Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang:

Với âm nhạc cần sự chân thành

Thứ Hai, 28/11/2016, 11:51
Lần đầu tiên, Lưu Hồng Quang có những đêm độc tấu piano tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những chuyến đi, những trải nghiệm đã giúp Quang trưởng thành hơn. Anh nói, với âm nhạc cần sự chân thành tuyệt đối, chỉ khi chân thành, người nghệ sĩ mới chạm tới vẻ đẹp của âm nhạc.


- Phải 3 năm rồi mới thấy Lưu Hồng Quang xuất hiện ở Hà Nội, vì sao lại có một cách quãng lâu thế?

+ Lần này tôi về nước biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia, cũng là kỷ niệm 3 năm tôi chưa biểu diễn ở Hà Nội. Vào tháng 12-2013, tôi có một chương trình biểu diễn quan trọng song tấu với NSND Đặng Thái Sơn, sau đó tôi sang Canada học cao học với NSND Đặng Thái Sơn 2 năm và quay về Australia một năm giảng dạy. Đó cũng là lý do vì sao tôi ít biểu diễn ở Việt Nam.

- Đi xa Việt Nam, nhưng tâm hồn những nghệ sĩ như Quang vẫn luôn hướng về đất nước. Quang có nhìn nhận như thế nào về đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện nay?

+ Những năm trước tôi chỉ tập trung vào việc đi học và đi thi, năm nay quay lại Australia và bắt đầu công việc giảng dạy được 6 tháng, mới chú ý đến đời sống âm nhạc ở Việt Nam.

Nhìn một cách tổng thể, hoạt động biểu diễn cổ điển ở ta được chú ý hơn, có nhiều chương trình hơn, có nhiều nhạc trưởng nước ngoài về Việt Nam dàn dựng. Các chương trình biểu diễn bắt đầu nở rộ theo chiều hướng tích cực hơn.

- Vì sao học xong cao học Quang không trở về Việt Nam mà quay sang Australia làm giảng viên. Phải chăng môi trường Việt Nam chưa đủ điều kiện cho những người như Quang làm việc?

+ Hiện tại tôi đang giảng dạy ở Học viện biểu diễn nghệ thuật ở Australia, môn piano và hòa tấu. Tôi nghĩ mình còn trẻ, cần phải có thêm những trải nghiệm, trang bị cho mình nhiều công cụ, kỹ năng tốt hơn.

Ở Australia, ngoài giảng dạy thì vẫn còn 50 % là các hoạt động đi thi. Và không chỉ Australia, tôi muốn mở rộng hoạt động phạm vi biểu diễn của mình ở nhiều nước. Sắp tới tôi có một dự án tour 2-3 tuần sang Malaysia biểu diễn và nói chuyện về piano, âm nhạc, làm việc với giáo viên và học sinh ở đó.

Đây là một dự án thú vị nhờ sự kết nối của một phụ huynh khi tôi dạy con của họ, họ thấy có những phản hồi tích cực của học sinh đó nên nảy ra ý định mời tôi về Malaysia để những bạn bè của họ cũng được tiếp cận với những tri thức mới như thế.

- Tôi đang nghĩ và mong muốn những dự án như thế của Quang ở Việt Nam?

+ Tôi cần sự trải nghiệm, đây là lần đầu tiên tôi làm một dự án như thế này, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sẽ bù lại bằng quyết tâm và sự chân thành, nhiệt huyết với âm nhạc, tôi không muốn làm với tâm thế cho xong một việc mà muốn nó thực sự có ý nghĩa.

Đây là những bước đầu tiên trên con đường của mình. Trong đợt này, sau đêm diễn ở Hà Nội, tôi còn diễn ở Đà Nẵng và  ngày 27-11, tôi sẽ diễn ở TP Hồ Chí Minh.

Ngày 28-11, tôi có một buổi giao lưu nho nhỏ ở một trường học ở TP Hồ Chí Minh, coi như là bước đầu để xem khả năng của mình thế nào. Tôi rất vui và hào hứng trong chuyến lưu diễn này ở nước nhà.

- Hào hứng chứ không phải là áp lực khi lần đầu tiên Quang độc tấu trên sân khấu Việt Nam?

+ Áp lực lúc nào cũng có, áp lực từ việc đi thi, đi học, đi dạy, biểu diễn nhưng tôi có niềm vui được làm việc trong âm nhạc, đó là những giá trị phi vật chất vì tôi cảm thấy được giải thoát khỏi những lo lắng trong cuộc sống.

Lưu Hồng Quang song tấu với NSND Đặng Thái Sơn tại Hà Nội cách đây 3 năm.

