Người vẽ những giấc mơ

Thứ Hai, 07/12/2015, 14:41
Nổi tiếng từ khi mới 4 tuổi, giành nhiều giải thưởng tranh thiếu nhi trong nước và quốc tế, từng có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật, nhưng đến bây giờ, họa sĩ Quỳnh Mây mới có triển lãm cá nhân đầu tiên của mình. Những vất vả bộn bề của cuộc sống đã níu giữ chị, nhưng Quỳnh Mây chưa bao giờ buông bỏ nghệ thuật. Tình yêu ấy vẫn còn đó, vẹn nguyên trong chị.

1. Trong buổi khai mạc triển lãm tranh của Quỳnh Mây, bố chị, người theo dõi từng bước đi của con gái, ông Nguyễn Như Mai đã có những chia sẻ rất xúc động. Ông kể lại những ngày đầu phát hiện ra cô con gái chưa học chữ đã đòi vẽ tranh. Đó là những tháng ngày gian khó, nhưng ông cố tạo điều kiện cho con phát triển năng khiếu của mình. Thiếu thốn đủ điều, không có tiền mua họa phẩm cho con.

Giấy đã in một mặt, thậm chí là giấy báo được dùng làm giấy vẽ. Cành tre non đập dập đầu làm bút vẽ cho con. Những bức tranh của cô bé lên 4 chưa biết kí tên vẽ chơi chơi ấy không ngờ khi đem dự thi Triển lãm tranh thiếu nhi Hà Nội đã đoạt ngay giải A. Một số bức tranh như “Mẹ và Con”, “Hai anh em”… đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ lại. Trong một hội thảo dạy vẽ cho thiếu nhi, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã lấy bức “Mẹ và Con” ra làm mẫu để phân tích.

Với năng khiếu sẵn có, Quỳnh Mây được theo học bài bản và tốt nghiệp Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ra trường, chị trở thành họa sĩ của báo Hoa Học Trò và Sinh viên Việt Nam. Những tưởng mọi chuyện đều hanh thông, suôn sẻ với nữ họa sĩ trẻ. Nhưng rồi dường như chị "mai danh ẩn tích", không hề xuất hiện trong làng hội họa nữa. Cuộc sống gia đình, chuyện chồng, chuyện con, chuyện mưu sinh đã đè lên đôi vai của người đàn bà trẻ.

Tưởng như chị đã rời bỏ nghệ thuật vì cuộc sống. Nhưng không, trong những năm tháng ấy, Quỳnh Mây vẫn lặng lẽ vẽ. Hội họa với Quỳnh Mây luôn là khát vọng và là chỗ dựa để vượt qua những nỗi buồn đau trong cuộc đời chị. Và sau những thăng trầm của cuộc sống riêng tư, chị đã trở lại với nghệ thuật, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chị nói: "Triển lãm lần này của tôi như một lần mở cửa tâm hồn, giới thiệu những khoảnh khắc đem lại cho tôi hạnh phúc và tình yêu cuộc sống.

Mong rằng những bức tranh này sẽ còn mang lại niềm vui cho nhiều người hơn nữa."

Ở tuổi  40, Quỳnh Mây mới có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Có thể là muộn với Quỳnh Mây, nhưng với nghệ thuật thì không bao giờ là muộn. 

Họa sĩ Quỳnh Mây.

Tranh của chị toát lên vẻ đẹp của cuộc sống đời thường: Một bông hoa hướng dương rực rỡ tràn đầy nhựa sống, một chồi non đang nhú lên sau hàng rào dây thép gai, hay một buổi sáng mùa đông Hà Nội... Vẽ, với Quỳnh Mây là cách cảm nhận cuộc sống bằng sắc màu. Tranh của Quỳnh Mây tràn đầy niềm tin yêu. Đã trải qua những éo le của cuộc đời, có lẽ hơn ai hết, chị càng thêm thấu hiểu giá trị của hạnh phúc, đôi khi đến từ những điều thật giản dị. Người xem cảm nhận trong tranh của chị một thế giới rực rỡ sắc màu, của niềm tin, của hy vọng, của sự trỗi dậy... Rất nữ tính, đàn bà. Nhưng tuyệt đối không bi lụy, yếm thế. Đó là người phụ nữ từng trải  đớn đau, nhưng vẫn luôn mạnh mẽ vươn lên sống cuộc sống của mình bằng ý chí, bằng tình yêu và khát vọng.

