Nhạc sĩ Giáng Son:

Nghệ thuật chân chính phải đi ra từ tâm hồn thuần khiết

Thứ Tư, 28/10/2015, 16:00
Phải chờ đến 8 năm, nhạc sĩ Giáng Son mới cho ra đời đứa con tinh thần thứ 2 của mình, album "Bóng tối Jazz".  Ung dung và tự tại, đó là tâm thế sống và làm nghề của Giáng Son. Chị nói, chị gần như xa lạ với đời sống showbiz ồn ào. Những gì Giáng Son làm, không đơn giản chỉ là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đời sống này, mà là một sự cống hiến.

- Vì sao tận 8 năm cho một sản phẩm âm nhạc thưa chị?

+ Sau album "Cỏ và mưa" năm 2007, tôi thấy quá vất vả, vì các công đoạn sản xuất cho một album phải chờ rất lâu. Nên khi ra mắt Album đầu tiên, tôi định buông luôn. Phải 3 năm sau, thấy đồng nghiệp ra đĩa và thành công, tôi lại thấy xôn xao. Thực sự có nhiều bài hát tôi viết tâm huyết mà chưa đưa ra được, nhiều ca sĩ muốn hát nhưng đưa vào các dự án đơn lẻ của họ nên nó sẽ bị lạc lõng, tôi thấy không phù hợp. Như "Bóng tối Jazz" tôi giữ 11 năm, nhiều người muốn mua nhưng tôi vẫn giữ, tính tôi cũng dở hơi, sợ họ không làm ra bài của mình, phải đích thân mình làm trong dự án của mình mới yên tâm. Chứ nhiều nhạc sĩ khi viết bài có người mua và hát cho là may rồi, mình không phải làm mà vừa có tiền.

- Làm thế nào để chị có được sự kiên định đó trong thời buổi bây giờ?

+ Tôi nghĩ, mỗi bài hát đều có số phận của nó. "Giấc mơ trưa" tôi viết năm 2004 đến 2005 ra mắt và có được tiếng vang. Còn "Bóng tối jazz", tôi viết từ 2004, đến bây giờ mới đưa ra. Tôi nghĩ, nếu mình tung ra ồ ạt cùng một lúc thì các bài hát sẽ tự triệt tiêu nhau. Đôi khi phải chờ đến thời điểm phù hợp, khi thời điểm chín thì tốt hơn. Chắc cũng ít có ai như tôi, rất kiên quyết và nhất tâm. Mọi người bảo đang có đà lên là phải lên ngay, tôi thì không nghĩ thế, mỗi sản phẩm phải có chất lượng và được làm kỹ lưỡng. Cứ ồ ạt chẳng để làm gì, chẳng đọng lại gì. Tôi không thích như vậy, tôi làm những gì cảm thấy tốt nhất và chăm chút nhất. Tôi  làm Album với ý nghĩa hoàn toàn là cống hiến. Tiền gom góp trong suốt mấy năm trời, rồi các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thiết kế... cũng giúp đỡ rất nhiều. Đó là những người có tâm, nhiệt huyết, họ làm hoàn tòan vì album và muốn có một sản phẩm âm nhạc tử tế.

- Giáng Son chọn 2 diva trong album mới của chị, hẳn phải có một duyên cớ nào đó? Có phải đó là một cách để lôi kéo khán giả?

+Thực ra tôi thích Hà Trần từ lâu nhưng chưa có dịp cộng tác.  Khi tôi bắt tay vào làm Album 1 có mời Hà Trần nhưng Hà Trần lại bận ở các dự án khác. Còn Tùng Dương là ruột của tôi rồi, lại đang ở thời điểm chín nhất của sự nghiệp. Nhiều bài tôi sáng tác nghe ra là thấy Tùng Dương, khi tôi sáng tác ấn định là Dương luôn, nhất là bài "Vệt buồn", chính Tùng Dương cũng bảo chỉ có Dương mới hát được chứ không thể ai khác. Còn "Bóng tối jazz" khi sáng tác tôi đã nghĩ đến Hà Trần rồi. Tôi nghĩ, đó cũng là một cơ duyên, những người cùng thẩm mỹ âm nhạc thì trước hay sau họ cũng sẽ gặp nhau thôi.

- Mỗi album là một câu chuyện, vậy trong "Bóng tối jazz", Giáng Son muốn kể với người nghe câu chuyện gì?

