ca sĩ Thành Lê:

Nghệ thuật không phải là cuộc đua

Thứ Năm, 16/02/2017, 14:33
Những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, ca sĩ Thành Lê, quán quân dòng nhạc dân gian của Sao Mai 2007 phát hành album mới đậm không khí Xuân mang tên "Khúc hoài hương".


Sau 10 năm ca hát, cô gái nhỏ bé từ miền quê Hà Tĩnh bén duyên âm nhạc năm nào nay đã trở thành tên tuổi quen thuộc trong lòng khán giả. Nhẹ nhàng, nhưng không kém phần sắc sảo, Thành Lê trải lòng cùng độc giả về sản phẩm âm nhạc mà cô tâm huyết bấy lâu, cùng với hy vọng một năm bình an cho mình và cho mọi người.

- Thành Lê này, sao bạn lại chọn tên cho đĩa nhạc Xuân mới của mình là "Khúc hoài hương". Đầu năm nghe đã thấy hoài cổ rồi...

+ Từ rất lâu rồi em đã thích bài hát "Khúc hoài hương" của nhạc sĩ Tôn Thất Minh. Ca từ của ca khúc rất hay, là tâm trạng của những người con xa quê hương. Em nghĩ rằng mỗi một người trong chúng ta ai cũng có quê và ai cũng đau đáu về quê hương, nhất là trong những ngày mùa xuân. Vì quê hương là tuổi thơ của mình, là ông bà, cha mẹ mình, là bao nhiêu kỷ niệm không thể phai mờ. Em lại là đứa con xa quê hơn 10 năm nay, em cũng có tâm trạng như nhân vật trữ tình trong bài hát đó. Vì vậy khi làm đĩa nhạc Xuân này em quyết định đặt tên bài hát cho đĩa nhạc.

- Năm mới 2017 đã đến rồi nhưng nhìn lại năm 2016 vừa qua, quê hương miền Trung của Thành Lê gánh chịu nhiều khủng hoảng môi trường, thiên tai lũ lụt như bạn vừa nói. Sản phẩm âm nhạc đầu xuân của Thành Lê là đĩa nhạc thâu âm những bài hát về tình yêu quê hương, có thể hiểu đó là tấm lòng của người nghệ sĩ  muốn hướng về quê nhà, nơi mình sinh ra và khôn lớn. Nếu nói cụ thể hơn, thì bạn đã làm những gì thông qua âm nhạc, để chia sẻ những khó khăn, mất mát với bà con nơi quê nhà?

+ Nếu nói về sức lực cá nhân, thì em nghĩ mình quá là nhỏ bé. Những gì mình có thể làm không thể thấm vào đâu so với những mất mát của bà con quê hương. Em may mắn có một giọng hát, và bằng những ca khúc mà mình thể hiện, em có thể truyền tới tất cả mọi người thông điệp về tình yêu, sự chia ngọt sẻ bùi trong khốn khó.

Bên cạnh việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, em nghĩ với tư cách là nghệ sĩ, em cứ miệt mài lao động, và dùng chính tiếng hát của mình để gắn kết, khơi gợi và lan tỏa yêu thương, để động viên bà con quê hương mình vượt qua những giây phút cam go trong cuộc sống. Trong tất cả các CD của em  lúc nào cũng có hình ảnh Hà Tĩnh quê hương em.

- Được khán giả biết đến từ giải thưởng Sao Mai 2007, nghĩa là đã 1 thập kỷ trôi qua rồi. Một thập kỷ ấy, thực sự mà nói dù là cái tên Thành Lê được yêu mến với khán giả của dòng nhạc quê hương, nhưng bạn dường như chưa khi nào là cái tên hot trên mặt báo, trên truyền thông. Có vẻ như một số ca sĩ cùng thời và đàn em của bạn làm công việc PR, đánh bóng tên tuổi tốt hơn bạn. Điều này cắt nghĩa do đâu vậy, bạn thiếu một ekip làm việc tốt, hay đó là lựa chọn của bạn?

+ Có thể nói 10 năm qua em làm việc rất cần mẫn. Và em nghĩ một người nghệ sĩ thì hình ảnh của họ chính là sản phẩm họ đóng góp cho thị trường, cho đời sống. Ngoài điều đó ra, những thứ ồn ào khoa trương khác đều vô nghĩa.

