Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn: Âm nhạc đã cho tôi tất cả

Thứ Hai, 30/04/2018, 15:01
Ngày 6-5 tới, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và nghệ sỹ quốc tế Nguyên Lê sẽ cùng nhau giới thiệu tới công chúng dự án âm nhạc “Âm hưởng Đông phương”. Trần Mạnh Tuấn nói, âm nhạc là một giấc mơ chưa bao giờ thôi đơm hoa kết trái trong lòng dù đỉnh vinh quang anh đã chạm lâu lắm rồi.


- Vừa qua, trong đêm “Nguồn cội” kỉ niệm 17 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM), khi nghe MC giới thiệu An Trần là con gái của Trần Mạnh Tuấn và cháu mới 14 tuổi, nhiều người “ồ” lên kinh ngạc. Anh có cảm thấy mát lòng mát dạ không?

+ Chẳng có người cha, người mẹ nào mà không tự hào khi có một cô con gái như vậy cả. Nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi đứa trẻ sẽ có một khả năng, một thiên bẩm riêng. 

Tôi thường nói với cháu: “Con chơi saxophone tốt, không có nghĩa con là người đặc biệt. Con cũng giống các bạn khác mà thôi. Nếu các bạn giỏi toán, thể thao, vật lý thì con giỏi về nghệ thuật. Nếu con cứ ỷ vào cái mà người ta gọi là “con nhà nòi” đó, nếu không chịu rèn luyện, không biết mình là ai, không học hỏi, không nhún nhường, con sẽ đánh mất bản năng bẩm sinh trời cho đó. Có thể, bây giờ, con chơi như thế, người ta thấy hay nhưng khi con 16, 17 tuổi mà vẫn chơi như vậy, không ai nghe con nữa”. Tôi luôn nhắc cháu phải nuôi dưỡng tài năng và tư duy hằng ngày. 

Nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn.

- Nhận show cũng là một cách để rèn luyện cho cháu, sao anh chị từ chối?

+ Cháu nhận được nhiều lời mời nhưng tôi và mẹ cháu quan điểm, tiền quả thực quan trọng nhưng nó không phải tất cả. Với lại, chúng tôi không cần phải tạo thêm công việc cho cháu để có thêm thu nhập. 

Bố Trần Mạnh Tuấn hoàn toàn dư sức để lo cho cháu một đời sống thanh thản nhất. Ngoài một buổi biểu diễn mỗi tuần ở Jazz club cùng bố, gia đình chỉ đồng ý cho cháu tham gia một vài chương trình quan trọng, có ý nghĩa bên ngoài để cháu được học hỏi thêm những điều mới mẻ. 

- Ở Việt Nam, gameshow nở rộ. Có không ít trẻ hé lộ một chút tài năng đã nhanh chóng trở thành cỗ máy kiếm tiền của người lớn… Gia đình anh chọn một con đường ngược để đi, điều được nhất là gì?

+ Ngoài một vài gameshow bổ ích để các cháu được vừa chơi vừa học thì hiện nay, đa số các gameshow tạo cho các cháu áp lực quá. Ở các nước phát triển, người ta đưa ra những chương trình không quá khổ với các cháu và ở đó, các cháu đều học hỏi được một điều gì đó. 

Nhiều người hay hỏi tại sao thông minh thế, giỏi thế nhưng thực ra, cháu vượt ra khỏi lứa tuổi của cháu, cũng chẳng phải là một điều hay ho gì. Tôi nghĩ rằng, không nên để cháu đánh mất đi tuổi thơ của mình. 

Đó là những gì đẹp đẽ nhất, và chính khoảnh khắc thời trẻ dại đó sẽ giúp cháu có một hành trang trên đường đời sau này của mình. Không nên làm mất đi sự phát triển tự nhiên của các cháu. 

Khi lên sân khấu, sự già dặn có thể trỗi dậy, nhưng trong đời thường, hãy để cháu là cháu, vui chơi, hồn nhiên, nô đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Đó là quan điểm rất rõ ràng của tôi. 

Chúng ta cũng không nên tạo sự hơn thua, cũng không nên tạo ra giải nhất, giải nhì để làm gì… Truyền hình thực tế vô tình tạo ra sự tổn thương cho các cháu, làm các cháu dễ chán nản. 

Con tôi cũng có nhiều lúc làm chưa tốt, cháu cũng có những buổi biểu diễn khiến tôi chưa thật ưng ý nhưng tôi luôn nói với cháu: “Có thể con làm chưa tốt nhưng không có nghĩa con thất bại”. Hay “cuộc biểu diễn hôm nay chưa thật ưng ý nhưng con đã cố gắng, những buổi sau con sẽ làm tốt hơn”. Chúng tôi sẽ không bao giờ dùng những chữ như chữ “tệ” để nói với con mình.

Hai cha con Trần Mạnh Tuấn – An Trần.

- Nhưng con gái mà theo đuổi nghệ thuật thì khổ lắm…

+ Đúng là so với con trai, con gái mà đi theo con đường này sẽ vất vả hơn rất nhiều. Nhưng rồi tôi lại nghĩ thế này: Nhìn lại đời mình mà xem, cuộc sống, âm nhạc đã cho Trần Mạnh Tuấn tất cả mọi thứ. 

