Nghệ sỹ piano Phó An My:

Mỗi câu chuyện mở ra một góc của cuộc đời

Thứ Ba, 04/10/2016, 09:02
Sau thành công của tác phẩm "Bóng" (năm 2011), "Lửa" (năm 2014), nghệ sỹ Phó An My với "ngón đàn bão tố" sẽ gặp lại khán giả Hà Nội và TP HCM vào tháng 10 và tháng 12 này trong chương trình "Gió". Đây là một cuộc trình diễn đối thoại, tương tác và song hành giữa piano và nghệ thuật chèo cổ với vở "Quan Âm Thị Kính" qua thể hiện của nghệ sỹ piano Phó An My và các nghệ sỹ tiêu biểu cho nghệ thuật chèo cổ Việt Nam.


- Nghe nói, "Gió" là tác phẩm cuối cùng trong khuôn khổ đối thoại. Nghệ sỹ Phó An My đang "ủ mưu" làm gì sau đó thế?

 + Tôi đang tính thế. Tôi hướng tới con đường dài hơi hơn. Đi bước tiếp theo. "Gió" lần này cũng nằm trong dòng ấy nhưng tôi bắt đầu đặt cho nó tính tương tác. Nghĩa là, nếu như trước đây khi làm về tuồng và chầu văn, tôi cho tuồng và hát văn về nguyên bản. Nghệ nhân vẫn tách rời ra khỏi mình.

Cùng một câu chuyện nhưng theo 2 diễn giải khác nhau. Ở "Gió", dồn 2 thành một. Như lần này, NSND Thanh Hoài sẽ đồng thời là 2 nhân vật. Và cô Hoài cuối cùng chỉ là một ảo ảnh. Mục đích sau cùng của tôi là làm âm nhạc mà thôi.

Phó An My luôn có những câu chuyện âm nhạc đặc biệt.

- Khi nhiều nghệ sỹ trẻ hiện nay bỏ quên kho tàng văn hóa truyền thống thì nghệ sỹ Phó An My dường như đi ngược dòng?

+ Thực ra, tôi không biết Việt Nam thế nào nhưng  những tác giả thế giới mà tôi biết, họ cũng thế thôi. Các tác giả cận đại, hậu cận đại nổi tiếng …  đều bắt nguồn từ dân ca. Tôi cũng muốn phát triển con đường đi của mình từ âm nhạc truyền thống Việt Nam thành một tổng thể của âm nhạc, khí nhạc.

Khi nhắc đến Trung Quốc thì linh hồn của nó là gì? Là kinh kịch. Nhật Bản có kịch nô. Campuchia có Chăm. Thế nhưng, để hòa nhập cùng với thế giới, họ cũng kết hợp với những loại hình hiện đại khác. Dựa vào những chuyển thể từ dân gian sang đó, người ta nghe biết ngay đấy là nhạc từ Trung Hoa, bản sắc Trung Hoa... Việt Nam mình hình như hiếm có sự kết hợp này.

- Tôi để ý thấy cách đặt tên cho tác phẩm của chị khá gần gũi với thiên nhiên. Là cố tình hay vô tình, thưa chị?

+ Thiên nhiên cuối cùng vẫn là cái vĩ đại nhất. Mình đang sống và tạo ra khoảnh khắc thiên nhiên đó thôi. "Gió" sắp tới, hay "Lửa", "Bóng"…, đều là cảm xúc của con người. Trong mỗi người chúng ta, có đầy đủ bản sắc của gió, lửa, bóng… , có ghen tuông, tham lam, sân si, dữ dội… Con người có tất cả trong mình, chỉ là họ kìm nén đến đâu mà thôi.

Trong mỗi vở, sẽ có những tính chất khác nhau. Ví dụ: "Bóng" gần với dân gian nhưng mang tính chất văn hóa truyền thống, tín ngưỡng. Ở tuồng, đó là nghệ thuật sân khấu và mang tính bác học rất cao và mạnh…

- Một số ý kiến cho rằng, nghệ sỹ Phó An My gây chú ý và tạo ấn tượng được là bởi con đường đối thoại giữa truyền thống - đương đại đấy?

+ Họ hơi lạm dụng từ "đương đại". Nói cho cùng, âm nhạc là thứ gắn bó với bản thân mình. Tác phẩm mình đưa ra là nằm trong văn hóa đang tồn tại ở thời điểm đó. Đương đại của thế giới đi từ đầu thế kỷ XIX rồi. Nhưng văn hóa là cái đi trước mình hàng trăm năm. Để đến được đương đại còn lâu. Với đến hậu cận đại, đã là khó khăn rồi. Đương nhiên, khi mình làm được dòng nào thì càng quý dòng đó. Tôi nghĩ từ "đương thời" sẽ chính xác hơn.

