Nghệ sỹ flute Lê Thư Hương:

Không ngừng hoàn thiện bản thân

Thứ Năm, 19/10/2017, 15:49
Lâu lâu, Lê Thư Hương mới về Việt Nam một lần. Nhưng lần nào chị về, khán giả trong nước lại có cơ hội xem và nghe chị "biến tấu" cùng với cây sáo flute trên sân khấu. Chị nói, dù đã có gần 30 năm gắn bó với cây sáo flute nhưng mỗi lần bước lên sân khấu, là thêm một lần thấy mình mới mẻ.

Gắn bó với cây sáo flute từ bé, Lê Thư Hương tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Hà Nội năm 2001; sau đó tiếp tục theo học 4 năm tại Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch với những nghệ sỹ sáo nổi tiếng thế giới. Hiện tại, Lê Thư Hương đang học Tiến sỹ biểu diễn tại Trường Đại học Bắc Texas, Hoa Kỳ.

Thường xuyên biểu diễn với vai trò của một nghệ sỹ độc tấu, hòa tấu và trong dàn nhạc giao hưởng, chị đã tham dự nhiều liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển. Mới đây nhất, chị về nước và góp mặt vào các chương trình "Fantasy mùa hè", ''Giai điệu mùa Thu 2017"… Chị được đánh giá là một trong những nghệ sĩ flute hàng đầu ở Việt Nam.

- Chào nghệ sỹ Lê Thư Hương. Tôi cứ nghĩ rằng, sau khi kết thúc 4 năm học tại Đan Mạch, chị sẽ về luôn. 37 tuổi, sự học với chị hình như không bao giờ là đủ?

+ Hồi tôi quyết định đi học tiếp Tiến sĩ ở Mỹ, nhiều bạn bè cản lắm. Bạn tôi bảo tôi bị điên. 37 tuổi rồi, còn bay nhảy gì nữa. Nhưng tôi cho rằng, học không bao giờ thừa cả. Tôi xem việc học như một cơ hội để làm mới mình. Hơn nữa, khi có thêm kiến thức, biết đâu được sau này, tôi có thể về giảng dạy lại cho các em nhỏ tuổi hơn mình.

Chưa kể, Việt Nam mình chưa có Tiến sĩ biểu diễn. Tôi đưa mình vào một cái thế của một người tiên phong, tìm hiểu, học về nó. Hi vọng, sau tôi, lớp nghệ sỹ kế cận cũng có cơ hội đó để không ngừng hoàn thiện bản thân.

- Vậy chồng con thì để cho ai?

+ Chồng con cũng theo mình sang luôn mà (Cười!). Trước đây, tôi đi một mình, chồng con ở nhà. Tâm trạng lúc nào cũng lóng ngóng. Kiểu trái tim mình bị chia làm hai nửa: một nửa dành cho flute, một nửa dành cho gia đình ở Việt Nam.

Tôi thấy nếu kéo dài như vậy thì không ổn. 2 vợ chồng ngồi lại và cuối cùng, anh đưa con sang đây luôn. Tôi nghĩ, tôi là một người may mắn khi có một người chồng yêu, hiểu và thần tượng vợ mình.

- Gắn bó 30 năm với flute, một nhạc cụ rất kén người nghe ở Việt Nam, chị đã bao giờ có ý định từ bỏ?

+ Thực ra, mới đầu, tôi học piano, chứ không phải cây sáo flute đâu. Flute là do mẹ tôi chọn. Hồi đó người ta học piano nhiều, mẹ tôi sợ tương lai của con gái sau khi ra trường mù mịt quá. Thấy flute hiếm hiếm nên định hướng tôi đi theo. Mà hồi đó, Lê Thư Hương ngoan lắm, gia đình bảo sao thì sẽ là như thế. Trong đầu tôi, tôi không có khái niệm chống đối lại.