Những bản nhạc mình chơi không vì điều gì cả, nó đi ra từ cảm xúc, từ tình yêu. Và trong những nốt nhạc đó, tôi có thể gửi gắm những tâm sự của mình.

Nếu cứ cảm thấy áp lực rất là khó, mình luôn có cảm giác mình đã chuẩn bị kỹ chưa, đôi khi mình cứ tin vào bản thân và làm trước đã, không có gì hoàn thiện ngay từ đầu, không gì tốt hơn kinh nghiệm thật.

- Tôi biết hành trình âm nhạc của Quang có ảnh hưởng rất nhiều từ bố, PGS, Tiến sĩ Lưu Quang Minh, người đã định hướng và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc để có một Lưu Hồng Quang ngày hôm nay?

+ Lúc đầu, chưa thể nói là tôi yêu âm nhạc, ngoài định hướng của bố thì vô thức vây quanh mình là âm nhạc, học sinh của bố tôi thường xuyên đến nhà tập đàn từ sáng đến chiều, như mưa dầm thấm lâu, tôi cảm thấy như một ngôn ngữ khác đang thấm vào trong mình. Và khi tôi học thì những thứ đó cứ thể chảy ra một cách tự nhiên.

Bố tôi không bao giờ gò ép phải thế này thế kia mà muốn làm thế nào tự nhiên nhất, cũng giống như mình trồng một bông hoa, có thể bơm thuốc để ra hoa rất nhanh, còn nếu mình chăm bón, tưới cây, nó sẽ nở hoa bền bỉ, lâu dài. Bên cạnh đó bố tôi cũng tin tưởng vào những người thầy mà ông gửi gắm, NSND Trần Thu Hà, giúp tôi có ý thức nghiêm túc hơn, ngoài chuyện thích hay không thích.

Dần dần, theo năm tháng, tôi chăm chú hơn với việc mình làm và yêu nó tự lúc nào. Khi yêu, tôi sẽ tự tìm hiểu thêm, nghe, học thêm, càng đi sâu vào thế giới đó tôi càng thấy hay và hấp dẫn.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tinh thần và cách suy nghĩ của mẹ cũng rất quan trọng, mẹ cho tôi một thái độ sống tích cực, bà làm kinh doanh nên có sự sắc bén, nhanh nhạy, tỉnh táo. Một nghệ sĩ rất cần sự dung hòa  của bản năng và lý trí.

- Nhưng tôi nghĩ đôi khi sự cân bằng lại xóa nhòa cá tính của người nghệ sĩ đấy?

+ Tôi cho rằng, một nghệ sĩ thực thụ thì việc cân bằng giữa ba thứ rất quan trọng, đầu tiên là kỹ năng, khả năng làm chủ bản thân, làm chủ cây đàn, làm chủ sự hồi hộp của mình khi lên sân khấu, đánh ngã được tất cả những tiêu cực trong mình.

Mình cũng phải có kiến thức, hiểu tường tận điều mình làm có nguồn gốc từ đâu, tất cả những kiến thức đều rõ chứ không biết lơ mơ.

Phải là một nghệ sĩ chơi đàn thông thái chứ không phải để đánh bằng những ngón tay thật khỏe. Và điều cuối cùng là trái tim nồng nhiệt nhưng không được phép đặt cái tôi quá cao, đầu tiên phải vì âm nhạc, vì sự nhân văn, vì vẻ đẹp của âm nhạc.

Tôi nghĩ, mình như một sứ giả hay người giữ chiếc chìa khóa bảo tàng âm nhạc, một bảo tàng về khả năng sáng tạo vô biên của con người và mình có niềm tự hào, hạnh phúc là được học, được biết đến và bảo tồn nó với khả năng của mình.

- Quang có hai năm học cao học với NSND Đặng Thái Sơn, anh có suy nghĩ như thế nào về ông và điều gì ở ông ảnh hưởng đến anh nhiều nhất?

+ Cả một thời gian dài, hơn 9 năm, tôi đi xa, nhiều sự thất bại và cả những chiến thắng trong cuộc sống và âm nhạc, mỗi lần như thế tôi đều nhìn lại chính mình. Cái khó nhất là trung thực với bản thân, làm chủ được bản thân thì mới làm chủ được mọi thứ.

Hai năm học với chú Đặng Thái Sơn, tôi học ở ông rất nhiều, không chỉ về âm nhạc mà cả cách nhìn cuộc sống, đối nhân xử thế. Tôi may mắn được gần gũi trong thời gian dài với một nghệ sĩ đích thực, có chiều sâu và không bận tâm bất cứ điều gì bên ngoài.

