Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Âm nhạc là "nàng ôxy" của tôi

Thứ Năm, 31/10/2019, 07:40
Sau một hành trình khám phá mình trong thế giới âm nhạc, với một gia tài đáng nể, Nguyễn Vĩnh Tiến mới có một live show đầu tiên, mang tên "Tiền duyên". Với anh, đó là một chặng đường không ngừng sáng tạo, không ngừng tìm tòi và thể nghiệm.

- Nhìn lại mình từ album "Giọt sương bay lên", "Ngồi trên vách nắng" đến bây giờ, anh đã đi một chặng đường khá dài trong âm nhạc. Anh thấy mình đã đi đến đâu trong hành trình đó?

+ Nếu gọi là một hành trình thì bao giờ cũng có kết quả, trong hành trình âm nhạc, việc cho ra đời tác phẩm hay là điều cần thiết của người nghệ sĩ. Nhưng những tác phẩm hay, đơn lẻ chưa đủ, công chúng còn có nhu cầu, mong chờ những album, tuyển tập. Vì thế, trong hành trình âm nhạc của tôi, tôi luôn suy nghĩ về các album. 

Album "Giọt sương bay lên" với 7 tác phẩm mang phong cách dân gian đương đại, sau đó là "Ngồi trên vách nắng' với 8 tác phẩm phong cách dân gian thính phòng đã ra đời và được công chúng đón nhận. 

Các album khác vẫn trong quá trình sản xuất kết hợp với các giọng ca hàng đầu Việt Nam. Và sau đêm nhạc "Tiền duyên" này, tôi cũng có mong ước sẽ làm một DVD để dành tặng những khán giả chưa có dịp nghe.

- Album là một cách gói gọn sự nghiệp của anh, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là hình thức thôi, tôi quan tâm nhiều hơn đến sự biến chuyển trong nội tâm và âm nhạc của anh từ bài hát đầu tiên làm nên tên tuổi Nguyễn Vĩnh Tiến "Bà tôi", từ dân ca Việt Nam, từ rơm rạ, đồng quê và đi ra thế giới rồi trở về?

+ Cũng liên quan đến hành trình đó, tôi đã thử nghiệm nhiều "bút pháp" khác nhau trong âm nhạc. Thời kỳ đầu tiên với dân gian đương đại, tôi đã sử dụng những giai điệu, ca từ mang tính chất đồng giao, kết hợp với nhạc điện tử và bộ âm thanh mới để cho ra hiệu ứng pha trộn giữa dân gian và đương đại. 

Chặng đường đó tôi đã có chút thành tựu, những giải thưởng. Sau đó tôi lại thể nghiệm sang dòng dân gian thính phòng. Về mặt kỹ thuật nó khó hơn, tôn vinh các giọng hát và nhạc cụ cổ điển, quãng trong âm nhạc rộng hơn. Các tác phẩm của tôi thường hay được các bạn thí sinh mang đi thi các cuộc thi hát. 

Giai đoạn thứ 3, đúng thời kỳ tôi sang làm nghiên cứu sinh bên Pháp, quãng thời gian 6 năm, phiêu du trong vùng văn hóa khác của châu Âu, tôi cho ra đời một dòng nhạc khác. Tôi chịu khó nghe nhạc đương đại Pháp. Ở đó cũng là trung tâm âm nhạc của thế giới, tôi theo dõi dòng chảy âm nhạc đến từ Châu Âu, Mỹ, thậm chí là Châu Phi. Trong sự pha trộn với dòng chảy âm nhạc thế giới đó, tôi cũng có những sáng tạo riêng. 

Bên cạnh đó, tôi thấy người Việt ở Paris hay Châu Âu, họ luôn, nhớ về quê hương, nhớ cả về thời xa vắng và cả âm nhạc thời xa vắng. Vì thế, bà con Việt kiều họ thích những gì thân quen từ quá khứ nhưng họ lại thiếu một dòng chảy rất tươi mới của đương đại từ chính Việt Nam đang diễn ra. 

