Ca sĩ Lan Anh:

Nghệ thuật dính đến tiền bạc sẽ không còn lung linh

Chủ Nhật, 13/08/2017, 15:10
Được coi là một giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng nhưng cái tên Lan Anh dường như vẫn khá vắng lặng trước những ồn ào, nổi tiếng. Với chị, âm nhạc vẫn là một thánh đường lung linh, nếu dùng tiền bạc, chiêu trò để tiếp cận nó sẽ… mất thiêng.


- Bây giờ là thời của nghe online mà Lan Anh vẫn cần mẫn, chăm chút ra album tốn kém thế này?

+ Tôi vẫn thích ra album để đánh dấu một thời điểm trong sự nghiệp của mình, chứ không phải ra album chỉ để bán. Còn kênh online, youtube tôi vẫn đẩy lên cho người nghe thưởng thức. Album có thể cầm nắm được để nhìn lại những dấu mốc trong cuộc đời.

Còn nhớ, album đầu tiên của tôi là "Bài ca hy vọng", hồi đó tôi làm việc cùng những nhạc sĩ có tên tuổi như Trần Mạnh Hùng và Xuân Thủy, nó mang một hơi thở khác. Nsưt Huyền chèo trên đường đi diễn, nghe và gọi điện cho tôi chúc mừng vì chị rất thích.

Đó là kỷ niệm tôi nhớ nhất vì đồng nghiệp nghe và thích là điều không dễ. Còn bây giờ, với "Tình ca xanh 2", lại mang một hơi thở khác, Dương Cầm, người phối khí cho album này là một nhạc sĩ trẻ, bạn ấy sẽ hòa âm theo hơi thở của những người trẻ.

- Chị lựa chọn Dương Cầm liệu có phải là một sự tính toán khôn khéo khi chị muốn tiếp cận với khán giả trẻ, bởi dòng nhạc chị theo đuổi từ trước đến nay vẫn mặc định thuộc về người trung niên?

+ Dương Cầm và tôi là một mối duyên từ ngày xưa, hai chị em hiểu và ăn xăm với nhau. Cách làm của Dương Cầm đã phả vào những bài hát cũ hơi thở mới, trẻ trung, văn minh hơn.

Bởi tôi quan niệm, dù hát bài truyền thống phải hát mang hơi thở mới vì mình sống trong hòa bình, tôi hát với tinh thần lòng biết ơn, sự trân trọng quá khứ, hát bằng tấm lòng chứ không hừng hực như thời các cụ, khi họ sống trong không khí của chiến tranh.

Năm 2009, tôi từng làm album thính phòng và thu với dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc điện tử, ngày đó, còn ít người nghe. Bây giờ số lượng khán giả nghe dòng nhạc này cũng tăng lên. Tôi hy vọng đó cũng là cách để tôi và những người theo đuổi dòng nhạc này tiếp cận với khán giả.

- Rất nhiều ca sĩ cùng thời với chị đều đã hát dòng nhạc khác để tiếp cận với khán giả, còn Lan Anh vẫn chung thủy với một dòng nhạc. Có khi nào chị thấy lựa chọn đó khó khăn?

+ Mỗi dòng nhạc có một giá trị riêng, một nét đẹp riêng, tôi nghe rất nhiều dòng nhạc và có thể hát được các thể loại khác nhau. Khởi đầu của tôi là nhạc pop mà, nhưng càng đi sâu vào thính phòng, tôi càng yêu và đắm đuối với nó. Giờ thì nó ngấm vào mình rồi, không bỏ được. Tôi thấy hạnh phúc vì được hát dòng nhạc này. Nhưng không có nghĩa là những dòng nhạc khác không hay, với tôi mỗi dòng nhạc có màu sắc riêng, rất đẹp. Bolero cũng có nhiều bài sang.

Việc hát dòng nhạc nào không quan trọng mà sự lựa chọn phải phù hợp với cá tính của mình. Tôi không đặt nặng vấn đề tôi là nhạc thính phòng cao sang không hát nhạc kia, như những bài bolero, có nhiều bài rất hay và sang trọng, bởi nó được viết từ tâm tư, tình cảm của người nhạc sĩ, nó đi vào ngõ ngách tâm hồn con người và có nhiều khán giả.

