Ngọc Khuê và những “giấc mơ dai dẳng”

Chủ Nhật, 01/12/2019, 09:26
Khá lâu rồi Ngọc Khuê mới trở lại sân khấu trong đêm nhạc “Tiền Duyên” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Dù ít xuất hiện nhưng lần nào Ngọc Khuê cũng để lại ấn tượng bởi một cá tính âm nhạc đặc biệt, không bị trộn lẫn trong đời sống âm nhạc. Từ “Bên bờ ao nhà mình”, Ngọc Khuê đã đi rất xa để tìm giấc mơ của chính mình.


1. Tôi nhớ, cách đây hai tháng, trong chương trình True Concert, đánh dấu sự trở lại của Ngọc Khuê trên sân khấu, chị đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Nhiều năm qua, sau những đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, Ngọc Khuê chọn cuộc sống lặng lẽ hơn. Chị là giảng viên Trường đại học Văn hóa, chọn công việc giảng dạy thay vì ra album hay làm show như các ca sĩ cùng thời. 

Ngọc Khuê vẫn đi hát, nhưng ít khi xuất hiện trên các sân khấu lớn. Dù ít xuất hiện nhưng sự trở lại của Ngọc Khuê luôn gây ấn tượng bởi sự chỉn chu, cầu toàn và năng lượng tỏa ra từ giọng hát của chị. Khuê vẫn là một giọng ca đặc biệt của nhạc Việt. Với ca sĩ, có một vài bài hit đã là hạnh phúc. 
Ngọc Khuê luôn gây ấn tượng khi xuất hiện.

Còn Khuê, giọng ca của chị gắn liền với nhiều bản hit như “Chuồn chuồn ớt” ,“Bên bờ ao nhà mình” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, “Bà tôi”, “Giấc mơ dai dẳng” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Sự xuất hiện của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Minh Sơn cùng với dòng nhạc dân gian đương đại, hẳn sẽ thiếu cuốn hút nếu không có Ngọc Khuê. Và nhiều năm qua, Khuê vẫn định danh mình như vậy, dù chị không đi hát nhiều.

Đặc biệt, trong đêm nhạc “Tiền Duyên” của Nguyễn Vĩnh Tiến mà Khuê là một “vedette”, trong khi có sự xuất hiện của cả ba diva làng nhạc, Thanh Lam, Mỹ Linh và Hồng Nhung. 

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà kể lại: “Sau đêm diễn nhớ đời này, mẹ Ngọc Khuê quyết định không cho con gái hát “Giấc mơ dai dẳng” nữa. Vì lần nào hát bài này Khuê cũng có vấn đề về sức khỏe. Bài này lời lẽ khá mông lung, khó hiểu. Câu chuyện trong bài chỉ sáng tỏ khi tác giả tiết lộ kể về chuyến lang thang về làng cũ của một linh hồn… 

Lần này không ngoại lệ, Khuê phải cạo gió đen nhánh hai đồng bạc mới ra sân khấu được. Tất nhiên không ai biết vì Khuê hát vẫn phong độ, còn tỏ ra điêu luyện hơn xưa. Rõ ràng cô đã chuẩn bị chu đáo cho sự xuất hiện mang vóc dáng “vedette” của show với những bộ váy áo thiết kế đẹp, độc”. 

Khuê hát “Bà tôi”, “Giấc mơ dai dẳng” nhiều mộng mị hấp dẫn. Mọi người có thể quen nghe Ngọc Khuê với “Bà tôi”, nhưng có lẽ “Giấc mơ dai dẳng” mới là Khuê nhất. Cảm giác như Nguyễn Vĩnh Tiến viết để dành riêng cho chị, vừa ma mị, ám ảnh và quyến rũ. 

Và có lẽ, hẳn nhiều người sẽ tiếc nuối, vì Khuê xuất hiện quá ít trong khi chị sở hữu một giọng hát điêu luyện, hoang dại và hay đến thế. Tưởng như âm nhạc không còn quyến rũ Ngọc Khuê nữa. Nhưng nghe chị hát trên sân khấu, cảm nhận rõ tình yêu và đam mê chảy trong trái tim chị. 

Khuê vẫn vậy, nồng nàn, cháy bỏng, thậm chí lên đồng khi hát. Và chắc chắn, nếu dành trọn cho âm nhạc, Ngọc Khuê bây giờ đã có một vị trí nào đó trong đời sống âm nhạc. Nhưng Ngọc Khuê không coi âm nhạc là cơ hội để nổi tiếng hay tìm kiếm danh vọng. Chị hát chỉ vì đam mê. 

Chị chia sẻ: “Từ lâu rồi tôi đã chọn công việc, những chương trình không phù hợp tôi sẽ không nhận lời... Mọi người cho là chảnh nhưng tôi có cách làm việc của mình. Thời buổi này ai chả cần tiền để mưu sinh, nhưng tôi không quá đặt nặng vấn đề kinh tế nên tôi chọn theo cách của mình. 

Mấy năm trở lại đây, cứ cuối năm khoảng Giáng sinh đến Tết Dương lịch, tôi thường có những chuyến lưu diễn nước ngoài, hát cho bà con những người xa quê lúc nào cũng mong ngóng trở về quê hương nhưng vì đặc thù công việc nên họ không thể về quê đúng dịp Tết Nguyên đán. 

