Nhạc sĩ Lê Minh Sơn:

Làm show để nói tiếng nói của thế hệ mình

Thứ Tư, 09/11/2016, 15:05
Hai năm quần quật với "Du ca Việt", Lê Minh Sơn lại làm đêm nhạc riêng của mình, "Tiếng kêu trong hũ nút" vào đêm 18-11.

Sơn đang học hát xẩm, học đàn nguyệt để trình diễn trên sân khấu. Chỉ Lê Minh Sơn và hai ca sĩ hoàn toàn mới nhưng anh tự tin, đêm nhạc sẽ có khán giả riêng của mình. Đó cũng là cách Lê Minh Sơn làm nghệ thuật, tự tin, không bận tâm đám đông nghĩ gì và kiêu hãnh đi con đường của mình. 

- Thỉnh thoảng biến mất rồi đột ngột xuất hiện với một dự án mới tinh, đó là Lê Minh Sơn. Hai năm lăn lộn với "Du ca Việt", lần này anh làm một show riêng của mình, "Tiếng kêu trong hũ nút". Nghe có vẻ kỳ bí thế?

+ Đây là dự án tôi tích tụ 3 năm nay, đến lúc cần đưa ra một loạt bài hát mới, tác phẩm hoà tấu không lời mới để chia sẻ, để những khán giả bên mình được thoả mãn.

Ngày xưa, năm nào cũng làm đêm nhạc Lê Minh Sơn, năm thì 1, năm thì 2 lần... Bây giờ tôi cần làm vì được nói tiếng nói của mình, nghĩ suy nghĩ của mình, làm những việc của mình. Đó sẽ là một đêm nhạc chất chứa những vấn đề bức xúc của thời đại hôm nay.

- Người ta làm show để kiếm tiền, còn Lê Minh Sơn làm show để nói tiếng nói của thế hệ mình. Vậy "Tiếng kêu trong hũ nút" sẽ nói điều gì?

+ "Tiếng kêu trong hũ nút" nói lên khát vọng của mình, những người cùng chí hướng với mình, hướng tới một âm nhạc Việt Nam đậm bản sắc cội nguồn, mang hơi thở văn minh, hiện đại...

Người nước ngoài xem sẽ cảm nhận được Việt Nam không như những gì đang diễn ra, hướng đến tinh thần chủng tộc da vàng...

Khán giả của tôi có một phần lớn người nước ngoài, tôi muốn cho họ nghe và cảm nhận âm nhạc Việt Nam theo cách riêng của mình, để họ thấy ta không hề lạc hậu. 

Tôi sẽ giới thiệu gần 20 tác phẩm mới, chưa từng được công bố. Đó là câu chuyện về bác nông dân trồng hai luống rau, một dành để ăn, một luống rau để bán, rồi chuyện của một cu Sứt thời hiện đại, đặc biệt là chuyện của nàng Cám - nhân vật mà tôi ấp ủ sáng tác một vở nhạc kịch lớn...

Ngôn ngữ âm nhạc trong chương trình sẽ là sự pha trộn giữa tiếng guitar của Lê Minh Sơn với những nhạc cụ dân gian đặc sắc như kèn Pí Lè, đàn đáy. Ngoài ra, đêm diễn còn có màn múa đương đại của Trần Ly Ly với hình tượng chú Tễu nổi tiếng trong nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

- Đưa dân gian vào đương đại, đó cũng là mạch chảy trong âm nhạc của Lê Minh Sơn? Vậy sự khác biệt lần này sẽ là gì vì nhiều người cho rằng, đỉnh cao của Lê Minh Sơn, thời của "Nắng lên" đã qua rồi?

+ Tại sao ta cứ sống mãi với hào quang xưa cũ. Lê Minh Sơn của hôm nay là những sáng tác mới, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Tôi không thể cứ ngồi yên mà gặm nhấm quá khứ của mình.

Đám đông ư, cũng vui đấy, nhưng không thuộc về Lê Minh Sơn. Vừa rồi tôi tham gia một cuộc liên hoan quốc tế, tôi ám ảnh bởi tiết mục "Tễu" của Trần Ly Ly.

Đấy là thân phận người nghệ sĩ được thể hiện bằng nghệ thuật. Ngày xưa Kép Tư Bền cũng là một bi kịch nhưng của những người làm hề, làm hài đi mua vui, còn Tễu ở đây là thân phận của người nghệ sĩ. Tễu khi sống chỉ có manh chiếu đắp ngang người và chết cũng trong lặng lẽ.

Nhưng những gì Tễu để lại là những tiếng va đập sâu thẳm về tâm hồn của những người làm nghệ thuật bất cứ thời cuộc nào.

Bên cạnh đó, "Tiếng kêu trong hũ nút" còn có một trích đoạn của vở nhạc kịch đương đại "Tấm Cám", đó cũng là màn tôi tâm đắc. Tôi có một góc nhìn khác về Cám, khác với truyền thống. Tôi yêu Cám nên mới dồn nhiều tâm sức cho tác phẩm này.

- Hai năm rong ruổi cùng "Du ca Việt", đi qua nhiều tỉnh, thành, nhiều trải nghiệm. Cái được lớn nhất trong hành trình 2 năm đó của anh là gì?

+ Điều được nhất của du ca Việt là tôi được sống, được yêu, được làm việc... Và tôi rút ra một slogan thú vị: Cuộc đời lãi nhất là những chuyến đi, kể cả đi trong suy nghĩ. Hai năm qua tôi đi rất nhiều, qua các tỉnh, thành, đến với người nông dân các vùng quê khác nhau. Đi về mới ra được "Tiếng kêu trong hũ nút".

