Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Du ca trong những giấc mơ đời

Thứ Năm, 14/11/2013, 12:16

Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh bởi sự cô độc của người nghệ sĩ dương cầm trong cái dáng lặng lẽ,  gầy guộc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khi ông chơi đàn. Lặng lẽ một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên. Một tình yêu đâu dễ quên.

1. Những cuộc trò chuyện của tôi và ông chủ yếu qua điện thoại. Nhưng hình như, ông cũng dành cho tôi một ưu ái nào đó, khi chuyến ra Hà Nội lần này, ông gọi cho tôi. Một buổi chiều Hà Nội lãng đãng sương khói của mùa thu, đủ nỗi niềm cho những câu chuyện đời nghệ sĩ. Đôi mắt ông rất buồn. Giọng nói của ông cũng trầm hơn. Từ buồn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong câu chuyện với ông. Nỗi buồn nhân tình thế thái của người nghệ sĩ trước thời cuộc, trước những sự ra đi, hay sự đổi thay của người nghệ sĩ vì cuộc mưu sinh.

Chuyến sang Mỹ vừa qua giúp ông khuây khỏa phần nào nỗi buồn của những dư âm cũ. Ông đã bị sốc. Câu chuyện ầm ĩ trong giới truyền thông thực sự không đi đúng bản chất của nó. Nhạc sĩ nói: "Có lẽ chú già rồi, lạc thời rồi. Đời chú không muốn làm ai buồn hết". Ông sống lặng lẽ, gần như tránh xa những đám đông, sự ồn ào. Thế mà... Buồn đến mức, ông từng tuyên bố sẽ giã từ sân khấu.  Nhưng trong cái mất cũng có cái được. Trong hoạn nạn, mới biết, nhiều người hiểu và trân quý ông. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Ông say sưa kể về chuyến đi Mỹ chữa bệnh. Những học trò của ông, từ các tiểu bang khác nhau đã tụ về, tổ chức một đêm nhạc cho thầy, để ở đó, tiếng đàn của ông lại vang lên trong niềm xúc cảm của những người con xa xứ. Niềm hạnh phúc mà tiền bạc không thể mua được.

Ông yêu cây đàn piano, như máu thịt. Những ngón tay gầy guộc của ông sinh ra để dành cho cây đàn, trút vào nó những buồn vui trong cuộc đời. Thế nhưng, có lẽ mọi người biết đến ông với những sáng tác nhiều hơn là một người chơi đàn. Dù với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, sáng tác chỉ như một cuộc dạo chơi, còn cây đàn piano mới là lẽ sống của cuộc đời. "Dường như ở nước mình, người ta vẫn thường thích những thứ phải phát ra lời. Còn âm nhạc không lời, nó đòi hỏi một khoảng lặng cần thiết của tâm hồn, mới cảm được sự lắng sâu, da diết của nó".

Tiếng đàn piano ám ảnh ông từ khi còn nhỏ, nỗi ám ảnh như là định phận. Ông mày mò tự học piano bằng cách đọc sách và nghe đĩa. Những lúc không có đàn, ông vẽ phím đàn lên giấy và chơi như thế. Bố mẹ ông quan niệm, cây đàn piano chỉ để giải trí, chơi nhạc để chơi nhưng nhất định không cho đi theo nghiệp cầm ca. Nhưng vốn theo học trường Tây từ nhỏ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 luôn độc lập và có quan điểm riêng.

"Mỗi người có một cuộc sống riêng, tôi nhận ra, âm nhạc là cuộc sống của mình. Tại sao mình không đi đến tận cùng với nó". 17 tuổi, vào đại học. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thấy cuộc đời mình sinh ra chẳng liên quan gì đến những con số, tính toán. Ông bỏ học, đi theo sự thôi thúc nội tâm. Ngày đó, vẫn còn quan niệm xướng ca vô loài, bố ông kiên quyết phản đối. Hoặc chọn gia đình, hoặc cây đàn piano. Chàng trai Nguyễn Ánh 9, 18 tuổi đã ra khỏi nhà, với rất nhiều mộng tưởng về cây đàn piano.