Âm nhạc cho tôi khán giả, cho tôi một mái ấm gia đình và tôi có một đời sống tốt về nhiều mặt, hoàn toàn sống được bằng nghề mà mình yêu thích. Còn điều gì hạnh phúc hơn nữa? Đồng ý là vất vả đó nhưng sung sướng cũng là một điều có thực. 

Bao nhiêu thăng trầm mà tôi đã đi qua, nhìn lại,  cái được vẫn nhiều hơn cái mất. Tại sao không mong con được như mình hay hơn mình? Tôi tin rằng, những năm tháng va chạm sớm và được các cô chú, các bạn đồng nghiệp của ba chia sẻ kinh nghiệm, ngoài kiến thức ra, cháu sẽ có sự chuẩn bị về tâm lí, để có thể vững vàng hơn trên sân khấu. Hi vọng sau này, cháu nối tiếp được những ước nguyện đang còn dang dở của tôi.

Trần Mạnh Tuấn mà cũng có những ước nguyện chưa thực hiện được ư?

+ Có chứ. Trần Mạnh Tuấn có phải thánh đâu (Cười!). Về mặt biểu diễn, Trần Mạnh Tuấn ít nhiều cũng đã định vị được cái tên của mình trong giới nhạc cũng như trong lòng công chúng. Tuy nhiên, điều khiến tôi trăn trở rất nhiều cho tới thời điểm này vẫn là câu chuyện giáo dục âm nhạc, câu chuyện thế hệ kế cận. Tôi từng tham gia giảng dạy rất nhiều, cũng cộng tác với nhạc viện.  

Song, sự đồng nhất về quan điểm, cách thức đào tạo không có. Một bên đào tạo âm nhạc cổ điển, theo hơi hướng kinh viện, sách vở; một bên mình lại muốn đào tạo ra những nghệ sỹ có khả năng, kinh nghiệm sân khấu cũng như có đủ điều kiện của tất cả những yếu tố mà xã hội, hoạt động nghệ thuật thực tế đang cần, chứ không hẳn là sách vở. 

Khi cảm thấy hai quan điểm không có điểm chung, rất khó làm việc, tôi đã quyết định ngừng cộng tác, về dạy tư. Trong số những học trò của tôi, có những em có khả năng nhưng không có điều kiện. Không sao. Các em có thể trả học phí bằng quả bưởi, một hai cân café. Đấy là những thứ tình cảm đặc biệt, không phải ai cũng có.

Gia đình nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn.

- Ở vị trí của mình, Trần Mạnh Tuấn không chỉ nói suông chứ?

+ Tôi dự định mở một dự án Trung tâm nhạc đương đại và kết nối tất cả môi trường giáo dục ở nước ngoài để cấp chứng chỉ cho học viên. Bản thân tôi cũng là người va chạm với thực tế mấy chục năm nay nên hiểu một điều, học thuật rất quan trọng nhưng nó không phải là tất cả. 

Nếu chúng ta chỉ biết lý thuyết mà không có những va chạm trong thực tế, không trực tiếp biểu diễn, sẽ không biết được những điều có thể xảy đến đối với một người nghệ sỹ biểu diễn.

- Vì sao anh lại chọn nhạc sỹ Nguyên Lê để kết hợp ở thời điểm này, thưa anh?

+ Anh Nguyên Lê là một trong những nghệ sỹ mà Trần Mạnh Tuấn yêu mến và kính trọng. Hai anh em cũng có nhiều đồng cảm trong vấn đề sáng tạo, tìm đến nhau cũng là điều hết sức tự nhiên. 

Mà lâu rồi, Trần Mạnh Tuấn chưa ra sản phẩm nào mới. Thời điểm này chín muồi cho mọi thứ. Tôi nghĩ, để ngồi chung mâm, cùng chơi với nhau, thì phải trân trọng nhau, nhìn được đẳng cấp của nhau. Anh Nguyên Lê cũng không thể nào cộng tác với một người vớ vẩn được.

- Anh có thể nói qua về dự án này, được không?

+ Dự án bao gồm một chuỗi sự kiện. Ngoài live concert diễn ra vào tối ngày 6-5 còn có một buổi wordshop dành cho các bạn trẻ yêu nhạc. Sau đó, tôi và nhạc sỹ Nguyên Lê cũng sẽ tiến hành thu CD luôn. Trong CD này, mỗi người sẽ đảm nhận một nửa. Tinh thần là tôn vinh bản sắc văn hóa dân gian của Việt Nam. 

Ngoài 2 bài dân ca nổi tiếng mà ai cũng biết là “Qua cầu gió bay” (do Trần Mạnh Tuấn hòa âm) và “Bèo dạt mây trôi” (do Nguyên Lê hòa âm), mỗi người sẽ viết 5 ca khúc mới, mang âm hưởng dân ca như “Sen”, “Sương sớm”, “Hội làng”, “Thằng Cuội” “Gọi bạn”, “Bướm mơ”. 

Âm nhạc Việt Nam rất phong phú. Vẫn là câu chuyện, đưa như thế nào để có thể tiếp cận được với thế giới mà vẫn đậm đà bản sắc. Việt Nam có rất nhiều chất liệu để giới thiệu với bạn bè thế giới mang tính hội nhập, chứ không phải mang tính bảo tồn, bào tàng.

- Cảm ơn nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.

Cốc Vũ (thực hiện)
.
.
.