Tôi thấy nhiều vấn đề xã hội quá, mà lúc nào tôi cũng thích đụng chạm đến những vấn đề gai góc. Ngày xưa thông điệp mà mình tự hào là À í a: Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi…

Chính trên quê mình cũng thế. Kiện cáo tùm lum hết cả. Dân không có đất rất khổ. Tất nhiên là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng làm ào ạt như vậy thì đúng là kinh khủng quá. Gần đây lại có những vấn đề khác, đau đớn không kém, đó là thức ăn.

Từ thức ăn để thấy vấn đề đạo đức bị tha hóa, xã hội mất niềm tin. Người nông dân bây giờ trồng hai ruộng rau, một để ăn, một để bán, đấy chính là bài "Hai ruộng rau".

Hay "Sứt sựt sừn sưn" đưa ra vấn đề: "Ngày xưa các cụ nhà ta vẽ lên trong chiếu chèo Cu Sứt/ Ngày nay trong chiếu đời đầy rẫy sứt mẻ về tâm hồn/ Sứt mẻ về nhân cách/ Được mỗi hình thức miễn chê…".

- Anh nói rằng đêm nhạc tối 18/11 tại Nhà hát Lớn không có cái gì cũ cả, mới hoàn toàn từ ca khúc mới đến ca sĩ, có một ca sĩ nam mới tinh và một nữ ca sĩ bất ngờ và chỉ tôi là cũ.

Anh có nghĩ là mình quá mạo hiểm không khi khán giả Việt vốn không dễ dàng làm quen với cái mới?

+ Tôi biết, điều đó quá mạo hiểm, vì đi ngược với thị trường, không xin tài trợ, không có ngôi sao. Nhưng tôi tin khán giả đến với mình là những người yêu quý, nâng niu và cùng khát vọng hướng tới cuộc sống mãnh liệt về cảm xúc, yêu Việt Nam cháy bỏng và yêu những sáng tạo âm nhạc...

Khán giả chính là nhà tài trợ... Từ trước đến nay các show diễn của tôi vẫn thế, tự bán vé và chưa bao giờ lỗ cả. Tôi có khán giả riêng của mình. Những người nghe nhạc văn minh, biết chấp nhận và thưởng thức cái mới.

Ai cũng đổ xô đi hát bolero, bùng nổ những đêm nhạc bolero là trì trệ và đau khổ, vì nền âm nhạc của chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ được.

- Không có những ca sĩ gắn bó với âm nhạc của Lê Minh Sơn, anh sẽ xoay xở thế nào?

+ Đây là một chương trình mới hoàn toàn, không vướng bận và lăn tăn gì đến những ca sỹ cũ, vì mỗi thời điểm, mỗi sự kiện, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta đều phải hướng tới tương lai...

Khán giả đến để nghe nhạc và họ sẽ bị thuyết phục bởi âm nhạc chứ không phải vì một cô, hay một chàng ca sĩ nào đó quen. Cứ tin đi, tôi chưa bao giờ thất bại.

- Vẫn giữ quan niệm làm show không tài trợ, tự bán vé, Lê Minh Sơn liệu có quá tự tin khi thị hiếu khán giả bây giờ đã khác, và cái tên Lê Minh Sơn cũng không còn "hot" như thời đỉnh cao của anh nữa?

+ Tôi nghĩ, đó là sự tự tin, tôi tin vào những điều tốt đẹp, tin vào những gì sẽ đổi mới, tin là mình còn đủ bản lĩnh để bước ra sân khấu một cách đầy kiêu hãnh. Chỉ có âm nhạc, nước mắt và nụ cười... sẽ ở lại.

Tôi không quan tâm đến chuyện tên của mình có hot hay không, tôi chỉ bận tâm đến âm nhạc của Lê Minh Sơn thời điểm này có làm lay động tâm hồn của một ai đó không. Và chắc chắn sẽ có nhiều tiếng nói đồng điệu.

- Tách mình khỏi đời sống của showbiz, nhiều năm không xem tivi. Anh có thấy mình bị lạc lõng, chìm lấp trong đời sống nhiều vội vã hiện nay.

+ Showbiz là gì, Lê Minh Sơn không biết và chưa bao giờ thuộc về. Tôi chỉ biết, Lê Minh Sơn không thuộc về đám đông. Tôi vẫn hì hụi làm việc, quần quật lao động và sáng tạo và luôn luôn có khán giả số ít, những nguời bạn tuyệt vời bên cạnh.

Để tiếp tục đi trên con đường tự mày mò, và kế thừa những giá trị truyền thống. Tôi thấy buồn khi 10 năm nay, gần như không có tác phẩm âm nhạc nào tạo được tiếng vang, tạo ra được một xu hướng để kéo con người đến gần nhau hơn.

Một bài hit tuổi thọ cũng chỉ ngắn ngủi 6 tháng đến 1 năm mà thôi. Toàn những thứ lai căng, bắt chước chỗ này một tí, chỗ kia một tí. Chúng ta thiếu một luồng sinh khí đậm màu sắc dân tộc nhưng vẫn cập nhật với xu thế mới của thế giới văn minh. Thiếu trầm trọng.

Phải chăng vì thế mà chúng ta cứ hoài cổ. Một nền âm nhạc cứ hoài cổ thì không tiến bộ được.

- Hình như anh đã bớt ngông hơn, nhưng liệu âm nhạc của Sơn có "bớt" hay đi không?

+ Tôi chưa bao giờ ngông... Tôi chỉ biết: mình sống thật, đủ tinh tế để biết yêu và cảm nhận tình yêu... Và tôi luôn cảm ơn nỗi buồn, niềm vui, bất hạnh trong cuộc đời vì đấy là cảm xúc sống, cảm xúc nuôi dưỡng để tôi sáng tác.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.