NSƯT Chí Trung:

Nghệ thuật làm ra để cho chứ không phải để nhận

Thứ Hai, 18/01/2016, 10:55
Chí Trung nói, anh không dựng những vở kịch chẳng để cho ai. Câu chuyện của anh phải chạm tới cảm xúc của nhiều người. Trong thời điểm sân khấu đang ngủ đông, thì việc dựng lại tác phẩm kinh điển "Quan thanh tra" là một thách thức. Nhưng phải làm thôi. 20 năm vật lộn để duy trì một địa chỉ sân khấu, với anh đó là cả một hành trình dài.

- Vì sao anh lại dựng vở kinh điển "Quan thanh tra" của Gogol trong thời điểm sân khấu đang trầm lắng hiện nay?

+ Vở kịch nằm trong dự án đầu tư cho những tác phẩm kinh điển của nhà nước. Tôi đọc trong rất nhiều tác phẩm kinh điển của thế giới và chọn "Quan thanh tra", được tác giả Gogol viết từ năm 1835. Hình như ở Việt Nam đã có người dựng từ rất lâu rồi, nhưng không thành công.

Câu chuyện của Gogol đến nay vẫn còn tính thời sự. Có một nguyên tắc dựng vở của tôi là tôi không làm vở để mưu sinh, vì tôi có nhiều nguồn khác để sống một cách đàng hoàng, cũng không làm xong để mình oai, tức là áp đặt những thủ pháp để dọa mọi người mà khán giả không xem, cũng không làm vở vì bất cứ một áp lực nào.

Tôi chỉ dựng vở với tiêu chí duy nhất là tôi cảm xúc được nó và có thể truyền cho khán giả một thông điệp nào đó. Nhưng nếu tôi không nhầm, thì những vở diễn tôi từng dựng như "Mùa hạ cuối cùng", "Ai là thủ phạm" hoặc dựng lại “Lời thề thứ 9” trên cơ sở bản đã dựng của NSND Xuân Huyền đều có hàng trăm suất diễn. Vấn đề là tôi rung cảm với những nỗi đau của đất nước.

Nghệ thuật làm ra để cho đi chứ không phải để nhận, mình cho đi tư tưởng và việc tiếp nhận nó thế nào là quyền của khán giả. Thường là những tác phẩm chúng tôi làm ra đều được đón nhận. Điều quan trọng là tôi muốn dành cho diễn viên những vở lớn để họ lớn hơn, trưởng thành hơn so với chính mình.

- Nhưng lâu nay, Nhà hát Tuổi trẻ tồn tại bằng những vở hài kịch, mà anh là đạo diễn của hàng trăm vở. Nhiều người cho rằng, Chí Trung đã làm "tầm thường hóa" một địa chỉ kịch hàng đầu đất Bắc. Anh nghĩ sao?

+ Hai mươi năm nay, tôi đã dựng hàng trăm vở hài kịch. Người ta nói thế cũng đúng, vì sự tồn tại đó là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi phải tồn tại, anh em nhà hát phải sống đã mới nói đến chuyện làm những vở chính kịch, dành sức cho những vở lớn.

Cho nên tôi là người đầu tiên xã hội hóa sân khấu ở miền Bắc, kéo những vở dài thành ngắn, làm hài kịch. Nhưng tôi lấy ngắn nuôi dài. Tôi vẫn coi đó là giải pháp tình thế chứ không phải nghệ thuật. Chúng tôi buộc phải tồn tại bằng những tác phẩm hài kịch, lâu dần thành bản ngã, mình phải làm những thứ ưng ý và bán những thứ ưng ý đó ra thành sản phẩm, ra tiền. Song, chúng tôi cố gắng khác những người khác, làm hài nhưng không rẻ tiền, hài bẩn.

