Nhạc sĩ Lê Quang: Tìm về chốn an nhiên

Thứ Bảy, 13/07/2019, 11:28
Mang khí chất ngang tàng, hào sảng nhưng những nhạc phẩm của Lê Quang lại dạt dào, da diết đến lạ. Và dẫu bài hát có được tôn vinh đến mức nào, thì anh vẫn thế: tiếng cười rổn rảng nheo đuôi mắt mà thấy đời nhẹ bẫng trong cơn say bè bạn...


- Nhắc đến Lê Quang, người ta nhớ ngay đến loạt ca khúc ăn khách làm nên tên tuổi Đan Trường như “Đi về nơi xa”, “Dòng máu lạc hồng”,“Mưa trên cuộc tình”, “Chờ trên tháng năm”... Nhưng rất ít người biết “Đi về nơi xa” được anh sáng tác từ kỷ niệm hồi đi bộ đội. Câu chuyện như thế nào thưa anh?

+ Rất ít người biết câu chuyện này vì tôi hiếm khi chia sẻ, năm 1987 sau khi học xong một năm dự bị đại học khoa Văn, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tôi nhận giấy gọi đi bộ đội. Đơn vị tôi đóng tại vùng rìa Phnôm Pênh (Campuchia). Hồi đó, trong đám lính trẻ, tôi viết chữ đẹp lại có tài văn chương bay bướm nên các anh em hay nhờ tôi viết thư tình thuê.

Nhạc sĩ Lê Quang.

Có một người lính rất thân nhờ tôi viết thư cho người yêu ở quê. Tuần nào cũng viết một lá. Bẵng đi một thời gian dài, nó không nhờ tôi viết nữa. Nhưng cứ sau giờ cơm chiều, tôi vào thay ca ở vọng gác là lại thấy nó ăn bận chỉnh tề rồi đi lên ngọn đồi nhỏ gần đơn vị ngồi một mình.

Hành động đó lặp đi lặp lại mỗi chiều. Tôi sốt ruột hỏi thì nó buồn bã bảo đã chia tay, người yêu đi lấy chồng rồi. Hình ảnh người lính lặng lẽ trở về đơn vị mỗi tối in đậm trong tôi. Đến năm 1997, nhớ lại hình ảnh ấy, tôi viết “Đi về nơi xa”.

- Biết câu chuyện sau bài hát, tôi khá ngạc nhiên vì lời bài hát không đề cập đến người lính, chiến trường. Nghe qua, người ta ngỡ nó như bao tình khúc khác chứ không nghĩ là tình yêu người lính.

Nhiều người khi nghe tôi kể cũng ngạc nhiên như bạn. Tôi muốn viết về góc khuất tình yêu của người lính. Viết về chiến trường, sự khốc liệt chiến tranh, về đau khổ mất mát thì chúng ta đã có quá nhiều bài hát hay rồi. Riêng tôi, tôi muốn đi sâu vào những điều bình dị.

Người lính cũng biết yêu chứ, và đã yêu, họ cũng đau khổ, thất tình như ai. Nên nghe ca khúc, người ta thấy mối tình, nỗi cô đơn, đau khổ của chàng trai cũng có khác gì nỗi lòng mình. Tôi cũng là lính, cũng thất tình. Từ chuyện của người bạn thân khiến tôi nhớ lại chuyện tình mình.

Hồi đó, tôi có quen một người bạn gái học trường Bùi Thị Xuân. Tình mới chớm thì tôi đi bộ đội ở Campuchia. Ở xứ người, mưa mùa hạ rất lạ. Buổi trưa, mưa ào cái rất nhỏ rồi tạnh. Nó cũng như chuyện tình tôi. Ngày tôi về phép, ghé thành phố thì được tin cô ấy đi lấy chồng. Sau này chúng tôi vẫn coi nhau là bạn bè thân thiết. Từ chuyện mình, tôi viết thành ca khúc “Mùa hạ mãi xa”.

- Có phải nhờ chất lính mà anh sáng tác bài hát “Linh thiêng Việt Nam” và các bài hát về non sông, đất nước nói chung một cách đầy xúc động như vậy?

+ Giai đoạn ở chiến trường Campuchia cho tôi nhiều bài học. Đó là sự trầm tĩnh, kiên định bởi trong tay mình có vũ khí, mình mà nóng nảy thì sẽ xảy ra chuyện khôn lường. Và cũng nhờ đi bộ đội, tôi yêu đất nước mình hơn. Đó là quãng thời gian đẹp nhất thời trai trẻ và tạo cảm hứng cho tôi viết nên loạt ca khúc về quê hương, đất nước như “Linh thiêng Việt Nam”, “Dòng máu Lạc Hồng”, “Dân nước Nam”...

Nhạc sĩ Lê Quang và ca sĩ Đan Trường trong một chương trình âm nhạc.

“Linh thiêng Việt Nam” có lẽ là bài hát đầu tiên mà từ “linh thiêng” được sử dụng. Tôi nhớ khi đó đài truyền hình tổ chức một chương trình cầu truyền hình lớn khắp ba miền để kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ. Tôi được ban tổ chức đưa đi thăm thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng và nghĩa trang.

Viết về thương binh, người lính đã có những ca khúc quá hay như “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến, “Nhánh lan rừng” của Thế Hiển..., nên tôi chọn viết cho người đã nằm xuống. Tự nhiên trong đầu tôi bật ra những lời tâm tình “Linh thiêng đất Việt Nam/ Linh thiêng trời Việt Nam/ Linh thiêng đất trời Việt Nam”.