Với Quỳnh Mây, hạnh phúc thật giản dị: "Đôi khi chỉ là những khoảnh khắc vừa ngắm những tia nắng ấm áp của mùa Thu đang dịu dàng hôn lên những đóa cúc, vừa tựa lưng vào ghế đá lặng nghe tiếng cười của các con đang nô đùa trong nhà bóng của công viên. Đôi khi chỉ là hít thở không khí trong lành trong gió mát, nắng vàng của đồng lúa được mùa. Đôi khi chỉ là phút rung động trước một ngọn mướp kiên cường vươn lên không trung hướng về mặt trời...".

2. Chị kể, thiên nhiên đến với chị rất tự nhiên, gần gụi như đời sống vậy. Năm 2012 nếu có thời gian, 5h sáng Chủ nhật, khi các con còn say giấc, chị lặng lẽ lấy xe đi đến làng hoa Tây Tựu, hoặc lang thang qua những con đường mờ sương sớm, ngồi lắng nghe thiên nhiên, cảm nhận hơi thở của đất trời. Đó là những khoảnh khắc bình yên quý giá giúp chị tĩnh tâm, tìm lại niềm tin, tình yêu cuộc sống của mình. Ở đó, chị lắng nghe cuộc sống, lắng nghe thành phố thức tỉnh. Và ở đó, thiên nhiên đã chữa lành vết thương cho tâm hồn chị.

"Trong cuộc đời, có những phút giây cay đắng, thậm chí là tuyệt vọng. Nhưng tình yêu và trách nhiệm buộc ta đứng dậy. Tình yêu thương của người thân, bạn bè, học sinh; tình yêu nghệ thuật đã cho tôi sức mạnh và mục đích sống. Mẹ Thiên Nhiên dịu dàng đã lặng lẽ giúp tôi chữa lành những vết thương tâm hồn và tìm lại được hạnh phúc của mình".

Mỗi bức tranh của Quỳnh Mây là một câu chuyện về hành trình đi tìm lại chính mình của chị. Bức "Bình yên" mang đến một cảm giác thư thái. Đó là những ngày đầu tháng 10-2014, chị đưa các bé trong CLB Hoa và Mặt Trời của chị đi vẽ dã ngoại tại thôn Lộc Hà, Đông Anh. "Đó là một ngày giữa thu mát mẻ và trong lành. Sáng sớm trời mưa nhẹ rồi hửng nắng. Cánh đồng lúa chín vàng rực, gió lồng lộng thổi đưa hương lúa tràn ngập không gian.

Bình thường tôi dành hết thời gian để hướng dẫn học trò, nhưng hôm đó tôi không thể kìm nén được mà cầm bút.  Mọi giác quan được đánh thức khiến những kỉ niệm thời còn là sinh viên mỹ thuật vô tư ôm cặp vẽ lên núi, xuống biển, đầu trần vẽ tranh, bất kể nắng mưa, ùa về. Bức tranh này tôi đã vẽ với phong cách thời sinh viên xa xưa của mình, và tôi đã chìm đắm trong hạnh phúc khi đang vẽ nó. Tôi chợt nhận ra hạnh phúc thật đơn giản biết bao".

Một số tác phẩm của họa sĩ Quỳnh Mây.

Hay Bức "Hướng dương" chị vẽ vào dịp cuối năm 2012, một năm dấu ấn cho những quyết định dũng cảm buông bỏ những nỗi niềm quá khứ để trở lại với chính mình. "Khi đi chọn loài hoa cho các con và bản thân mình vẽ, tôi đã ngồi ở vườn hoa Nhật Tân, lặng ngắm những bông hướng dương kiêu hãnh và tràn trề sinh lực này. Tuổi thọ của hướng dương không dài hơn nhiều loại hoa khác nhưng trông chúng thật hạnh phúc bởi chúng kiên định và sống hết mình".

