Người giữ lửa của Hội chèo làng Đặng

Thứ Ba, 13/08/2013, 12:13

Đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng cụ vẫn còn tinh tường lắm. Mỗi khi nói chuyện về chèo, cụ sôi nổi, hào hứng, diễn tả lại từng động tác múa thuần thục như đang được đứng trên sân khấu chèo vậy. Lúc ấy, gương mặt cụ rạng ngời niềm vui và hạnh phúc.

Cụ là Đặng Mạnh Yêu, Trưởng hội chèo làng Đặng Xá xưa, nay là Trưởng hội chèo của làng Thượng, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Tài năng bẩm sinh

Về xã Mỹ Hưng, hỏi cụ Đặng Mạnh Yêu và hội chèo làng Đặng nức tiếng một thời, không ai là không biết. Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng cụ Yêu vẫn gắn bó, say mê những làn điệu chèo ngọt ngào của quê hương.

Sinh ra trong một gia đình có sáu đời theo nghề hát chèo, cải lương và làm nhạc nên ngay từ nhỏ cậu bé Đặng Mạnh Yêu đã được thừa hưởng giọng hát ngọt ngào, khả năng chơi nhạc cụ và cảm thụ âm nhạc tuyệt vời. Cụ kể, cha cụ ngày trước vốn là người làm nhạc chủ chốt của hội chèo làng Đặng, nên có vở diễn ở đâu, cha cụ lại cho cụ đi cùng.

Vốn thông minh, khả năng nắm bắt rất nhanh nên mỗi lần xem xong một vở diễn, cậu bé Mạnh Yêu đã nhanh chóng học lỏm được những động tác múa khéo léo cũng như cách hát chèo ngọt ngào của các cô chú trong đoàn. Lại là người say mê đọc sách văn hóa nghệ thuật, nên cụ Yêu đã tự trang bị cho mình những kiến thức về chèo bằng sách vở.

Cụ kể, cứ ở thành phố Nam Định công chiếu vở diễn nào là cụ lại đi bộ gần chục cây từ Mỹ Hưng đến nhà hát thành phố để xem hát và tự mình tìm tòi, học hỏi cách diễn xuất trong chèo. Năm 11 tuổi, cụ Yêu chính thức gia nhập hội chèo làng Đặng Xá với vai diễn tiểu đồng đầu tiên trong vở Bá Nha, Tử Kỳ. Chỉ tự học nhưng cụ đã trở thành một diễn viên chèo xuất sắc, một đạo diễn nổi tiếng của hội chèo làng Đặng Xá lúc ấy.

Tất cả những vở diễn mà hội chèo làng Đặng công chiếu đều do cụ chuyển thể từ truyện, kịch nói sang chèo và cũng một tay cụ làm nhạc và đạo diễn sân khấu. Trong chèo có bao nhiêu nhạc cụ thì cụ chơi được bằng ấy loại rất thành thục, nhuần nhuyễn, từ trống, đàn, nhị đến líu, sáo... Cứ hết vai diễn trên sân khấu, cụ lại ra sau cánh gà để làm nhạc.

Không chỉ đàn hát, cụ Yêu còn vẽ tranh rất đẹp, dù không được học qua trường lớp nào. Thời ấy chưa có báo chí truyền thông như bây giờ, cụ lại đi khắp làng trên xóm dưới, khắp các xã trong huyện để vẽ tranh, băng rôn, khẩu hiệu để tuyên truyền cổ động cho cách mạng.

Năm 1961, cụ cùng đoàn chèo làng Đặng tham dự hội diễn văn nghệ do Ty Văn hóa Nam Định tổ chức. Khi đó, đoàn chèo làng Đặng có công diễn hai vở "Sao đổi ngôi" - chuyển thể từ kịch nói sang chèo và vở "Bụi tre gai" là vở chèo mới, phản ánh người thực việc thực trong công cuộc chiến đấu chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cụ Yêu trăn trở khi chèo làng Đặng có nguy cơ mai một.

Cụ Đặng Mạnh Yêu lúc ấy được giao đóng vai nam chính của cả hai vở chèo, đồng thời chính là người chuyển thể nội dung hai tác phẩm sang sân khấu chèo. Khi xem cụ diễn vở "Bụi tre gai", giáo sư Hà Văn Cầu và đạo diễn sân khấu nổi tiếng Nguyễn Đình Nghi đã không tiếc lời khen ngợi.

Theo cụ Nguyễn Đình Nghi, vở "Sao đổi ngôi" vốn là tác phẩm kịch nói, khi chuyển sang chèo sẽ rất khó bởi sự đối đáp liên tục của hai nhân vật chính, nhưng cụ Yêu đã chuyển thể sang giai điệu chèo hết sức hấp dẫn, thú vị, đó chính là cái tài của người đạo diễn và người làm nhạc.

