Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Tôi không giỏi kiếm tiền

Thứ Bảy, 28/09/2013, 15:15

Hồ Hoài Anh bận tít mù với những lời mời sau thành công ở The Voice kid. Cuộc mưu sinh bận rộn đang cuốn chàng nhạc sĩ trẻ này đi khỏi điểm khởi hành là một nghệ sĩ đàn bầu. Hoài Anh tham gia các game show thực tế, mua nhà Sài Gòn. Và có lẽ, phải ngoài 40 tuổi, anh mới trở lại điểm khởi đầu của mình.

- Sau The Voice kid thấy Hồ Hoài Anh tất bật quá. Công cuộc kiếm tiền đến bao giờ thì mới dừng lại đây?

- Làm sao dừng lại được khi cuộc sống bây giờ phải mưu sinh. Bây giờ mở mắt ra là tiêu tiền, tiền điện một tháng hết đứt cả tiền lương rồi. Không làm thì làm sao sống được. 

- Là một nghệ sĩ đàn bầu và từng đắm đuối với âm nhạc truyền thống. Nhưng dạo này Hoài Anh có vẻ đang bị cuốn theo chiều gió quá.

- Thú thực là tôi đang bị cuốn theo một núi công việc. Nhưng việc chính là giảng viên ở Nhạc viện thì tôi vẫn âm thầm làm. Như thế tôi cũng rất nỗ lực rồi. Chứ mình không thể nào sắp xếp được. Về lâu dài, tôi cũng sẽ cố gắng có những đóng góp một phần nhỏ sức mình thôi cho nghệ thuật dân tộc.

- Có phải nghệ sĩ bây giờ lo kiếm tiền hơn là làm nghề không? Anh có nghĩ là mình đang chạy theo cuộc mưu sinh mà quên mất điểm khởi đầu của mình.

- Tất nhiên là phải mưu sinh rồi, với cuộc sống mở mắt ra đã là tiền như bây giờ thì không kiếm tiền làm sao tồn tại được. Nếu tôi chỉ đơn giản làm công việc giảng dạy ở trường thì không thể tồn tại. Vấn đề là mình phải biết thời điểm nào làm cái gì thôi.

Đối với nghệ thuật dân tộc, tôi cần thời gian, khi đã đằm hơn, không phải quá lo nhiều đến cơm áo gạo tiền, chắc phải ngoài 40, mình mới có được sự chuyên tâm. Và tôi cũng mong, đến lúc đó, sự đầu tư của nhà nước cho nghệ thuật dân tộc đúng mực hơn. Chứ với những gì đang có thì chưa thực sự được ghi nhận. Tôi không thể sống như mẹ tôi ngày xưa, NSND Thanh Tâm. Cả đời mẹ cống hiến cho âm nhạc, chỉ có danh hiệu mà thôi. Điều ý nghĩa là mẹ tôi đã âm thầm hy sinh đóng góp cả cuộc đời cho những thế hệ học trò đã trưởng thành. Đó là niềm vui của cuộc đời thôi. Chứ nói về vật chất thì chẳng có gì.

- Nhưng Hồ Hoài Anh đâu có nghèo. Anh vừa mua nhà Sài Gòn. Nghệ sĩ giờ làm giàu cũng dễ nhỉ?

- Một nghệ sĩ kiếm tiền giỏi, nghĩa là người ta được đánh giá đúng khả năng của mình. Đối với tôi và nhiều người, được trả công như thế còn là ít so với những gì mình bỏ ra. Còn chuyện mua nhà Sài Gòn, do công việc đi lại nhiều.

Tôi cũng cần một chỗ ổn định cho vợ con chứ không thể đi thuê khách sạn mãi được. Tôi nghĩ, mình cũng gặp may mắn. Với lại, mẹ tôi cũng dành dụm cho tôi nữa. Tôi chưa phải là người giỏi kiếm tiền. Cuộc sống hiện tại chỉ là tương đối ổn định, trong thời điểm này thôi.

Đời nghệ sĩ bạc lắm, như chị Siu ấy. Có tất cả. Rồi mất tất cả trong gang tấc. Có thể là vinh quang, nhưng vinh quang không thể tồn tại mãi. Đau đớn nhất của nghệ sĩ là khi không còn giữ được vinh quang. Thà mình cứ sống đều đều thì đã đành. Chứ khi vinh quang tuột khỏi tầm tay, sẽ rơi vào bi kịch.