Chọn toàn bộ những huyệt trên người thì tôi chỉ chọn từ ngực trở lên chứ không chui xuống rốn, càng không chui xuống gót chân. Hài của Chí Trung là hài thâm, nên ra chợ dân không thích. Nhưng phải chấp nhận, đó là chất của mình, không khác được. Khi làm mình phải tự chọn cho mình một style, hài của tôi không rẻ tiền.

- Lấy ngắn nuôi dài để dựng những vở kinh điển như "Quan thanh tra"…? 

-Tôi chỉ làm những thứ mình thích, nên đến bây giờ vẫn cứ thong dong sống mà không phải phiền lụy một ai. "Quan thanh tra" cũng là một lựa chọn như thế. Nhưng có một thực tế là nhiều người chưa tin tưởng vào lớp đạo diễn "trẻ chưa qua mà già chưa tới" như chúng tôi, họ chỉ nghĩ đến cây đa cây đề, trong khi thực tế đã có những người trẻ làm rất tốt như đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên bên cải lương, rồi Anh Tú, chị Lê Khanh. Chúng tôi đang làm một sản phẩm văn hóa, và khi nó được khán giả  đón nhận nó sẽ trở thành một tác phẩm, chư chúngá tôi không bao giờ cao ngạo tự vỗ ngực rằng, tôi đang dựng một vở kinh điển đây.

Điều quan trọng là sản phẩm văn hóa, tác phẩm đó truyền cho khán giả được hơi thở gì, thông điệp gì và những gửi gắm gì qua tác phẩm. Với "Quan thanh tra", tôi lấy ý tưởng từ những đám quan lại tham nhũng, đục khoét đất nước, bức tranh Nga rất đẹp với những thành quách cổ kính, những điệu dân ca Nga ngọt ngào, nhưng tất cả nằm trong lễ hội chuột chù.

Tôi giữ nguyên hồn cốt của "Quan thanh tra", chỉ cắt đi một nửa vì nó kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ. Phải mất mấy tháng trời đọc và cắt để dựng lại và đưa hơi thở ngày hôm nay vào. Trên tất cả là câu chuyện một nước Nga rất đẹp nhưng bị một đám chuột đang đục khoét.

- Một vở kinh điển đã cách chúng ta hơn 180 năm, anh xử lý thế nào để khán giả không thấy nó quá nặng và xa lạ với đời sống hôm nay?

+ Đó là một vấn đề lớn, điều quan trọng là tôi thấy tác phẩm đến hôm nay vẫn mang tính thời sự, những vấn đề tham nhũng, đục khoét đất nước đang được đặt ra. Nhưng muốn thành công, thì yếu tố tiên quyết vẫn là diễn viên, họ có ngấm, có rung cảm để truyền tải được ý tưởng của mình hay không.

Như một đội bóng ấy, cầu thủ không hiểu, đá không hay thì chịu rồi. Vì cổ điển chứ không phải đời cười. Đời cười chỉ cần 1 tháng, đến tháng rưỡi là xong, còn riêng tác phẩm này, chúng tôi làm việc quần quật 3 tháng trời, để diễn viên uống từng lời một.

Để đóng một tác phẩm kinh điển phải qua 4 giai đoạn, đủ, rồi đến đúng, đến hay và cuối cùng mới bay được. Quan trọng nhất là phải bay được, như chúng tôi diễn ngày xưa, diễn mấy trăm đêm, diễn như không diễn.

- Liệu có thể tìm lại được cảm giác bay với sân khấu kịch bây giờ không thưa anh?

+ Hiện nay mới chỉ tạm gọi là đúng, một số vai hợp chất có thể hay nhưng bay thì còn lâu lắm. Ngày xưa, một vở của chúng tôi ra, diễn 70 suất còn chưa nghỉ. Còn bây giờ, một vở kịch chỉ diễn được vài ba đêm. Sao mà bay được.

Theo nghệ sĩ Chí Trung, Táo quân năm nay sẽ có format mới.

