Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: Tuổi đời chân đơn côi...

Thứ Sáu, 17/06/2016, 07:09
Ông ngồi bó gối nhìn ra vườn. Cỏ cây rung rinh cười đùa với nắng. Dẫu nắng đã về bên kia đồi, chênh chếch phía Tây. Cỏ cây muôn đời nằm dưới chân người vẫn không thôi hát bài ca đồng nội. Vậy cớ sao ông buồn?


Bất giác ông ôm đàn...

"Cuối cùng rồi cũng phải ra đi không bao giờ trở lại/ Trả cho đời bài ca còn đó/ Trả cho người buồn vui thế gian / Trả cho em tình yêu nồng nàn/ Không còn gì, không còn gì nữa/ Thôi cũng đành vẫy tay chào đi vào thiên thu… Cho tôi đi tìm khúc hoan ca…".

Tên bài hát là "Thiên thu". Nhạc phẩm ông dành tặng riêng mình phút cuối đời hoặc cũng có thể dành cho ai đó sắp xa rời cõi thế này. Bài hát mới sáng tác cách đây chưa lâu trên giường bệnh. Căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt hành hạ ông đã mấy năm nay. Báo chí loan tin, người ta tới thăm, quen lạ thân sơ, nào tiền nào quà. Ơn nghĩa ở đời có lẽ bây giờ ông mới thấm thía. "Sắp tới, có mấy người còn tổ chức cho tôi đêm nhạc riêng để gây quỹ chữa bệnh. Mừng lắm!" - giọng ông nghèn nghẹn.

Nhìn tướng, chẳng ai nghĩ ông là con bịnh. Tướng tá to cao, da hồng hào, giọng nói vẫn hào sảng, phóng khoáng của xứ Hồng Ngự, Đồng Tháp. Có biết đâu hàng ngày hàng đêm ông vật vã với cơn đau. Dù sớm dù muộn rồi ai cũng trở về cát bụi, dừng rong chơi cõi tạm. Nghĩ vậy nên giấc thiên thu với ông êm đềm.

Đến giờ, nhạc sĩ Tô Thành Tùng vẫn không nghĩ đời ưu ái mình đến vậy, để những nhạc phẩm của mình len lỏi vào từng lòng đường hè phố mà tự sự với tha nhân. Chẳng qua trường lớp nào, ông tập tành tự học nhạc. Đưa bản nhạc đầu tiên cho mấy nhạc sĩ lão làng thời bấy giờ coi, ai cũng gật gù: "Chắc hơi của anh dài lắm hen?". Ông gật liền: "Dạ thưa, hơi em cũng dài". Dè đâu, ông viết nhạc mà không có chỗ ngắt giống người ta viết văn mà không dấu phẩy, dấu chấm gì sất! Khổ, có qua đào tạo đâu mà biết.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.

Hình ảnh trong ca khúc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng thường mang đậm phong vị làng quê Nam Bộ. Bài hát "Hồng Ngự mang tên em", "Giăng câu", "Về miền Tây", "Sao anh nỡ đành quên"... đã đưa tên tuổi ông đến với đông đảo công chúng. Ai cũng tưởng "Hồng Ngự mang tên em" có hình bóng người con gái nào đó thiệt. Hỏi ông, hóa ra không có người con gái nào hết, chỉ do ông giỏi tưởng tượng. Các ca khúc thường chỉ là cảm thức về một mối tình mơ hồ, không rõ ràng một hình bóng nào.

Nhưng cũng có những ca khúc mang dáng dấp bóng hồng thực sự. Năm 1969, cậu sinh viên trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) đem lòng tương tư một thiếu nữ tên Diễm. Nàng không phải là Diễm trong "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn mà là cô gái của quán "Diễm" ở Đa Kao gần trường Văn khoa. 

