Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Từ Trường Sa đến Hoàng Sa

Thứ Bảy, 13/09/2014, 07:00

Người lính vụng về khi diễn tả tình cảm với nhau. Họ diễn đạt cảm xúc bằng chính những cử chỉ, lời nói hằng ngày trên cabin còn tàu rung lắc dữ dội, hạt cơm lùa vào miệng bị sóng đánh vung ra, bát canh rau đổ loang lổ vào quần áo... Những ngày Hoàng Sa "nổi bão". Họ níu vào nhau, người này giữ cho người kia ăn. Nụ cười lạc quan, dung dị, cái chất lính ấy lọt vào ống kính Nguyễn Á đầy sức hút, đầy cảm xúc. Bất kể ai khi nhìn ảnh của Nguyễn Á, không cần nói nhiều, cũng chẳng cần ca tụng mà nước mắt phải tuôn rơi.

Bão tháng ba

Đã 5 năm kể từ lần đầu tiên Nguyễn Á ra Trường Sa cùng chương trình "Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1". Tháng 3/ 2014, anh tiếp tục ra Trường Sa. Anh từng chia sẻ với tôi, anh yêu biển đảo Việt Nam lắm. Và anh nhất định sẽ làm một bộ ảnh dành riêng cho Trường Sa, chỉ có như thế, anh mới thỏa nguyện tình yêu biển cả của mình. Biển đẹp lắm, nhưng quan trọng hơn là anh biết được giá trị của biển như thế nào đối với đất nước mình. Yêu lắm, yêu đến mức mỗi khi có đoàn ra thăm Trường Sa là anh lại thu xếp xin đi theo cho bằng được. Đi càng nhiều lần càng vui sướng. Dường như với anh, năng lượng để đi biển lúc nào cũng tràn trề.

Chuyến công tác ở nhà giàn DK1 tháng 3 vừa qua, đoàn gặp phải bão, sóng gió mịt mù. Không ai lường trước được mới tháng ba mà bão đã về, sớm quá. Mùa biển động là vào khoảng tháng bảy năm trước đến tháng hai năm sau. Mùa biển động có những con sóng bạc đầu cao cả mét. Những con sóng cuồn cuộn như nhấn chìm tất cả xuống đại dương. Gió biển mang theo hơi muối phủ lên đảo làm cây cối xác xơ, héo rũ.

Nhưng nụ cười và sức sống của con người trên đảo thì vẫn tươi tắn, rắn rỏi bỏ lại sau lưng cơn giận dữ của biển khơi. Sóng cứ gào thét, gió giật cấp 8 cấp 9 nhưng mọi hoạt động trên đảo vẫn diễn ra bình thường. Các chiến sĩ sống ở Trường Sa đã quá dạn dày với thời tiết khắc nghiệt và thất thường của biển. Không con sóng nào có thể quật ngã họ. Họ chiến đấu bởi trước mặt là biển khơi và sau lưng là quê hương, Tổ quốc.

Nụ cười rất riêng mang thương hiệu Nguyễn Á.

Lần đó, tàu lớn không thể vào nhà giàn. Người từ tàu lớn phải đu bằng giây thừng sang tàu nhỏ, đồ được cẩu bằng ròng rọc. Người ta hỏi anh: "Đu như thế có sợ ngã không, máy móc đeo lỉnh kỉnh trên người thì phải làm sao? Nguyễn Á cười, cái cười không lẫn vào đâu được, anh hồn nhiên trả lời: "Được ra Trường Sa đã là hạnh phúc của Á rồi, chỉ sợ bão quật ngã thôi chứ lòng người thì vững vàng lắm. Tôi nhận ra mình may mắn khi được đến Trường Sa. Đến Trường Sa để được chứng kiến sự hùng vĩ và đẹp mê hồn của biển Việt Nam, để thấy sự gian khổ, kiên cường của những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ quần đảo thiêng liêng của đất nước. Đến để được chứng kiến sự bình dị, chân chất của người dân trên các đảo".

Tác nghiệp trong điều kiện chơi vơi, chông chênh như thế, Nguyễn Á bò, nằm, quỳ, lăn lóc đủ mọi tư thế để chụp được những bức ảnh mang đầy hơi thở của con người nơi biển cả.

