Nhạc sĩ Dương Cầm:

Người trẻ đừng làm âm nhạc cũ

Thứ Ba, 01/08/2017, 06:00
Dương Cầm nói, điều anh hướng tới là một người sáng tác nhạc đương đại nhưng mang hồn Việt. Sau album “Trong” và bây giờ là “Duyên”, nhiều người tưởng Cầm sẽ đi theo dòng nhạc dân gian, nhưng anh khẳng định: “Tôi không đi theo dân gian, nhưng âm nhạc tôi làm đều mang hồn Việt, kể cả viết nhạc phương Tây cũng mang tâm hồn Việt Nam”. Và với anh, một người trẻ, đừng làm âm nhạc cũ.


- Chúc mừng Dương Cầm với album “Duyên"- một sự kết hợp của âm nhạc hiện đại và dân ca, chèo, quan họ rất thú vị. Vì sao có cuộc gặp gỡ thú vị đó với một nhạc sĩ trẻ như Cầm?

+ Đó là một mối nhân duyên khi ca sĩ Hồng Duyên tìm đến tôi và mong muốn làm một album. Tôi suy nghĩ sẽ dùng những làn điệu dân gian cổ như ca Huế, chèo, quan họ, nhưng hoà âm theo những phong cách nhạc đương đại như Acoustic, R&B, World Music… tạo thành một phiên bản khác, nghe gần gụi hơn, gần như Pop hóa và duyên dáng.

Đây thực sự là một bài toán khó, bởi trước đó đã có khá nhiều người làm, đặc biệt là album “Yếm đào xuống phố” với sự kết hợp của Tân Nhàn và nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Tôi đã nghe album đó một tuần liền để rút ra những kinh nghiệm riêng cho cá nhân.

Vì nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là một cái bóng lớn, làm thế nào để mình thoát ra khỏi cái bóng đó không dễ dàng. Cuối cùng tôi nghĩ, chỉ có cách mang hơi thở của mình, vẫn là cái gì tươi mới, trẻ trung đúng tuổi của Dương Cầm và Duyên, mới có cơ hội đến được gần với khán giả.

Thế nên, như bài “Duyên phận phải chiều”, một bài chèo cổ tôi đã nghe qua nhiều nghệ sĩ hát, rồi nghiên cứu, chỉnh sửa một chút tiết tấu, đưa vào đó phong cách âm nhạc hiện đại, gần với nhạc điện tử bây giờ. Đó là một xu hướng mới và trẻ. Nó rất thú vị.

Hay bài “Giận mà thương”, rất nhiều nghệ sĩ hát, vậy phải làm sao để có cái mới. Tôi tự đưa ra cho mình những bài toán khó và vượt qua được. Bài “Giận mà thương”, Nghệ sỹ guitar Dũng Đà Lạt đã dựng một bản hòa âm tuyệt vời theo ý tưởng của tôi là phải hòa âm như thế nào thành một bài country của Mỹ mà vẫn giữ được màu sắc dân ca Việt.

- Trên thực tế, đã có nhiều sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, vậy nét riêng làm nên màu sắc của Dương Cầm sẽ là gì?

+ Thực ra gần như cái cơ bản của các làn điệu không thay đổi, ngay như bài chèo cổ “Duyên phận phải chiều”, từ câu dạo đầu tôi không thay đổi, tôi chỉ thay đổi âm sắc và các nhạc cụ đệm.

Sự khác biệt rất rõ ở đây là các nhạc sĩ thường dùng nhạc cụ dân gian kết hợp với nhạc cụ đương đại, còn album này không có nhạc cụ dân gian nào. Tôi sử dụng giọng hát của ca sĩ chính là một nhạc cụ, phần đệm là những âm sắc của nhạc điện tử, mới mẻ, sang trọng nhưng vẫn giữ màu sắc dân gian.

- Một người trẻ như Dương Cầm sẽ không tránh được những hoài nghi, làm mới hay phá nát truyền thống?

+ Tôi rất mê nhạc dân gian. Từ nhỏ tôi đã phiêu bạt ở nhiều sân khấu để nghe và hát. Tôi nghiệm ra rằng, để làm âm nhạc lâu dài và có cơ hội nào đó đến với thế giới thì mình phải giữ được truyền thống. Đó là cái gốc riêng mà người làm âm nhạc tử tế phải nghĩ tới.

Vì sao các nhạc sĩ trẻ khác tập trung làm cái gì giống Tây nhất thì tôi lại mang Tây về để kết hợp với âm nhạc Việt Nam, làm mới mẻ âm nhạc Việt Nam, đó là những bước mở đầu rất nhỏ trong hành trình tự mở ra một khe cửa hẹp để có thể bước chân ra ngoài hòa nhập với thế giới.