- "Bóng", "Lửa"… tới đây là "Gió" có phải là những mảnh ghép đi lạc của Phó An My?

+ Mình dựa trên từng câu chuyện để đưa ra tên đặt. Ví dụ trong "Bóng", trong thứ nhạc chầu văn ấy, âm nhạc tạo nên linh hồn, tạo nên chất xúc tác. Bản thân chiếc bóng là gì? Đó chính là tưởng tượng. Khi buồn, không thể không tưởng tượng. Con người bất kì ai cũng phải tưởng tượng, để tiếp tục sống.

"Lửa" thì sôi sục hơn. "Ngọn lửa Hồng Sơn" trong "Lửa" là một ngọn lửa khốc liệt. Cuối cùng của "Lửa" vẫn là niềm đam mê, là trăn trở. Lúc nào cũng sôi sục. Đến "Gió" sắp tới là khát khao của 2 người đàn bà sống bản năng và rất đàn bà. 2 người đàn bà đấy đều đẹp. Chẳng có gì xấu xa cả. "Gió" lần này không hẳn là bão. Gió cứ bay đi rồi trở lại. Mỗi câu chuyện sẽ mở một góc của cuộc đời.

- Tôi đang tò mò “góc” của chị thì ra sao đấy?

+ Đến một ngày mình không có nhu cầu gì to lớn hay ghê gớm cả. Mình vẫn làm vì thấy đủ sức khỏe, hứng thú và nhiều khi, duyên lên cơn thì vẫn làm mặc dù làm một đêm như "Gió" ở Việt Nam rất khó. Giống như khi ở nước ngoài, năm nào tôi cũng xếp hàng mua vé để vào chơi mấy trò mạo hiểm.

Khi ngồi vào rồi, lại hét, lại khóc, lại tự nói mình sao ngốc thế. Kiểu rất điên. Con người mình rất nhanh quên. Cuối cùng, những khó khăn mà mình vượt qua ấy, cũng không hẳn khó khăn. Cái quan trọng, mình có muốn làm không. Và có một điều tự nhiên mình muốn, đã là khó lắm rồi.

- Còn nguồn cơn của một "ngón đàn bão tố" là như thế nào, thưa chị?

+ Có thể mọi người hay quan niệm nghệ sỹ piano lên sân khấu phải mặc váy, uyển chuyển. Nhưng thực ra, cái việc một người nghệ sỹ chơi nhạc cụ nào thì khi lên sân khấu, họ là ai, họ cũng là con người như vậy. Mặc váy, đi giày cao gót, làm tất cả những việc không thuộc về mình.

Có người lần đầu gặp tôi không hiểu vì sao lại có một pianist lại "nham nhở" như thế này. Bảo mình điên, không giống ai. Cái điên đó là do con người đặt ra. Có thể mình hơi khác mọi người một chút. Thế là họ gọi mình điên. Còn mình, thấy bình thường.

- Tôi để ý tay chị xăm hình con rồng. Có điều gì ẩn ý ở đây không?

+ Tự nhiên thích con rồng. Vì đó là một vật không có thật. Tôi thích những thứ gì không có thật.

- Nhưng nghệ thuật mà mông lung cũng mệt lắm đấy?

+ Thú thực, khi làm tác phẩm, tôi không bao giờ đón đợi điều gì cả. Tôi đã chọn vở nào, tinh thần như thế nào thì tôi đã ngửi được hương vị rồi. Chỉ có việc diễn giải nó để mọi người cùng nghe thôi.

"Gió" là sản phẩm kết hợp giữa Phó An My và nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên.

- Trong kho tàng âm nhạc truyền thống, vẫn còn nhiều loại hình mà chị chưa khai thác hết. Sao "Gió" lại là cuộc đối thoại sau cùng vậy, thưa chị?

+ Tôi biết là còn rất nhiều nhưng vấn đề ở đây là, sau lứa nghệ nhân hay như thế này không còn ai nữa. Thế hệ đời F2, F3 còn gì nữa? Nghệ nhân mất, tác phẩm sẽ mất. Phó An My muốn tiến xa hơn, tôi muốn đi điền dã, gặp các nghệ nhân, uống rượu, ăn chơi với họ, nghe họ hát và tôi quay video tại chỗ, thu tại chỗ những khoảnh khắc tuyệt vời, sống động đó. Tôi lấy đúng hơi thở đó để đưa ra một câu chuyện của mình.

Có thể sau đó, tôi chỉ đánh solo mà thôi. Trước khi diễn, sẽ phát video đó cho mọi người xem bắt đầu diễn lại khung cảnh. Tức là, mình vẫn dựa trên hơi thở đấy nhưng không cần nghệ nhân thực trên sân khấu nữa. Hay nói cách khác, đó là một dạng biến thể. Tuy nhiên, khán giả nghe vẫn cảm nhận được mình đang ngồi ở vị trí đấy.

