Người có biệt tài chơi đàn bằng… miệng

Thứ Hai, 04/09/2017, 20:21
Không cần bất cứ một dụng cụ âm thanh nào, chỉ từ trong miệng của mình, ông Bảy On có thể đệm thành công giai điệu của các bài vọng cổ nức tiếng. Tiếng đờn (đàn) từ khóe miệng của ông nghe da diết, êm ái ngọt ngào như chim reo, suối chảy, như lời à ơi đậm chất sông nước Nam Bộ...

"Thầy đờn" bằng… miệng

Cả huyện Thủ Thừa rộng lớn là vậy, nhưng khi hỏi về ông Trịnh Văn On (Bảy On) đờn miệng thì từ trẻ nhỏ đến người già đều tỏ tường. Ngôi nhà của "quái kiệt" Bảy On nằm lẩn khuất trong một con đường nhỏ của ấp 4 (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Bảy On dáng người thấp đậm, nước da bánh mật, hay cười chất phác hiền hậu: "Tui sinh ra trong cái nắng cái gió bên dòng Vàm Cỏ Đông này, từ nhỏ lặn ngụp bắt cá bắt tôm. Lớn lên dãi nắng dầm mưa lao động nên mới đen sạm như vậy".

Bảy On biểu diễn đờn miệng trên truyền hình.

Bảy On năm nay 49 tuổi, cuộc đời gắn với một gia đình nông dân chính hiệu. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê, nối nghề làm ruộng của cha mẹ để lại. Những lúc ngồi nghỉ mệt dưới gốc dừa rì rào gió thổi, người nông dân miền Tây lại ca cho nhau nghe vài ba câu vọng cổ bằng tiếng đờn ghi ta phím lõm. Tiếng đờn thẩm thấu trong đầu, da diết cả trong giấc ngủ Bảy On, vọng về những năm tháng tuổi thơ đầy thiếu thốn nhưng dạt dào tình yêu thôn quê.  

Bảy On phát hiện ra khả năng tiềm tàng trong cơ thể của mình từ những ngày nghe ca vọng cổ như thế. Nghe người ta ca, Bảy On mê lắm, nhưng nghèo không có tiền đi học. Ông tức khí trong cổ họng, dùng lưỡi gẩy tưng tưng thành giai điệu, nghe thấy giống tiếng đờn kìm, đờn tranh, đờn ghi ta phím lõm. Vậy là tập đờn bằng miệng từ ngày còn thanh niên. Âm thanh được "vuốt sắc lẹm" trên đầu lưỡi, Bảy On tự tin lắm.

Bảy On đang vừa đi làm vừa phải chăm sóc mẹ già.

Ngày đầu biểu diễn không ngờ bị thầy đờn chửi: "Cái miệng để ăn chứ mày đờn chẳng ra cái giống gì, khô như cá lóc nướng". Bảy On không buồn, trái lại còn thích thú với trò "phù thủy" này. Thầy đờn la mắng thì ông về nhà tự tập, đờn cho mẹ già nghe.

Trong một bữa tiệc rượu, ông đề xuất được đờn bằng miệng cho người bạn hát. Tất cả mọi người đều trố mắt ngạc nhiên, không tin là sự thật, họ cho rằng ông say rượu nên nói nhảm. Bạn chiều ông, thử xem ông đờn miệng có ra ngô ra khoai gì không. Khi tiếng hát của bài vọng cổ "Dòng sông quê em" cất lên, cùng với đó là tiếng đờn ngọt lịm từ trong miệng của ông Bảy On phát ra, hòa hợp từng câu, từng điệu. Khi ấy, mọi người mới chính thức xác nhận ông là "quái kiệt đờn miệng" của cả miền Tây. Có thêm động lực, Bảy On về nhà tập luyện miệt mài.

Trước tiên, ông dùng miệng phát cho âm thanh vang xa. Sau đó, tập nín thở, giữ hơi để tiếng đờn giữ lại càng lâu càng tốt. Lưỡi dùng để đánh giống như nhịp trống. Tuy nhiên, để có được tiếng đờn thánh thót, trong trẻo, giống y như tiếng đờn bằng thanh công cụ, ông Bảy On đã dày công suốt một thời gian dài.

Ông cho biết: "Đam mê và năng khiếu thôi chưa đủ, mà cần phải tập luyện bền bỉ, kiên trì. Có ngày miệng tôi đau không há ra được, lưỡi tê cứng và cuống họng thì bỏng rát đến uống nước còn khó. Vì mê quá mà quên hết khó khăn, chướng ngại".

 Sau khi thành thục âm thanh, Bảy On bắt đầu tập bật ngón tay. Dùng ngón cái và ngón giữa chụm vào nhau, bật một cái, âm thanh phát ra không khác gì tiếng gõ của dụng cụ mõ gỗ.

Sở trường của Bảy On là đệm vọng cổ nhịp 8-12. Khi thực hiện đờn là phải nín thở, nên câu nào dài quá là Bảy On đuối sức, phải kêu nghệ sĩ dừng lại để ông đờn thở lấy hơi cho câu sau. Thường thì 6 câu vọng cổ, ông đờn phải nghỉ hơi ít nhất một lần. 

Sống nhờ tiếng đờn…

Cuộc sống nghèo khó chốn quê nhà không cho phép ông Bảy On phát triển tài năng thiên bẩm, tiếng đờn miệng chỉ được sử dụng những lúc ngẫu hứng hay khi có một nỗi buồn trĩu nặng đè nén tâm hồn. Trong gia đình, ông vẫn thường đờn cho má nghe, để bà quên đi bệnh tật trong người. Hàng xóm nhà nào có tiệc cũng thường mời ông tới đờn cho mọi người hát. Cứ thế, tiếng đờn của Bảy On trở thành đặc sản vùng sông nước Thủ Thừa.

