Chỉ huy dàn nhạc Đồng Quang Vinh:

Nghệ sĩ thời nay cũng phải biết "maketing"

Thứ Tư, 24/10/2018, 14:00
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay trong phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia, khi Đồng Quang Vinh đang luyện tập với dàn nhạc chuẩn bị cho concert "Đêm Mozart".

Anh bận rộn đến mức "quá tải" với các dự án âm nhạc. Bởi Đồng Quang Vinh không chỉ "chung thủy" với vai trò chỉ huy mà anh còn dành rất nhiều tâm huyết của mình kết nối nhạc cổ điển phương Tây với âm nhạc truyền thống Việt Nam.

- Chương trình "Tre mùa thu" đã qua hành trình 3 năm và trở thành chương trình hòa nhạc thường niên. Chúc mừng anh và ê kíp với "Tre mùa thu 3" đầy cảm xúc.

+ "Tre mùa thu 1" bắt đầu từ năm 2016. Lần đầu tiên chúng tôi đã tổ chức khá thành công và được khán giả tin tưởng. "Tre mùa thu" là sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc Việt Nam với âm nhạc cổ điển và nhạc đương đại của Phương Tây. Tôi sử dụng các nhạc cụ tre nứa Việt Nam để biểu diễn các nhạc phẩm phương Tây. Âm thanh nhạc cụ tre nứa của chúng ta vừa có sự mạnh mẽ vừa mềm mại. 

Tôi nghĩ nghệ thuật phải có tất cả các yếu tố, vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại, vừa nam tính vừa nữ tính mới biểu đạt được tất cả tâm tình của con người.  Với cá nhân tôi, "Tre mùa thu" rất có ý nghĩa. Các nhạc cụ của gia đình tôi dùng trong dàn nhạc "Sức sống mới" đều làm bằng tre. Đây cũng là cơ hội để quảng bá âm nhạc Việt Nam. Khán giả sẽ hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, nó không chỉ chơi nhạc Việt Nam mà còn có thể chơi những tác phẩm kinh điển của thế giới.

Chỉ huy dàn nhạc Đồng Quang Vinh.

- Điểm nhấn của chương trình năm nay là những trích đoạn của vở nhạc kịch kinh điển "Carmen". Làm thế nào để các nhạc cụ tre nứa có thể chơi những trích đoạn kinh điển của âm nhạc cổ điển như vậy?

 + Tôi phải mất nhiều thời gian để chuyển soạn các tác phẩm kinh điển cho âm nhạc tre nứa của Việt Nam. Đó là công việc không hề đơn giản. Nó phải đánh đổi bằng thời gian và tâm huyết. Ngày nào tôi cũng phải làm việc đến 2h sáng, có những hôm đến 5h sáng để nghe, đọc và tìm hiểu. 

Trong "Tre mùa thu 3" điểm nhấn là vở nhạc kịch kinh điển của Georges Bizet "Carmen" với nhiều trích đoạn. Chị biết đấy "Carmen", không có phiên bản nào của tre nứa và tôi rất hào hứng khi tìm thấy sợi dây kết nối giữa chất liệu của nhạc cụ truyền thống Việt Nam, cây đàn bầu với hình tượng nhân vật Carmen. 

Người xưa có câu, "làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" - phản ánh sức hút mãnh liệt đến xiêu lòng của đàn bầu. Nhưng hơn thế, tôi còn thấy cả sự quyến rũ, rất "chất" của đàn bầu. Còn ở Châu Âu, đó là sự phóng khoáng, khát khao một tình yêu tự do như tính cách của nàng Carmen.

- Nhiều khán giả băn khoăn khi anh đưa nhạc cổ điển vào dàn nhạc tre nứa, làm sao để dung hòa được chất cổ điển và tính dân tộc trong sự pha trộn đó?

+ Mọi người sẽ hoài nghi, dàn nhạc tre nứa có chơi được nhạc cổ điển không? Tôi khẳng định là có. Âm nhạc  tre nứa là ruột thịt của tôi rồi. Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống về âm nhạc, mẹ tôi là nghệ sĩ ưu tú, Mai Thị Lai - nguyên chủ nhiệm bộ môn đàn tranh của Học viện Âm nhạc Quốc gia, còn bố là NSƯT Đồng Văn Minh chế tác nhạc cụ tre nứa. 

