Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9-2-1907 – 9-2-2017) :

Nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn

Thứ Sáu, 10/02/2017, 20:12
Trong suốt 63 năm hoạt động cách mạng, bằng cả Tâm, Đức, Trí, Dũng, ông đã có nhiều đóng góp và cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được đánh giá là "Tổng Bí thư đổi mới". Nhưng, trước khi là một nhà chính trị, ông còn là một nhà văn hóa, một nhà báo, nhà thơ.


Cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một trong những gương mặt tiêu biểu của lớp trí thức Tây học sớm dấn thân vào sự nghiệp cứu nước. Trong suốt 63 năm hoạt động cách mạng, bằng cả Tâm, Đức, Trí, Dũng, ông đã có nhiều đóng góp và cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được đánh giá là "Tổng Bí thư đổi mới". Nhưng, trước khi là một nhà chính trị, ông còn là một nhà văn hóa, một nhà báo, nhà thơ.

1.Mảnh đất khoa bảng, làng Hành Thiện, xã Xuân Trường, Nam Định là nơi cố Tổng Bí thư Trường Chinh chào đời. Ông tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước.

Mùa đông năm 1986, từ diễn đàn Đại hội VI, Tổng Bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Ông nội là cụ Đặng Xuân Bảng, một tiến sĩ học rộng tài cao, nổi tiếng thanh liêm, làm Tuần phủ Hải Dương rồi Đô học Nam Định. Cha ông là Đặng Xuân Viện, một nhà nho uyên bác.

Thuở thiếu thời, cậu bé Khu lớn lên, tắm mình trong thế giới của sách Đông Tây kim cổ, thừa hưởng tư tưởng tiến bộ, yêu nước của cha ông. Năm 1925, cậu học sinh 18 tuổi tham gia cuộc bãi khóa toàn trường, đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Một năm sau, ông cùng với Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo phong trào thanh niên, học sinh truy điệu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Bị đuổi học, ông chuyển lên Hà Nội học tiếp ở Trường Cao Đẳng Thương mại Đông Dương đến cuối năm 1929.

Trưởng thành từ phong trào giải phóng dân tộc đang lên, Trường Chinh sớm gia nhập các tổ chức yêu nước như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 11-1930, ông bị bắt và giam ở Hỏa Lò. Một ngày, một người phụ nữ bế đứa bé còn đỏ hỏn vào thăm chồng mình - tù nhân có tên Đặng Xuân Khu. Người mẹ phải đưa con qua lỗ châu mai rộng vài gang tay để chồng nhìn thấy mặt con.

Tên quan Tây chứng kiến cảnh đó đã nói: "Mày có vợ đẹp con xinh, mày sang Pháp học rồi về làm cho nhà nước bảo hộ đi". Người tù hét lên: "Lý tưởng của tao là giải phóng dân tộc, chống áp bức bất công". Tên quan Tây cầm gậy sắt đánh vào đầu người tù tóe máu.

10 năm sau, người tù cộng sản ấy trở thành Quyền Tổng Bí thư. Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 diễn ra ở Pác Bó, Cao Bằng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

Và cũng tại lán Khuôi Nậm, lần đầu tiên ông được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau này, ông trở thành học trò xuất sắc, gần gụi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đất nước, hai lần trở thành Tổng Bí thư giai đoạn 1941-1956 và thời kỳ 1986; Chủ tịch Quốc hội các khóa V, VI; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thời kỳ 1981-1987.

Một trong những dấu ấn lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng không nghỉ của đồng chí Trường Chinh, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, ông là người "nắm giữ chìa khóa" của công cuộc đổi mới đất nước cách đây hơn 30 năm.

Dành cả đời để nghiên cứu về lịch sử kinh tế Việt Nam, cố giáo sư Đặng Phong trong các công trình nghiên cứu của mình cho rằng: "Thời điểm trước khi diễn ra Đại hội Đảng VI, sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời và ông Trường Chinh lên thay, có thể nói ở vị trí của mình - Tổng Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - nhà lãnh đạo Trường Chinh là người nắm giữ chìa khóa của Đổi mới".