Còn "Vô đề" là câu chuyện nội tâm của Quỳnh Mây. Chị kể: "Nhà dì tôi ở quê. Ở đây người dân hay xếp gỗ, đá, rơm,... thành từng đống sau nhà. Trong hốc của những đống gỗ, đá, rơm... đó thường có những con nhện tất bật và những mạng nhện mong manh. Có những mạng bị đứt, tơ bay phất phơ theo gió, rồi quấn vào nhau thành nùi làm tôi nhớ đến câu "Rối như tơ nhện". Tôi nghĩ một cách khá thú vị rằng tâm hồn mình có lúc còn rối hơn thế nhiều. Nhưng khi "con nhện" đã tìm được sự "bình yên và hạnh phúc", tơ của nó sẽ không còn rối nữa".

Quỳnh Mây nói chị thích bức "Mùa lá rụng", bởi đó là thế giới nội tâm của chị. "Tháng 5 năm 2012, trước cửa nhà của bố mẹ tôi rụng đầy lá phượng. Hiếm hoi điểm thêm một vài chiếc lá sấu. Sáng sớm tôi mở cửa đưa con đi học mà ngẩn ngơ nhìn, mắt đẫm lệ. 2012 là thời điểm tôi đã dũng cảm buông bỏ những ký ức đau buồn, bắt đầu xây dựng lại một cuộc sống mới. Lá trút thường khiến con người cảm thấy buồn đau nhưng trước một thềm đầy lá trút, giữa nắng nhẹ ấm áp mơ màng, trên đầu đỏ rực hoa Phượng lại gây cho ta một cảm giác xúc động rất khó tả. Chiếc lá sấu đỏ vàng nổi bật, rung động trong gió cho tôi cảm giác như nó đang chuẩn bị lật người bay lên".

Ai đó cũng có thể cảm nhận được phía sau nỗi u buồn trong "Mùa lá rụng" là một sự sống đang được nhen lên. Với Quỳnh Mây, vẽ là  niềm hạnh phúc, bởi ở đó, chị tìm được tình yêu cuộc sống của mình. Những biến cố trong đời sống riêng khiến chị từng bi quan, tuyệt vọng. Nhưng hội họa đã giúp chị tìm lại được chính mình.  Mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Tinh thần sống đó cũng thấm vào những bức tranh của Quỳnh Mây.

Quỳnh Mây mộc mạc và chân thành. Chị sống hồn nhiên không tô vẽ. Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài giản đơn, mộc mạc của chị lại ẩn chứa một ý chí sống kiên cường. Một điều gây ấn tượng đặc biệt cho tôi là triển lãm tranh của chị có mặt rất đông khán giả nhí. Đó là những học trò yêu quý của Quỳnh Mây. Nhiều năm nay, chị dồn tâm huyết của mình cho Câu lạc bộ Hoa và Mặt trời, một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận dành cho con trẻ.

Chị thường đưa Câu lạc bộ đi dã ngoại, rong ruổi ngoại thành vẽ tranh,  yêu thương uốn nắn từng nét vẽ, từng khung hình cho các con. Chị nói, thế giới qua góc nhìn của trẻ thơ rất sống động và độc đáo. Chị muốn truyền cho mỗi con tình yêu nghệ thuật bằng góc nhìn riêng của mình. Hai cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ nhí Câu lạc bộ Hoa và Mặt trời cũng đã được tổ chức thành công tại Hà Nội. Đó là niềm vui lớn trong cuộc đời, để Quỳnh Mây thấy mình sống có ý nghĩa. Những lúc không vướng bận, chị dành một khoảng lặng cho riêng mình để vẽ.

3. Sống là dâng hiến cho cuộc đời. Chị muốn chia sẻ niềm hạnh phúc của mình với mọi người. Vì thế chị khá dễ dãi trong việc bán tranh, thậm chí nhiều tranh đẹp chị đã dành tặng cho bạn bè.  Xem tranh của Quỳnh Mây, cảm nhận được tinh thần sống của chị, một tinh thần trong trẻo, hồn nhiên giữa cuộc sống bộn bề. Chị nói, hội họa đã mang lại hạnh phúc cho chị. 

Còn tôi thì nghĩ, bằng tác phẩm của mình, Quỳnh Mây đã mang lại hạnh phúc cho người xem, một  hạnh phúc giản dị, đời thường như hơi thở, như không khí, như hoa cỏ quanh ta vậy.

Việt Hà
.
.
.