Bố tôi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc về đàn cello nhưng ông yêu mẹ nên ông rẽ sang nhạc dân tộc. Tôi bị ảnh hưởng nhiều từ ông. Tôi tự hỏi, bố đã đi con đường như thế, tại sao mình không thử? Hồi nhỏ tôi học sáo trúc, rồi sau này đi học chỉ huy âm nhạc phương Tây và chỉ huy âm nhạc dân tộc ở Trung Quốc. 

Trung Quốc có nhiều điểm chung về văn hóa với Việt Nam. Khi làm việc với họ luôn có sự giao thoa giữa phương Đông và Phương Tây. Tôi hiểu âm nhạc Phương Tây, hiểu một bản sonate hay conceto như thế nào. Đồng thời tôi cũng biết về cây đàn bầu, đàn nhị luyến láy ra sao. Tôi tự hỏi, tại sao mình không kết nối các nhạc cụ đó. Tôi có chút tự hào vì mình là một trong số ít nghệ sĩ chơi cả hai dòng nhạc cụ vì bạn bè tôi chỉ chơi nhạc Phương Tây hoặc nhạc cụ dân tộc. Với họ, hai thứ đó gần như kỵ nhau.

Chị hỏi tôi câu chuyện làm sao để hòa trộn hai dòng âm nhạc, tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian đào sâu tìm hiểu. Phải tìm hiểu từng bản nhạc, từng câu chuyện đằng sau đó. Bởi tôi nghĩ âm nhạc hay hội họa đều phải hướng đến một thứ cao hơn là tư tưởng, khi đó chúng ta mới tìm được sự đồng cảm của khán giả. Thành công sẽ được trả lời bằng sức lao động, sự đầu tư. Với tôi, tài năng chỉ chiếm 1 phần trăm, còn 99 phần trăm là mồ hôi, là lao động. Đấy là quan điểm của tôi.

Đồng Quang Vinh và ban nhạc tre nứa “Sức sống mới”.

- Một chỉ huy Đồng Quang Vinh trong những đêm nhạc cổ điển chuẩn mực, và một Đồng Quang Vinh với sáo trúc và dàn nhạc tre nứa khác nhau như thế nào?

+ Tôi có nhiều tấm gương lớn để noi theo, như danh họa Leonardo Da Vinci còn phân thân thành 9 vai cơ mà. Vấn đề làm thế nào để vào vai thật chuẩn. Đầu tiên phải có tình yêu với âm nhạc, tình yêu sẽ được củng cố khi làm việc và sáng tạo, càng hiểu tôi càng yêu hơn con đường của mình. 

Tôi vui vì mình làm được nhiều thứ không phải vì tiền mà do mình cứ yêu và làm ra, cố hết sức để mang đến cho khán giả những âm thanh đẹp nhất. Tôi đã vượt ra cái ngưỡng, ngày xưa mẹ bảo tiếng sáo phải đẹp, tròn trịa nhé, còn bây giờ tôi muốn đẹp nó sẽ đẹp, muốn thô ráp nó sẽ thô ráp. Tôi thấy thú vị bởi khi làm những thứ mang tính giao thoa như thế, khán giả sẽ đến với mình nhiều hơn, khán giả của âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống sẽ thấy được cái hay của nhau và tìm đến nhau.

- Đó có phải là cách anh tiếp cận với công chúng vì dù sao đối với khán giả Việt Nam, nhạc cổ điển vẫn còn là món ăn xa lạ?

+ Chúng ta đều biết rằng âm nhạc cổ điển không đến từ Việt Nam. Châu Á có cố gắng mấy cũng không vượt qua cái bóng của châu Âu về nhạc cổ điển. Nhưng chúng ta có sở trường về âm nhạc truyền thống. Tôi không dám mong đợi nhiều ở khán giả nhưng tôi lại đòi hỏi ở chính mình rất cao. 

Khi chơi nhạc Mozart, tôi phải nghiên cứu nhiều về ông và chơi cho ra chất Mozart, sự thông minh, khôi hài, tinh nghịch của ông và cả những nỗi buồn, mình phải khắc họa rất rõ. Ít nhất khán giả sẽ thấy "lửa" của mình xuất hiện và họ sẽ không buồn ngủ. Giới trẻ bây giờ thường dùng một từ rất hay đó là "thần thái". 