Album mới của Lan Anh.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ là cảm xúc và phải tìm được cái đẹp riêng của dòng nhạc đó, mỗi dòng nhạc có tiêu chí riêng. Có nhiều bạn hát bolero mà vẫn mang màu dân gian. Phải nghe nhiều, học hỏi để ra được màu của Bolero chứ hơi giống dân gian, hơi thính phòng là không thành công  rồi. 

- Vâng, chọn lối đi hẹp là con đường dài, có lần tôi trò chuyện với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, anh nói rằng, âm nhạc thính phòng, cổ điển là cái gốc còn lại của một nền âm nhạc. Nhưng ở Việt Nam, vị trí của dòng nhạc này còn quá khiêm nhường?

+ Vì nó không tiếp cận được với khán giả, dân ca nằm lòng trong người Việt, nhưng thính phòng mình học từ nước ngoài. Thực tế, thính phòng như cốt lõi, nền móng, muốn xây nhà đẹp phải có móng tốt, khi móng tốt xây nhà không bao giờ đổ, nếu chắc kỹ thuật thính phòng có thể hát được nhiều dòng nhạc khi người nghệ sĩ biết xử lý một cách tinh tế.

Không lạm dụng kỹ thuật để khoe, kỹ thuật chỉ phục vụ mình hát hay hơn thôi. Phải xử lý một cách nhẹ nhàng, hát hay mà người ta  cảm thấy rất nhẹ, hát như chơi hát, khi tất cả trở về tự nhiên, đó là một level khác hẳn. Suy cho cùng kỹ thuật là trở về với tự nhiên, hát cảm xúc để chạm tới trái tim khán giả.

- Tôi nhớ, khi cái tên Ninh Đức Hoàng Long được xướng lên tại một cuộc thi opera quốc tế, chúng ta đã khởi lên những niềm hy vọng, nhưng thực tế, không có nhiều tên tuổi cho dòng nhạc này. Theo chị vì sao?

+ Ninh Đức Hoàng Long là một giọng ca tốt, hiện bạn ấy đang bền bỉ theo đuổi dòng nhạc thính phòng. Chúng ta cần rất nhiều những bạn trẻ như thế, có tài năng và dám lựa chọn để trở về góp phần làm phong phú cho nền âm nhạc cổ điển nước nhà.

Nhưng có một vấn đề của ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này, đó là ca sĩ thính phòng tại Việt Nam hát tiếng Việt rất kém, vì bị ảnh hưởng của tây quá, phải gồng mình lên. Mình phải xác định thính phòng là màu sắc, âm hưởng thôi, chứ không phải gồng lên để hát tiếng Việt cho giống Tây.

Mình là người Việt Nam và tiếng Việt nhiều âm sắc, lên cao hay xuống thấp rất khó. Không phải ai hát thính phòng cũng hát được tiếng Việt. Chính vì thế, các ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này khó tiếp cận được khán giả. Nếu bạn để ý, không có nhiều ca sĩ hát thính phòng, còn dân gian thì nhiều vì dân gian nằm lòng trong người Việt.

Giống như  phương Tây, sao hát cổ điển hay thế vì họ sinh ra trong nôi cổ điển. Chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay những cái tên thính phòng nặng ký. Hát thính phòng rất khó để hát đời, gần gụi với cảm xúc của mọi người được. Phải có sự nhìn nhận tinh tế và cả học vấn để cảm và thấu hiểu được tác phẩm, và phải có một tâm hồn đủ tinh tế để nâng kỹ thuật bay lên bằng chính cảm xúc của mình. Sự hòa quyện đó sẽ giúp ca sĩ hát rất ngọt và rất đời.

- Chị đã ở trên đỉnh cao của dòng nhạc mà mình lựa chọn. Có lúc nào Lan Anh nghĩ, thế thôi đủ rồi, mình dừng lại thôi?