Ngày nào cũng có rất nhiều sinh viên, tao nhân mặc khách vào quán, đem lòng mơ tưởng đến nàng Diễm mĩ miều. Rủ Trịnh Công Sơn vào chơi, Tô Thanh Tùng đập vai thằng bạn xuýt xoa: "Ông thấy không, nhìn mắt cổ kìa, sao mà buồn và đẹp quá". Đôi mắt có rèm mi nhung phảng phất mối sầu sương khói khiến cho trái tim bao chàng rụng lộp độp. 

Chàng Tô Thanh Tùng cũng không ngoại lệ, thậm chí bị liệt vào nhóm "chấn thương" nặng. Bằng chứng là chàng về viết ngay bản "Mắt Diễm buồn". Chàng tậu chiếc Vespa, ngày ngày tới quán chở nàng đi chơi. Yêu nhau, bàn tính chuyện cưới xin hẳn hoi nên hai đứa về ra mắt gia đình đôi bên. Ba mẹ ông không đồng ý vì cổ là người Bắc. Còn ông thì tình duyên đứt gánh vì lý do trời ơi. Đến nhà, bà nội Diễm pha nước đon đả: "Mời anh xơi nước". Vậy là cậu chàng hồn nhiên "xơi" liền. Bà nội làm ầm lên, bảo thằng này vô lễ, nó uống nước mà không mời người lớn. 

Nhiều năm sau ghé quán, có người thì thào vào tai ông: "Anh đừng hát bài "Mắt Diễm buồn" ở quán nữa. Chị Diễm lấy chồng rồi". Tim vỡ vụn. Sau này "Mắt Diễm buồn" do Elvis Phương, Thái Châu thể hiện được nhiều người mê tít. Một anh chàng ca sĩ ở hải ngoại có cô người yêu tên Thúy. Tim anh chàng này rụng cuống cũng bởi mắt nàng chẳng bao giờ vui. Khổ nỗi hát "Mắt Diễm buồn" thì trật lất, không chừng lại bị cật vấn "Diễm nào đây?". Vậy là cậu chàng năn nỉ ông tạm đổi tên bài hát thành "Mắt Thúy buồn" để lấy le với nàng. Chắc nàng cảm động mém xỉu!

Hồi đó, căn nhà trọ của Tô Thanh Tùng nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Buổi tối, khu trọ thường hay cúp điện nên ông xuống đường lang thang hóng gió. Ôm mối tình tan vỡ, ông rảo bước trên con đường vắng tanh. Nặng nề bước chân, lòng buồn nhói thắt. Mai này rồi sẽ giã từ thành phố, giã từ mối tình vô vọng vì người xưa đã sang ngang. 

Bài hát "Giã từ" ra đời từ ngàn bước chân lê thê mòn vẹt, lẻ loi và cô đơn... "Tuổi đời chân đơn côi/ Gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa/ Hồn lắng tâm tư/ Đi vào dĩ vãng/ Đường tình không chung lối/ Mang nuối tiếc cho nhau… Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ/ Hôn lên tóc mềm lệ sâu thắm ướt đôi mi/ Xin em một lời cho ước nguyện tình yêu cuối/ Thương yêu không trọn thôi giã từ đi em ơi…". 

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng ở khu nhà vườn tại Bình Dương. (Ảnh K.A) .

Bài hát do một cô ca sĩ mới toanh ở Sa Đéc thể hiện. Nhạc sĩ Lê Dinh, Trưởng phòng văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn, không ưng ý lắm nhưng Tô Thanh Tùng thuyết phục một hồi cũng xiêu cho giọng ca vô danh lên đài. Giọng ca vừa cất lên, cả đài xôn xao. Họ xuýt xoa sao lại có giọng hát hay quá, bài hát như rót vào hồn. "Tiền bán bài hát hồi đó tôi có thể mua được hai chiếc xe Honda à" - nhạc sĩ cười hỉ hả.