Tuy là hai năm nhưng lượng kiến thức và những điều tôi học được có thể suy ngẫm cả cuộc đời. Đó là những bài học về cuộc sống, những trao đổi làm thế nào tìm được vào chiều sâu của âm nhạc.

Mình là cầu nối đưa âm nhạc đến với khán giả chứ không phải nói với khán giả rằng, âm nhạc theo tôi là thế này. Trước khi sang Canada, tôi rất kiêu hãnh, điều đó đôi khi rất dở vì mình không nhìn thấy những điều chưa hoàn thiện.

Khi làm việc với ông, tôi tự phê bình bản thân rất cao, mình sẽ nhìn mọi thứ theo bản chất chứ không phải theo cách mình muốn nó thế nào. Ngoài ra, tôi giao lưu với nhiều cuộc thi trên thế giới, gặp nhiều nhân vật, nhiều cá tính rất hay.

Ví dụ như Trung Quốc, họ có một quyết tâm rất ghê, tập, đọc từ sáng đến tối, ý chí cao lắm, đánh đàn như ra trận ấy, còn Âu châu có văn hóa riêng của họ, có sự cân bằng giữa cái đầu và trái tim, Mỹ thì sự sáng tạo và cái tôi rất cao, còn nhóm Hàn Quốc, Nhật có sự hoàn mỹ về kỹ thuật và sự hoàn hảo của chi tiết.

Việt Nam chúng ta lại có khả năng bắt chước rất nhanh, cái gì tốt mình thu vào, xấu mình bỏ ra. Đó là những bài học vô giá mà cuộc sống mang lại.

- Sau nghệ sĩ NSND Đặng Thái Sơn thì Lưu Hồng Quang là một dấu mốc, niềm tự hào của âm nhạc cổ điển Việt Nam khi anh sở hữu rất nhiều giải thưởng lớn của thế giới như Giải đặc biệt tại Cuộc thi Piano Chopin Quốc tế châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) 1/2006, giải ba Cuộc thi Piano Quốc tế Valtidone… và nhiều giải thưởng danh giá khác. Quang có ý thức về điều đó?

+ Thôi mình có tấm lòng, tôi nghĩ không cần chứng minh tôi là thế này thế kia, tôi chỉ góp một tiếng nói vào trong thế giới âm nhạc rộng lớn. Tôi làm bằng tấm lòng với mong muốn được cống hiến chứ không phải để được vinh danh.

Thay vì thời gian suy nghĩ về tính mục đích ấy thì nên tập trung năng lượng vào sáng tạo. Năm nay làm quen với giảng dạy, trách nhiệm  của mình sẽ khác, cần có sự nghiêm túc, kỹ càng khi đưa ra một quyết định nào đó đối với học sinh.

Đi dạy mình càng không ngừng hoàn thiện bản thân, không ngừng tìm tòi, không ngừng học để giúp học sinh những hướng tự phát triển.

- Nghệ sĩ piano thường sống rất cô đơn. Như NSND Đặng Thái Sơn, ông chọn cách sống một mình. Phải chăng, với họ, âm nhạc đã là quá đủ?

+ Bởi vì khi chơi nhạc mình phải là mình, không thể dối âm nhạc, dối cây đàn. Trên cây đàn mình hoàn toàn trong suốt, buồn vui, đau khổ không thể giấu được.

Người nghệ sĩ cần thời gian tĩnh để nạp năng lượng, những tri thức như triết học, âm nhạc, nhân sinh quan rất quan trọng, để mình thông thái hơn, có thể chạm tới những góc sâu thẳm nhất của âm nhạc cổ điển.

Quãng thời gian một mình rất quan trọng. Mình phải thu rồi mới phát. Cuộc sống cứ quay cuồng, mình sẽ không còn là mình và mọi quyết định đưa ra đều dựa trên suy nghĩ của ai đó, mình sẽ đánh mất bản thân lúc nào không biết.

Làm thế nào để đứng ngoài những náo hoạt, cám dỗ của cuộc đời, để tồn tại với chính mình và chia sẻ với cuộc sống bên ngoài bằng âm nhạc. Sự cô đơn là cần thiết nhưng cũng cần sự cân bằng với cuộc sống.

- Còn tình yêu, có sự cô đơn nào mà không cần tình yêu?

+ Cuộc sống cần có những người bạn chia sẻ, những trợ giúp về tinh thần, dĩ nhiên cần sự đồng cảm và tôn trọng. Bây giờ, các mối quan hệ của tôi chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè, vì tôi không ở đâu lâu cả.

Tình yêu, đôi khi cũng do số phận, không cần phải quá sốt ruột, mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Cứ nghĩ rằng, có một người rất tốt, phù hợp với mình vẫn đang ở đâu đó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Quang.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.