Mỗi lần có sản phẩm mới và tổ chức họp báo, em thường nói với các anh chị nhà báo là, em chẳng có gì để gây sốc khán giả cả. Nếu họp báo mà chỉ có âm nhạc thôi, mà dòng nhạc em theo lại rất bình yên, đấy là dòng nhạc quê hương, chẳng có chi tiết nào về đời tư ca sĩ gây tò mò, cũng không có phát ngôn hay xì căng đan này nọ thì bài báo của các anh chị ít view, lại không hot. Thậm chí có người còn bảo, họp báo CD của Thành Lê nhạt quá. Nhạt ở đây là chẳng có gì "câu view" cả. Em biết điều đó, nhưng em không khác em được.

Em không muốn cố làm một điều gì, cố tỏ ra phức tạp hay gây sốc với khán giả. Em cứ là em thôi, và muốn rằng tất cả điều mình cần bộc lộ là âm nhạc, qua âm nhạc. Rồi ngay cả việc gặp gỡ truyền thông, báo chí, là khi có sản phẩm ra mắt em mới gặp gỡ, chứ không thích kiểu nay lên báo nói chuyện mình đi xe đẹp này ở nhà sang kia, hay úp mở chuyện đời tư. Thực sự em rất ngại chuyện đó.

- Nhưng âm nhạc vốn là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Độ hot của một ca sĩ nhiều khi lại tương đương với mức cát-xê họ nhận được. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ca sĩ quan tâm đến mức độ bao phủ của cái tên trước khi nghĩ đến việc rèn giũa giọng hát. Quan niệm như bạn phải chăng là không thức thời?

+ Mỗi khi nghĩ về con đường mình đang đi, nghề ca hát mình lựa chọn, em luôn sòng phẳng với bản thân. Em tự thấy thế này, mình không được trời phú một giọng hát mà chỉ cần dựa vào nó thôi, là đủ để tỏa sáng. Để đi đường dài, em phải lao động chăm chỉ, phải khổ luyện.

Giọng hát của em là do khổ luyện. Và dòng nhạc mà em theo, dù không phải lúc nào cũng sôi động trong đời sống, nhưng vẫn luôn có một lượng khán giả ổn định.

Em không xuất hiện thường xuyên trên truyền thông, nhưng vẫn luôn có nhiều show để đi hát. Ngoài việc kiếm sống, đó còn là tình yêu, là cảm hứng, là ý nghĩa mỗi ngày trôi qua của em nữa. Nên thực lòng mà nói, em không để ý chuyện thị trường. Em cũng không bao giờ so sánh mình với ai, không nặng nhẹ chuyện cao thấp. Em biết các ưu điểm và nhược điểm của mình.

- Nhược điểm của Thành Lê là gì vậy?

+ Đầu tiên là về hình thức, em quá bé nhỏ. Em không phải chân dài, cũng không phải xuất hiện đâu là nổi bật ở đó. Tính cách của em vừa thẳng thắn lại vừa hướng nội, điều đó không hẳn tốt với một người hoạt động trong ngành biểu diễn. Em cũng có một nhược điểm khác, là thay vì bằng lòng, hưởng thụ, em thường lo sợ thời gian. Em sợ thời gian trôi nhanh, rồi ngày nào đó mình già, mình yếu, mình không thể hát được nữa. Vậy thì tất cả những gì mình có thể làm khi còn trẻ phải tiết kiệm thời gian mà làm.

Sau này, những sản phẩm của mình sẽ là thứ còn lại. Dù có thể nổi tiếng trong đời sống hay không thì chí ít đó vẫn là những tài sản em có thể tự hào về mình, có thể kể cho con mình nghe về những năm tháng em đã lao động, đã say sưa hết mình với âm nhạc.

- Đối với Thành Lê, điều gì quan trọng nhất mà bạn tìm thấy từ âm nhạc?

+ Có thể với một vài ca sĩ khác, họ đặt ca hát lên một vị trí cao hơn bản thân họ rất nhiều, là phương tiện để đạt tới điều nọ điều kia chẳng hạn. Riêng với em, ca hát là điều thường nhật, bình thường của cuộc đời. Nó là một công việc cũng được, một niềm vui cũng đúng. Nhưng nó mang một ý nghĩa thực là bình dị. Em không đặt nó quá cao, không phù phiếm hóa nó, không đẩy cho nó một sứ mệnh đặc biệt nào.

