Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Xẩm mang đến cho tôi tình yêu

Thứ Năm, 02/06/2016, 09:03
Mê đắm với xẩm, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã dành một phần cuộc sống của mình cho xẩm và âm nhạc truyền thống. Liên tục những MV "Xẩm trà đá", “xẩm Tiễu trừ cướp biển", rồi tới đây là "Xẩm giao thông" ra đời, phản ánh những câu chuyện đương đại bằng nghệ thuật xẩm. 


Tôi hỏi Long, có bao giờ anh thấy mình lạc thời, bởi theo đuổi, mê đắm những điều đã thuộc về xưa cũ. Long cười, Long và nhóm xẩm Hà Thành của anh đang tiếp nối dòng chảy của xẩm trong đời sống đương đại… Nguyễn Quang Long, con người bé nhỏ, lành hiền ấy, đang lặng lẽ đi con đường riêng của mình, cho những điều tử tế, với âm nhạc.

- Chúc mừng những dự án xẩm của nhóm Xẩm Hà Thành mà anh là người khởi xướng. Nhìn lại một chặng đường, từ MV "Tiễn trừ cướp biển" đến bây giờ, "Xẩm trà đá", "Xẩm giao thông", anh thấy mình đã làm được những gì?

+ Chúng tôi đã làm được một số MV xẩm đương đại và được nhiều người đón nhận. Đặc biệt là "Xẩm trà đá", một văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, để nói về những câu chuyện đời thường của cuộc sống. Nó dí dỏm hát như nói, nói như hát, mọi người nghe và thích. Chúng tôi mượn xẩm để chuyển tải những vấn đề thời sự mà không bị nặng nề. Đó là thế mạnh, là nét độc đáo của xẩm. Chính điều đó giúp xẩm sẽ tiếp cận với khán giả hơn so với các loại hình khác.

Phê phán cái xấu, nhưng sứ mệnh của xẩm là hướng tới những giá trị tốt đẹp của đời sống. Xẩm trà đá đầu tiên, chúng tôi nói về vụ tắm ở Hồ Tây, gọi là tắm tri ân, để phản ánh một nét văn hóa của giới trẻ Hà Nội cần phải suy nghĩ lại. Rồi chuyện chặt gỗ lậu, chuyện cá chết, văn hóa tham gia giao thông của người Hà Nội, toàn những vấn đề đương đại.

- Nhưng trong suy nghĩ của người Việt, xẩm đã thuộc về quá khứ. Phải chăng anh đang tiếp nối dòng chảy ấy để không đứt đoạn với hiện tại bằng những câu chuyện hôm nay?

+ Đấy chính là con đường của chúng tôi, bởi nghệ thuật phải  nằm trong dòng chảy của ngày hôm nay. Nghe những bài xẩm cũ rất hay, của những nghệ nhân như bà Hà Thị Cầu hát, ông trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên ở Hà Nội, đầy tâm trạng, thân phận, nhưng đó là những giá trị của quá khứ. Và nếu chỉ như thế thôi sẽ giậm chân tại chỗ, làm sao có dòng chảy được.

Ngay như Quan họ, làm sao có dòng chảy như thế, vì những năm 60-70 của thế kỷ trước, Quan họ có những sáng tác mới, để tiếp nối dòng chảy của quá khứ, trong khi các loại hình âm nhạc truyền thống khác đều chết trong giai đoạn đó. Phải có một không gian mới, tinh thần mới trong một đường ray cũ là văn hóa ứng xử, là hồn Việt.

Tới đây chúng tôi sẽ làm "Xẩm trà đá 2", bàn về thực phẩm bẩn, ăn gì, uống gì, về những vườn rau trên cao, một sự hài hước, nhưng rõ ràng đó là một vấn đề đáng quan tâm, về sức khỏe liên quan đến sự tồn vong, mạnh yếu của một dân tộc. Vẫn là văn hóa trà đá, "chém gió" bàn chuyện xã hội. Bởi xẩm luôn là tiếng nói của người dân. Rồi xẩm giao thông mà chúng tôi đang chờ ngày phát hành, gồm 5 bài, 3 bài rộn ràng, hóm hỉnh, để cảnh báo tai nạn giao thông, một vấn nạn của Việt Nam. Tôi nghĩ, nhiều người sẽ thích, nó là điệu xẩm chợ của Việt Nam.

Nhóm Xẩm Hà Thành.

- Từ 2006 đến nay, một chặng đường khá dài và không mỏi mệt, anh nhận thấy sự đón nhận của mọi người ra sao với xẩm?