Cộng đồng người Việt ở châu Âu khá gắn kết nhau bằng các hoạt động văn hoá văn nghệ nên có ca sĩ Việt Nam sang họ quý lắm. Đi đến bất kỳ thành phố nào, nước nào có cộng đồng người Việt sinh sống tôi cũng như các nghệ sĩ đều được chào đón rất nồng hậu”.

Còn ở Việt Nam, Ngọc Khuê không xuất hiện nhiều. Chị dành thời gian giảng dạy và chọn lựa những công việc phù hợp. Nhưng rõ ràng, mỗi lần xuất hiện, Ngọc Khuê đều mang lại cho khán giả những bất ngờ thú vị bởi sự đầu tư kỹ lưỡng và giọng hát ma mị, quyến rũ của chị.

2. Ngay từ khi xuất hiện trong Sao Mai 2003, Khuê đã là một giọng ca cá tính, không bị trộn lẫn. Nhiều người kỳ vọng vào con đường ca hát của Khuê, nhưng đến bây giờ, trong khi Tùng Dương chăm chỉ làm show và các dự án, Khánh Linh cũng ra khá nhiều abum thì Ngọc Khuê vẫn đủng đỉnh “bình chân như vại”. Kể từ album Ngọc Khuê hát Phạm Duy năm 2015 đến nay, Ngọc Khuê vẫn im ắng. Tôi hỏi, hay tại vì Ngọc Khuê không thoát khỏi cái bóng của quá khứ, vẫn mãi quẩn quanh “bên bờ ao nhà mình”. 

Khuê chia sẻ: “Tôi không muốn bon chen, dòng nhạc tôi lựa chọn không phải cho đám đông và cũng khá kén người nghe, nên mọi người thấy tôi có vẻ lặng lẽ vậy thôi. Nhưng tôi nghĩ, cái điều còn lại của ca sĩ, là có đến được trong lòng công chúng hay không. Tôi nghĩ, mình đã có được điều đó”. 

Khuê luôn tâm niệm: “Với nghệ thuật, là chính mình là tốt nhất, cần gì phải ngó quanh để hơn mọi người. Tôi cứ lặng lẽ làm những việc mình thích, tôi nghĩ cuộc sống không biết trước điều gì, nên cứ làm việc mình thích và cảm thấy vui là được. Mỗi người đều có một con đường đi của riêng mình. Con đường của tôi có thể không ồn ào, nhưng tôi nghĩ, nó sẽ bền lâu. Dù nhiều lúc tôi cũng thấy mình cô đơn trên con đường đó, nhưng tôi sẽ không thay đổi. Tại sao phải thay đổi, khi có những người cả cuộc đời mới tìm ra được bản sắc của mình, còn tôi mới xuất hiện, tôi đã thấy mình thuộc về dòng nhạc dân gian đương đại”.

Và sau cuộc hôn nhân đầu tiên đỗ vỡ, Khuê dành nhiều thời gian cho con trai, cho công việc giảng dạy. Chị vẫn đi hát, làm những việc mình thích, nhưng đằm và sâu hơn. Khuê có một người đàn ông bên cạnh, là bờ vai cho chị dựa dẫm. Nhưng có lẽ, thẳm sâu, trong Khuê vẫn là những giấc mơ dành cho âm nhạc. Bởi khi Khuê hát, tôi cảm nhận được vẻ đẹp đủ đầy tỏa ra từ tâm hồn chị, một người đàn bà sinh ra để  hát. “Tôi vẫn ở đây, tôi chẳng đi đâu hết, nhưng nhiều người lại cứ giật tít Ngọc Khuê trở lại, Ngọc Khuê mất tích. Tôi rất sợ điều đó”.

Phật giáo, với những bài tụng kinh của mẹ Khuê nghe từ khi còn bé đã ngấm vào chị. Những lúc có thời gian chị ngồi thiền. Đó là cách cân bằng lại cuộc sống quá bận rộn này. 

Mỗi lần bước chân vào cổng chùa, chị cảm thấy mình như bước chân vào thế giới khác, nhẹ nhõm hơn, thư thái hơn, không vướng bận cơm áo gạo tiền. Có lẽ vì thế, Ngọc Khuê biết buông bỏ, không bị những hào quang của danh vọng hay sự nổi tiếng cuốn mình đi. 

Chị đủ chín chắn để biết điều tiết chính mình, “khi nào cần chậm thì đi chậm, khi nào muốn vội thì sẽ vội, cái guồng cuộc sống là do mình tạo ra mà, mình muốn thế nào nó sẽ thế đó. Nhưng có một điều, khi định làm gì, tôi sẽ làm đến cùng, không có chuyện nửa vời, ỡm ờ”.

Nhưng tôi và khán giả vẫn hy vọng, kỳ vọng, Khuê sẽ xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu. Bởi Ngọc Khuê là một màu riêng không trộn lẫn. Và những người yêu âm nhạc đương đại, những tâm hồn góc cạnh vẫn rất cần, rất muốn nghe tiếng hát của Ngọc Khuê. 

Sự sâu thẳm và chất liêu trai trong giọng hát của chị đã chạm đến đáy tâm hồn của người nghệ sĩ và nó truyền lại năng lượng, cảm hứng cho chính khán giả. “Chuồn chuồn ớt” Ngọc Khuê chẳng cần phải bay đi đâu xa, giấc mơ của chị vẫn ở đó, rất  gần, từ đồng quê, từ bờ ao nhà mình. Ở đó, chị sẽ chạm tới giấc mơ của mọi người.

Linh Nguyễn
.
.
.