Với Trường Sa, không chỉ là kỷ niệm, mà cái tình của những người chiến sĩ ngày đêm giữ biển đảo quê hương, cái chân chất của những người dân kiên cường nơi đầu sóng. Những khoảnh khắc chia tay người đi, người ở, giọt nước mắt lăn dài theo con sóng, hòa vào biển mặn, nặng lắm tình người. Đến rồi thì không muốn rời xa đảo, bởi còn muôn vàn cái cần cho những thước phim khi về đất liền. Nguyễn Á đã tận dụng tối đa thời gian, đêm anh đi tuần cùng lính đảo, anh bắt gặp những điều bình dị nhất của người lính Trường Sa. Họ, yêu người và quý khách vô cùng. 

Hoàng Sa - "Sau giông bão"

Vừa trở về từ Trường Sa, tim Nguyễn Á lại thổn thức khi biến tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Không phải là phóng viên của bất cứ tờ bào nào, cũng không làm cho bất cứ một cơ quan nào, Nguyễn Á nóng lòng muốn ra Hoàng Sa ngay. Anh cố gắng xin được ra tác nghiệp ở Hoàng Sa. Sự chân thành và lòng nhiệt huyết của anh được đền đáp. Tàu kiểm ngư 628, chuyến tàu đầu tiên và sớm nhất ra Hoàng Sa có mặt nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á. Mặc dù bị tàu Trung Quốc đâm va nứt thành và móp lan can mạn phải, vỡ kính, ảnh hưởng hệ thống lái phụ.  

Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa.

Thậm chí Kiểm ngư viên bị thương nhưng tàu Kiểm ngư 628 vẫn kiên trì, mưu trí, vững vàng bám trụ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là con tàu bị tàu Trung Quốc đâm va làm thiệt hại nặng nề nhất trong các tàu của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và các lực lượng khác làm nhiệm vụ trong những ngày tiếp cận xua đuổi giàn khoan Hải Dương 981. Sau khi "bị thương", trở về bờ khắc phục sự cố xong tàu Kiểm ngư 628 lập tức quay trở lại Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ.

Nguyễn Á vào đất liền sau 11 ngày lênh đênh trên biển cùng tàu Kiểm ngư 628. Anh phải sao chép tất cả các dữ liệu, phim, băng đã ghi lại được trong những ngày ra Hoàng Sa. Anh trao lại cho một người bạn giữ hộ rồi anh tiếp tục xin theo tàu 8003 ra Hoàng Sa lần thứ 2.

 Nguyễn Á bảo, bạn bè, gia đình, người thân lo ngại cho anh, bởi khó khăn và hiểm nguy giữa biển khơi đâu thể lường hết được. Nhưng không ai dám khuyên anh từ bỏ ý định. Vì họ hiểu được sự máu lửa và sức xông pha của anh không gì lay động được.

Ống kính của anh đã không bỏ sót một khoảnh khắc tuyệt vời nào trên vùng biển "nóng". Anh được chứng kiến các chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư và đặc biệt là những ngư dân đánh cá đã kiên cường bám biển như thế nào. Vì muốn giữ hòa bình nên cả ba lực lượng trên phải chủ động né tránh hành động dí đuổi, đâm va, phun vòi rồng từ phía tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc. Những bức ảnh của Nguyễn Á là bằng chứng tố cáo không thể chối cãi về tội ác của tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam

Dẫu vậy, Nguyễn Á lại ghi được hình ảnh đời thường của những chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ trên các con tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Người lính chẳng bao giờ nói nhiều về tình cảm của chính họ dành cho nhau, có gượng ép thì cũng chỉ là những ngôn từ thô mộc, vụng về. Họ diễn đạt cảm xúc bằng chính những cử chỉ, lời nói hằng ngày trên cabin còn tàu rung lắc dữ dội, hạt cơm lùa vào miệng bị sóng đánh vung ra, bát canh rau đổ loang lổ vào quần áo. Họ níu vào nhau, người này giữ cho người kia ăn. Nụ cười lạc quan dung dị, cái chất lính ấy lọt vào ống kính Nguyễn Á đầy sức hút, đầy cảm xúc. Bất cứ ai khi nhìn hình ảnh của Nguyễn Á, không cần nói nhiều, cũng chẳng cần ca tụng mà nước mắt phải tuôn rơi.

