Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Tôi không thích tham gia vào những "trận chiến" showbiz

Thứ Hai, 30/11/2015, 20:55
Là một nhạc sĩ tài hoa, từng làm mưa làm gió thị trường âm nhạc Việt thập niên 90 của thế kỷ trước với những bản phối đỉnh cao, thế nhưng Nguyễn Quang lại chọn cách sống lặng lẽ phía sau ánh đèn sân khấu. Đó là cách anh giữ để mình được là chính mình và cảm xúc cho những sáng tạo. Nguyễn Quang chia sẻ về đêm nhạc "Riêng một góc trời" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sẽ diễn ra vào ngày 6-12 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội như một cách anh lựa chọn con đường đi của riêng mình.

- Đêm nhạc "Riêng một góc trời" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sẽ diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong những ngày đầu tháng 12 này. Được biết anh đã theo đuổi dự định này từ rất lâu rồi?

+ Đây là một đêm nhạc nằm trong chuỗi chương trình "Vàng son một thuở", tôn vinh những nhạc sĩ có nhiều tác phẩm giá trị. Ở nước ta, có nhiều bài hát hay, nhưng khán giả chỉ biết ca sĩ hát thôi mà không biết tác giả là ai. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng có một khối lượng tác phẩm lớn, toàn những bài nổi tiếng đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người nghe. Âm nhạc của ông đẹp và sang trọng, từ ca từ đến giai điệu. Từ lâu ông không còn viết nữa và tôi muốn làm một đêm nhạc tôn vinh ông. Tôi không muốn đợi đến lúc ông không còn nữa mới làm.

- Liệu khán giả Hà Nội có thể gặp nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trong đêm nhạc này không thưa anh?

+ Tôi liên lạc với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhiều lần qua email. May mắn nhận được hồi đáp của ông. Ông rất vui vì nhiều năm xa Việt Nam mà khán giả vẫn nhớ ông, muốn làm một đêm nhạc của riêng ông. Nhưng hiện tại vợ ông không được khỏe. Mấy năm nay ông ở nhà chăm sóc vợ chứ không tham gia vào thị trường âm nhạc nữa. Có một đêm nhạc của ông ở Hà Nội là một niềm hạnh phúc vì nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nếu ông không về được thì cũng có gì đó gửi cho ông xem, đó là hạnh phúc của những nhạc sĩ lớn tuổi. 

Nhạc sĩ Nguyễn Quang.

- Lần đầu tiên có một đêm nhạc Ngô Thụy Miên trang trọng ở Nhà hát Lớn. Vậy nhạc sĩ có yêu cầu hay mong muốn gì không?

+ Với một người xa quê hương mấy chục năm mà khán giả còn nhớ và có những người muốn làm một đêm nhạc riêng cho ông, đó là hạnh phúc rồi. Ông cũng là một người bạn của ba tôi (nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) và tôi thấy có nhiều nhạc sĩ lớn đã ra đi nhưng chưa kịp làm điều gì, chẳng hạn như có một đêm nhạc của riêng mình. Tôi thấy hối tiếc vì mình đã không làm được điều đó cho họ. Tôi đang làm đạo diễn chương trình "Tình khúc vượt thời gian", càng ngày tôi càng thấy nhạc xưa rất hay. Tại sao mình không tôn vinh những người viết những tuyệt phẩm đó.

- Anh có những kỷ niệm gì về nhạc sĩ Ngô Thụy Miên?

+ Tôi chỉ gặp ông hai ba lần, tôi đi theo ba vào những phòng sản xuất, thu âm, nơi các nhạc sĩ ngày xưa thường tụ họp cùng nhau. Hồi đó tôi còn bé tí, 9-10 tuổi. Tôi nhớ ông rất hiền, nói chuyện nhỏ nhẹ, mặc dù lúc đó ông là thanh niên nhưng không có sự ồn ào, bùng nổ kiểu thanh niên. Con người ông thể hiện trong âm nhạc rất nhẹ nhàng, cao sang, chứ không bốc lửa, đau đớn.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang và bố, nhạc sĩ Nguyễn Ánh .