"Thần thái" của người nghệ sĩ có được do phông văn hóa của họ. Khi lên sân khấu "thần thái" đó rất quan trọng. Nhiều nghệ sĩ trẻ của Việt Nam thiếu điều đó. Họ không chịu nghiên cứu, chạy theo thị trường, vội đưa ra một sản phẩm chưa chín. Tôi là một chỉ huy, phải truyền được năng lượng đến với dàn nhạc. 

Tôi luôn tâm niệm một điều mà thầy tôi đã truyền dạy, cậu có 100 năng lượng, cậu muốn truyền đến cho khán giả 100 phần năng lượng đó thì cậu phải bỏ ra 200 phần trăm. Làm như thế khán giả sẽ bớt buồn ngủ. Thầy còn dạy tôi, trong dàn nhạc chỉ cần một người ngáp là lỗi của chỉ huy, chỉ 1 người đánh sai cũng là lỗi của chỉ huy. Hãy trách mình. Đừng trách khán giả. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mức lương trả cho nghệ sĩ cổ điển quá thấp nên họ phải đi kiếm tiền bằng nhiều công việc khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mình có đủ tình yêu với âm nhạc hay không. Tôi luôn tự hỏi, mình có đủ yêu, có đủ đam mê và nhiệt huyết không? 

Nghệ sĩ thời nay đừng quên maketing, quảng bá cho mình. Đó là một kinh nghiệm xã hội nghệ sĩ cần học vì họ không được phép rời xa cuộc sống. Vấn đề bán vé, quảng bá, maketing nghệ sĩ cũng phải biết, đó là cầu nối nghệ sĩ đến với khán giả. Và một yếu tố nữa là nên lựa chọn những thứ quen thuộc với khán giả. Phải dùng những bản nhạc quen để dẫn dụ khán giả đến với mình. 

Điểm nhấn của “Tre mùa thu” lần thứ 3 là các trích đoạn trong “Carmen”.

- Và anh vẫn sẽ chọn con đường “đa màu sắc” để đi trong hành trình âm nhạc của mình chứ?

+ Đó là con đường tôi lựa chọn, tôi thích sự pha trộn giữa các yếu tố. Tôi không chịu được sự đơn điệu. Nếu chỉ làm một chỉ huy đơn thuần, ở các nước đời sống âm nhạc cổ điển phát triển thì sẽ ổn hơn. Còn ở Việt Nam, tôi sẽ không đủ nuôi gia đình. Nhưng bài toán kinh tế không quan trọng bằng tình yêu tôi dành cho âm nhạc, đặc biệt âm nhạc tre nứa. Nó là gia tài của gia đình tôi, nó quá hay và thú vị. 

Chúng ta có những cây đàn độc đáo không đất nước nào có, đó là đàn T.rưng và đàn bầu. Tôi thấy đây là sứ mạng của mình, từ bé tôi đã leo trèo trong đống nứa bố gọt đàn chưa kịp dọn. Tôi phải làm gì đó cho âm nhạc dân tộc. Còn chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng cũng thú vị không kém. Hai thứ bổ trợ cho nhau, đó là sự gặp gỡ của phương Đông và phương Tây.

- Lúc nào tôi cũng thấy anh bận rộn, tất bật với các dự án âm nhạc trong và ngoài nước. Điều gì giúp một nghệ sĩ như anh cân bằng cuộc sống?

+ Gia đình là nơi giúp tôi cân bằng cuộc sống. Tôi có cảm giác hạnh phúc khi mỗi ngày được lái xe đưa con đến trường. Những lúc rảnh, tôi đưa cả nhà đi chơi xa, lái xe qua nhiều vùng quê rất đẹp của Việt Nam. Đó là niềm vui. Trên những chặng đó, quyển tổng phổ vẫn đi theo tôi để mỗi khi vợ con ngủ, tôi lại làm việc. 

Mỗi ngày tôi sẽ ngủ ít hơn mọi người 2 tiếng. Với tôi, âm nhạc vẫn là niềm vui. Tôi "được" làm nghề chứ không phải "bị" làm nghề. Tôi luôn tâm niệm, một người muốn xử lý âm nhạc tốt phải là người bố tốt, muốn tiếng đàn đi vào lòng khán giả thực sự, mình phải là người bố tốt, còn làm một người bố vô trách nhiệm thì tiếng đàn đó là giả.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.