Nhà báo Diễm Quỳnh: Chúng ta sẽ tiếp cận di sản một cách chủ động hơn

Thứ Sáu, 10/05/2019, 13:41
“Đại lộ di sản” là một chương trình mới mang dấu ấn của nhà báo - MC Diễm Quỳnh. Chị nói, sau nhiều năm làm nghề, chị muốn dành năng lượng cho một việc nên làm, đó là tôn vinh các giá trị di sản theo một cách khác biệt. “Chúng ta đã tiếp thu di sản một cách bị động và bây giờ chúng ta sẽ nâng niu và trân trọng nó một cách chủ động hơn. Đó cũng là cách để di sản sống trong đời sống” - chị chia sẻ.


- Chúc mừng chị với một dự án mới mang tên “Đại lộ di sản”. Chị có thể chia sẻ về dự án này?

+ Đây là một dự án nghệ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam với mục đích tôn vinh những vẻ đẹp của các di sản. Cái tên “Đại lộ di sản” chắc hẳn sẽ khiến nhiều người tò mò. Nhưng nó thực sự hấp dẫn. Khi chúng tôi xem tiết mục của các nước gửi sang Việt Nam, tôi cảm nhận được ở đó họ gói ghém cả một nền văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, nó mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi tự hỏi, tại sao chúng ta không làm những thứ như vậy. 

Và khi có cơ hội xem các chương trình của Việt Nam, chúng tôi thấy rất hấp dẫn nhưng không phải ai cũng có cơ hội xem. Trên VTV có các chương trình như “Điểm hẹn văn hóa”, “Bản tin văn hóa” thường xuyên nói về di sản nhưng để có một chương trình lớn, đưa các tiết mục di sản vào biểu diễn một cách công phu, hoàng tráng, đồng thời xếp nó ngang với tiết mục các nước hầu như chưa có, nếu không nói là quá khó khăn.  Nhiều người gọi đây là một festival về di sản, nếu được như thế thì quá tốt. 

Chúng ta sẽ được thưởng thức các di sản nghệ thuật của Việt Nam và các nước có gì hay. Nó mang đến cho chúng ta cái nhìn phong phú về sự khác biệt của các nền văn hóa. Nhưng sâu hơn, đó chính là thông điệp về sự hòa bình, nhân văn, hướng đến hạnh phúc của tất cả các nước trên thế giới. 

Tôi trò chuyện với hai đạo diễn Việt Tú và Trần Ly Ly và đạo diễn âm nhạc Thanh Phương để cùng kết nối và bằng cách nào đó như nghe, nhìn, bằng âm thanh, ánh sáng và hình ảnh họ sẽ giúp chúng ta tiếp cận nhanh, có cảm xúc và chiều sâu với những gì chúng ta nghĩ rằng nó quá xưa cũ nhưng vô cùng đẹp và lộng lẫy.

- Cái tên “Đại lộ di sản” rất hấp dẫn. Nhưng chắc chắn để làm được một chương trình lớn như vậy không đơn giản. Chị có thể chia sẻ về hành trình của nó?

+ Khi ấp ủ về chương trình này, chúng tôi nhìn thấy ngay những khó khăn. Mỗi di sản đều có một không gian riêng của nó, Nhã nhạc cung đình ở Huế; cồng chiêng ở Tây Nguyên; hát Xoan ở Phú Thọ… Riêng việc đưa các di sản lên sân khấu đã là một thách thức. Thứ nữa là khắc phục sự khác biệt bằng cách mang sự khác biệt đó lên sân khấu, không chỉ là sự khác biệt của các vùng miền văn hóa mà của các nền văn hóa khác nhau. Vì thế cần một mô hình sân khấu đủ linh hoạt, khi cần rộng thì đủ rộng, khi cần hẹp thì đủ hẹp, một không gian rộng mở. 