"Chú sống bụi đời từ đó, rồi tìm đến phòng trà Anh Vũ rất nổi tiếng, vừa làm thuê kiếm sống, vừa mày mò học đàn. Đêm ngủ lại đó luôn". Cũng từ phòng trà này, bắt đầu cho một hội ngộ tri âm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly, một cuộc hội ngộ để lại nhiều hạnh phúc nhưng cũng nhiều phiền muộn trong cuộc đời ông.

Tự thấy vốn âm nhạc của mình còn quá ít ỏi, đêm đêm, sau 11h, ông  tìm qua ban nhạc Phi Luật Tân (một ban nhạc rất nổi tiếng thời đó) nghe họ chơi đàn. Lâu lâu xin lên đàn một vài bài. Rồi ông may mắn được thay thế người chơi piano của ban nhạc. Mày mò học, lúc đầu chỉ là đệm, rồi từng câu, từng bài đơn lẻ, sau 3 năm, ông nhạc trưởng gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đến và bảo: "Bây giờ ông trưởng thành rồi, hãy tự lập ban nhạc mà chơi". Ban nhạc Nguyễn Ánh 9 ra đời từ đó, những năm 1970, tiếng đàn piano của Nguyễn Ánh 9 không thể thiếu trong những đêm nhạc xưa ở Sài Gòn.

2. Cũng bắt đầu từ đó, hằng đêm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn cho Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu hát. Đó là những năm 1970, một thời "nghèo nhưng vui". Mối tình tri kỷ của ba người, người sáng tác - người trình bày - và nhạc công- Trịnh Công Sơn- Khánh Ly- Nguyễn Ánh 9. Họ du ca trong những giấc mơ đời, hát về những buồn đau, mất mát trong đời sống với tâm thế yêu thương cuộc đời, yêu thương con người. Hát như một chuyến viễn du bất tận đi vào những miền rung cảm của trái tim.

Người nhạc sĩ già trở nên trầm lặng và buồn khi nói về những người bạn tri kỷ một thời. Ông nói có lẽ đó là thời đẹp nhất trong cuộc đời ông. Một thời tiếng đàn của ông tìm gặp được tri âm. Sau này, khi Trịnh Công Sơn quá nổi tiếng, và có rất nhiều bạn bè, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ít gặp ông hơn. Chỉ khi nào muốn trò chuyện cùng nhau, hai người có thể ngồi suốt đêm, uống rượu, rồi sau đó, mỗi người lại theo đuổi cuộc sống riêng của mình. Đó cũng là thời, ông bắt đầu sáng tác bài hát đầu tiên, được công chúng đón nhận. Những có lẽ phải đến Bơ vơ, Cô đơn và Tiếng hát lạc loài thì âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 mới ám ảnh đến độ.

Ông sáng tác rất ít, chỉ vài ba chục bài. Nhưng mỗi bài hát đều gắn liền với một kỷ niệm, về những mất mát trong đời sống. Buồn ơi chào mi, là một cách chủ động đón nhận nỗi buồn, tìm thấy niềm vui trong nỗi buồn. Còn Cô đơn, bài hát được nhiều người thích và cứ nghĩ, ông viết về một mối tình đã mất. Nhưng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, trong cuộc đời ông, có một mối tình lớn hơn cả tình yêu, đó là tình nghệ sĩ, tình tri âm. Trong đời sống dài rộng này, đâu dễ gì tìm kiếm được một tri âm.

"Tình yêu một thoáng lên ngôi, nhẹ nhàng như áng mây trôi, dịu dàng như ánh trăng soi êm êm hương yêu, dâng trong hồn tôi. Nghe như chim ngàn phiêu lãnh theo mây trời lang thang dong chơi cùng năm tháng, ôi đêm đêm cùng tiếng hát cho vơi niềm thương nhớ còn gì cho ước mơ. Người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa, người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu mộng đẹp nên thơ, tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi,chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi, cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài".