+ Tôi rất mừng khi càng ngày càng có nhiều người biết và thích xẩm. Ngày xưa các cụ mang xẩm đi quanh làng, còn chúng tôi bây giờ mang xẩm đi khắp thế giới, trò chuyện với rất nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Điều tôi nhận thấy rõ, là khán giả nước ngoài cũng rất thích xẩm.

Trước năm 2006, mọi người không biết xẩm là gì, hầu như cũng chỉ biết đến bà Hà Thị Cầu mà thôi. Sau đó, GS, Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang và chúng tôi cùng nỗ lực khôi phục lại và đến hôm nay, chẳng hạn khi tôi đi chấm thi Tài năng nhí, ở vòng casting, có bé 5 tuổi hát xẩm rất hay. Gõ phách, hát xẩm mang tinh thần của bà Cầu. Đấy là một phần thưởng vô giá mà mình là một trong những người làm được.

- Tôi tự hỏi, điều gì khiến một nhà phê bình âm nhạc như anh lại mê đắm xẩm đến thế?

+ Đó là sự ám ảnh. Bởi âm nhạc của xẩm hay vô cùng, nó thuần Việt và không có màu sắc ngoại lai gì cả, kể cả cây đàn nhị vốn không phải của người Việt, nhưng nó sang Việt Nam cả nghìn năm nay rồi, đã mang trọn tinh thần của người Việt. Từ âm nhạc cho đến ca từ, đều mang tính xây dựng, phê phán để xây dựng, làm đẹp cho cuộc đời này.

Nội dung của xẩm là những câu chuyện thân phận của những người ở dưới đáy xã hội, những người nông dân và cũng là thân phận của đất nước này, một đất nước chưa bao giờ được bình yên, luôn bị ngoại xâm nhòm ngó. Nhưng điều ám ảnh tôi hơn chính là thân phận của những nghệ nhân hát xẩm.  Thân phận không được thừa nhận, vì xã hội cho rằng, nó là của tầng lớp ăn xin. Ngày xưa các nghệ nhân xẩm là nghệ sĩ đa năng, vừa đàn, vừa hát.

Tôi ám ảnh khi về nhà bà Hà Thị Cầu, con không có ai theo nghề cả, thậm chí còn cảm thấy xấu hổ vì mẹ đi hát xẩm, coi hát xẩm là đi ăn xin. Bà  Cầu là một điển hình của thân phận xẩm, bà sinh ra để cho hát xẩm và kiếm sống được bằng nghề hát xẩm. Rồi nghệ nhân Nguyễn Văn Gia, từng đi hát khắp nơi, nhưng cũng phải giấu nghề, chuyển sang làm thầy bói. Rồi một nghệ nhân ở Hà Đông, mỗi khi chúng tôi muốn xuống thăm ông, đều phải lấy cớ đi xem bói gì đó, vì ông giấu nghề, sống bằng nghề xem bói. Mọi người đều phải trốn sang một nghề nào đó. Ngay cả bà Cầu, một tượng đài của xẩm cũng thế, đến cuối đời vẫn khổ. Cuộc đời buồn quá cho xẩm.

- Có bao giờ anh chạnh lòng không, khi lặng lẽ theo đuổi những giá trị gần như bị lãng quên trong đời sống?

+ Tôi chỉ muốn làm sao mọi người biết đến xẩm nhiều hơn. Tôi đến với xẩm không phải tâm thế của nghệ sĩ biểu diễn mà của một nhà nghiên cứu, vì nó có quá nhiều khoảng trống. Nhưng rồi, chú Xuân Hoạch cũng phải hát, chị Thanh Hoa, Thúy Ngần cũng hát, thầy Thao Giang, Hạnh Nhân phải đánh đàn, vì không có người kế cận. Một khoảng trống vô cùng lớn. Nhưng bây giờ thì có nhiều đoàn rồi, từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, đó là thành quả và sự lan tỏa. Niềm vui đó là vô giá.

Từ xẩm, chúng tôi nhận được tình yêu của mọi người, từ xẩm mà chúng tôi đi sang Pháp, Đức, Áo, Nhật, Mỹ… Và có thể cuối năm sẽ lại sang Mỹ nói chuyện về xẩm ở một số trường đại học bên đấy. Rồi những chuyến đi đến các trường đại học ở Việt Nam, nói chuyện với sinh viên về xẩm, nhận được tình yêu của các em. Tôi nghĩ niềm vui tinh thần mà xẩm mang lại cho tôi là vô giá. Giống như bằng tình yêu, ta có thể sống trọn cả đời với một người nào đó.

- Nhưng có khó khăn khi đưa xẩm, tiếp cận với đời sống hôm nay hay không thưa anh bởi luôn có những tranh cãi giữa việc bảo tồn và làm mới?