Vì thế, một số Việt kiều ở Paris, Toulus, Đức, Balan mời tôi làm những concert nhỏ giới thiệu những tác phẩm mang phong cách dân gian đương đại chủ đề về quê hương, gia đình, về cả những câu chuyện đương đại đang diễn ra ở Việt Nam. 

Và âm nhạc Châu Âu cũng ngấm ngược lại vào tôi, thời ở Pháp tôi có 20 tác phẩm chuyên chú về giai điệu, du dương, đẹp đẽ nhưng vẫn rất Việt Nam. Tôi hy vọng một dịp nào đó giới thiệu với công chúng một sự cộng hưởng của văn hóa Việt Nam và văn hóa châu Âu.

- Và sau đó anh trở về Việt Nam. Có lẽ đây cũng là một quãng thời gian đáng nhớ trong sự nghiệp của anh khi anh liên tục cho ra đời những bài hát mới và cảm giác, âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến càng đi vào ngõ sâu hun hút của nội tâm?

+ Tôi có một thời kỳ bị trầm cảm, cách ly với thế giới xung quanh. Tôi sống lặng lẽ trong ngôi nhà ở Bắc Từ Liêm, đi ra đi vào đóng cửa, ngủ suốt này, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, chỉ ra vườn hái rau nấu ăn và và ngủ, con người mất hết động lực. Mất một năm tôi ở dưới đáy trầm cảm, tôi lại được hồi sinh. 

Hồi tưởng lại quãng thời gian u buồn và thăng trầm của cuộc đời mình, tôi viết những tác phẩm vào thời kỳ hồi sinh đó rất nhiều, tôi thấy mình nhuần nhuyễn hơn trong các loại hình âm nhạc. Rồi tôi tiếp tục thử sức với nhạc kịch. 

Một trong những người bạn lớn, người thầy của tôi là nhạc sĩ Nguyễn Cường, chúng tôi thường xuyên cà phê trao đổi về bút pháp, cách thức viết ca khúc cho đấn thanh xướng kịch, opera, nhạc kịch. Chúng tôi đã hợp tác với nhau, viết xong một bài thanh xướng kịch, "Tình tang Đất lửa" để mô tả tình yêu của đất và lửa đã tạo nên thế giới như thế nào. 

Rồi tôi hợp tác với nhạc sĩ Trần Đức Minh viết nhạc kịch cho vở rối "Thân phận nàng Kiều". Tôi như được hồi sinh trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du và tôi nhập tâm đến mức, khi tôi ngồi viết những bài như "Kiều ca", "Đạm Tiên ca" (Bạc mệnh oán), tôi đã rơi nước mắt. 

Về thủ pháp tôi lẩy Kiều, nhưng chỉ lẩy ý thôi. Tôi tạo ra những ca từ mới đương đại để bổ sung vào nên trong hai bài này có nhiều ngôn từ hiện đại, để ta thấy nàng Kiều vẫn còn là những nhân vật sống động của ngày hôm nay.

Ca sĩ Thanh Lam là khách mời của “Tiền duyên”.

- Anh nói nhiều về những chuyển biến trong phong cách sáng tác, sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng. Nhưng có lẽ, có một thứ không thay đổi trong tâm hồn anh đó là cái chất dân gian, văn hóa Việt Nam?

+ Tôi bám sâu nhất vào văn hóa nền, văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng, của vùng đất trung du Phú Thọ tôi sinh ra, nơi mỗi người dân là một nhà thơ, của Xứ Đoài quê mẹ và bây giờ là Hà Nội. Tôi đã viết bài thơ "Bố tôi Cẩm Khê/ Mẹ tôi Hoài Đức/Hai miền quê ròng ròng ký ức/ Hai vùng quê rã rời đổi thay/ Trước cò bay/ giờ bụi bay/Trước mỏi cánh/giờ sa lầy/... 

