Nghệ sĩ piano Phó An My: "Độc hành" để tìm chính mình

Thứ Tư, 22/11/2017, 09:07
Sau 12 năm với "Bóng", "Lửa" và "Gió", "Ngón đàn bão tố" Phó An My lại bắt đầu một hành trình 12 năm tiếp, từ "Đối thoại" sang "Độc thoại" để khai thác chất liệu dân gian cho những tác phẩm khí nhạc của mình. Chị nói, đó sẽ là một hành trình khó khăn hơn nhưng cũng đầy hứng khởi để mang khí nhạc Việt Nam ra nước ngoài.


- Hành trình từ "Đối thoại" với hầu đồng, chầu văn, với Tuồng, Chèo sang "Độc thoại" với show diễn mở màn "Độc hành" tại Nhà hát lớn vào đêm 1-12 tới hẳn sẽ là một sự đổi thay từ bên trong?

+ Thực ra, đối thoại là tôi đưa nghệ nhân lên sân khấu, nói chuyện với nghệ nhân, còn độc hành là điểm khởi đầu của một hành trình mới mang tên "Độc thoại", lấy chất liệu từ dân gian và phát triển lên thành tác phẩm khí nhạc. Âm nhạc 'độc thoại" được mô phỏng như những khoảnh khắc tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của người nghệ sĩ bám sâu vào mảnh đất văn hóa cội nguồn của mình.

Những tác phẩm hoàn chỉnh được liên kết thành một bức tranh toàn cảnh của một không gian cảm xúc. Phải có một quá trình 12 năm vừa rồi để tìm tòi, khám phá thì chúng tôi mới đi đến con đường này. Ngay cả khi đưa vào khí nhạc nhưng nghe thấy tinh thần Việt Nam là điều rất khó. "Độc thoại" sẽ mở ra một chương mới trong vòng đời sáng tạo thứ hai, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng đương đại.

- Và nó sẽ là một hành trình khác biệt, bắt đầu chương đầu tiên có tên gọi "Độc hành". Vì sao chị chọn văn hóa, âm nhạc Tày, Nùng cho bước khởi đầu này của mình?

+ Nó sẽ rất khác biệt, tôi nghĩ rằng, khi muốn đưa âm nhạc Việt Nam ra quốc tế thì những tác phẩm của Đặng Tuệ Nguyên phải có những nghệ sĩ nước ngoài chơi được. Như "Bóng", "Gió", "Lửa" vẫn phải dựa vào nghệ nhân, nếu muốn đẩy tác phẩm đi xa phải đưa nghệ nhân đi. Còn tác phẩm bây giờ chỉ có nhạc cụ phương Tây thôi. Nhiều người vẫn hỏi rằng, linh hồn của âm nhạc Việt Nam nằm ở đâu trong những tác phẩm khí nhạc.

Trong khi, tất cả các nước khác đều có, nghe thoáng qua về Chăm ta biết đó là âm nhạc của người Chăm, nghe Trung Hoa ta cũng nhận ra, hay Nhật Bản, rất đặc sắc. Đó là điều tôi muốn tiến sâu hơn, bởi dù gì tôi cũng xuất phát từ một người làm cổ điển và Đặng Tuệ Nguyên làm khí nhạc, tôi nghĩ đây là con đường mình mong đợi sau 12 năm. Đó cũng là chặng đường ngay từ đầu mình đã nghĩ tới và sẽ đi để mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Tôi chọn lên núi và văn hóa, âm nhạc Tày, Nùng vì tôi nhớ lần đầu tiên làm festival Huế, đối thoại cùng với nghệ nhân người Tày, tôi nhớ đến giọng hát mênh mang của núi rừng đó và tôi lên núi. Âm nhạc của tôi sẽ dựa trên hơi thở của đàn tính, phát triển từ giai điệu dân gian của người Tày, điệu hát Shi Xoong Hâu, hát lượn, hát Shi, điệu múa Xiêng Tâng... đó là những nét đặc sắc trong văn hóa và âm nhạc của người Tày Nùng.