Rồi ông cũng quen một người con gái khác, nhưng cô ấy nhiều tham vọng và trái ngược về quan niệm sống. Vậy là xa nhau. Ông viết "Xót xa" đưa tang mối tình: "Đôi khi lòng muốn yêu em thật nhiều/ Mà ân tình đó trả lại bao nhiêu/ Đời em là cả ước muốn tương lai/ Mà tôi giờ chỉ tay trắng đôi tay/ Làm sao chung đường chung bước…".

Nhiều người khi biết cha đẻ của bài "Tình cây và đất" đều bất ngờ. Bởi bài hát hiếm hoi có phong vị miền Trung pha chút hơi Bắc chứ không rặt Nam bộ như ca khúc khác. Bài đậm tính miền Nam nhất phải kể đến "Về miền Tây" hay "Giăng câu". Mấy lần tối mịt ông đi chơi về, vợ truy: "Anh đi đâu mà giờ này mới về?". Hổng lẽ kêu là đi chăn trâu, bèn gãi đầu gãi tai: "Tui đi giăng câu". Vừa trả lời vừa lỉnh vào nhà rồi ngáy cho lẹ. 

Cũng may, thói quen giăng câu, đặt lờ không xa lạ với người nhạc sĩ chân chất sông nước ấy. Vì lời bài hát theo kiểu đối đáp nam nữ "Em hỏi anh đêm nay đi đâu?/ Anh nói rằng anh đi giăng câu/ Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu/ Anh có cây sào anh chống ào ào, chống ào ào..." nên đưa cho mấy ông bạn nhạc sĩ, ông nào cũng trố mắt: "Cha nội sáng tác bài gì kỳ ghê". Vì "kỳ ghê" mà lừng khừng mãi bài vẫn chưa được thu. Hãng băng casstette thì chê, kêu bỏ bài này vô thì không bán chạy. 

Đến băng "Mưa bụi" của Vinh Sử thì "Giăng câu" cũng nằm cuối danh mục dù do ca sĩ Đình Văn và Tài Linh thể hiện hẳn hoi. Ai dè từ cuối "bảng xếp hạng", nó nhảy vọt lên nổi tiếng vang dội. Người Nam bộ yêu "Giăng câu" vì cách đối đáp mộc mạc, tài lanh đặc sệt kiểu ghẹo nhau của nông dân miền Tây. Nghe mà thương, mà ấm lòng như sống lại một vùng mênh mông sông nước cho người tha hương.

Ông biểu không biết tại ông trời khéo sắp đặt nên những người trót yêu cung cầm thường lận đận tình duyên. Cuối đời, người nhạc sĩ ấy còn lại một mình trên con đường. Hai người vợ đã rời xa. Các con thì ai nấy trưởng thành ra riêng. Ngôi nhà vườn ở Bình Dương trống huơ trống hoác không người trông nom. Kệ, chứ biết làm sao. Bây giờ, ông ở nhờ nhà một người bạn ở quận Bình Thạnh để tiện việc chạy lên chạy xuống bệnh viện chích thuốc, theo dõi...

Ngày dài đằng đẵng rồi cũng quen. Chẳng còn sợ sệt nữa, điềm nhiên mà đón nhận bởi: "Cái tâm lý nó quan trọng lắm. Sợ chết, sợ bịnh là coi như mình sắp tới cái mốc đó 90% rồi". Nên dù chỉ còn lại một mình như ngọn cỏ lẻ loi ven đường, ông vẫn cười nói rổn rảng, thích gì ăn nấy, thể dục thể thao đều đặn… "Tuy tôi bệnh hoạn nhưng được nhiều người quan tâm. Tôi phải sống để trả ơn đời bằng tác phẩm nữa chứ cho dù sự sống có tính bằng tháng, bằng ngày". Ừ thì, mắc gì không an nhiên khi ngọn cỏ úa vẫn vươn mình đón nắng...

Phan Thi Uyên
.
.
.