Tôi theo flute từ đó, ngày nào cũng tập luyện, đều như vắt chanh. Tuy nhiên, lúc đó vì bị ép học nên không thích lắm, tập như một cái máy, học hành theo kiểu đối phó thôi. Sau này, học lên bậc Trung cấp của Nhạc viện, khoảng 12-13 tuổi, tôi mới bắt đầu thấy thích flute.

Lúc đó, tôi mới biết cảm nhận được mọi thứ và thế giới xung quanh mình. Khi thổi, chính tôi cũng thấy có hồn hơn trước. Trước đây, đơn thuần chỉ thổi sao cho "sạch sẽ", trau chuốt theo kiểu trả bài. Thấy thích rồi nên tập chăm hơn. Càng tập càng thích.

Bạn bè tôi hồi đó, có mấy người học sáo flute nhưng sau do áp lực cuộc sống nên hầu hết đều bỏ sáo flute để theo một ngành khác hoặc sang ngành sáo trúc. Thời đó, người ta đi biểu diễn sáo trúc ở nước ngoài như đi chợ. Kiếm được nhiều tiền lắm.

Tôi là một trong những đứa theo flute còn trụ lại của cái thời đó mà không bỏ nghề. Cũng có nhiều lúc tôi muốn thử bỏ nghề, xem mình sống được bằng nghề khác không. Thử bỏ tầm mấy tháng rồi đấy, nhưng cuối cùng, như bạn thấy đấy…

- Sao chị không theo sáo trúc như bạn bè? Nhạc cụ này rất Việt Nam đấy chứ, lại kiếm được tiền nữa…

+ Cả nhà tôi yêu thích âm nhạc phương Tây, nhất là mẹ. Sử dụng sáo trúc để chơi một số tác phẩm phương Tây cũng được thôi nhưng không ra chất. Hơn nữa, tôi cũng không bị áp lực quá về cơm áo gạo tiền như người khác. Có lẽ vì vậy mà tôi không bỏ. Có người hỏi, đã bao giờ tôi cảm thấy theo đuổi nghề này là một  sai lầm? Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn. Cái giá phải trả để đi nghề khác, có khi còn đắt hơn thì sao. Mà chưa chắc nó thú vị bằng.

- Xuất phát điểm là bị ép theo flute nhưng giờ thì chị hoàn toàn bị "đổ gục" rồi còn gì…

+ Khi nhận ra mình thích sáo flute, cũng là lúc, tôi thấy nó đẹp và mình có thể diễn tả sự đẹp ấy ra. Nó có thể diễn tả được nội tâm, cũng như tâm hồn của mình. Nếu họa sỹ kể chuyện qua màu sắc thì những người như tôi thể hiện qua âm thanh, biểu cảm của mình.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng biệt. Có tác phẩm chỉ có một câu chuyện cố định của riêng nó nhưng cũng có những tác phẩm, mình có thể tạo nên một tác phẩm riêng của chính mình. Tôi cho rằng, đó là cái thú vị, mới lạ trong việc định hình phong cách của người làm nghệ thuật.

- Lê Thư Hương chọn cây sáo flute vì nặng lòng với âm nhạc cổ điển phương Tây nhưng sao chị không đào thải yếu tố phương Đông trong con người của mình luôn đi. Có vài lần tôi nghe chị biểu diễn, màu sắc phương Đông trong đó vẫn rất nhiều…

+ Bản sắc văn hóa rất quan trọng. Nó cho thấy mình đến từ đâu, mình là người như thế nào. Và dù mình có ở đâu đi chăng nữa, cái gốc gác đó vẫn chi phối, in sâu trong tâm hồn, tính cách của mình. Lê Thư Hương là người Việt Nam, dòng máu phương Đông này vẫn đang chảy trong huyết quản của mình, tôi có cố gắng rời bỏ hay đào thải, cũng không bỏ được.