Cho nên, tôi và Giang, quan niệm làm nghề chậm và chắc. Không vội vàng, không tìm những lý do, những cơ hội hay những tiểu xảo để dấn thêm lên, có vị trí cao hơn, nổi tiếng hơn hay có nhiều tiền hơn. Tôi sống đúng cái tâm của mình. Và hy vọng như vậy thì mình sẽ được đền đáp xứng đáng.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và vợ, ca sĩ Lưu Hương Giang.

- Hồ Hoài Anh có làm gì khác ngoài âm nhạc để kiếm sống?

- Tôi sống được bằng nghề. Nếu không có âm nhạc thì tôi không biết sống bằng gì. Bản thân tôi vẫn sản xuất âm nhạc, công việc chính là ở phòng thu, làm nhạc phim, làm đĩa... Tất nhiên, tôi cũng lao động quần quật ấy chứ. Và chẳng bao giờ hết việc. Việc chính là ở trường giảng dạy, nhưng được hưởng lương không bằng việc phụ. Nói thế thôi, với tôi tất cả các việc liên quan đến âm nhạc đều là chính cả, bởi nếu không đam mê, mình sẽ không đi đến tận cùng công việc mình theo đuổi.

- Những khởi đầu của Hoài Anh, như dự án Đường xa  vạn dặm với nhạc sĩ Quốc Trung khiến mọi người hy vọng anh sẽ đi theo một con đường khác chứ không ôm đồm và bề nổi như bây giờ.

- Tôi nghĩ mình cần thời gian tĩnh tâm hơn. Còn hiện tại, tôi đang bị vướng bận với quá nhiều thứ xung quanh mình. Nếu tôi cố cũng làm được thôi, nhưng tôi không thích như vậy. Mình muốn giữ cái vốn đó để có tích lũy và đi con đường dài hơi hơn.

- Phải chăng anh đang loay hoay tìm một hướng đi.

- Tôi không loay hoay gì cả. Có chăng chỉ một chút, là mấy năm vừa rồi tôi lấy vợ và có con nhỏ. Nó thay đổi cuộc sống của tôi khá nhiều. Còn phía trước, con đường còn rất dài. Tôi cứ âm thầm bước tiếp thôi.

- Hoài Anh có quan tâm đến vấn đề nhạc sang và nhạc sến mà nhạc sĩ Quốc Trung đang chỉ trích giới trẻ rất ghê.

- Theo tôi không có nhạc sang hay sến. Tôi nghĩ cái quan trọng là nhạc hay và nhạc dở. Âm nhạc lay động lòng người thì hay. Còn âm nhạc nghe mãi người ta không cảm được thì nhạc không hay. Tất nhiên, cái sàn của nghệ thuật phải có một mức nhất định. Với tôi, nhất là trong thời buổi này, thì cần thiết nâng cao sàn và mặt bằng thẩm mỹ âm nhạc lên.

Quan điểm của anh Quốc Trung - một đầu tàu của thế hệ nhạc sĩ đang cống hiện và làm nên diện mạo của âm nhạc đương đại. Nên anh ấy có khả năng cầm cờ để hô hào mọi người. Tôi thấy việc anh ấy nói không sai. Còn tôi, thì tôi nghĩ, để thay đổi được điều gì đó cũng cần thời gian nhiều thời gian. Sự tồn tại của hơi thở âm nhạc dân gian trong những ca khúc nhạc trữ tình rất nhiều, nó rất là Á đông, gần gụi với người Việt Nam. Để thay thế được tư duy và khẩu vị của người nghe cần có những món ăn mới phù hợp.

- Theo anh sẽ bắt đầu từ đâu. Bởi nếu giới trẻ chỉ nhăm nhăm nghe nhạc xưa, thì đến lúc, chúng ta sẽ giật mình khi những khoảng trống âm nhạc đương đại không được lấp đầy.

