Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và tình yêu với… xẩm

Thứ Ba, 17/12/2019, 12:48
Có lẽ, không ít người ngạc nhiên khi nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ra album về xẩm bởi anh vốn là một nhà nghiên cứu âm nhạc. Còn tôi, quen anh đã lâu, tôi hiểu anh mê đắm xẩm đến độ, nếu chỉ được chọn một nghề, một đam mê để theo đuổi, anh cũng sẽ chọn xẩm. "Như tình yêu ấy, nếu yêu ta có thể sống cả đời với một người nào đó", anh nói.


1.Có thể nói Nguyễn Quang Long là một trong những cái tên không xa lạ với khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nói chung, yêu hát xẩm nói riêng trong gần 20 năm qua khi anh cùng những cộng sự của mình nỗ lực phục hồi và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại với công chúng như ngày hôm nay.

Vốn sinh ra ở quê hương Kinh Bắc rồi theo học ngành thanh nhạc, lý luận âm nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vì thế Nguyễn Quang Long đã hội tụ hai con người, một là nghiên cứu lý luận và một nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy, trong suốt quá trình phục hồi, lưu giữ và truyền bá những câu hát xẩm, Nguyễn Quang Long vừa ở vai trò một nhà nghiên cứu vừa trực tiếp hát những câu xẩm.

Album "Xẩm Hà Nội" được Nhà xuất bản Âm nhạc phát hành đầu năm 2016 là thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này. Sau đó, cùng với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Quang Long thành lập nhóm Xẩm Hà Thành với mong muốn góp phần tái hiện lại một nét đẹp của Hà thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới để nét đẹp ấy được nối dài theo hơi thở của thời đại.

Cũng từ đây, nhiều bài xẩm do Nguyễn Quang Long sáng tác đã ra đời và được công chúng đón nhận. Chẳng hạn những bài xẩm mang tính thời sự như "Xẩm Trà đá", xẩm sai "Tiễu trừ cướp biển", "Xẩm Đường lưỡi bò", "Xẩm Cá chết"… hay những bài xẩm trữ tình tôn vinh nét đẹp của Hà Nội và tình yêu như "Bốn mùa hoa Hà Nội", "Tứ vị Hà thành"…

 Mối duyên với xẩm bắt đầu từ những chuyến Nguyễn Quang Long về thăm bà Hà Thị Cầu, nghe bà hát và kể chuyện đời khiến anh bị ám ảnh. Phận đời của xẩm long đong nhưng xẩm hay vì nó thuần Việt, không có màu sắc ngoại lai. Từ âm nhạc đến ca từ, xẩm mang nhiều nỗi niềm thế sự. Vì thế, nhiều năm qua, Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành nỗ lực đưa xẩm sống trong đời sống đương đại.

Sau nhiều năm ngắt quãng, xẩm đã trở lại. Ngày xưa, các cụ đưa xẩm đi quanh làng nhưng giờ, nhóm Xẩm Hà Thành của Long đã đưa xẩm sang Pháp, Đức, sang Mỹ biểu diễn và nói chuyện với cộng đồng người Việt và người nước ngoài. Nhiều người khóc khi nghe xẩm, vì ở đó, họ gặp lại hồn cốt của quê hương mình.

Sắp tới, một hội thảo khoa học quốc tế về xẩm sẽ được tổ chức ở Hà Nội, trong đó, có nhiều nỗ lực của Nguyễn Quang Long và nhóm Xẩm Hà Thành để giới thiệu xẩm rộng rãi ra thế giới.

2.Tôi hỏi Nguyễn Quang Long, anh là ai: nhà lý luận phê bình hay một nghệ sĩ? Có lẽ, trong anh, chất nghệ sĩ đậm đặc hơn. Bởi, chỉ có một tâm hồn nghệ sĩ mới đủ bền bỉ và tình yêu để đi con đường lặng lẽ và đơn độc với xẩm như vậy. Có bao giờ Long sợ thân phận xẩm vốn buồn, người hát xẩm cũng long đong lận đận.

Và những long đong lận đận của đời xẩm sẽ vận vào mình? Nguyễn Quang Long kể cho tôi nghe những câu chuyện của xẩm trong quá khứ, ngay cả bà Hà Thị Cầu, một tượng đài của xẩm cũng sống một cuộc đời nghèo khổ cho tới tận khi chết.

Album mới của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Con cái bà thậm chí còn né tránh khi nói về nghề của mẹ, bởi xưa, xẩm mang thân phận của một người hát rong, đầu đường xó chợ. Rồi nghệ nhân Nguyễn Văn Gia, từng đi hát nhiều nơi nhưng cũng giấu nghề, chuyển sang làm thầy bói. Xẩm có thân phận của xẩm, một thân phận buồn và lẻ loi.