- Âm nhạc Ngô Thụy Miên đã đi vào ký ức của nhiều người. Vậy anh sẽ mang cho nó một màu sắc mới như thế nào?

+ Đây là lần đầu tiên đêm nhạc Ngô Thụy Miên diễn ra ở một nhà hát sang trọng chứ không phải trong phòng trà bé nhỏ. Tôi nghĩ, nghệ thuật là phải luôn mới, nhưng tình cảm, hồn cốt của âm nhạc thì vẫn phải giữ lại, không làm sai lạc đi. Cái chất trữ tình lãng mạn, hào hoa sang trọng của những bài hát của ông phải được giữ lại. Sân khấu sẽ lãng mạn và đơn giản chứ không hoa hòe hoa sói hay chiêu trò. Tôi muốn khán giả đến với đêm nhạc này hồi tưởng về những kỷ niệm đã qua hay những khán giả hoàn toàn mới thì họ sẽ hiểu về âm nhạc ngày xưa như thế nào.

Qua mấy chương trình tôi đã làm ở Hà Nội, như đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, Vinh Sử, Quốc Dũng, tôi thấy khán giả được ăn trọn vẹn món họ thích. Tôi muốn giữ đúng tinh thần của những bài hát ngày xưa, chứ không phá cách. Cái mới của tôi là trên cơ sở truyền thống. Khán giả nghe thấy mới nhưng vẫn ẩn hiện đâu đó một người quen, thấy kỷ niệm ùa về. Tôi làm mới mà không phá cách, khoác lên nó một chiếc áo mới để phù hợp với không gian, thời gian, phù hợp với những người trẻ bây giờ, không thể bắt một cô gái 20 tuổi hát một bài hát như ông già 50 tuổi được.

- Nhưng nhiều người cho rằng, tại sao chúng ta cứ hoài niệm mãi những điều xưa cũ trong khi đời sống âm nhạc bây giờ đã khác rất nhiều?

+ Tôi không từ chối âm nhạc hiện đại. Nhưng tôi muốn đưa những chương trình tôn vinh nhạc xưa để cho các nhạc sĩ sáng tác bây giờ nhìn thấy những giá trị nếu họ thực sự muốn nhìn. Một thế hệ họ đã viết như thế, từ lời, đến âm nhạc. Một số nhạc sĩ bây giờ viết lời ca khúc rất lộ liễu, thô thiển, chỉ là văn hóa lớp 9. Rất ít những bài hát có chiều sâu văn hóa. Các nhạc sĩ đừng đi theo trào lưu mà quên đi văn hóa Việt. Văn hóa, đặc biệt là tiếng Việt của mình hay hơn Mỹ, hơn Hàn, hơn Trung Quốc nhiều.

Tiếng Việt mình có sự uyển chuyển, giàu hình ảnh. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, tôi không thấy ở đâu mà ngôn ngữ đẹp như tiếng Việt. Chúng ta thử liệt kê 5000 bài hát hay nhất từ năm 2000 đến nay có bài hát nào mà lời và giai điệu của nó đẹp như "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ" hay không. Càng ngày chúng ta cứ đi theo trào lưu, xu thế sống nhanh, sống vội và ảo. Tôi cũng có sáng tác, nhưng tôi viết rất ít, bởi tôi không viết được những lời hay như thế.

- Nhưng chúng ta không thể bắt các nhạc sĩ bây giờ viết như ngày xưa, thưa anh, vì âm nhạc cũng là hơi thở của đời sống?