Cho nên không gian thực sự là một thách thức, làm ở đâu, những tiết mục nào, các tiết mục có xung đột với nhau quá lớn không? Chọn một vùng văn hóa Châu Á gốc gác đạo Phật không khéo sẽ bị một màu giống nhau cho nên chọn cùng Châu Á nhưng chọn cái gì. Chúng tôi mất một năm tìm tòi, suy nghĩ, tìm kiếm. Sau một năm chạy được chương trình cũng là may mắn lớn. 

Lúc đầu concept chỉ định làm các di sản Việt Nam chiếm 80% và còn lại là khách mời, nhưng concept này ta đã thấy ở đâu đó rồi. Cách làm đó chủ động, an toàn nhưng không khác biệt. Khi đưa ra một chương trình mới hoàn toàn, biến từ không thành có phải thực sự khác biệt. Nếu chương trình về di sản mà không khác biệt thì nó sẽ giống các liên hoan văn hóa, liên hoan di sản nghệ thuật toàn quốc.

- Vậy sự khác biệt ở đây là gì để nó không na ná một kỳ liên hoan di sản các nước?

+ Năm nay, chương trình “Đại lộ di sản” sẽ nằm trong chuỗi hoạt động của Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2019 và sẽ được tường thuật trực tiếp trên VTV1 vào lúc 20h10 ngày 12-5-2019 từ khu du lịch tâm linh Tam Chúc, nơi diễn ra đại lễ Vesak. Vì thế, concept chúng tôi lựa chọn sẽ có một phần về Việt Nam - Đất Phật ngàn năm. 

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và nó trở thành di sản văn hóa tâm linh của người Việt. Trong phần này, khán giả sẽ được thưởng thức màn trình diễn công phu do biên đạo múa Trần Ly Ly dàn dựng với “Việt Nam Phật giáo rạng ngời”, “Phật trong cõi nhân gian”.

Phần hai chính là “Đại lộ di sản” giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của các nước. Việt Nam sẽ là điệu múa “Lục cúng hoa đăng” – điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn; rồi múa Odissi của Ấn Độ; múa Saman của Indonesia, múa Cham của Bhutan… Mỗi tiết mục đều ẩn chứa một câu chuyện của riêng mình về văn hóa, tôn giáo của từng xứ sở. Đại sứ Phạm Sanh Châu từng nói: “Cách quảng bá di sản tốt nhất là tạo nên sự khác biệt”. 

“Đại lộ di sản” sẽ là một chương trình nghệ thuật thường niên của VTV - hy vọng là một nỗ lực góp phần bảo vệ di sản, bảo vệ văn hóa của mỗi một quốc gia. Còn năm sau, có thể nó sẽ diễn ra ở một không gian khác như Hoàng thành Thăng Long, hay đại nội Huế…

- Tại sao “Đại lộ di sản” chỉ chọn một tiết mục trong Nhã nhạc cung đình Huế để trình diễn lần này?

+ Vì thời lượng không cho phép nhiều tiết mục. Các di sản của các nước thường có kết cấu khác nhau. Đã nói đến di sản, chúng ta phải tôn trọng yếu tố chính thức của họ, vì thế không thể cắt xén. Năm nay “Đại lộ di sản” chỉ chọn 1 tiết mục của Việt Nam, tôi hy vọng sang năm nước chủ nhà có một set 40 phút thì sẽ có nhiều thứ hay ho hơn như cồng chiêng, hát xoan, quan họ…

- Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, di sản thực sự sống khi nó được tồn tại trong không gian của nó. Việc sân khấu hóa, diễn xướng hóa sẽ ảnh hưởng đến tính bản nguyên - yếu tố gốc của di sản. Chị có lo ngại về vấn đề này khi đưa các di sản lên sân khấu?