Vậy là tôi lấy đó làm tứ để sáng tác nên bài hát với phần mở đầu như thế. Nói thật, đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình viết được ca khúc đó. Cứ ngỡ như ai cầm tay mà viết vậy.

- Học khoa Văn, cơ duyên nào đưa anh bén duyên với âm nhạc?

+ Đi bộ đội về, tôi tính đi học lại khoa Văn, Đại học Tổng hợp. Nhưng một lần đến thăm anh bạn mới tốt nghiệp khoa Văn, ảnh bảo “Tao tốt nghiệp rồi mà giờ phải bán tạp hóa, sửa xe đạp đây nè”, vậy là tôi nản, bỏ ngang. Về TP Hồ Chí Minh, tôi làm công nhân, làm đủ mọi nghề lao động tay chân để kiếm sống.

Hồi đi học, tôi cũng biết đàn hát. Đi bộ đội, thỉnh thoảng cũng phục vụ văn nghệ cho anh em. Nhờ vậy tôi gia nhập nhóm nhạc Da Vàng rồi vừa chơi nhạc vừa tập tành sáng tác bài hát cho nhóm. Lúc đó tôi toàn sáng tác bài rock thôi. Sau thách thức của nhạc sĩ Nguyễn Hà, tôi bắt đầu viết tình ca pop-ballad. Và bài đầu tiên chính là “Đi về nơi xa”.

- Có vẻ bây giờ nhịp sáng tác của anh khá lặng lẽ?

+ Đời tôi vốn bình yên, không có nhiều xáo động. Tôi vẫn sáng tác nhưng chỉ sáng tác khi có cảm hứng. Nhiều ca sĩ đặt viết nhưng nếu người ca sĩ đó tôi không cảm được thì tôi từ chối. Tôi không thể viết một bài hát vô thưởng vô phạt rồi đưa cho ca sĩ hát. Bản thân ca sĩ hát mà không thấy mình trong đó thì họ sẽ nhanh chán, bài hát rồi cũng chết yểu.

Những ca khúc tôi viết cho Mỹ Tâm, Hồng Ngọc... như “Tình xót xa thôi”, “Chuyện thường tình thế thôi”... đều là sợi dây giao cảm, hiểu thấu nhau của chúng tôi. Tôi lấy ký ức của họ để viết cho họ. Trong mắt tôi, Mỹ Tâm mãi mãi là cô bé. Nhìn Tâm nhỏ bé, yếu đuối vậy mà cô rất mạnh mẽ, bản lĩnh vượt qua cạm bẫy lẫn thị phi. Hồi đó, sau mỗi lần hết show, anh em nghệ sĩ lại kéo vô quán bar uống rượu. Tôi nhìn thấy Tâm cầm ly rượu chưa uống nhưng mắt đã rơm rớm.

Cho nên khi viết bài “Em chờ anh” cho Tâm, bài hát có câu: “Tình chưa kịp đầy mà mắt vội cay”. Còn Hồng Ngọc nhìn bề ngoài ngổ ngáo, nổi loạn vậy nhưng lại yếu đuối lắm. Có lần tôi mắng Ngọc trước anh em ban nhạc vì không chịu vỡ bài trên sân khấu tập nhạc, gặp người khác là cãi nhau, im lặng để bụng nhưng Ngọc lại đứng khóc ngon lành như con nít. Mà đúng là có giao cảm thì người ta mới đẩy ca khúc lên đến đỉnh thăng hoa.

Nhạc sĩ Lê Quang là một trong những người đồng hành thân thiết của ca sĩ Mỹ Tâm.

Như lần tôi sáng tác bài “Niềm tin chiến thắng” cho một giải bóng đá trong nước. Lúc đó, tôi phân vân việc chọn Mỹ Tâm hay một ca sĩ khác đang nức tiếng lúc đó. Nhưng cuối cùng ca khúc được Mỹ Tâm thể hiện quá xúc động bởi ngày chung kết, đội Đà Nẵng của cô giành chiến thắng.

- Nổi tiếng với những bài hát tạo dựng tên tuổi Đan Trường, Mỹ Tâm, Hồng Ngọc... nhưng giờ đây, người ta hay bắt gặp anh làm đạo diễn âm nhạc và ngồi ghế nóng ở các sân chơi chính quy mà ít thấy anh ở các gameshow?

Tôi từ chối dần các gameshow, truyền hình thực tế vì tính tôi không hợp với sự xô bồ, nhốn nháo, đôi co cãi cọ. Đa phần các chương trình đó đều bắt mình phải làm theo kịch bản họ sắp xếp dù mình có là giám khảo đi chăng nữa. Làm giám khảo mà không được nhận xét đúng ý của mình, phải chấm người này đậu người kia rớt theo sự chỉ đạo của ban tổ chức thì mình sao chịu nổi.

Trong khi chấm các chương trình chính quy như “Sao Mai”, “Tiếng hát người làm báo”... hoặc làm giám đốc âm nhạc cho chương trình “Âm nhạc Việt Nam”, “Duyên dáng Việt Nam”..., tôi thấy được là chính mình, sống với chuyên môn. Và ở đó, tiếng hát mới cất lên đúng nghĩa. Có lẽ mình lạc hậu rồi chăng? Nhạc trẻ bây giờ tôi nghe không nổi. Nhiều khi mình không hiểu vì sao ca sĩ hát như hết hơi, láp nháp vài tiếng mà cũng lắm người nghe. Nên tôi chọn cách lánh xa những ồn ào, thị phi không đáng có.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Trang (thực hiện)
.
.
.