hình của người quay phim. 

Trong điện ảnh mỗi khung hình là một bố cục thì trong hội hoạ mỗi bức tranh cũng có một bố cục. Nhờ thế, bà học được nhiều và cho rằng trong hội hoạ quan trọng nhất là bố cục, màu sắc và ánh sáng mà tất cả ba phạm trù này trong điện ảnh đều có. Do đó, độ cảm thụ về màu sắc và ánh sáng của NSND Trà Giang rất tinh tế, chắt lọc…

Theo NSND Trà Giang, nếu như trong điện ảnh có nghệ thuật diễn xuất thì trong hội hoạ có nghệ thuật buông thả. Bà cho rằng, trong điện ảnh không phải lúc nào cũng phải diễn hết mình mà có những lúc lơ ra thì trong hội hoạ cũng vậy. 

Trong điện ảnh có đặc tả, cận cảnh, trung cảnh, toàn cảnh thì trong hội hoạ cũng thế. Và nếu trước đây bà có thể ngồi từ sáng đến chiều bên giá vẽ thì giờ đây vì lí do tuổi tác chỉ vẽ từ một đến hai giờ đồng hồ rồi nghỉ ngơi. Nhưng bà vẫn giữ cho mình nhịp điệu làm việc liên tục. 

Mỗi lần trò chuyện NSND Trà Giang đều cảm ơn cái duyên đưa bà đến với hội hoạ. Chính hội hoạ đã giúp bà chuyển tiếp đam mê điện ảnh- quên mình trước ống kính, diễn xuất trong các nhân vật, chuyển sang đam mê bố cục, sắc màu, ánh sáng. Bà cho rằng, cuộc sống của con người nếu không có đam mê thì khó vượt qua khó khăn.

Với NSND Trà Giang, chính niềm đam mê thứ hai trong cuộc đời đã giúp bà vượt qua tuổi tác, sức khoẻ, vượt qua sự xa cách với con gái đang sống ở Anh quốc. Đó là niềm hạnh phúc lớn của người nghệ sĩ có tên tuổi vượt thời gian như NSND Trà Giang. 

Nguyệt Anh
.
.
.