Ngư dân Việt Nam quyết tâm ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo Tổ quốc.

Ngư dân ở Hoàng Sa nói với Nguyễn Á rằng: "Biển của mình thì mình cứ làm, lo gì". Mặc dù ngư trường truyền thống bị xâm lấn bởi tàu cá và tàu quân sự Trung Quốc. Mặc dù bị đâm va, bị bắt và bị thu hết ngư, lưới cụ thậm chí bị đâm chìm và cả thiệt mạng, nhưng ngư dân coi ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống thì vẫn không hề nao núng. Họ vẫn đều đặn ra khơi bám biển. Trên con tàu đánh cá nhỏ bé trập trùng giữa bao la biển, nụ cười họ lọt vào ống kính Nguyễn Á. Những nụ cười răng đen, da sạm, nụ cười tóc quăn, hò dô kéo lưới. Niềm hạnh phúc được đánh cá trên vùng biển của cha ông từ bao đời nay đã ngấm vào tiềm thức của ngư dân. Và Nguyễn Á, với cái tài của một tay bấm chuyên nghiệp, với cái tâm của một "chiến sĩ" trên mặt trận văn hóa, anh đã xây dựng lên bức tranh lao động trên biển thấm mồ hôi, nước mắt, máu và nụ cười những ngày biển "nổi sóng". Chính họ đã thể hiện và minh chứng rõ nét nhất hai chữ "Quê hương" trong mọi hoàn cảnh, thử thách khắc nghiệt nhất.

 Hoàng Sa những ngày biển "nóng", không chỉ có các phóng viên, nhà báo ra tác nghiệp, còn có nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á. Anh là cái tên không còn xa lạ gì với công chúng, từng gây ấn tượng mạnh với các bộ sách ảnh; Họ đã sống như thế, Tâm và Tài, họ là ai, Nick Vujlcic những ngày ở Việt Nam…

Ngày 10/8/2014, sau chuyến chở về từ Hoàng Sa và sau hơn một tháng miệt mài chuẩn bị, Nguyễn Á đã có buổi triển lãm ảnh: "Hoàng Sa - Trường Sa, Biển đảo Việt Nam". Tại buổi triển lãm, anh gặp lại Thuyền trưởng Hoàng Văn Lâm, tàu Kiểm ngư 628. Tôi thấy họ bắt tay nhau nồng nhiệt, nụ cười cứ nở mãi trên môi từng người. Anh gặp lại Thượng úy Phạm Thế Anh, Tàu 8003, một trong những con tàu thường xuyên phải đối đầu với tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa. Buổi gặp gỡ ở đất liền hôm ấy, vẫn thấm tình nặng nghĩa. Nguyễn Á cảm ơn các anh, cảm ơn sự dũng cảm và lòng kiên trung của mỗi chiến sĩ. Cảm ơn tình đồng đội trên đầu những con sóng dữ dội phía Hoàng Sa.  

Bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước nhận xét về Nguyễn Á: "Tôi thấy đây là nhà nhiếp ảnh có tâm huyết với con người và đất nước. Nguyễn Á có một thái độ lao động rất nghiêm túc, có một trí tuệ khá sâu sắc và một tấm lòng yêu nước, yêu dân, yêu thiên nhiên đã bày tỏ thái độ rõ ràng là sẽ kiên quyết bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ cái đẹp của nghệ thuật một cách trường tồn, vĩnh cửu với thời gian".

Món quà lớn nhất Nguyễn Á nhận được không chỉ là sự thừa nhận của nhân dân, của xã hội, không chỉ là sự khâm phục về sức lao động đầy mồ hôi và máu của anh. Mà anh nhận được lòng yêu thương thủy chung của ngư dân, của những mảnh đời bình dị nhất trong từng bức ảnh

Ngọc Thiện
.
.
.