Vậy cớ sao, trong dòng chảy cuộc sống ồn ào hôm nay, Nguyễn Quang Long lại lựa chọn xẩm để theo đuổi, coi đó là tình yêu của mình? Có lẽ đó là mối duyên nợ với quá khứ. Nhưng thử hỏi, nếu cuộc sống, ai cũng lo cơm áo gạo tiền, cũng lo làm giàu, ai cũng tính thiệt hơn thì làm sao, thế hệ trẻ hôm nay được thưởng thức những giai điệu xẩm rất đời và cũng rất quyến rũ như vậy.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, người nhiều năm theo dõi và ủng hộ nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ: "Các nghệ sĩ trẻ đang đưa xẩm trở thành thể loại nghệ thuật có biên độ cảm xúc và biểu cảm rất nhiều. Không giống như suy nghĩ cũ, xẩm tạo ra một làn gió mới thể hiện được tâm tư tình cảm trong nhiều trường hợp. Hát xẩm vừa hay là dựa trên những làn điệu có sẵn nhưng khó ở chỗ thể hiện tài năng và cá tính riêng của mình. Long đã góp phần quan trọng đưa xẩm vào đời sống đương đại".

Đó là một hành trình dài và nhiều gian khó. Từ chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân năm 2006, đến bây giờ Nguyễn Quang Long đã góp phần quan trọng mang xẩm lên sân khấu Nhà hát Lớn, đưa xẩm vào đời sống, nhen nhóm tình yêu xẩm trong giới trẻ.

Cả một hành trình dài nỗ lực và bền bỉ. Có bao giờ anh nản lòng khi đi một chặng đường dài và gian nan như vậy? Long mỉm cười, nụ cười lành hiền, có lẽ chẳng bao giờ biết nặng lời hay xúc phạm bất cứ ai.

"Dù là nghệ thuật nào thì cũng không thể sống được nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại. Chính vì thế muốn nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, xẩm nói riêng càng cần phải tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem".

Nhiều MV của nhóm Xẩm Hà Thành thực hiện có hình ảnh vừa đậm tính truyền thống lại vừa được sử dụng kỹ thuật làm MV phổ biến của âm nhạc đại chúng hiện nay đã thu hút được sự quan tâm của công chúng ít nhiều nói lên được điều này.

3.Sau 20 năm miệt mài theo đuổi xẩm và nghiên cứu về âm nhạc truyền thống, Nguyễn Quang Long ra album đầu tiên về xẩm. Vì sao lại "Trách ông Nguyệt Lão". Vì đời Long cũng lận đận duyên tình. Phụ nữ thời nay mấy ai sẻ chia được nỗi niềm của người nghệ sĩ như anh.

Những gì Long viết dựa trên các làn điệu xẩm cổ đều từ những chiêm nghiệm của đời sống, từ số phận của mình và bạn bè. Một album ghi dấu ấn hành trình 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lý luận âm nhạc.

Cho nên trong ấn phẩm đặc biệt này, Nguyễn Quang Long đã dành không gian để tri ân 3 người thầy đã dẫn lối anh đến với âm nhạc, đó chính là người cha Nguyễn Ngọc Tưởng thân yêu đã đưa anh đến với những nốt nhạc lời ca đầu tiên; nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh (Bắc Ninh) - người đã nâng cánh cho anh những tháng ngày đầu tiên ở Học viện Âm nhạc; và PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh - người đã khuyến khích anh đi theo con đường lý luận âm nhạc.

Nhóm xẩm Hà Thành.

Cái tên "Trách ông Nguyệt Lão" là ngầm ý album chủ yếu nói về đề tài tình yêu, cũng là tính trữ tình nội tâm đồng thời pha chút dí dỏm nổi bật trong phong cách âm nhạc của Nguyễn Quang Long.

Có một bài tương đối đặc biệt, "Xẩm Dặn con" được sáng tác theo điệu Thập ân. Đây là cảm xúc của Nguyễn Quang Long với tư cách là một người cha dù công việc có bận rộn đến thế nào thì cũng luôn lo lắng cho những đứa con thân yêu của mình.

Cũng như biết bao người cha người mẹ khác, thông qua bài xẩm, Nguyễn Quang Long gửi gắm thông điệp dù sau này có thế nào thì điều quan trọng nhất là phải thành người, phải sống tử tế, lương thiện.

Điều đặc biệt, album "Trách ông Nguyệt Lão" này bên cạnh giọng của Nguyễn Quang Long còn góp mặt những giọng ca danh tiếng, điều này tạo nên sự đa dạng trong phong cách âm nhạc của album. Đó là nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa (thể hiện "Duyên phận tơ vòng"), NSND Thúy Ngần, một gương mặt của làng Chèo thể hiện "Xẩm Dặn con" và nữ danh ca Thu Phương thể hiện "Xẩm Phố thu". Ngoài ra, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường và Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện bài "Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội".

Yêu xẩm, yêu âm nhạc cổ truyền nên Nguyễn Quang Long có vẻ ngơ ngác trong đời thường. Bạn bè gọi anh là "người anh em thiện lành nhất", bởi có lẽ, chưa bao giờ Long biết nói nặng lời với một ai.

Hai năm trước, anh nói với tôi về dự định mua một chiếc ôtô nhỏ để tiện đi lại, vì cuộc sống của anh luôn dịch chuyển. Nhưng đến bây giờ, loanh quanh với xẩm và những dự định cho nghệ thuật nên Long vẫn đi xe máy. Đời nghệ sĩ nghèo nhưng Long không lấy đó làm phiền muộn, vì anh đang được sống và làm những gì mình muốn. Với anh đó là hạnh phúc.

Lan Tường
.
.
.