+ Theo tôi, có hai cách nhìn nhận về di sản, một là di sản phải ở nguyên trong không gian của nó không bê đi đâu, như thánh ca chỉ biểu diễn trong nhà thờ. Nhưng đây là di sản văn hóa, di sản chỉ có khả năng tiếp tục được gìn giữ và lưu truyền nếu nó được biết tới. Nó được biết tới mới là cách để nó sống. Chỉ có thế hệ các nhà nghiên cứu điền dã như giáo sư Đặng Hoành Loan được thưởng thức di sản nguyên bản nơi nó sinh ra như Nhã nhạc cung đình ở Huế, hát xoan ở Phú Thọ… còn phần lớn các bạn trẻ rất ít cơ hội được xem. 

Vậy chúng ta làm sao có niềm tin rằng di sản vẫn tồn tại khi con em chúng ta không biết tới di sản. Một cách biết tới là quay video và tung lên mạng cho mọi người xem/nghe. Và cách thứ hai là làm về nó một cách trân trọng, nâng niu và bằng nhiều hình thức khác nhau như đưa lên một sân khấu lớn và hấp dẫn để tiếp cận với đông đảo khán giả. Tôi nghĩ, đó là cách tiếp cận chủ động. Chúng ta đã tiếp thu di sản một cách bị động và bây giờ chúng ta sẽ nâng niu và trân trọng nó một cách chủ động hơn.

Lục cúng hoa đăng sẽ được trình diễn trong Đại lộ di sản

- Vì sao chị lại chọn một chương trình về di sản, chắc hẳn không nằm trong sự quan tâm của số đông và khán giả cũng sẽ là một thách thức của chương trình?

+ Tôi làm nhiều chương trình chính luận, thu hút khán giả ở những điểm rơi như tri ân những ngày lễ lớn của đất nước, những thời khắc linh thiêng như giao thừa... Vậy để làm một chương trình không bị phụ thuộc vào điểm rơi các ngày lễ thì phải phụ thuộc vào cái gì, đó chính là nội dung. Showbiz, ca nhạc, các đơn vị truyền thông đều đang làm rồi. Còn cái gì là điểm mạnh của chúng tôi. 

Tôi không muốn di sản Việt Nam chỉ nằm trong các đoàn của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đi biểu diễn giao lưu nước ngoài. Còn ở Việt Nam, con gái tôi 20 tuổi nhưng cũng không biết gì nhiều hoặc không nghe nói về các di sản. Tôi nghĩ hãy dành nội lực của mình làm một việc nên làm, nên tôi quyết tâm làm chương trình này. Năm nay là một năm may mắn khi chúng tôi làm được. Tôi vẫn luôn thích cái mới và thách thức, làm những thứ khó khăn nhưng nó sẽ tạo cảm hứng cho tôi.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Tôi được mời với tư cách là cố vấn cho chương trình “Đại lộ di sản”. Có thể nói, đây là một cách làm tôn vinh các giá trị của di sản đến rộng rãi công chúng. Di sản chỉ sống khi nó được biết đến và tồn tại trong cộng đồng. Năm đầu tiên của “Đại lộ di sản” chúng tôi lựa chọn di sản Nhã nhạc cung đình Huế, điều này cũng thống nhất với cái nhìn của nhiều nhà nghiên cứu khi giới thiệu một hình thái nghệ thuật đến từ Việt Nam. Nhã nhạc có từ thời Lê kéo dài hết thời Nguyễn, nó có một lịch sử khá dài. Nhã nhạc là hình thức âm nhạc thông tin chính sự của triều đình với trời đất và thần thánh. Nên các cuộc vui, buồn đều dùng nhã nhạc để gửi gắm, nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Riêng Việt Nam hiện nay đã có 12 di sản được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới sẽ dần dần được giới thiệu trong “Đại lộ di sản” Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam được thưởng thức những di sản của thế giới. “Đại lộ di sản” sẽ là điểm gặp gỡ, kết nối của nhiều nền văn hóa phong phú trên thế giới.
Lan Tường (thực hiện)
.
.
.