Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến: Hãy tránh những lối mòn

Thứ Tư, 22/03/2017, 19:09
"Hãy tránh những lối mòn, đó là một kinh nghiệm của tôi... Trong nghề ảnh, sự bảo thủ phải coi là kẻ thù. Với tôi, bức ảnh tốt nhất là bức ảnh chưa chụp được, để luôn phấn đấu, luôn đổi mới chính mình, đi vào cuộc sống để có thể có một bức ảnh đẹp ở phía trước... " - nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến tâm sự.


Cách đây hơn 60 năm, ngày 15-3-1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam", đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngày 16-12-2002, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo đồng ý lấy ngày 15-3 hàng năm là ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam.

- Thưa ông, hơn 60 năm xây dựng và phát triển ngành Nhiếp ảnh là một chặng đường khá dài với những dấu ấn không mờ phai, với tư cách là một nhà nghiên cứu, lý luận phê bình về nhiếp ảnh, ông có thể chia sẻ đôi nét về chặng đường đã qua của nhiếp ảnh Việt Nam?

+ Tôi có thể khẳng định rằng 60 năm xây dựng và phát triển của ngành Nhiếp ảnh, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao quý tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời xác lập vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

- Những năm trở lại đây, Nhiếp ảnh Việt Nam dường như bắt kịp với thế giới, vì có khá nhiều nhiếp ảnh trẻ tuổi đã tự tìm cho mình một đường đi riêng để có thể mang dấu ấn Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi?

+ Trong các bộ môn văn học - nghệ thuật, nhiếp ảnh cũng là một trong những ngành hội nhập nhanh nhất và hiệu quả với bạn bè thế giới. Mỗi năm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam giành khá nhiều giải thưởng quốc tế.

Cùng với sự phát triển công nghệ số, ngày nay, nhiếp ảnh hiện nay xuất hiện trong cuộc sống rất đa chiều, như là dân sinh hàng ngày, từ việc lưu lại kỷ niệm đi chơi, đi du lịch, đến nhiếp ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh báo chí...

Tôi tham dự nhiều cuộc thi ảnh, những cuộc triển lãm ảnh, tôi nhận thấy rằng, tại Việt Nam, những cái mới mẻ, những thứ thuộc công nghệ hiện đại lại càng được sử dụng vào nhiếp ảnh để đạt hiệu quả tốt nhất. Việt Nam cũng thuộc vào một trong những nước có những thành tựu về nhiếp ảnh lớn nhất Đông Nam Á.

Việc tiêu xài, sử dụng các thiết bị nhiếp ảnh tốt nhất trước hết chứng tỏ sự giàu có của đất nước chúng ta, thứ hai chứng tỏ lượng người chơi ảnh tăng hàng trăm lần so với thời kỳ sau hòa bình.

Những bức ảnh về Hà Nội xưa của tác giả Lê Vượng được vinh dự nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2016.

- Nhưng chúng ta vẫn thiếu những nhà nhiếp ảnh thực thụ, nổi danh trên thế giới. Vì sao, thưa ông?

+ Hiện nay, ảnh báo chí thật sự có tác dụng, nhưng so với yêu cầu của cuộc sống thì còn kém. Mặc dù ngày xưa, các thế hệ đi trước chụp bằng những tấm phim rất đơn giản, phải lao vào trận mạc nhưng họ để lại cho lịch sử nhiều bức ảnh tốt.

Bây giờ, những bức ảnh như thế càng ngày càng ít, Giải báo chí quốc gia về ảnh báo chí năm nào cũng ít, cả về số lượng tác phẩm dự thi và chất lượng. Tất nhiên, mỗi một thời cũng có cái khó riêng.

Người ta nói rằng, một bức ảnh còn hơn nghìn lời nói mà. Chẳng hạn như cùng miêu tả một vụ hỏa họan, thay vì nói một trang giấy, nhà nhiếp ảnh chỉ cần chụp một bức ảnh đẹp. Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật cũng thế, để xét về tiêu chí cần rất nhiều sự khác biệt, nhưng quan điểm của tôi, điều cần nhất là tính mục đích và giá trị nhân văn mà nội dung bức ảnh toát lên. Dĩ nhiên, ảnh nghệ thuật thì nhìn vào phải thấy đẹp, thấy rung cảm, còn ảnh báo chí thì mục tiêu lại là sự kiện và những vấn đề của cuộc sống, mà vấn đề ấy càng mới, càng ảnh hưởng đến nhiều người thì nó càng giá trị.