2. Nhưng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh không chỉ là một chính khách lỗi lạc, ông còn là một nhà văn hóa, một nhà báo, một nhà thơ. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", đồng chí Trường Chinh sớm ý thức rõ vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, "sớm có duyên nợ với báo chí" và đấu tranh cách mạng bằng ngòi bút sắc bén của người làm báo.

Từ thập niên 40 của thế kỷ trước, đồng chí Trường Chinh là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam, kế tục sự nghiệp báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng.

Ông viết báo rất sớm, từ những năm 1920, khi còn là học sinh Trường Cao đẳng tiểu học ở Nam Định; từng là chủ bút báo Dân cày (1928), viết nhiều bài cho báo "Búa liềm"; chủ bút "Con đường sáng" và  "Đuốc Việt Nam" (1931 - 1932); tờ "Lao tù" (1933); chủ bút báo "Giải phóng" (1936 - 1939); trực tiếp phụ trách báo "Tin Tức" (1938); viết cho báo "Ngày mới" (1938); trực tiếp chỉ đạo báo "Đời nay" (1938), sau này chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng như các báo "Cờ Giải phóng", "Sự thật", "Nhân dân", tạp chí "Học tập" (Cộng sản)… Những tác phẩm báo chí xuyên suốt chặng đường hoạt động cách mạng là một bộ phận trọng yếu trong di sản tư tưởng, lý luận của đồng chí Trường Chinh, đồng thời giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam. Những bài báo của ông ngoài sự sắc bén về tư tưởng và ngôn ngữ còn thể hiện sự trân trọng của ông đối với Tiếng Việt.

Tổng Bí thư Trường Chinh chụp cùng đại gia đình trong một dịp sinh nhật. Nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo đất nước, bận công tác, Tổng Bí thư Trường Chinh ít có dịp về thăm quê. Trong một lần về thăm làng Hành Thiện, ông viết: "Tôi không năng về quê vì bận lo việc chung của cả nước. Tuy vậy, lòng tôi luôn bên cạnh bà con và dõi theo từng bước tiến của quê hương".

Ông quan niệm: "Người sáng tác phải nhạy cảm để sáng tạo, theo sát thực tiễn và thổi vào mỗi sáng tác của mình tâm huyết và tình yêu của cuộc sống, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc… để mỗi tác phẩm của mình phải mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh sinh động thực tiễn".

Không chỉ là một nhà báo sắc bén, trong tâm hồn chính khách ấy còn là một nhà thơ. Với bút danh Sóng Hồng, đồng chí Trường Chinh đã xác lập được một vị trí xứng đáng trên thi đàn Việt Nam. Thơ Sóng Hồng giàu xúc cảm và đậm chất nhân văn, hàm chứa một tinh thần lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng.

Thơ ông chủ yếu được tập hợp trong hai tuyển tập do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 1966 và 1974, bao gồm 202 bài thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau. Ông ít khi công bố thơ trên báo, càng không có ý định lập thân bằng con đường sáng tác.

Theo ông, thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Nhưng những vấn đề chính trị khô khan làm sao có thể tìm được chỗ đứng trong vùng thẩm mỹ của thơ ca. Điều này, Sóng Hồng đã giải đáp khá đầy đủ trong bài thơ "Là thi sĩ".

Tuyên ngôn: "Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ / Mỗi vần thơ - bom đạn phá cường quyền!" của Sóng Hồng đã khẳng định tính chiến đấu, tính hấp dẫn và thuyết phục của văn thơ và sứ mệnh lịch sử của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng. "Là thi sĩ" là bài thơ nổi tiếng được tuyển chọn và trích giảng trong các sách giáo khoa.

Với bài thơ "Là thi sĩ" (1942), Sóng Hồng đã khẳng định phẩm chất, trọng trách của nhà thơ: "Là thi sĩ phải là hồn cao khiết/ Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu/ Ca tự do, tiến bộ với tình yêu/ Yêu nhân loại, hòa bình và công lý/ Cao giọng hát những bài ca chính khí/ Của anh hùng vì nước đã quên mình…”.