Mảnh đất tôi sinh ra ở đó, như nhiều ngôi làng khác của Việt Nam. Nó ngấm vào tôi. Tại sao tôi phải thoát khỏi nó dù tôi có đi ra nước ngoài, sang Pháp hay bất cứ đâu. Tôi chính là một cái cây trên  mảnh đất đó, nếu tôi thoát khỏi nó, tôi sẽ chết. 

Tôi cũng là người tình cảm, tình cảm đó đến từ truyền thống gia đình, từ giáo dục của ông bà. Khi đã quen với sự yêu thương đó nên mất ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, hơi ấm trong tâm hồn mình càng ngày càng lạnh đi. 

Tôi lại ước mơ một gia đình được tạo ra từ những thế hệ mới, đó chính là động lực để tôi yêu thương, khát khao có một gia đình ấm cúng như ngày xưa. Nhưng mình không xây dựng được. Gia đình tan vỡ. Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện hơi ấm đó. Và tôi gửi nó vào âm nhạc, thi ca.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn làm cố vấn âm nhạc cho live show “Tiền Duyên”.

- Cuộc sống của anh có những quãng buồn, có lẽ vì thế, âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến về sau càng dữ dội, kỳ vỹ và góc cạnh. Nhưng một góc khác, tôi vẫn cảm nhận được sự lạc quan trong âm nhạc của anh?

+ Có một nhà thơ đồng nghiệp của tôi viết rằng, đừng nên đọc thơ và nghe nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến, nếu bạn bị sa vào thế giới đó, bạn sẽ rất dễ bị trầm cảm. Bởi hạt nhân của thơ và nhạc của tôi là nỗi buồn. Nhưng đó chỉ là câu chuyện về một mảng nhạc thôi, còn ở những mảng khác lại tươi vui, lại đầy ắp tình yêu, đầy ắp hy vọng. 

Có thể tôi nhạy cảm quá chăng, mà nghệ sĩ vẫn thế, họ bị gắn chíp nhạy cảm quanh người nên họ luôn luôn vui buồn trước người khác hoặc hộ người khác. Bản chất nghệ sĩ là người tốt mà, vì lúc nào họ cũng muốn sáng tạo, muốn cống hiến cho người khác.

- Âm nhạc có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của anh?

+ Âm nhạc chính là nàng ôxy của tôi.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Nguyễn Vĩnh Tiến là một kiến trúc sư đa tài. Năm 2005, anh là người đầu tiên nhận giải thưởng "Bài hát dân gian đương đại nổi bật" với tác phẩm "Giọt sương bay lên"- chương trình "Bài hát Việt" của VTV3. Trong bộ ba dân gian đương đại, Giáng Son - Lê Minh Sơn - Nguyễn Vĩnh Tiến, hai nhạc sĩ Giáng Son và Lê Minh Sơn theo âm nhạc chuyên nghiệp và cũng là những giảng viên âm nhạc tại Hà Nội. 

Nguyễn Vĩnh Tiến xuất hiện như một tay chơi đi lạc vào khu vườn âm nhạc mà trong đó đã có sẵn những cây đa, cây đề như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, An Thuyên, Dương Thụ ...

Trong liveshow "Tiền duyên" diễn ra vào ngày 2-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả sẽ được thưởng thức cả các tác phẩm mới và cũ của anh như: "Hoa dành dành" và "Hoa mộc"; "Kiều ca" và "Bạc mệnh oán" tức "Đạm tiên ca"; "Đàn chim sẻ nâu" và "Tôi nằm dưới chân Phật Tổ", "Bà tôi", "Giọt sương bay lên" và "Giấc mơ dai dẳng"; "Giấc mơ chiều" và "Cắt tiền duyên"… Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ đưa 2 tác phẩm trong nhạc kịch "Thân phận nàng Kiều" lên sân khấu liveshow "Tiền duyên".

V. Hà (thực hiện)
.
.
.