Em thực hành âm nhạc mỗi ngày, có thể trên sân khấu, và có thể ở nhà, lúc nấu cơm, dọn dẹp, cọ nhà vệ sinh. Giống như người bình thường nhất có thể, không mặc cái áo nào quá cỡ, quá rộng cho công việc của mình. Em làm các sản phẩm âm nhạc cũng vậy, rất từ từ, lựa chọn những gì vừa sức với mình mà làm, không kiễng chân, không cố. Em nhận ra mọi thứ vừa vặn với mình thật là dễ chịu. Lòng mình thanh thản và không hề có áp lực gì cả.

Thành Lê cùng vợ chồng nghệ sĩ Đăng Dương trong buổi ra mắt CD “Khúc hoài hương”.

- Nghe bạn vừa nói, biết đâu, ai đó nghĩ rằng bạn không có ý chí cầu tiến.

+ Em nghĩ nghệ thuật khác với những lĩnh vực khác. Cầu tiến trong nghệ thuật được hiểu ra sao em thực sự không biết. Em đơn giản chỉ là sống tự nhiên nhất với toàn bộ con người mình, với nguồn năng lượng và mình có.

Và đã làm âm nhạc thì hết mình, chỉn chu, cầu toàn, cẩn trọng. Nghệ thuật không có nghĩa là cuộc đua. Nghệ thuật là chính mình, tận cùng mình thì trở nên khác biệt.

- Nhưng nghe Thành Lê nói bạn tự dọn nhà, nấu cơm, rửa bát, đi chợ, thì xem ra ngôi sao không khác biệt với người thường là bao. Ai có thể hình dung một ca sĩ nổi tiếng lại không có người giúp việc chứ?

+ Em vốn sinh ra trong một gia đình nông dân thuần nhất. Không ai trong gia đình em theo đuổi nghệ thuật, ngoài em. Nên có lẽ bản chất nông dân vẫn còn trong em nhiều lắm. Em chỉ lộng lẫy lúc đi diễn, lúc lên sân khấu thôi, còn ở nhà thì em có thể làm mọi việc. Sao phải cần người giúp việc trong khi em có thể tự làm tất cả. Em vất vả từ bé, nên em cũng quen làm việc rồi, không nề hà việc gì.

Em không thích phải tạo ra một cái vỏ bọc sống trong nhung lụa thế này thế kia cho sang chảnh. Thực ra là trót mang thân làm nghệ sĩ rồi, chứ nếu không em chỉ thích sống một cuộc sống rất bình thường. Bạn bè vẫn nhận xét là cuộc sống hàng ngày của em không khác gì  cuộc sống của một người công chức.

- Chuyện riêng tư thì sao, liệu trong năm mới khán giả có được đón tin vui từ Thành Lê không nhỉ?

+ Em nghĩ chuyện tình cảm thì hoàn toàn do duyên thôi, em không có sự lựa chọn và không có câu trả lời chính xác được.

- Sống một mình, nếu có lúc nào đó buồn hay cô đơn, bạn giải tỏa cách nào?

+ Người nghệ sĩ thường có những tâm tư nỗi niềm khó chia sẻ. Với em thì âm nhạc có thể gánh vác được tất cả những nỗi niềm đó. Em có thể vào phòng thu tìm những ca khúc trút được những "tiếng thở dài".

Không riêng gì em, một người đã vào nghề được 10 năm rồi thì trong cuộc sống chắc chắn không thể tránh khỏi những vấp ngã, thậm chí những vết thương, đôi khi từ chính bạn bạn bè, và người mình yêu quý.

Nhưng em nghĩ nỗi buồn hay vấp ngã sẽ giúp mình lớn lên. Khi cuộc đời không cho em niềm vui chẳng hạn, thì em có thể tìm trong âm nhạc. Âm nhạc giống như người tình, như tri kỷ của người ca sĩ vậy...

- Cảm ơn Thành Lê, chúc bạn một năm nhiều thành công hơn nữa.

Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.