Rõ ràng, các tác phẩm thơ 'chính trị" của ông không hề khô khan. Nó thể hiện cảm xúc, tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở sự nghiệp cách mạng; đánh dấu từng bước trưởng thành của Cách mạng Việt Nam, của thơ ca Cách mạng Việt Nam.

Ông quan niệm: "Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp… Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật". Ngoài bài thơ nổi tiếng "Là thi sĩ", nhiều tác phẩm của nhà thơ Sóng Hồng như "Xuân đã về" (1943), "Nói chuyện với cô T" (1969), "Gửi một nhà thơ trẻ" (1970)… thể hiện tài hoa thơ và niềm tin của ông đối với cuộc sống này.

3. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một triển lãm ảnh về ông đã được tổ chức ở Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam. Với hơn 200 ảnh, tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều tài liệu, bút tích lần đầu tiên được công bố, triển lãm giới thiệu khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh trên nhiều cương vị: Là nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, nhà báo nổi tiếng...

 Đứng ngắm nhìn di sản ông để lại trong hành trình dài của cuộc đời mình, chúng ta cảm nhận ở đó, không chỉ là những đóng góp vĩ đại bằng xương bằng thịt, mà còn là sự hun đúc, là mạch chảy văn hóa mãnh liệt trong một gia đình truyền thống. Đó là nếp nhà của một gia đình trí thức lớn.

Ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng làm quan to thời Tự Đức. TS Đặng Xuân Bảng nổi tiếng là vị quan thanh liêm, uyên bác, đặc biệt yêu sách. Ông đã xây dựng một thư viện sách lớn nhất Bắc Bộ lúc bấy giờ ở ngay trong nhà mình. Sau này cậu học trò Đặng Xuân Khu đã đọc sách trong thư viện đó.

Những người dân của làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định vẫn thuộc lòng cuốn sách dạy con mang tên “Cổ huấn tử ca” của TS Đặng Xuân Bảng. Trong cuốn sách đó, bằng những lời giản dị, ông đã giáo huấn con cái theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống. Thấm nhuần “Cổ huấn tử ca”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã sống một cuộc đời thanh bạch, nghiêm cẩn và dạy con cháu theo những chuẩn mực của nếp nhà.

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, cháu nội của cố Tổng Bí thư kể: "Cuộc sống của một lãnh tụ như ông tôi không cao sang như người ta vẫn hình dung. Tôi vẫn nhớ những bữa đi học về nhà mâm cơm chỉ có củ cải kho dưa với nồi canh xương.

Tôi đã từng "ca": "Bữa nay dưa, ngày mai dưa, ngày kia cũng dưa". Ông nội tôi cũng theo tiêu chuẩn mỗi tháng chỉ vài cân thịt lợn, thịt gà mua ở phố Tôn Đản. Thế thôi. Tôi có cảm giác cuộc sống hàng ngày của lãnh tụ và người dân không xa nhau, vì thế niềm tin về lãnh tụ của người dân rất sâu sắc. Nếu cuộc sống lãnh tụ mà xa dân thì niềm tin lại ít đi".

Các thế hệ con cháu của cố Tổng Bí thư, người còn, người mất, nhưng đều thành danh và đi tiếp con đường của mình bằng nền tảng văn hóa của một gia đình trí thức. Dòng chảy thế hệ của gia đình ông vẫn tiến về phía trước. Ở thế kỷ 21, họ vẫn thuộc và làm theo “Cổ huấn tử ca”.

Mùa đông năm 1986, từ diễn đàn Đại hội VI, Tổng Bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Tổng Bí thư Trường Chinh chụp cùng đại gia đình trong một dịp sinh nhật. Nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo đất nước, bận công tác, Tổng Bí thư Trường Chinh ít có dịp về thăm quê. Trong một lần về thăm làng Hành Thiện, ông viết: "Tôi không năng về quê vì bận lo việc chung của cả nước. Tuy vậy, lòng tôi luôn bên cạnh bà con và dõi theo từng bước tiến của quê hương".

Lan Tường (ghi)
.
.
.