Điều tôi hướng tới là nhạc cổ điển phương Tây, nhưng tôi luôn tìm về, tiệm cận màu sắc âm nhạc phương Đông để diễn tả, thể hiện tác phẩm của mình. Tôi hướng tới điều đó và xem đó là phong cách mà Lê Thư Hương muốn theo đuổi. Bản thân tôi cũng làm nhiều chương trình giao lưu văn hóa và luôn muốn giới thiệu đến bạn bè thế giới một nét văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ, như thế sẽ bớt đi vẻ nhàm chán vì luôn có màu sắc mới.

- Chị sẽ diễn tả điều đó như thế nào?

+ Thật khó để diễn đạt ý này. Bởi, cách cảm nhiều lúc có sẵn trong máu rồi. Người Việt hát một khúc dân ca, chơi một điệu dân ca là ra chất của người Việt luôn. Một người nước ngoài, dù thích "Lý cây bông", "Bắc kim thang"…, dù họ đánh rất giỏi, kĩ thuật ổn nhưng vẫn không ra cái chất của người Việt. Tôi nghĩ, đó là sự khác biệt về văn hóa gốc.

Nghệ sỹ flute Lê Thư Hương biểu diễn cùng dàn nhạc.

Lê Thư Hương có thể chơi được rất nhiều tác phẩm Tây phương nhưng phải cố gắng lắm, may ra mới ra màu như họ. Đó không phải thế mạnh của mình. Trong khi đó, có nhiều tác phẩm phương Tây, kể từ thời cổ điển, lãng mạn, cận đại, hiện đại vẫn lấy ngũ cung của phương Đông, hoặc lấy âm hưởng màu sắc của phương Đông cho vào, "mix" vào. Vậy thì, tại sao mình bỏ thế mạnh của mình để chạy theo một cái màu không thuộc về mình? Khi mình có nền cơ bản, mình thuộc về văn hóa đó, khi thể hiện, tự nhiên nó mềm mại thôi.

- Trở thành nghệ sỹ solo chính là mốc cao nhất mà nghệ sỹ biểu diễn nào cũng mong muốn đạt đến. Lê Thư Hương solo quá nhiều rồi, bây giờ ắt hẳn chị đã quen với vị trí đó?

+ Trở thành nghệ sỹ solo chính là mốc cao nhất mà nghệ sỹ biểu diễn mong muốn. Có những người cả đời vẫn chưa chạm đến vị trí đó. Dù đã nhiều lần đứng solo nhưng mỗi lần biểu diễn, tôi vẫn thấy mới lạ. Đứng trước một dàn nhạc hùng hậu, cực kì áp lực. Nếu bạn diễn trong một nhóm, hay một dàn nhạc, nếu bạn vô tình mắc lỗi, người khác sẽ khỏa lấp cho bạn, che đi khiếm khuyết của bạn. Solo thì khác. 

Tuy nhiên, đó là tâm lý quen thuộc. Nó khiến mình luôn phải tập trung và tỉnh táo thôi. Còn khi solo, tất nhiên là đầy phấn khích. Tôi là người có càng đông khán giả ngồi bên dưới càng có cảm xúc.

- Ngoài diễn tả nội tâm, cây sáo flute còn có gì hấp dẫn chị?

+ Sự đón nhận của khán giả và trí tưởng tượng của họ đi xa đến đâu. Tôi tò mò về điều đó. Cảm giác đó rất thú vị. Tất nhiên, tôi không mơ ước mọi người đều hiểu những gì mình chơi. Tôi không kì vọng. Mọi thứ chỉ là tương đối thôi.

- Nghệ sỹ nào mà chẳng mong muốn sự tuyệt đối chứ?

+ Tuyệt đối không tồn tại. Ngày xưa, tôi đòi hỏi cái gì cũng hoàn hảo, cái gì cũng phải tròn vành rõ chữ. Nhưng sau này hiểu rằng, trên đời này làm gì có cái gọi là hoàn hảo. Từ đó, tôi không mưu cầu quá một cái gì. Bản thân mình cũng có trọn vẹn đâu. Tôi chỉ cố gắng hết sức để làm điều mà tôi muốn.

- Cảm ơn nghệ sỹ Lê Thư Hương.

Cốc Vũ (thực hiện)
.
.
.