Tính tài liệu của ảnh báo chí rất cao và phải luôn luôn mới. Người chụp bức ảnh ấy gọi là nhà báo hay còn gọi là phóng viên nhiếp ảnh. Họ chụp không phải vì nhu cầu cuộc sống, mà họ muốn cung cấp cho độc giả những tư liệu mới và họ coi đấy là sự nghiệp của mình. Nghề làm báo luôn gắn bó máu thịt với đời sống và người làm báo là người tận tụy và chịu trách nhiệm với nó.

Một bức ảnh báo chí là một bức ảnh mới, sinh động, có tính thông tin, không được can thiệp bằng phần mềm hay thêm bớt, đó là tính nguyên tắc của ảnh báo chí. Ngày nay, nhiều báo thường để phóng viên đi viết bài kiêm luôn phóng viên ảnh, chứ ít tờ báo ở ta có phóng viên ảnh riêng, đó là điều khiến cho nền báo chí ít có những bức ảnh xứng tầm.

- Nhiều người thường đua chen với nhiều loại máy đắt tiền, hiện đại, mới. Bản thân ông, ông có nghĩ rằng, chiếc máy sẽ thay thế cho tay nghề của người nghệ sỹ.

+ Hoàn toàn không. Tôi cho rằng, chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc máy ảnh hợp với mình. Chỉ cần trang bị những máy ảnh vừa tầm, phù hợp là được. Quan trọng là anh chụp cái gì? Chụp để làm gì? Chụp cho ai? Giá trị nhân văn của bức ảnh đó như thế nào?

Tôi vẫn luôn luôn quan niệm rằng, chụp ảnh là phải chụp bằng "cái đầu" và chụp bằng "con tim" thì bức ảnh mới có hồn được. Mọi thứ ngụy trang, sắp đặt chỉ là sự màu mè mà thôi, người ta có thể thấy độc, lạ, nhưng giá trị của nó sẽ không lay động, không trường tồn.

Sở dĩ ngành nhiếp ảnh Việt Nam đoạt được Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều loại huân, huy chương khác; 5 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 21 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước trong ba đợt đầu tiên, đợt vừa qua không có, là vì những bức ảnh ấy gắn liền với những tên tuổi sừng sững gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đó là thành tựu lớn nhất của chúng ta trong những năm vừa rồi, thực hiện tốt nhất Sắc lệnh Bác Hồ ký, nhiếp ảnh là một trong những phương tiện văn hóa động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước. 

Mà hồi đó nhiếp ảnh được thực hiện đơn giản, phương tiện khó khăn và thiếu thốn gấp trăm lần bây giờ, nhưng thành tựu mà các cụ để lại cho thế hệ sau đã giúp chúng ta nhìn thấy cả lịch sử lớn lao của cha ông.

Những tên tuổi của nhiếp ảnh như: Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Lâm Hồng Long, Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Mai Nam... Tôi cho rằng, nhiếp ảnh không chụp được quá khứ, không làm xuất hiện tương lai, nó là nghệ thuật thị giác trong khoảnh khắc nên người nghệ sĩ phải cố mà chộp lấy nó bằng tất cả sự nỗ lực, am hiểu cộng với một tâm hồn, một trái tim và thêm một chút may mắn.

- Ông là nhà báo, nhà lý luận, nhiếp ảnh gia, từng nhiều năm làm quản lý và cũng là người quyết liệt theo nghề cho đến tận bây giờ, dù đã nghỉ hưu mà vẫn trên từng cây số. Theo ông, nền nhiếp ảnh của chúng ta cần làm gì để có thể nâng cao vị thế của mình đối với các loại hình nghệ thuật khác?