+ Cái chính là mình nhìn ra một con đường và đi theo con đường đó đến cùng. Giai đoạn đầu của xẩm là phục hồi lại, do một nhóm nghệ sĩ tự nguyện, tôi may mắn được theo các bậc thầy, sau đó khi độc lập, tôi nhìn thấy khoảng trống của xẩm, đó là đương đại. Đó là con đường thiếu sau một chặng thành công. Làm cái gì mới bao giờ cũng dễ tạo được dư luận, tôi luôn nghĩ, phản ứng trái chiều là động lực cho sự phát triển. Cứ đi, cứ mở đường, rồi sẽ đến đích. Tất nhiên, cái đường ray để không đi chệch hướng là con đường mang tâm hồn người Việt, mang tinh thần máu đỏ, da vàng, làm mới mà không nắm được cái cũ, thì thành hiện đại rồi, nửa kim, nửa cổ. Còn đây là truyền thống trong giai đoạn hiện nay, giống như một cái nhà, phải có nền móng và khung cọc chắc chắn. Nó vẫn là cái nhà đấy, tầm vóc như vậy, dù có thể hình thức đã khác đi nhiều.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

- Vâng, cái mới và cái cũ luôn có những va đập, nhưng rõ ràng, bây giờ, thị hiếu âm nhạc của chúng ta đang có nhiều vấn đề. Anh từng nói rằng, bây giờ đang là thời loạn thẩm mỹ âm nhạc, theo anh nguyên do vì đâu?

+ Đúng thế. Loạn trong mọi khía cạnh. Thời của câu like, nghệ sĩ trẻ hát những nội dung chả đâu vào đâu thì được kỷ lục về người nghe. Nghệ sĩ thực sự thì thể hiện những tác phẩm kinh điển khiến giới chuyên môn không khỏi sững sờ tại sao nó lại thế.

Công luận là định hướng công chúng thì nhà báo đúng nghĩa viết về âm nhạc quá ít, nhà phê bình cũng vậy. Nhưng núp bóng báo chí thì nhiều. Thích đi bợ đỡ, "tung mỳ chính" cho những thứ không phải sự thật. Nguy hiểm là nó góp phần định hướng dư luận. Trong khi, công chúng ở ta quá dễ dãi, lại thường hay a dua theo đám đông, kiểu "thông tấn xã" vỉa hè.

Thêm vào đó nữa, truyền hình thực tế lên ngôi với quyền lực và sức lan tỏa ghê gớm, nhưng không ít các cuộc thi nhằm tìm ra những nhân tố cho đời sống âm nhạc lại trao vào tay các diễn viên hài, kịch, điện ảnh hay đạo diễn… Thế mới có chuyện trong một chương trình thực tế rất hot, có cô bé hát xẩm hay nhưng trong một vòng thi không hiểu ai định hướng lại chọn lối hát xẩm kiểu ca nhạc và dùng từ phụ của ca trù. Thế mà lại được toàn bộ ban giám khảo tấm tắc khen hay.

Thật đáng thương! Số này đã làm thay những ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ gạo cội của nền âm nhạc… Hỏi "con tàu" âm nhạc sẽ đi về đâu với một hiện trạng như thế?

- Từ câu chuyện của ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca, để thấy sự a dua của đám đông, trong đó, góp phần không nhỏ của báo chí. Anh nghĩ gì về điều này, có cần thiết phải ầm ĩ như thế không?

+ Tôi có theo dõi và thấy buồn. Buồn cho một nghệ sĩ có đóng góp bỗng đâu lại là tâm điểm của một cuộc "ném đá". Buồn vì những nhận định trên báo chí hoặc của người viết báo chưa thật chính xác. Buồn cho sự việc đáng lẽ không nên ầm ĩ thì lại được sự góp sức của báo giới (chỉ một số thôi) đẩy lên thành cao trào. Có ai vẹn toàn? Trên con đường đời anh đi có đến cả vạn lần thì một hoặc vài lần bị vấp thậm chí ngã cũng là điều bình thường, cần được sẻ chia và thông cảm.

Sự sẻ chia với Mỹ Linh của những người có nghề trong câu chuyện này là im lặng. Mặt khác, tôi thấy chỉ cần một lời chân tình của Mỹ Linh được lấy làm tít một bài báo rằng: "Tôi rất tiếc, một tai nạn nghề nghiệp với tôi", tôi không đọc nội dung bên trong bài đó nói gì, nhưng chỉ nhìn thế tôi đã thấy đủ. Đôi khi sự im lặng của những người ngoài không phải là trốn tránh nhưng lại là vàng cho người trong cuộc.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.