- Trong abum này có một ca khúc do chính anh sáng tác, cũng chính là ca khúc đặt tên cho album, một sáng tác dựa trên chất liệu dân gian rất duyên. Anh có hy vọng, “Duyên” sẽ làm nên một bài hít mới của Dương Cầm và hâm nóng lại cái tên Dương Cầm với tư cách người sáng tác?

+ Sau khi lắng nghe, hòa âm cả album, tôi tìm trong đó ra những câu chuyện, tìm thấy trong chính đời sống của mình những mối nhân duyên. Với “Duyên” tôi muốn kể câu chuyện của mình khi tôi tìm được một người cùng mình sẻ chia những khó khăn trong cuộc đời, tôi muốn nói đến người vợ của mình.

Một cảm xúc tự nhiên, lãng mạn, hơi khác phong cách sáng tác của tôi. Tôi viết không mang một kỳ vọng nào cả mà viết từ cảm xúc của mình. Mỗi bài hát sẽ có số phận của nó, những nhân duyên của nó.

- Khá lâu mới thấy Dương Cầm sáng tác, sau bài hít “Mong anh về”, “Biển và ánh trăng”, Cầm viết khá ít và dè dặt, trong khi các nhạc sĩ trẻ bây giờ luôn biết tận dụng danh tiếng để sáng tác kiếm tiền?

+ Tôi định hình từ đầu sẽ sáng tác những gì từ cảm xúc của mình để có những giá trị bền lâu. Tôi không sống bằng những hào quang bên ngoài, những sự nổi tiếng trong chớp nhoáng. Tôi xác định mình sống đến hết đời cũng vẫn sẽ theo nghệ thuật nên âm nhạc mình làm ra phải có giá trị lâu dài. Đồng tiền cám dỗ ghê lắm. Tôi vất vả từ xưa rồi, đi đánh đàn hằng đêm, đi đánh hội chợ, lô tô, đám cưới, phục vụ bằng ngón đàn để kiếm tiền.

Tôi nghĩ, khi chơi đàn không ai biết mình là ai cả, còn khi viết tác phẩm, tên mình dính vào đó. Với tác phẩm, cái tên thực sự có giá trị. Trước đây, trong những phút chốc bị cám dỗ, tôi có viết một vài bài nhạc trẻ nhưng đến lúc này tôi đã vượt qua được cảm giác đó. Bởi điều tôi hướng tới là một người sáng tác nhạc đương đại mang hồn Việt. Tôi không đi theo dân gian nhưng âm nhạc tôi làm đều mang hồn Việt, kể cả viết nhạc phương Tây cũng phải mang tâm hồn Việt Nam.

- Anh có chịu ảnh hưởng bởi ai không?

+ Thực ra tôi ảnh hưởng từ nhiều người. Vì tôi là người đi sau, tôi luôn nhìn vào thế hệ đàn anh đi trước, thấy cái gì là điểm mạnh của họ để mình có thể học hỏi. Tôi rất thích phong cách âm nhạc của anh Trần Mạnh Hùng, của âm nhạc đỉnh cao, hay cách làm kết hợp đương đại của anh Quốc Trung. Anh Hùng kết hợp cổ điển và dân gian, còn anh Quốc Trung kết hợp đương đại với dân gian. Tôi nhìn họ để rút ra những bài học cho mình và chọn một hướng đi gần với mình nhất.

- Ca sĩ Tấn Minh từng chia sẻ với tôi rằng, anh nhìn thấy nhiều người trẻ tài năng, nhưng rất tiếc họ không quyết liệt đi đến cùng con đường của mình vì cơm áo, gạo tiền? Còn anh, tách mình ra và lặng lẽ đứng phía sau hẳn là điều không dễ dàng?

+ Tôi vừa viết một note trên facebook rằng: “Giữa cái ồn ã của đời sống tôi chọn cho mình sự tĩnh lặng, giữa dòng chảy âm nhạc ồn ào, tôi cũng chọn cho mình sự tĩnh lặng”.

Tôi sáng tác không nhiều, nên phải đi làm ở ngoài, sản xuất chương trình, làm Giám đốc âm nhạc để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và để mình không bị gò ép phải sáng tác những bài hát thị trường bán nhanh và kiếm nhiều tiền. Thay vì phải sáng tác những bài hát mình không vừa lòng thì tôi dành thời gian đi ra ngoài, chơi đàn kiếm tiền, đó cũng là một không gian gợi mở cho mình những khám phá mới, giao lưu với nhiều người.