Ai biết mà bay, nếu không có sự tung hứng của khán giả. Và điều quan trọng là sự khát nghề, chứ diễn viên trẻ bây giờ quá  nhiều thứ chi phối họ, vì lương của họ quá thấp, họ phải đi đóng phim, tham gia đủ thứ để tồn tại.

Giờ họ không có khát vọng.  Ngày xưa, thế hệ chúng tôi có đi ra chợ Trời kiếm sống cũng chỉ mong đến tối để được đứng trên sân khấu. Còn bây giờ, thế hệ các diễn viên trẻ, họ chỉ mong ngày dài hơn để đi đóng phim. Một khi không có lý tưởng thì làm sao có thể hay được.

- Rõ ràng đó là một thực trạng của nhiều nhà hát vì sân khấu không có khán giả.

+ Tôi thì quan niệm khác, mình là người của sân khấu, không nên đi làm thuê cho các loại hình khác. Sân khấu có những khát vọng và giá trị riêng. Bản thân xã hội không cần sân khấu đâu. Vì thế bao nhiêu năm qua, từ năm 1997 khi tôi là Trưởng đoàn 2 đến nay tôi đã cùng với mọi người loay hoay các kiểu để sống chết với sân khấu.

- Hơn 20 năm lăn lộn, nhìn lại một quãng đường khá dài làm việc và cống hiến, anh có điều gì nuối tiếc?

+ Tôi đã có được tình yêu của khán giả. Nhiều năm qua, tôi đã giữ được nhịp hoạt động của Nhà hát tuổi trẻ để bất cứ khi nào trong đầu khán giả muốn đi xem sân khấu, họ nghĩ ngay đến nhà hát tuổi trẻ, đó là một thành công của chúng tôi. Chúng tôi đi đến các vùng quê, được đông đảo bà con chào đón. Đó là một thương hiệu mà nhiều năm qua tôi đã nỗ lực kinh khủng để có được. Còn những vở kinh điển, tôi không muốn dựng những vở kịch không để cho ai. Tôi làm và muốn áp đặt những vấn đề tư tưởng của mình, những suy ngẫm của mình về cuộc sống bây giờ. Tôi không làm nô lệ cho bất cứ cái gì.

- Những ngày cuối năm, khán giả vẫn chờ đợi Táo Quân như một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Anh có thể bật mí một chút về hậu trường Táo ?

- Chắc chắn có Táo quân và ekip làm Táo đều quyết tâm có một món ăn ngon phục vụ khán giả cả nước sau một năm chờ đợi trong... thấp thỏm! Ai cũng muốn đứa con tinh thần của mình sinh ra đẹp đẽ khoẻ mạnh. Tất cả ekíp đang cố gắng nỗ lực làm mới và hay hơn.

Nếu ai đó cho rằng nó đã nhàm, sao không phải là ekíp khác thì cứ bảo họ hãy đi tìm xem, nếu ai đó kỳ vọng các Táo sẽ phê phán nặng nề hơn, thì làm ơn hãy giở báo ra mà đọc, vì báo chí đã làm công việc đó. Đó là hài kịch và chúng tôi có cách nói riêng của mình.

Chúng tôi đang nỗ lực làm mới với một format khác nhưng có một vấn đề là khán giả đang bị nhờn thuốc, 13 năm nay họ ăn cay rồi, giờ không ăn cay nữa rất khó. Hiện tại các nghệ sĩ đang luyện tập rất vất vả.

- Xin hỏi anh một câu cuối về câu chuyện danh hiệu. Đến lúc này, anh có buồn không?

- Tôi có viết mấy dòng trên facebook của mình rằng: Tôi ngơ ngác giữa rừng hoa khoe sắc/Lòng dửng dưng, khô cạn xúc cảm buồn/Ngồi ngẫm nghĩ, thôi đời mình vẫn thế/Đợi "người thương"??? /Tay thả nhẹ...lơi buông!

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.