Nghệ sĩ Phó An My luôn thăng hoa trong các đêm diễn.

 - Hành trình của chị không đơn độc vì luôn có người đồng hành, tri kỷ trong âm nhạc - nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Vì sao chị chỉ kết hợp với một người?

+ Đây là công việc chung của tôi và Nguyên, tuy hai mà một. Ngay khi có ý tưởng làm đối thoại chúng tôi đã làm việc với nhau, đó là chặng đường cả hai cùng tìm tòi, nghĩ ra những cái mới để mình tiến xa hơn. Tuệ Nguyên là dân piano chuyên nghiệp, thấu hiểu nhạc cụ, viết cho piano là khó. Chúng tôi có sự đồng điệu, thấu hiểu nhau. Trên thế giới cũng có những sự kết hợp như vậy.

- Và chị cùng Đặng Tuệ Nguyên đã đi tiên phong trong việc kết hợp giữa piano và âm nhạc dân gian. Nhưng con đường tiên phong cũng sẽ là con đường đầy chông gai và cô độc?

+ Độc thoại là con đường cuối cùng để đào sâu, đào mãi vào những giá trị dân gian nhằm tạo ra những bản khí nhạc mang âm hưởng Việt Nam và sau này có thể là những concerto piano. Tuy nhiên để công chúng đón nhận rất khó nên tôi có những bước đi từ từ.

Nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên, người đồng hành với Phó An My trong nhiều chương trình.

Khi mình tạo ra một không gian âm nhạc phương Tây để đặt âm nhạc dân gian của chúng ta vào đúng giá trị của nó, chắc chắn, mọi người sẽ có những cảm nhận khác, họ sẽ thấy nó gần gụi, dễ hiểu và dễ cảm nhận hơn.

Trong hành trình sáng tạo, tôi đặt ra mục tiêu giống như nhiều tác giả cận đại của thế giới, họ đều lấy những tinh túy của âm nhạc dân gian để viết và khi nghe mình thấy rằng, đất nước và dân ca của họ là vậy.

Tôi mong muốn làm điều đó, với thế giới không còn lạ, nhưng với Việt Nam, nó chỉ mới sơ khai, còn phải đào sâu hơn, càng đi càng khó. Tôi đã có 8 đêm diễn chính và nhà hát lúc nào cũng kín chỗ, tôi nghĩ, mình không đơn độc trong hành trình này.

- Sang châu Âu học cổ điển từ năm 13 tuổi, vậy vì sao, chị đắm đuối với dân ca Việt đến thế?

+ 13 tuổi tôi sang Đức học cổ điển nhưng tôi thích về Việt Nam, tôi có nhu cầu về nhà, thích cuộc sống ở Hà Nội và những vùng miền, nó quá đủ với mình. Sang châu Âu để học những cái mới chứ sống bên đó tôi không có nhu cầu.

Tôi vẫn diễn cổ điển bình thường nhưng tôi luôn nghĩ đến con đường riêng song hành với nó. Ngay từ festival Huế, tôi cứ nghĩ, ở festival sẽ có nhiều buổi diễn mà mỗi nghệ sĩ sẽ đem đến cái mới để giao thoa với nhau. Tôi nghĩ đến câu chuyện có khi nào mình làm gì đó liên quan đến dân gian, giống như trước đó tôi từng đi dạy ở các tỉnh, gặp học trò của mình ngồi trên thuyền thúng hát, hay thế.

Và câu chuyện đầu tiên là hò Huế, lãng mạn, mênh mang. Tôi bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2005 và 2006 công diễn, sau đó tôi làm các tác phẩm lớn, "Bóng", "Lửa", "Gió".

- Chị có ảnh hưởng bởi ai, chẳng hạn như người chú cũng rất mê dân ca của chị nhạc sĩ Phó Đức Phương?