Dường như càng sống, con người ta càng ít bận tâm đến mối quan hệ của người nhạc công và ca sĩ. Mà đối với Nguyễn Ánh 9 và thế hệ ông, đó là niềm cảm hứng cho tiếng đàn phiêu và giọng hát ngọt. Phải là tri âm, hiểu nhau trong từng nhịp phách, thì mới truyền được cảm hứng cho nhau. Giống như ấp Mê Thảo, tiếng đàn của Bá Nhỡ sẽ dìu dặt hơn nếu có nàng Thị Tơ hát. "Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ, khi tìm được người đồng cảm với mình. Tâm hồn họ hòa điệu vào nhau, hiểu được những nỗi buồn vui, hạnh phúc hay đau khổ của nhau. Đó mới là tri âm. Chứ nhạc công và ca sĩ không phải đứng bên lề đường nhìn nhau". Có một thời đoạn, vắng bóng tri âm, tiếng đàn của ông trở nên lạc lõng, buồn bã. Một thời gian rất dài, ông dường như không chơi đàn. Khi các phòng trà ở Sài Gòn chỉ có organ. Và cây đàn piano đường như bị quên lãng.

Không hiểu sao, tôi bị ám ảnh bởi hình dáng bé nhỏ của ông mỗi khi ông chơi đàn, rồi cũng cái dáng bé nhỏ ấy, ông lặng lẽ rời sân khấu... Không một lời nói. Chỉ có tiếng đàn cất lên. Và rồi, khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, tất cả rơi vào câm lặng. Cây đàn piano cũng câm lặng. Nỗi cô đơn khi ta chỉ có một mình rất bình thường. Nhưng cô đơn giữa chốn đông người thì khủng khiếp. Người nhạc công cũng như cây đàn piano, thấu hiểu điều đó. Và ông sống an nhiên trong đời. "Sứ mệnh của chú hiện diện trong đời là để chia sẻ nỗi đau, niềm hạnh phúc với mọi người. Chú không mưu cầu cho mình điều gì, ngoài việc được chơi đàn hằng ngày. Còn đời sống vật chất ư, đâu có quan trọng, khi tâm hồn mình nghèo nàn".

Ông thích lẫn vào phố xá, ngồi cà phê vỉa hè với học trò. Và hằng đêm, ông vẫn chơi nhạc tại một khách sạn lớn ở Sài Gòn, nhận lương của một công chức để dành tiền nuôi cháu. Nhưng riêng với những người yêu cây đàn piano, ông nhận dạy miễn phí. Bao thế hệ học trò đã lớn lên, trưởng thành từ sự chăm chút của ông. Bởi ông muốn truyền cho họ tình yêu thuần khiết với âm nhạc. Và có thể sau này, họ sẽ thay ông, truyền niềm đam mê đó cho các thế hệ. Mong ước giản dị vậy thôi.

Sau những buồn bã mất mát trong đời sống, ông luôn có một mái ấm để trở về. Một nơi chốn bình yên mà những bon chen, ồn ã không chạm tới. Nơi đó, có người phụ nữ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho ông. "Có thời đoạn chú không chơi đàn, ngồi ở nhà, bồn chồn, đi vào đi ra, chú mới hiểu, sự hy sinh của bà lớn chừng nào. Bà cũng là nghệ sĩ, nhưng vì chú, bà lặng lẽ rút lui khỏi ánh đèn sân khấu. Lúc đó chú hiểu vì sao, những đêm diễn của chú, bà không dám đi. Vì bà sợ phải đối diện với nỗi nhớ".

Khi tôi viết bài này, thì tiếng đàn của ông đang vang lên trong khán phòng Nhà hát Lớn - Hà Nội. Phải hai năm rồi ông mới ra lại Hà Nội, để đệm đàn cho Ánh Tuyết hát. Và tôi chợt nhớ đến một câu nói của ông: "Trong cuộc đời, cần nhất là mình phải sống cho tử tế. Người hát tử tế, người sáng tác tử tế và người chơi nhạc tử tế". Câu nói, có khiến ai trong chúng ta day dứt

Khánh Linh
.
.
.