Âm nhạc rất đặc biệt. Có thể hôm nay, bạn nghe giai điệu này ở nhà tôi. Đến một ngày đẹp trời khác, tự nhiên nghe lại ở đâu đó có thể bạn nhớ buổi sáng hôm nay. Âm nhạc gợi nhớ cho ta rất nhiều thứ.

Âm nhạc truyền thống cũng thế. Trường lớp không dạy, bắt mình cảm nhận e rằng khó. Tuy nhiên, tôi nhớ hồi đó là những năm 90 của thế kỷ trước, lên Sa Pa, vẫn còn chợ tình mang màu sắc bản địa rõ nét, dù không hiểu tiếng dân tộc nhưng nghe họ thổi kèn, hát hò, thấy rất xúc động.

Song, bê nguyên kiểu đó lên sân khấu cho khán giả Hà Nội, sẽ không ai hiểu cả. Công việc của mình làm dường như tạo thêm không gian cho khán giả, diễn giải bằng ngôn ngữ đương thời để mọi người cảm nhận được rằng họ đang ở thời gian, không gian hiện tại đấy.

Chầu văn cũng thế. Mấy ai biết được chầu văn, tín ngưỡng này là gì. Người ta hay nói đến bảo tồn âm nhạc truyền thống. Nhưng tôi nghĩ rằng, không phải cứ đưa lên 1-2 hội diễn, nghĩa là bảo tồn. Nên đưa vào giáo trình.

Hồi ở nước ngoài, tôi biết có nhiều người Việt, ở trong nước chẳng để ý tuồng, chèo… là gì nhưng xa quê hương, nghe mấy thể loại đó lại gợi nhớ vô cùng. Những thể loại âm nhạc truyền thống ấy ảnh hưởng ghê gớm nhất là khi mình không ở Việt Nam. Khi nghe, nhớ nhà, cảm thấy lạc lõng.

Hồi tôi kết hợp piano và tuồng, có nhiều người nhận ra, à thì ra, tuồng không đến nỗi khó nghe lắm. Tôi phải làm sao để diễn giải nó gần với mọi người nhất và thật nhất. "Gió" sắp tới cũng thế. Sân khấu sẽ được tối giản hoàn toàn. Không tô vẽ gì ghê gớm mà hoàn toàn dựa vào ánh sáng và âm nhạc mà thôi.

- Lần đầu tiên, đối thoại với "Bóng", chị còn nhớ?

+ Hồi đó tôi đang tập làm quen lại với Việt Nam sau nhiều năm xa cách. Lúc đầu, định làm "Lửa" trước nhưng nếu đưa ra là tôi "chết" luôn. Sẽ không có ai nghe mình hết vì "Lửa" cực khó nghe. Mà mình yêu Việt Nam, muốn sống ở đây và vẫn muốn tiếp tục làm nghề. Tôi nghĩ mình phải làm như thế nào để nổi tiếng, nghề của mình phải đi ra được với công chúng. Khi mọi người biết đến, mình muốn làm gì thì làm.

Lúc viết xong dự án "Bóng", tôi vẫn không hiểu nên làm thế nào. Lúc đó, đi xem hầu đồng rất nhiều nhưng nghe chầu văn không thấy hay. Mãi vẫn chưa hình dung được. Phải nhờ một nghệ nhân đến. À, đây mới là chầu văn. Tôi hoàn toàn sửng sốt vì chầu văn hoàn mỹ quá rồi. Nó là nghệ thuật của tất cả các nghệ thuật. Thiên biến vạn hóa, các loại hình đều tập trung trong đó. Nó là một tổng thể chặt chẽ, không thể phá vỡ được.

Tôi đã phải quên đi tất cả, biến thành một người nhập đồng. Lúc đó tôi chỉ tập trung hóa thân, không để ý điều gì cả. Sau khi trình diễn xong, về xem lại ảnh, thấy mình đích thị một mụ điên. Hôm đó tôi mặc đúng trang phục hầu đồng do một nghệ nhân làm. 2 người tay quỳnh tay quế cũng là 2 người theo Đạo Mẫu. Tay áo hơi rộng nên thỉnh thoảng tôi lại lắc lắc cái tay, đúng điệu bộ của người nhập đồng.

Xem lại cảnh đó, thấy sướng lắm. Nhất là, khi đến đoạn giá cô Bơ, cả hội trường im phăng phắc. Tôi như lạc vào thế giới khác. Miên man trong đó. Đó là điều đẹp nhất của cái "Bóng" đầu tiên.

- Cảm ơn chị. Chúc "Gió" của chị thành công!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.