+ Hãy tránh những lối mòn, đó là một kinh nghiệm của tôi. Ta có thế thấy, bây giờ lọc ra những nhiếp ảnh gia dưới 50 tuổi, không có người thực sự nổi trội dù rất nhiều người giỏi. Hiện nay chúng ta có cả một lớp người tham gia vào nhiếp ảnh rất đa dạng và xã hội hóa rất ghê. Họ không bị bó hẹp mà mở rộng ra nhiều mảng đề tài. Đất nước ta có nhiều người có điều kiện để chơi ảnh thực sự, chơi như một loại hình văn hóa để cuộc sống đa dạng hơn, làm nên một đội ngũ đông đảo.

Ở Hà Nội hiện nay có vài chục câu lạc bộ như vây, chơi lành mạnh và sử dụng rất nhiều loại máy ảnh tốt, đắt tiền. Những ông già như tôi thì vẫn chung thủy với những chiếc máy ảnh cũ vì dù mình có thâm niên trong nghề nhưng nhiều máy đời mới không biết sử dụng, người trẻ đi trước về kỹ thuật, nhiếp ảnh gắn bó nhiều với kỹ thuật, kỹ thuật tốt thì sản phẩm ảnh tốt lên, hiểu theo sản phẩm ảnh, chưa nói đến giá trị, tác phẩm ảnh lên tay rất nhiều. Có những thuận lợi đó, nhưng sao tôi vẫn nói rằng họ đi theo lối mòn? Là vì họ ít đi vào đời sống.

Tôi chụp ảnh là để trực tiếp nói về con người và tất cả những gì liên quan đến số phận con người. Chính vì thế những cuộc thi ảnh thế giới, Việt Nam không có tên trong danh sách ảnh thế giới, và ảnh của Việt Nam, tạo mọi điều kiện để tham gia nhưng rất thấp, cảm thấy như hiện nay không có đường ra.

Thế nên tôi vẫn nói, quan trọng nhất là người chụp, chụp để làm gì, hiểu đây là một vấn đề rất hay nhưng rất khó, đặc trưng của nhiếp ảnh là khoảnh khắc ghi lại cái anh nhìn thấy để đảm bảo tính trung thực của ảnh, chứ nếu để đọ về màu sắc và bố cục thì không nên đọ với các họa sĩ, làm giả cho siêu thì đừng đọ với điện ảnh, nên nhiếp ảnh phát huy cái mình có là chứng kiến và ghi lại cái mình nhìn thấy, không nên đóng kịch, đóng giả quá nhiều. Đó là cái đáng nói nhất hiện nay, và đó cũng là lý do nhiếp ảnh của chúng ta hiện nay chất lượng không cao.

- Ông là một người đi tay ngang vào nhiếp ảnh nhưng đã có những thành tựu, và dường như niềm đam mê nhiếp ảnh cho đến bây giờ, đã ngoài thất thập cổ lai hy ông vẫn phóng xe máy cả trăm cây số đi chụp ảnh, làm chương trình... Dường như nhiếp ảnh chưa một ngày nào vơi cạn trong ông?

+ Bí quyết của tôi đơn giản lắm, phải đam mê và theo đuổi đến cùng những gì mình thích, mình yêu. Tôi đến với nhiếp ảnh bằng hai bàn tay trắng, với những ngày đói khổ lam lũ kiếp sống và ước mơ. Còn bây giờ, với thiết bị và công nghệ, một đứa trẻ con cũng có thể ghi lại được, nhưng cái nghề này, cũng là nghề học suốt đời. Tôi quan niệm rằng, người nào cầm máy ảnh cũng là thầy mình cả. Tôi học lớp trẻ cầm máy ảnh là học cái cách họ nhìn cuộc sống rất hay mà người già không phải lúc nào cũng nhận ra được.

Trong nghề ảnh, sự bảo thủ phải coi là kẻ thù. Với tôi, bức ảnh tốt nhất là bức ảnh chưa chụp được, để luôn phấn đấu, luôn đổi mới chính mình, đi vào cuộc sống để có thể có một bức ảnh đẹp ở phía trước...

- Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Vũ Huyến!

Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.
.