“Người trầm lặng” của tứ quái Beatles

Thứ Tư, 18/01/2017, 08:00
George Harrison là nghệ sĩ đa tài, nhưng gần suốt cả cuộc đời bị lu mờ bởi cái bóng của ban nhạc tứ quái thành Liverpool, The Beatles, ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng Harrison được nhớ tới vì là người bí ẩn nhất của rock kinh điển.


Có tài nhưng bị lép với “anh em”

Người ta gọi Harrison, cựu guitar lead của The Beatles, là “người trầm lặng” của The Beatles có lẽ chẳng hề sai, bởi chính ông thừa nhận rằng mình tránh dần những thị phi của nhạc rock nói riêng và ngành âm nhạc nói chung, đấy là lý do vì sao “hồ sơ” về ông không được đánh giá cao, dù sản phẩm âm nhạc mà ông làm ra hoàn toàn xuất sắc. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rolling Stone năm 1979, Harrison từng tâm sự: 

“Tôi vẫn thích viết ra một giai điệu và tận hưởng cảm giác thú vị khi làm một bản thu. Nhưng tôi lại ghét những thứ gì liên quan đến phát hành, vì khi đó tôi trở thành một phần trong khuôn khổ tổng thể của cái gọi là kinh doanh. Nếu tôi viết một bài hát và được mọi người yêu thích thì tốt quá, nhưng đấy phải là thích vì hiểu và đồng cảm, thay vì phải cạnh tranh và quảng cáo ầm trời. Tôi không ưa quảng cáo. Mà ở những năm 1960, quảng cáo như bị lạm dụng, tôi thấy mình cần có lối đi riêng, chỉ là để thử. Người ta thường mong mỏi trở thành hiện tượng, để rồi bỗng dưng có người gõ cửa phòng và làm phiền mình. Tôi thì thích là một người bình thường và sống một phần đời yên bình”.

Khác với John Lennon hay Paul McCartney, những người lấy sáng tạo và sự gắn kết làm điểm tựa cho các bài hát và sự thành công của The Beatles, tài năng nghệ thuật của Harrison chưa bộc lộ rõ ràng mãi cho đến những năm 1970. Dĩ nhiên vài sáng tác nổi bật của Harrison giai đoạn này là không thể phủ nhận, nhưng cái tài của ông trong ban nhạc lại bị giới hạn vì phải “nhường” chỗ cho sáng tác của các thành viên khác nổi tiếng hơn là Lennon và McCartney.

Là thành viên của The Beatles giúp Harrison trở nên giàu có và nổi tiếng, nhưng cũng vì thế mà ông không thể phát huy hết khả năng của mình vì bị tài nghệ của các thành viên khác che lấp. 

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm 1969, ông từng chia sẻ: 

“Tôi không phải là Lennon hay McCartney. Tôi là tôi. Lý do duy nhất thôi thúc tôi tập tành viết nhạc là vì tôi nghĩ, nếu họ viết nhạc được thì mình cũng có thể. Thật sự ai cũng có thể viết nhạc nếu họ muốn và có chút kiến thức nền tảng về âm nhạc. Viết nhạc cũng như viết sách, viết báo, vẽ tranh, càng thực hành nhiều thì càng tốt hơn hoặc chí ít là hiểu được cách thức thực hiện chúng. Tôi viết một bài hát và để nó bộc lộ tự nhiên, một số bài hát dễ nhớ, được rất nhiều người yêu mến như What My Guitar Gently Weeps hay Here Come The Sun, nhưng cũng có một số bài chẳng ai biết và quan tâm. Dầu gì, chúng đối với tôi cũng chỉ là những bài hát, mọi thứ đều nằm sẵn ở đó, chỉ cần được khai phá mà thôi”.

Thành công khi hát solo

Sau khi tách ra hát solo, dễ dàng nhận thấy chiều sâu nội tâm và phạm vi sáng tạo của Harrison là không giới hạn. Sợi dây liên kết đầu tiên giữa Harrison với âm nhạc và văn hóa Ấn Độ là nhờ album phòng thu thứ 5 của The Beatles – Help! phát hành năm 1965. Có lẽ chính Harrison cũng không ngờ văn hóa và tôn giáo Ấn sẽ đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời ông. 

Người hâm mộ vẫn luôn xem Harrison là người có công giới thiệu nhạc sitar qua các “bài hát Ấn Độ” trong album của The Beatles đến với khán giả nhạc pop phương Tây. Tuy nhiên, đến năm 1968, Harrison thấy nên để nghệ thuật và văn hóa tự nói lên tiếng nói của mình.

Năm 1974, Harrison từng thực hiện một chuyến lưu diễn mang tên Dark Horse Tour cùng với Ravi Shankar và Ali Akber Khan, trở thành cựu thành viên The Beatles đầu tiên đi lưu diễn ở Bắc Mỹ. Nhưng không may, đó lại là chuyến lưu diễn được xem là thất bại và liên tục nhận “gạch đá” trên tờ Rolling Stone, cũng là nguyên nhân khiến Harrison khá suy sụp và đến tận những năm 1990 mới chính thức đi diễn trở lại.