+ Tôi không ảnh hưởng bởi ai, đôi khi gia đình còn bảo tôi "điên", không hiểu tôi đang làm gì. Gia đình vẫn nghĩ tôi là một pianist, có những đêm diễn cổ điển và mong muốn như vậy. Tôi bảo sẽ dừng lại vài năm không diễn cổ điển nữa và đi con đường riêng, đến bây giờ mọi người nhìn thấy, à, đây là một câu chuyện tử tế và công việc tôi làm có thành quả nhất định.

- Những gì chị làm thực sự mới lạ, chị có quan tâm đến sự đón nhận của khán giả?

+ Đương nhiên có nhiều ý kiến trái chiều, đồng nghĩa với việc mình được quan tâm. Nhưng tôi cứ đi con đường của mình thôi, mỗi người có một tần sóng để tiếp nhận một thể loại âm nhạc nào đó, không thể ép ai được, còn nghệ sĩ cứ làm công việc của mình. Năm nay là một năm đặc biệt, năm ngoái tôi vừa làm "Gió", rồi đi chơi nhiều, rong ruổi sang cả châu Âu, thấy mình thư giãn và muốn làm luôn tiếp chương trình. Thế là có "Độc hành".

- Chị nghĩ gì về những chuyến đi của mình?

+ Tôi đi xe máy một mình lên núi, không khí núi rừng mênh mang. Hà Giang đẹp tuyệt, còn Sa Pa bây giờ ngổn ngang quá, tôi tự hỏi tại sao lại thế này, nó bị đô thị hóa và không có quy hoạch. Lúc đó, tôi nghĩ âm nhạc của mình sẽ giống như một cuốn nhật ký ghi lại chặng đường mình đã đi qua, có những thứ chỉ còn là ký ức, vĩnh viễn biến mất khỏi đời sống.

Mỗi lần lên núi, được nghe hát giao duyên, gặp nghệ nhân hát Then, rồi nửa đêm ngồi với họ, nghe họ hát và kể chuyện. Chỉ khi mình sống với không khí núi rừng, cảm nhận được hơi thở cuộc sống của họ, mới có thể viết được điều gì đó. Biết đâu, năm sau tôi lại về với đồng bằng. 

- Tôi cảm nhận trong âm nhạc của chị rất nhiều suy ngẫm về đời sống, về nhân sinh?

+ Bởi tôi cho rằng, âm nhạc được sinh ra, mới đầu chỉ là âm thanh thôi và con người tạo ra âm nhạc hoàn toàn dựa trên nền tảng văn hóa. Khi mình nghe hát Quan họ, mình không thể hát mà phải những người sinh ra ở làng quê đó, xuất phát từ văn hóa đó, nền tảng đó.

Nghệ thuật nói chung sẽ đánh giá văn hóa của một đất nước đang diễn ra như thế nào. Tôi là một người làm cổ điển và tôi thích đào sâu những giá trị dân gian, tôi không cho rằng mình đang bảo tồn mà tôi thấy dân gian rất hay. Trên chặng đường mới, tên của các chương trình sẽ là hai chữ chứ không phải một chữ như trước đây.

Mỗi một sắc thái của “Gió”, “Lửa” và “Bóng” đều là một tính cách của con người. Và lần này "Độc hành" cũng thế, là một góc riêng nhưng nó cá nhân hơn, đi sâu vào bên trong mình nhiều hơn. Đến hôm nay, tôi bắt đầu hồi hộp không biết đêm diễn sẽ "chơi khó" khán giả quá không.

- Chị vẫn luôn vậy, mang đến những món lạ chẳng giống ai. Và lạ nữa là một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng như chị mà không mấy quan tâm đến hình thức?

+ Tôi nghĩ, khi có công việc mình ăn mặc tử tế là được. Mỗi sáng mở mắt ra mà phải đánh son thì căng thẳng quá, tôi không nhận ra mình nữa. Tôi sống đơn giản, có những ngày không nghĩ gì, ngồi lặng im cả ngày. Khi lên sân khấu, tôi ăn mặc càng tối giản càng tự tin hơn bởi cách ăn mặc cũng giống tính cách tôi, thích tối giản, không rườm rà. Mặc váy nhiều khi tôi bị ốm vì không tự tin ấy.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.