+ Tôi không nghĩ là họ phải viết như ngày xưa, vì đời sống hôm nay đã khác. Nhưng tôi nghĩ, mọi thứ phải có gốc gác văn hóa của nó. Quay trở lại không phải là hoài niệm mà đó là sự tôn vinh những giá trị văn hóa. Tôi chỉ lấy một bài hát đơn cử thôi, như "Áo lụa Hà Đông", hay cả những bài hát nhạc Đỏ như bài "Lá đỏ". Bây giờ chúng ta không có những bài hát hay như thế nữa. Nghe nhạc xưa không phải là hoài niệm mà xem để nhìn lại mình. Tôi không phủ nhận những cái mới, nhưng bên cạnh cái mới, vẫn phải tôn vinh những giá trị văn hóa của âm nhạc Việt Nam chứ. Người Việt có thể hát nhạc Mỹ rất đơn giản, nhưng khi một người nước ngoài hát tiếng Việt chúng ta đã ào lên thích thú, vì tiếng Việt rất khó hát.

- Anh là một nhạc sĩ tài hoa, từng nổi tiếng rất sớm, vậy nhưng anh chọn cuộc sống lặng lẽ. Điều này có ảnh hưởng gì từ cụ thân sinh của anh, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không ạ?

+ Cả nhà tôi đều không sống cuộc sống showbiz. Tôi không muốn đầu óc mình bị chi phối bởi cuộc sống ồn ào ngoài kia. Gia đình tôi không có một scandal nào, âm thầm, lặng lẽ làm việc. Tôi không thích tham gia vào những trận chiến showbiz. Ngày không làm việc thì đi uống cà phê, nghỉ ngơi, ngắm nhìn cuộc sống đi qua. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời, mình phải là chính mình. Và phải tìm cảm xúc của mình để thực hiện những công việc mình đang làm. Tôi cũng tham gia showbiz một vài lần, nhưng chẳng thấy mình thuộc về nơi đó, mình không quen và tôi lặng lẽ rút lui.

- Rõ ràng ở nước ta, những nhạc công, nhạc sĩ chưa được tôn vinh đúng giá trị của họ. Công việc của họ vẫn lặng lẽ phía sau sân khấu. Anh có buồn vì điều đó?

+ Năm 1989, nhóm nhạc của tôi đã mang Huy chương vàng quốc tế trong Liên hoan Thanh niên Thế giới tại Hàn Quốc về cho Việt Nam cùng chị Cẩm Vân. Sau đó tôi cộng tác với hai đoàn ca nhạc nhất nhì của Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng là người quản lý đầu tiên mang ca sĩ đi nước ngoài. 

Năm 2000, tôi đưa Mỹ Tâm đi thi ca sĩ trẻ Châu Á tại Thượng Hải và giành huy chương về. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng, sau những thành quả đó mình sẽ được gì. Đạt thành công với tôi là đủ rồi, còn sau đó ai nói gì thì tùy, tôi không quá quan tâm… Tôi luôn xác định công việc của mình là đứng sau. Việt Nam chưa có văn hóa tôn trọng, tôn vinh những người phối nhạc, chơi nhạc ở phía sau. 

Một bản phối hay giúp ca sĩ thăng hoa, họ cũng chỉ tôn vinh ca sĩ. Với nhạc sĩ, để ra được một album cũng là cả vấn đề vì rất tốn kém. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cả đời cũng chỉ có 2 album. Còn tôi cũng chỉ có một album hòa tấu duy nhất vì tốn quá nhiều tiền, mà nhạc sĩ lại quá cầu toàn, phải là âm thanh tốt nhất, họ tự làm khó mình. Làm xong, thì đâu có được PR rầm rộ như ca sĩ để bán. Mình làm cho mình để kỷ niệm là chính. Đó là công việc thầm lặng. 

Ở nước ngoài họ rất trân trọng đạo diễn, nhạc sĩ, những người âm thầm đứng phía sau nhưng đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Ngay cả đêm nhạc Ngô Thụy Miên, có lẽ khán giả mình cũng chỉ quan tâm có Lệ Thu, Tuấn Ngọc hát không thôi, chứ họ không để ý xem nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đang sống ra sao, ai sẽ là đạo diễn âm nhạc, phối khí của đêm nhạc này. Nhưng nếu buồn phiền vì điều đó thì mình tự giết chết cảm xúc của mình thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. Chúc đêm nhạc thành công.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.