Cây viết Robert Rodriguez từng bình luận: "Nếu như Dark Horse Tour có thể bị coi là một thất bại ghê gớm thì thực tế có nhiều người hâm mộ lại tỏ ra đồng cảm với những gì đang diễn ra. Họ trở nên hào hứng, có ý thức rằng họ vừa được trải qua một thứ gì có vô cùng ý nghĩa mà có lẽ không bao giờ có thể được lặp lại”.

Tác giả Simon Leng, người từng viết sách về cuộc đời Harrison thì cho rằng, tour diễn đó là một “đột phá”  và  “cách mạng trong việc truyền bá âm nhạc Ấn Độ”. Về khía cạnh âm nhạc mà nói, Harrison rõ ràng có khả năng hơn nhiều cái vị trí guitar lead ở The Beatles.

Album All Things Must Pass của Harrison đã được phát hành năm 1970, được xem là sản phẩm solo xuất sắc nhất của ông, dễ dàng leo lên vị trí quán quân ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Cây viết Ben Gerson của tờ Rolling Stone đã miêu tả album này là một thứ âm nhạc của những ngọn núi hùng vĩ nhất và của những chân trời rộng lớn nhất. 

Không thể không kể đến album Living In The Material World phát hành năm 1973, đứng đầu bảng xếp hạng Billboard trong 5 tuần. Album này được sản xuất và thiết kế chỉn chu, thể hiện rõ tín ngưỡng của Harrison, nhưng cũng chính vì thế nó nhận về những nhìn nhận tiêu cực, thậm chí là cái nhìn không mấy “ưa mắt” từ các ngôi sao nhạc rock và các nhà phê bình.

Sau khi ra đi mới được thừa nhận

Vậy là, Harrison vẫn cứ là một ẩn số trong văn hóa nhạc pop, đặc biệt là khi đứng trên phương diện ông là một cựu thành viên của bạn nhạc huyền thoại The Beatles. Và mặc dù xuất hiện thường xuyên trên các bảng xếp hạng âm nhạc từ đầu những năm 70 đến cuối những năm 80, khi Harrison qua đời năm 2001 vì bệnh ung thư phổi,  sự nghiệp của ông gần như hoàn toàn bị che khuất bởi những lời ca tụng không dứt về The Beatles, người ta chỉ nhắc đến ông với cái thế của một ẩn sĩ nhạc rock cao tuổi mà thôi.

Harrison vốn là một chàng trai nội tâm phù hợp với việc sống trong lâu đài riêng và làm việc trong vườn nhà mình. Ông chẳng phải là người xuất hiện liên tục tại các lễ trao giải như McCartney hay trên các chương trình trò chuyện như Ringo Starr. Album gần nhất mà ông phát hành năm 1987 và bất ngờ thành công vang dội với đĩa đơn Got My Mind Set On You, thành lập siêu nhóm nhạc Travelling Wilburys với Tom Petty, Bob Dylan, Roy Orbison và Jeff Lynne của ELO. Tất cả những điều này đã bị lãng quên, cho đến ngày 29-11-2001, ngày Harrison ra đi.

Nhiều người hâm mộ vô cùng đau đớn trước cái chết của Harrison. Họ ca ngợi các sáng tác của ông, di sản âm nhạc của Harrison được vì thế được công chúng chú ý nhiều hơn. 

Người hâm mộ đương thời bắt đầu công nhận Concert for Bangladesh là thời khắc đột phá trong âm nhạc đại chúng, là chương trình hòa nhạc từ thiện đầu tiên có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ pop nổi tiếng, cũng là tiền đề cho các buổi hòa nhạc từ thiện sau này, điển hình như Live Aid. 

Nhiều chương trình biểu diễn sau đó đã được tổ chức để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa, quy tụ những cái tên quen thuộc, cũng là những người bạn cũ của Harrison như: McCartney, Clapton, Preston, Petty và Lynne.

Dù có tiếng là người ở ẩn, nhưng Harrison luôn bận rộn với công việc. Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn tham gia sản xuất âm nhạc và làm phim với hãng phim mà ông đồng sáng lập mang tên HandMade Films vào năm 1978. 

Cuộc đời Harrison trải qua nhiều biến cố, từ vụ kiện đạo nhạc tai tiếng về bài My Sweet Lord đến vụ chết hụt hồi năm 1999 với 40 vết thương trên người lúc nhập viện. Tất cả tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, hài hước, tĩnh lặng và trầm ngâm của cựu thành viên The Beatles. 

15 năm sau khi Harrison qua đời vì bệnh ung thư phổi di căn, vẫn còn có rất nhiều chuyện để người ta tìm hiểu về ông. Năm 2015, Harrison được trao giải Grammy Thành tựu trọn đời. Bên cạnh một McCartney “nhẵn mặt” với công chúng, và một Lennon được hàng triệu người sùng bái, Harrison vẫn đầy lôi cuốn và là bí ẩn lớn nhất của rock kinh điển.

Khánh Nguyên
.
.
.