- Ở đâu cũng thế, người thích ăn món này, kẻ thích ăn món kia, thẩm mỹ âm nhạc cũng vậy. Tôi vẫn muốn nói là làm thế nào để nâng cao sàn nhận thức của người dân về âm nhạc. Đấy là điều cần nói đến. Nó không chỉ là vai trò của người làm nghệ thuật mà là vấn đề của cả xã hội, phải được phát triển từ giáo dục, một đứa bé phải biết được thế nào là nhạc cổ điển, nhạc dân tộc thì lớn lên nó sẽ có những lựa chọn. ở xứ ta, chưa chú trọng giáo dục nghệ thuật và thẩm mỹ nghệ thuật một cách chính đáng.

- Vậy từ những cuộc thi như The Voice Kid, cũng là một cách để định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho khán giả đấy chứ. Anh có nghĩ là mình đã làm được điều đó?

- Những cuộc thi này đơn giản chỉ là tìm kiếm tài năng. Còn việc nó có lâu bền và đến được với công chúng hay không là một câu chuyện khác. Đó sẽ là một hành trình lâu dài chưa nói trước được. Với vai trò là giám khảo, chúng tôi đã cố gắng hết sức trong cách dạy dỗ, chọn bài hát cho học sinh. Đối với tôi, xuất phát từ tình cảm riêng tư, yêu thương các em thưc sự. Đó là cái tuổi đẹp, trong sáng không bị áp lực vì chuyện phải nổi tiếng.

Và tôi rất muốn, những lứa như thế này sẽ tạo ra một luồng gió mới trong thị trường âm nhạc bây giờ. Thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ bây giờ cũng khác lắm, update hơn, văn minh hơn.

- Nhưng nhiều bài hát quá nặng với lứa tuổi các em, đánh mất sự ngây thơ, trong sáng?

- Tại mọi người so sánh bọn trẻ với người lớn. Bài hát chỉ là một bài hát. Thông điệp của bài hát đến với mỗi người sẽ khác nhau. Đừng bảo Quang Anh hát Đá trông chồng mà không hiểu gì. Thế vai trò của người thầy là gì. Quang Anh khi hát có thể nghĩ về mẹ, về một người đàn bà chờ chồng.

Người lớn hay quan tâm quá thì sẽ áp đặt cách nghĩ của mình cho trẻ con. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn có sự hồn nhiên theo đúng tuổi của nó. Lý do lớn nhất là bài hát Việt Nam không nhiều cho lứa tuổi của nó. Với Quang Anh, những bài hát khác không đủ đô với nó, và vô tình làm phí tài năng của nó.  

Với thời giờ địa lý không còn quan trọng, ở đâu có công việc thì ở đó sẽ là cuộc sống của mình. Tất nhiên ở Hà Nội vẫn nhiều hơn. Vì tôi còn gia đình ở đó.

- Nhiều người nghĩ, vợ chồng anh tham gia The Voice kid để tìm kiếm sự nổi tiếng cho vợ, vì ca sĩ Lưu Hương Giang vẫn là cái tên còn khá lặng lẽ trong làng nhạc.

- Nổi tiếng hay không cũng có số. Đương nhiên không thể phủ nhận chuyện đó khi hàng tuần mình xuất hiện trên truyền hình, nhiều người sẽ biết đến mình hơn. Nhưng với tôi, công việc rất thầm  lặng, có nổi tiếng hơn hay không, với tôi không quan trọng lắm.

- Nhưng điều đó lại cần cho vợ anh.

- Tôi nghĩ, Giang có con đường của mình, tôi chỉ là người hỗ trợ Giang thôi. Tôi thấy hài lòng vì con đường chúng tôi đi chậm, chắc và bền bỉ.

- Yêu và lấy một người trong giới nghệ sĩ. Anh có tin vào hạnh phúc bền lâu?

- Cuộc đời còn rất dài, mình cứ cố gắng vun đắp thôi. Phải biết chấp nhận bởi vì chẳng có ai hoàn hảo cả. Điều mà tôi tâm niệm, là hãy bình tĩnh. Con người vốn dĩ hay bị nóng vội, nên mới có những quyết định, lời nói vội vàng. Hay bình tĩnh và bằng cái tâm của mình để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Bởi cuộc sống bây giờ rất nhiều bất an.

Câu hỏi lớn nhất trong cuộc đời là mình là người như thế nào. Có những người sống hết cả cuộc đời rồi cũng không biết mình là ai.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh

Khánh Linh
.
.
.