+ Khi mình ngồi trong bóng tối và nghe nhạc, mình sẽ hiểu hơn mọi ngóc ngách tâm hồn mình. Trong "Bóng tối jazz" là chuyện tình yêu của một người nam và nữ, những khát khao cháy bỏng của họ khi chạm tới tình yêu. Rồi cả khi họ mất nhau, những dằn vặt, tiếc nuối của họ thế nào. Blue jazz giúp tôi nói về những mất mát, nỗi buồn trong cuộc sống, tình yêu. Những khoảng lặng để mình nhìn lại cuộc sống, tình yêu của mình. Tất cả những ẩn ức đó sẽ được tìm thấy trong ký ức bóng tối. Tôi muốn mọi người tìm thấy một vùng kỷ niệm trong bóng tối đó.

- Nhạc sĩ Hà Quang Minh cho rằng, chị đã tìm ra một khoảng sáng trong âm nhạc Việt Nam  và chị sẽ đi tiếp con đường đó chứ?

+ Khi làm đĩa tôi không có ý nghĩ mình là tiên phong. Tôi thấy trên thị trường thiếu quá, khi các ca sĩ  muốn hát dòng này đều phải lấy các bài hát nước ngoài. Tôi muốn những sản phẩm của Việt Nam mình, từ phối khí, lời đến người hát, một sản phẩm blues jazz của người Việt. Tôi không dám nhận mình là người đầu tiên nhưng rõ ràng dòng nhạc này quá thiếu  trên thị trường.

- Chị có ngần ngại khi đi vào một dòng nhạc mới như thế khi khán giả Việt đã quen với những món ăn cũ?

+ Một lý do khiến tôi tự tin để theo đuổi dòng nhạc này, đó là khi tôi viết "Cỏ và mưa" từ 2003, được mọi người yêu thích nhất album 1 thì nó chính là blues jazz. Sau đó tôi tung ra "Thu cạn", cũng tạo được một cơn sốt, vang lên trong các cuộc thi hát. Rõ ràng blues jazz đã trở nên không xa lạ với đời sống và nó được đón nhận đấy chứ. Nó có một màu sắc khác, sang trọng, không thuần pop quá, hơi đỏng đảnh, sang chảnh, có vẻ quyến rũ riêng của nó. Rõ ràng là mọi người thích. Đó cũng là một lý do nữa để tôi làm đĩa nhạc này.

- Có lần tôi trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ, ông có nói rằng, các ca sĩ Việt bây giờ cứ mải mốt đi hát nhạc xưa, cả một nền âm nhạc đang sống trong hoài cổ. Nhưng chúng ta phải có âm nhạc của đời sống hôm nay, để 20, 30 năm nữa, nhìn lại, âm nhạc giai đoạn này sẽ có những gì? Chị nghĩ sao về điều đó?

+ Tôi không phản đối nhạc xưa, nhưng bên cạnh việc bảo tồn nhạc xưa, chúng ta phải có những ca sĩ, nhạc sĩ nói lên tiếng nói của đời sống đương đại. Dường như bây giờ đang bị chênh lệch quá bởi những sáng tác cũ và mới, đi đâu, ca sĩ nào cũng hát nhạc xưa. Điều đó khiến chúng ta thấy buồn. Các nhạc sĩ không có những bài hát hay để cho các ca sĩ hát. Hay các ca sĩ lười, không đi tìm cái gì mới mẻ, đột phá mà lựa chọn sự an toàn bằng những gì xưa cũ. Điều đó phải nhìn hai phía, cung không đủ đáp ứng, hay vì các ca sĩ chọn sự an toàn. Chúng ta rất cần những người mới mẻ, cần những tiếng nói khác đi trong toàn bộ đám đông đi theo một hướng như thế.

- Tôi thấy chị làm nghề rất thảnh thơi. Điều gì giữ cho chị tâm thế làm nghề an nhiên như vậy?

+ Tôi không bon chen. Công việc chính của tôi là dạy học, rồi đi làm giám khảo các cuộc thi. Tôi thấy bình an và yên ổn với cuộc sống. Phải có tâm thế đó thì khi sáng tác mới dành toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật, chứ đầu óc lúc nào cũng bận rộn, phải thế nọ phải thế kia thì không thể tĩnh tâm để làm nghệ thuật chân chính. Nghệ thuật chân chính phải đi ra từ tâm hồn trong sáng, thuần khiết. Thế nên, tôi sợ cuộc sống bon chen, ồn ào. Tôi nghĩ, cuộc sống quan trọng là mình thấy vui, thoải mái và được làm những gì mình thích, sáng tác những bài mình thích, và ra đĩa nhạc mình thích.

