Nhà sưu tập Nguyễn Minh:

Người mang "châu về hợp phố"

Thứ Sáu, 23/10/2015, 18:50
Người đời gọi anh là "Minh hâm", "Minh lẩn thẩn". Không hâm, không lẩn thẩn, bỏ cả đống tiền mua tranh để làm gì? Nhưng anh bảo, anh chẳng thấy mình hâm, nếu thấy hâm, anh đã không làm cái việc mà nhiều người vẫn bảo là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ấy nữa. Từ một người chuyên sưu tập đồ cổ và bán tranh đến chơi tranh, thưởng lãm nghệ thuật, nhà sưu tập Nguyễn Minh đang cần mẫn giữ lại chút vàng son một thuở ấy. 

Vừa qua, lần đầu tiên, người dân Thủ đô có cơ hội xem tận mắt 50 bức tranh quý của những nghệ sỹ thành danh thời kỳ Trường Cao đẳng Đông Dương trong triển lãm "Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác" (diễn ra từ ngày 19/10/- 23/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). 

Đây chỉ là 50 bức trong hơn 200 tác phẩm đặc sắc trải dài qua nhiều giai đoạn từ thời kỳ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thời chiến tranh, bao cấp và giai đoạn đổi mới, kéo dài từ những năm 1940 - 1990 mà nhà sưu tập này đang nắm giữ. Để có được những tác phẩm này, Nguyễn Minh phải cất công theo đuổi, lặn lội tìm kiếm cả trong và ngoài nước. Nhiều bức anh phải cạnh tranh vất vả tại các phiên bán của các nhà đấu giá nổi tiếng như Christie, Sotheby's...

Nhà sưu tập Nguyễn Minh (giữa).

Chúng tôi hỏi về cái "diện mạo khác" mà anh đặt tên cho triển lãm của mình, Nguyễn Minh cho biết, ấy là bởi những tác phẩm này đều được mua qua hình thức đấu giá quốc tế. Nhiều bức trong số đó được các họa sĩ Việt Nam sáng tác khi ở nước ngoài. Họ vẽ về quê hương qua hồi ức, những tác phẩm của họ thấm đẫm cảnh sắc, con người Việt Nam nên tác phẩm mang một diện mạo khác.

Sinh ra trong một gia đình có người bố mê nghệ thuật và đồ cổ nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Minh cũng có tí "máu nghệ sĩ" trong người. Anh bắt đầu sưu tầm tranh vào năm 1988, khi đang còn là nhân viên của Công ty Xe điện Thống nhất. Tuy nhiên, anh kể, lúc đó chỉ là mấy bức tranh thôi và giá trị của nó cũng chưa lớn lắm. Năm 1990, Nguyễn Minh có cơ may mua được hàng chục bức tranh quý trong bộ sưu tập của cụ Đức Minh, một người được xem là nhà sưu tập tranh lớn nhất Việt Nam. Để rồi, từ đó, những bản vẽ màu sắc này ám ảnh anh, khiến cuộc đời anh rẽ sang một lối mới. Anh lao vào tranh như con thiêu thân. Bao xúc động vui buồn cũng dính chặt với nó như một định mệnh. Và từ một người vốn chuyên sưu tập đồ cổ và mua bán tranh, Nguyễn Minh trở thành nhà sưu tập tranh, một người chơi sang trong nghệ thuật và hơn hết, là người biết thưởng lãm, trân trọng cái đẹp, lưu giữ và bảo tồn cái đẹp.

Nguyễn Minh ấn tượng và quan tâm nhiều đến những bức tranh của các danh họa tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Đông Dương. Anh không lý giải được vì sao mình trở thành một người như hiện nay. Anh bảo, lúc đầu, anh chỉ làm điều mình thích. Cứ mua đã, rồi tính sau. Nhưng không ngờ, đến giờ vẫn chưa hết thích. Còn hỏi vì sao thích thì anh chịu. Anh mê đắm, kiếm tìm, trải qua bao vất vả để có được, nói là duyên cũng được, nói nợ cũng chẳng sai. Với anh, đó là những bức tranh giá trị, và tác giả chính là những danh họa nổi tiếng một thời. Nhìn về nó, như nhìn thấy được một diện mạo khác đã mất đi của Việt Nam.

Tác phẩm của danh họa Lê Phổ.

Anh nói, ngoài giá trị mỹ thuật, các bức tranh đều chứa đựng những câu chuyện dài của mỹ thuật Việt về hành trình "tha hương" và "hồi hương". Có những bức tranh ra đi vào giai đoạn này, giai đoạn khác theo khúc quanh của lịch sử dân tộc. Bao lưu lạc, mất mát, đi tìm lại một phần của khúc quanh ấy, anh đã phải mất cả chục năm ròng để kiếm tìm, theo đuổi và đưa các bức tranh ấy trở lại đất mẹ Việt Nam.

"Minh hâm" hiểu được thế nào là nghệ thuật. Anh sung sướng và hạnh phúc vì điều đó. Nhìn bức tranh này, anh biết ngay tác giả của nó là ai. Đấy là tranh hạng nhất, hạng 2 hay hạng 3. Kinh nghiệm và trường đời của một người làm sưu tập và yêu nghệ thuật đã mách bảo anh. Tranh cụ Lê Phổ ra sao, tranh vụ Vũ Cao Đàm có gì đặc biệt, rồi tranh cụ Mai Trung Thứ nữa… Anh nói về chúng bằng một niềm thích thú kỳ lạ. Anh kể, nhìn vào tranh Lê Phổ, bằng mắt thường, thấy cụ dùng rất nhiều màu vàng chanh. Tại sao lại thế? Thì ra với cụ, cái màu vàng chanh ấy chính là màu vàng của nắng. Việt Nam là một xứ đầy nắng. Lúc nào cũng chan hòa. Lúc đó, cụ đang ở nước ngoài và nhìn về quê hương, nhớ về quê hương nên tranh cụ thường có màu nắng đẹp đến nao lòng.