Trong vở "Bụi tre gai", cụ Yêu đóng nhân vật nam chính,  khi diễn đến đoạn thể hiện tình yêu với cô gái qua lời hát "Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình" cả hội trường lúc ấy gần 1.500 diễn viên và các vị đại biểu của tỉnh, trung ương về dự hội diễn nghệ thuật bỗng giật mình khi một vị giám khảo yêu cầu cụ Yêu đứng lại trên sân khấu và bảo: "Tôi không biết đồng chí thanh niên học qua trường lớp nghệ thuật nào, nhưng qua đường nét phong cách vũ đạo, tôi thấy đồng chí rất đạt phong cách".

Cụ Hà Văn Cầu lúc ấy cũng phải thốt lên rằng: "Đồng chí làm rất giỏi, rất toàn diện, từ múa cho đến hát thể hiện rất tình cảm". Cả sân khấu lúc ấy như nổ tung bởi những tràng vỗ tay giòn rã và những tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt.

Người nghệ sĩ của nhân dân

Từ năm 1954, khi hòa bình lập lại, cụ Đặng Mạnh Yêu sôi nổi tham gia hoạt động văn hóa của huyện và  được các đồng chí lãnh đạo xã mời giữ chức vụ Phó ban văn hóa xã, lúc này mới 20 tuổi. Khi Ty Văn hóa xã Mỹ Hưng có mở lớp dạy hát chèo, cụ trở thành người chỉ đạo diễn xuất của lớp, chuyên hướng dẫn học viên thực hành.

Chưa từng được qua trường lớp nhưng cụ Yêu vẫn hướng dẫn và dạy hát chèo hết sức bài bản và thuần thục. Cụ bảo, trong chèo quan trọng  nhất là vũ đạo phải đi liền với lời hát, nội ngoại tương ứng, tức là vũ đạo phải thể hiện đúng nội tâm của nhân vật. Vũ đạo phải minh họa được cho lời nói, lời nói không những phải tròn vành rõ chữ mà phải gợi hình ảnh, còn vũ đạo tô đậm màu sắc cho lời nói.

Và cứ thế, mỗi một từ ngữ hình ảnh, cụ lại minh họa cho chúng tôi xem bằng những động tác múa rất mềm mại, khéo léo. Với khả năng thiên bẩm của mình, cụ Yêu trở thành người thầy mẫn cán mà không ai là không biết cụ.

Đi đến đâu cụ cũng được bà con tiếp đón, hỏi thăm ân cần. Thậm chí họ còn gọi tên nhân vật mà cụ đã từng diễn. Cụ cười sung sướng: "Có lần đi đường, được một anh gọi tên, giật mình mới hỏi sao anh lại biết tôi thì anh kia bảo, anh lên sân khấu diễn chẳng nhẽ tôi lại không biết. Thế là cười phá lên. Được nhiều người biết đến thế là niềm vui niềm hạnh phúc lớn nhất rồi cháu ạ. Khách nhớ nhà chứ làm sao mà chủ nhớ hết khách được".

Cụ nhớ có lần xã Mỹ Hưng tổ chức đào kênh mương dọc từ cầu La đến cầu Gạo, đoàn chèo đã xuống tận nơi, dựng chiếu chèo ngay giữa cánh đồng, vừa cùng dân lao động, vừa tổ chức biểu diễn văn nghệ để khích lệ, động viên tinh thần làm việc của bà con. Vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui vì được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp xây dựng, kiến thiết quê hương.

Từ 1959-1960 khi có phong trào chuyển từ cải lương sang sân khấu chèo thì ở Mỹ Hưng bắt đầu thành lập đội văn nghệ xung kích mà chủ chốt chính là hội chèo làng Đặng. Cụ Đặng Mạnh Yêu lúc bấy giờ giữ chức Phó Ban Ty văn hóa của xã, đồng thời kiêm luôn chức đạo diễn của đội văn nghệ xung kích.

Lúc ấy chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trên toàn miền Bắc, nhưng cụ Yêu và các thành viên của hội chèo làng Đặng vẫn không quản ngại khó khăn, vượt qua mưa bom, bão đạn, xuống tận mâm pháo để phục vụ các chiến sĩ, ủng hộ tinh thần chiến đấu của quân dân, dù biết tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Cụ Đặng Mạnh Yêu và cháu nội của mình.