Khi ngồi trên sân khấu chơi đàn, làm bệ phóng cho ca sĩ, được khán giả đón nhận, cũng là một niềm vui và là cách tôi trau dồi bản thân, bởi tôi được tiếp cận, làm việc với những người nổi tiếng, nhiều thế hệ của âm nhạc đỉnh cao.

Điều cốt lõi là mình không bị khó khăn về kinh tế chi phối, không chấp nhận đánh đổi phải sáng tác nhạc thị trường, giữ lại cho riêng mình công việc sáng tác, để chỉ viết những điều thực sự mình yêu thích.

- Một nhạc sĩ trẻ như Dương Cầm nhưng đã đứng chân Giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình lớn. Đó hẳn là một nỗ lực vượt bậc trong thị trường âm nhạc Hà Nội không ít “cây đa cây đề”?

+ Điểm khởi đầu của tôi là chỉ đi đánh nhạc, tôi có một ban nhạc riêng, cùng nhau làm việc rất nghiêm túc. Ở ngoài thị trường có nhiều ban nhạc cạnh tranh với nhau nhưng họ không phải là một ban nhạc cố định mà chỉ ghép với nhau khi cần để làm kinh tế thôi.

Còn chúng tôi lại khác, chúng tôi là một ban nhạc cố định, đi đâu cũng gắn kết với nhau, hiểu nhau, tiêu chí làm việc là hết mình, làm hay nhất những gì có thể. Những chương trình tôi làm bao giờ cũng thổi cái riêng của mình vào đó, tôi thường làm lại bản phối mới để có hồn mình trong đó và nó mới lạ chứ không đơn thuần chỉ đánh đàn, mình phải ghi dấu ấn và mọi người nhìn thấy, ghi nhận và giao cho mình những trọng trách lớn hơn.

- Vậy theo Dương Cầm, vai trò của những người trẻ trong đời sống âm nhạc đương đại?

+ Tôi nghĩ, chúng tôi phải làm những gì tốt nhất, văn minh để hòa nhập gần với thế giới, nhất quyết không đi thụt lùi, kể cả làm truyền thống cũng phải làm tốt lên, làm hay hơn nữa, nếu làm nhạc dân tộc phải có dấu ấn đương đại.

Bạn nào làm nhạc trẻ phải gần phương Tây chứ không làm nhạc trẻ của những năm 2000 nữa, phải mới và gần với thế giới nhất. Nếu đam mê phải tìm cho mình một con đường mới, tôi đang trong hành trình tìm kiếm một con đường đi riêng của mình.

- Nhưng cũng chính trào lưu gần với phương Tây đó mà âm nhạc của giới trẻ bây giờ đang bị pha trộn rất nhiều thứ, một chút Hàn, một chút Tây, một chút Nhật đấy thôi?

+ Thị trường hiện nay có nhiều nhạc sĩ trẻ giỏi nhưng họ chỉ làm kinh tế thôi, chưa đào sâu làm chuyên môn. Họ đa năng, làm rất hay nhưng chưa mang đậm dấu ấn Việt Nam. Có thể thời điểm này, điều đó giúp ích cho họ, nhanh nổi tiếng, kiếm nhiều tiền hơn, cũng tốt, nếu họ làm nhạc trẻ thì họ cứ làm những gì hay nhất của họ, đừng làm cũ, họ mang những cái mới mẻ của phương Tây về Việt Nam, cũng hay rồi, nhưng sẽ hay hơn, tốt hơn nếu họ sẽ đầu tư đưa những cái rất Việt Nam vào trong đó, mỗi người sẽ mở một khe cửa, dù hẹp để bước ra thế giới thì rất tuyệt.

Tôi đã từng mơ ước, khi nào các nhà quản lý văn hóa nghĩ đến việc lựa chọn 100 nhạc sĩ ra nước ngoài học và làm tư tưởng cho họ, về sẽ phải làm gì, những thứ âm nhạc ta hướng đến, định hướng cho họ, để họ trở về mang những thứ văn minh của phương Tây nhưng vẫn giữ tâm hồn Việt Nam và văn hóa Việt Nam thì nền âm nhạc chúng ta chắc chắn sẽ khác đi. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói một câu rất hay: “Sức mạnh của một quốc gia không chỉ nằm ở vũ trang, tài chính... mà còn ở cả văn hóa”.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Dương Cầm.

Mỹ Chân (thực hiện)
.
.
.