Qua một thời chiến tranh loạn lạc, tranh của các danh họa thời kỳ này phần đa đã "chảy máu" và lưu lạc ra nước ngoài. Số tranh trong nước cũng có nhưng chẳng đủ để gom lại thành bộ sưu tập. Nguyên tắc của một nhà sưu tập là phải sưu tập đủ bộ (nhiều nhất có thể). Thế nên, muốn đủ bộ phải ra nước ngoài, tham gia các phiên đấu giá quốc tế thì… may ra. Anh ra nước ngoài mua tranh thật. Bỏ một số tiền lớn để có được nó. Cái biệt danh hâm dở, lẩn thẩn kia người khác gọi anh cũng từ đó mà ra.

"Chuyện trò" (Tranh: Vũ Cao Đàm).

Những bức tranh quý đầu tiên của các họa sĩ thế hệ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như "Thả diều" (Nguyễn Tiến Trung), "Cô dân quân" (Bùi Xuân Phái), "Thành đồng Tổ quốc" (Nguyễn Sáng); hay tranh phố của Bùi Xuân Phái… Đến nay, với "Chiều về" (Lê Quốc Lộc), "Phiên chợ vùng cao" (Phạm Văn Đôn), "Nguyễn Du đi săn" (Nguyễn Đức Nùng), "Tổ đóng tàu lắp ráp trên cao" (Nguyễn Cao Thương), "Vịnh Hạ Long" (Lê Quốc Lộc), "Hồ Chủ tịch" (Mai Văn Hiến), "Bạn tôi" (Bùi Xuân Phái)… trở thành bộ sưu tập đáng quý của Nguyễn Minh. Nhà anh trở thành bảo tàng tư nhân, lưu giữ những nét đẹp của một thời.

Tháng 7 vừa rồi, 4 bức tranh giá trị của họa sỹ Vũ Cao Đàm với tên gọi quốc tế lần lượt là "Gossip, Spring, Two Lov- ers, Lovers in a Landscape" đã được nhà sưu tập Nguyễn Minh mang về đất mẹ với một niềm hạnh phúc lớn. Cả 4 bức này đều trải qua những phiên đấu giá căng thẳng tại các nhà đấu giá lớn ở Hồng Kông và Mỹ.

Cũng có những bức giao dịch rất thuận lợi, nhưng cũng có những bức có được nó khá vất vả. Nguyễn Minh có kể lại kỉ niệm mua bức tranh "Điểm tâm" của họa sỹ Lê Phổ. Lúc mua được đã vất vả mà lúc vận chuyển về cũng vất vả không kém. Do thời tiết bão tố, vật vã mãi mới mang được về nước. Chưa kể hàng đống giấy tờ, dấu má cần phải làm để đưa nó qua hải quan. 

Thế có lần nào, trong các phiên đấu giá ấy, anh không mua được bức tranh mình thích không? Anh bảo: "Nhiều chứ. Có những bức tôi không đủ khả năng kinh tế. Những lúc đó, trên đường trở về, tôi như một thằng thất tình, rệu rã. Buồn lắm. Mà cũng day dứt lắm. Chẳng hạn như tranh cụ Lê Văn Đệ, thích lắm nhưng mình không theo được. Hay vừa rồi, bỏ lỡ mất bức "Uống trà" của cụ Mai Trung Thứ. Rồi mới đây nhất là bức "Người bán gạo" của cụ Nguyễn Phan Chánh, bức tranh đạt mức giá kỉ lục của cụ trong phiên đấu giá ở Chiristies, tôi cũng trả giá nhưng năng lực tài chính có hạn, khi bức tranh vượt ngưỡng 60.000 USD, tôi đành ngậm ngùi bỏ cuộc".

Tác phẩm của họa sỹ Phan Thông.

Công việc chính của Nguyễn Minh là buôn bán đồ cổ. Và kiếm được bao nhiêu tiền, anh lại đổ tất vào tranh. "Nhiều lần bà vợ mình tỏ ý không vui lắm đâu. Nhưng tôi kệ, tôi quyết thì tôi mua". Ai cũng biết rằng, để mang được những bức tranh ấy về "hợp phố", về đúng nơi nó cần về là đất mẹ Việt Nam, anh đã phải đánh đổi và hi sinh rất nhiều thứ.

Tôi hỏi, anh nghĩ mình "điên" và khác người đến bao giờ? Anh nói rằng lúc nào anh nhận ra anh hâm thì anh sẽ dừng lại. Còn bây giờ, anh chẳng thấy mình hâm. Anh vẫn đang vui, vẫn đang cảm thấy muốn chờ đợi và được khóc cười, mừng tủi cùng một diện mạo khác của Việt Nam. Chỉ là sơn dầu, bột màu, lụa… những chất liệu hội họa mộc mạc, nhưng những danh họa đã gửi gắm thẩm mỹ, quan điểm nghệ thuật, nhân sinh quan về một thời. Và những tranh ấy, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nó còn là tài sản, báu vật quốc gia. Ấy là “vàng son một thuở”, một thời đi mãi chẳng về.

Du Nguyên
.
.
.