Cả tỉnh Nam Định khi ấy chẳng có một đoàn nghệ thuật nào ngoài đoàn chèo của làng Đặng, vì thế mà đoàn đã đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đến bất cứ nơi nào quân và dân cần tiếng hát át tiếng bom.

Có khi cả đoàn hành quân sang tận Thái Bình để phục vụ sản xuất. Cũng có lúc được bà con mời nhiệt tình, cụ Yêu dẫn đoàn chèo lặn lội đi bộ hơn 100 cây số, lên tận Hòa Bình để hát phục vụ bà con. Cả đoàn người tay xách tay gậy, kéo xe tay, mang lương thực thực phẩm, đạo cụ, trang thiết bị dựng sân khấu ròng rã đi lưu diễn gần một tháng. Khó khăn không sao kể xiết nhưng sự mến mộ, tin yêu của bà con đã trở thành động lực lớn để cụ và đoàn vượt qua được những chặng đường gian nan.

Trăn trở giữ nghề

Suốt 30 năm giữ chức vụ Phó ban văn hóa Mỹ Hưng, nhưng cụ Đặng Mạnh Yêu vẫn không hề được nhận một đồng lương trợ cấp nào. Cũng bằng ấy năm, với bao cống hiến to lớn cho văn hóa nghệ thuật của xã nhà nhưng cụ cũng không được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cụ và các thành viên trong đoàn sống chủ yếu dựa vào tiền công đi diễn, hoặc tiền cụ nhận được khi vẽ tranh cổ động cho huyện, cho xã.

Điều cụ Đặng Mạnh Yêu trăn trở lúc này là làm sao giữ được nét văn hóa truyền thống của xã, làm sao để làn làng Đặng xa xưa được, lưu truyền đến muôn đời sau. Bởi cùng với xu thế phát triển mới của xã hội, thế hệ trẻ hôm nay không còn mặn mà với loại hình sân khấu truyền thống. Bên cạnh đó, việc thiếu những chính sách đãi ngộ hợp lý và những điều kiện thuận lợi cũng khiến cho chèo Đặng Xá có nguy cơ mai một và dần lụi tàn.

Hiện nay, làng Đặng Xá chỉ còn duy nhất tổ chèo làng Thượng do cụ Đặng Mạnh Yêu đứng đầu là còn hoạt động, với khoảng chục thành viên, chủ yếu là trên 50 tuổi, nhưng cũng hoạt động cầm chừng, một năm chỉ đi diễn ở một vài sự kiện lớn của thôn, xã, huyện. Mọi chi phí, sinh hoạt của đoàn đều do các thành viên trong đoàn tự đóng góp, ủng hộ mà thôi.

Giật mình nghĩ, trong vài năm tới đây, nếu thế hệ các cụ hát chèo như cụ Yêu có ra đi, liệu còn ai biết đến chèo Đặng Xá nổi tiếng trong thơ Nguyễn Bính một thời nữa hay không, liệu còn ai biết hát những điệu chèo cổ ngọt ngào, thiết tha như thế nữa không?. Hãy làm một điều gì đó trước khi những làn điệu chèo độc đáo của làng Đặng Xá xưa biến mất.

Từ đầu thế kỷ XX, huyện Mỹ Lộc đã có 3 làng chèo nổi danh có tiếng vang lớn khắp chốn gần xa là: làng Đặng (xã Mỹ Hưng), làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận). Trong đó, gánh chèo Đặng Xá là có tiếng hơn cả. Làng Đặng Xá lúc bấy giờ có 10 thôn thì người dân đều mang họ Đặng, chính vì vậy mà làng có tên là làng Đặng.

Ban đầu khi mới thành lập, chèo Đặng Xá được gọi là gánh chèo làng Đặng. Năm 1954 gánh chèo Đặng Xá đổi tên thành Đội văn nghệ làng Đặng Xá. Đến năm 1959 được đổi tên thành Đội văn nghệ Thượng Hưng và năm 1977 đổi tên thành Đội văn nghệ Bắc Hưng của Hợp tác xã Bắc Hưng (bao gồm 14 xóm của cả làng Đặng Xá).

Năm 1961, đội chèo làng Đặng đã đoạt giải nhất hội thi diễn chèo toàn tỉnh với các vở "Bụi tre gai" và "Sao đổi ngôi". Năm 1963, đội thi diễn chèo toàn Quân khu 3, đoạt giải nhất với vở "Nắm cỏ trâu".

Năm 1982, Đội chèo Đặng Xá đoạt thêm giải nhất tại hội diễn chèo Bình Lục (Hà Nam). Ngoài ra, Đội chèo còn đoạt được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ khác trong và ngoài tỉnh.

Ngọc Trâm
.
.
.