- Đời sống của chị bình yên, nhưng âm nhạc của chị lại góc cạnh, điều đó có gì mâu thuẫn?

+ Đời sống bên ngoài tôi bình an, không bon chen, không nhiều tham vọng. Tôi nghĩ, cũng có những người, đối với cuộc sống bình thường họ rất chu toàn, chỉn chu, còn đối với nghệ thuật, họ sống hết mình, bộc lộ những gì gai góc, hoang dại, xù xì nhất, thỏa sức khám phá thế giới nội tâm của mình chứ tôi không đem cái điên rồ, hoang dại đó vào đời sống vì nó sẽ không phù hợp với những chuẩn mực của hàng ngày. Không có nghĩa trong đời sống tôi phải xù lên, phải dị hợm, phải khác biệt mới là nghệ sĩ. Bề ngoài tôi hết sức bình thường, nhưng trong âm nhạc tôi hết mình. Nó thuộc về nội tâm, nội lực của từng người.

- Ở giai đoạn này, thấy âm nhạc của chị buồn nhiều hơn, mất mát nhiều hơn?

+ Tôi không hề khác, vì có nhiều bài hát tôi viết từ rất lâu rồi. Có những nỗi buồn mình trải qua rồi nhưng mình vẫn lưu cữu nó, như những vết sẹo không lành, mình giấu đi để sống. Và khi viết nhạc thì mình có thể lấy chất liệu từ nỗi buồn đó. Và có thể tôi quá nhạy cảm với những nỗi phiền muộn trong đời sống này.

- Phải chăng chỉ có blues jazz với những sắc màu đa diện của nó mới thể hiện được thế giới nội tâm của chị?

+ Tôi bị quyến rũ bởi những hòa thanh của blues jazz, tôi làm âm nhạc lâu nên những hòa thanh của pop nghe quá nhiều thấy quen quá rồi. Tôi thích những gì gai một tí, nhọn, phô một tí, ngang một tí, nhưng nó lại quyến rũ. Còn giai điệu của blues jazz, đúng nghĩa sang chảnh, như một cô gái đẹp sang và chảnh lắm, tán được cô không dễ, phải có trình độ, hiểu biết, thẩm mỹ thì mới nắm được cô ấy. Nội tâm trong những bài hát blues jazz rất nặng, nó phải là nỗi buồn thực sự không thể vay mượn, giả tạo, nó dữ dội và mãnh liệt. Có thể bề ngoài giản đơn của tôi đang che giấu một nội tâm dữ dội. Nhưng trong blues jazz tôi không cần che giấu để những nỗi đau được cất lên những tiếng khóc ai oán và bi thương nhất của nó. Nhưng nó không bị sến, vì hòa thanh quá hay, không thể sến được. Và ca sĩ hát không thể sến được. Tôi rất thích những gì đẹp mà không bị sến. Nỗi buồn cũng phải đẹp và sang trọng, ở mức đẳng cấp.

- Chị có nghĩ mình sẽ bước dài trên con đường đó?

+ Tôi đang ở tình trạng đã hoàn thành xong một lời hứa của chính mình, tự vượt qua một đỉnh núi mà mình tự hứa mình sẽ vượt qua. Tôi phải lắng nghe mình, mình sẽ hứng khởi ở dự án nào. Nếu sự đón nhận của khán giả tốt, đó cũng là chất xúc tác cho nghệ sĩ hứng khởi làm tiếp.

- Chị làm nghệ thuật nhưng lại chọn cuộc sống rời xa đô thị, ở một nơi tĩnh lặng. Chị nghĩ thế nào về hạnh phúc?

+ Tôi chọn cuộc sống tĩnh lặng, muốn tránh khỏi đời sống xô bồ thành thị. Tôi thấy sự bình yên sẽ tiếp sức cho tôi trong công việc sáng tác. Hạnh phúc là được sống với người mình yêu và làm những điều mình thích. Đơn giản thế thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (Thực hiện)
.
.
.