Biểu diễn trong đám cưới.

Người phụ nữ yêu ông, cũng vì mê mệt, sầu thương với tiếng đờn độc đáo có một không hai. Những vất vả, khó nhọc trong cuộc sống càng nhiều khi có thêm hai đứa con. Bảy On gác lại ước mơ âm nhạc, quần quật lo cho gia đình nhỏ.

Trước đây gia đình có ba công đất, nhưng từ ngày mẹ già đổ bệnh phải bán lấy tiền chữa trị, nên giờ tay trắng. Ngôi nhà đang ở cũng là nhà tình thương từ 8 năm trước. Thử sức với nghề làm mướn một thời gian, thấy sức khỏe đi xuống, bệnh đau cột sống hành hạ, Bảy On quay sang đi bán vé số.

Người dân quê mê đờn ca tài tử, chẳng eo hẹp gì khi bỏ chút tiền mua vé số ủng hộ "quái kiệt" Bảy On. Tiếng đờn dường như chưa bao giờ "hết lửa" trong cuống họng của ông. Tranh thủ buổi tối, Bảy On tập đờn cho vợ con nghe, đó cũng là cách tập luyện để trau chuốt âm thanh thêm ngọt ngào, sâu lắng.

 Nếu chỉ lắng tai nghe tiếng đờn, không ai nghĩ rằng âm thanh luyến láy ấy lại được "lấy" ra từ miệng của người đàn ông quá đỗi bình dị. Những lúc rượu vô, ai cũng muốn ca, nhưng phải có ghi ta phím lõm mới "vô được". Mọi người dáo dác gọi nhau tìm, Bảy On xua tay: "Thôi khỏi, đờn trong miệng tui đây". Và thế là ông đờn, đắm đuối như người say. Điều đặc biệt là mỗi khi trong người có tí "men", Bảy On càng đờn khỏe. Cánh nhậu trong xóm thường gọi ông tới "chén chú chén anh" xong thì cùng ca đờn túy lúy, bỏ mặc thế sự nhân tình.

Hàng xóm thường tụ tập ở nhà ông để nghe đờn.

Một mình gánh vác cơm áo cho cả gia đình, đã thế, thằng con trai đầu đang học lớp 8 thì phát hiện mắc bệnh tâm thần, phải chạy chữa khắp nơi. Chị Nguyễn Thị Hòa, vợ ông đi làm công nhân kiếm tiền chợ phụ chồng lại một nách chăm mẹ già, con nhỏ.

Nhiều nỗi lo dồn dập, Bảy On nhận thêm "sô" diễn từ các đám tiệc của xóm, từ đám cưới đến đám giỗ, ông chẳng từ chối một ai. Ông Dương Văn Bưởi, Trưởng ấp 4 (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết: "Gia đình anh On thuộc diện khó khăn của địa phương. Mẹ già bệnh tật, hai con nhỏ dại. Từ ngày có "món" đờn miệng, anh ấy được nhiều người biết tới, bà con chòm xóm rất quý, nhà nào có đám tiệc đều mời anh tới góp vui. Nhờ tiếng đờn, cuộc sống cũng đỡ hơn, nhưng vẫn còn vất vả". 

Tiếng lành đồn xa, thỉnh thoảng giới showbiz trên TP Hồ Chí Minh mời ông đi diễn, những dịp như thế "cát xê" rủng rỉnh hơn. Nói là thiên bẩm nhưng cách đờn miệng phải lấy hơi nhiều nên rất mệt, vì vậy không phải lúc nào Bảy On cũng đờn được. Tuổi càng cao, sức khỏe càng xuống, bây giờ thì ngày nào khỏe Bảy On mới nhận lời đi biểu diễn. Ông yêu nghề và trân trọng người nghe, nên một khi đã diễn là phải hết mình, hết sức, bung tất cả năng lượng, khán giả nghe mới đã cái tai.

Mấy năm nay, Bảy On sắm được chiếc xe gắn máy, ngày nào cũng rong ruổi từ khắp huyện Thủ Thừa, qua TP Tân An (Long An) có hôm lên tới TP Hồ Chí Minh bán vé số. Cách mời chào của ông cũng rất khác người. Ông thường biểu diễn đờn trước, ai nghe thấy khoái thì mua ủng hộ, không thì cũng vui vẻ mỉm cười, coi như được phục vụ khán giả.

Nhiều năm ra đường, hít khói bụi cộng với "nghề" đờn miệng khiến Bảy On bị viêm phế quản thường xuyên. Lẫn trong tiếng đờn luôn là tiếng ho khù khụ, tiếng đằng hắng đặc trưng của người bị bệnh về đường hô hấp. Nhiều người khuyên Bảy On nên hạn chế đờn, để giữ sức khỏe. Ông cười, trả lời: "Có mỗi thú vui làm mình sảng khoái nhất mà bỏ thì còn ý nghĩa gì nữa. Cứ đờn thôi, khi nào đuối không chịu nổi nữa mới tính".

Ước mơ của Bảy On là được đi học đờn bài bản để biểu diễn chuyên nghiệp hơn. Nếu có thể, sẽ truyền lại bí quyết cho con hoặc ai đó đam mê cách đờn miệng như mình.

Ngọc Hoa
.
.
.