+ Tôi đi hát từ 4 tuổi, mê thích âm nhạc từ nhỏ. Lớn lên, theo đuổi âm nhạc một cách chuyên nghiệp, tôi ý thức được giọng của mình có màu sắc riêng, một điều rất cần trong âm nhạc. Nhưng mình không lấy đó làm tiêu chí mãn nguyện, nghĩ mình là nhất, nhiều bạn trẻ giờ cũng hát hay lắm, tuy dòng nhạc này khó và hiếm nhưng sẽ có người kế cận. Phải lắng nghe những góp ý của đồng nghiệp, nghe nhạc nước ngoài để mình cần thêm gì để giọng hát của mình bay hơn, xa hơn. Nếu chỉ hát những bài hát cũ đó mà không có sáng tạo mới thì rất nhàm chán…

Chất giọng chỉ là khởi đầu thôi, còn phải đầu tư tư duy, chất xám của mình thì mới bay lên được. Tôi nghĩ, mỗi tác phẩm cũng như cuộc đời mình, có lúc buồn, vui, có lúc dữ dội, đau khổ thì trong âm nhạc cũng thế, tại sao có to, nhỏ, chậm lại, không phải ca sĩ nào cũng ý thức điều này đâu.

Rất hiếm người xử lý được sự tinh tế đó. Thường mọi người hát theo cảm nhận bình thường thôi, ngay cả những người nổi tiếng, tôi thấy trong dòng nhạc dân gian hiếm người nào xử lý được tinh tế như ca sĩ Anh Thơ.

- Chị có quan tâm đến đời sống âm nhạc bây giờ?

+ Tôi có theo dõi, các trò chơi, game show, ca sĩ mọc lên như nấm, họ dùng tiền để lăng xê, nhiều khi bị thị trường quá. Báo chí cũng thành công cụ cho những trò lăng xê quá đà. Tôi có đời sống riêng, có giá trị riêng, không cần sự lăng xê như thế, không thích đi sâu vào đời tư.

Thực tế, có nhiều người hát hay mà không nổi tiếng, nhưng có nhiều người nổi tiếng chưa chắc đã hát hay, nhiều khi là may mắn của người nghệ sĩ, giống như ấn định họ là ngôi sao, nhiều khi là do công nghệ lăng xê. Nhiều người không phải là ca sĩ ra album, họp báo.

Ca sĩ Tấn Minh song ca với Lan Anh trong khá nhiều dự án.

Kệ thôi, cuộc sống mà, sẽ tự đào thải. Nghệ thuật bây giờ cũng đang đi theo xu thế thời thượng của xã hội. Tất cả đều liên quan đến tiền, nghệ thuật thường phải đúng tài năng đích thực, nếu cứ dính đến tiền bạc nó sẽ không còn lung linh, thiêng liêng nữa.

- Và chị, có bao giờ thấy mình lạc lõng, đơn độc?

+ Tôi vốn không ồn ào. Với tôi, một ngày không có âm nhạc buồn lắm. Âm nhạc luôn là đam mê, là tình yêu nên nó luôn hiện diện trong đời sống của mình. Có thể tôi không giàu có, không nổi tiếng như nhiều người nhưng được làm công việc mình yêu, kiếm tiền từ công việc đó mà không phải ngó nghiêng, loay hoay đã là hạnh phúc.

Tình yêu âm nhạc đã giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc sống, dễ tha thứ hơn với cuộc đời. Tôi nhìn cuộc sống đẹp, có nhiều thứ để phấn đấu, để yêu thương, không thù ghét ai, không bon chen, không danh vọng. Sống bằng khả năng của mình, bằng đam mê của mình mà thôi, sống nhẹ nhõm, đó là cách nuôi dưỡng cảm xúc.

Tôi chọn cho mình một lối đi riêng, không phải tôi cố tình và gồng mình lên để được như thế mà điều đó đúng với văn hóa con người mình, từ giáo dục gia đình và bản thân. Cũng có lúc tôi tự hào vì mình sinh ra trong cuộc đời này và cũng đã làm được một điều gì đó, nhưng sự tự hào chỉ trong phút chốc mà thôi.

Với con đường mình chọn, mọi thứ không dễ dàng và được trải hoa hồng. Đó là hành trình của sự khổ luyện, tìm tòi và khám phá để hát những bài hát cũ nhưng mình không bao giờ cũ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.