Nhạc sĩ Trần Tiến: Mỗi một giây phút sống phải là hạnh phúc

Thứ Tư, 21/09/2016, 12:04
Nhạc sĩ Trần Tiến nói, ông không thích hồi ức về quá khứ, vì đó là dấu hiệu của sự kết thúc. Với ông, mỗi giây phút sống trong cuộc đời phải là giây phút của hạnh phúc, của năng lượng sáng tạo. Và ông vẫn không ngừng viết từng ngày…


- Chúc mừng ông "tái xuất giang hồ" với đêm nhạc "Hà Trần hát Trần Tiến" trong chuỗi In The Spotlight vào ngày 30-9 này. Chắc ông định công bố những bài hát mới sau một thời gian ở ẩn chăng?

+ Thú thực tôi chưa biết Ban tổ chức đêm nhạc sẽ chọn những bài hát nào của tôi. Tôi hỏi cháu tôi định hát bài gì, nó cũng chẳng trả lời. Đó là những bí mật nho nhỏ để cho chú Trần Tiến ra Hà Nội vào mùa thu, ngắm những bước chân nhẹ nhàng của các cô gái Hà Nội trên phố mùa thu và ngồi dưới nghe cháu mình hát Trần Tiến kiểu riêng biệt mà mình chưa từng nghe, được nghe những bản phối lạ lùng mà mình chưa có.

Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, dù hay - không hay, dù có phải tôi hay không phải tôi, thì vẫn là những điều tôi chưa được biết. Và giống như tình yêu, cái gì mình chưa biết mới là hạnh phúc. Tôi thích những bản phối hay, những ca sĩ hát hay, hát làm tôi ngạc nhiên. Vừa rồi, tôi nghe người ta nói có một cậu bé người nước ngoài hát "Mặt trời bé con" hay lắm và gửi cho tôi đường link, rồi có ai đó lại gửi cho tôi đường link một cậu hát bài "Mẹ tôi" rất hay.

Trời ơi, sao mình sướng thế, có những người trẻ tuổi hát nhạc mình hay thế, hay hơn cả Tùng Dương, Hà Trần và tôi. Tôi rất hạnh phúc khi lâu lâu, có dịp ai đó hát bài của mình hay. Trời cho tôi hơi nhiều, đó là nhiều người hát bài của mình hay. Tôi hạnh phúc vô cùng.

- Nhưng chỉ có Hà Trần hát trong đêm nhạc này liệu có nhàm chán và quá sức với cô ấy không? Ngoài Hà Trần, theo ông, những ai đã hát nhạc ông hay?

+ Tôi rất thương cháu tôi, và tôi đã nói, sao lại chỉ một người hát, không đủ sức đâu. Hình như có người thêm thì phải nhưng vẫn bí mật. Và tôi dám chắc, họ sẽ nghĩ cách để đưa tôi lên sân khấu. Nếu phải lên (tôi không muốn lộ cái mặt của mình trên sân khấu chút nào) thì tôi sẽ hát hai bài hát mới, "Ra ngõ gặp gái" và "Ra ngõ gặp mưa". Đây là những bài hát trong chuỗi "Ra ngõ" mà tôi định viết tới 50 bài. Cũng như Ngẫu hứng, tôi đã viết 27 bài rồi.

Còn người hát nhạc của tôi hay thì vẫn là Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa. Ngày xưa, thời của tôi, Sỹ Thanh hát 2 bài của tôi tuyệt vời. Cô Ngọc Anh hát "Tùy hứng ngựa ô" không còn ai hay hơn. Các bạn không được nghe họ hát. Rồi  Thanh Lan, Cẩm Vân. Hát rock thì có Ngọc Bích hát "Tạm biệt chim én" và "Ngọn lửa cao nguyên", hay khủng khiếp, cháy hết cả sân khấu.

Có những người có tố chất nghệ sĩ đích thực, lúc nào cũng có thể đốt cháy sân khấu, những người này hiếm lắm, tôi chỉ thấy nghệ sĩ Quốc Hương ngày xưa, rồi nghệ sĩ Trần Khánh, và bây giờ là Tùng Dương. Đó là những người có tố chất nghệ sĩ từ trong máu.

- Ông là một nhạc sĩ có nhiều đêm nhạc riêng nhất trong bộ tứ Trần Tiến- Phó Đức Phương- Dương Thụ- Nguyễn Cường. Ông  nghĩ sao về  một cuộc tái hợp của nhóm?

+ Có lần đi nhậu, Dương Thụ hỏi tôi, mình định làm chương trình "Hồi ức  bộ tứ". Thực ra chẳng có bộ tứ nào đâu, mà chỉ là tấm hình của thi sĩ Thụy Kha chụp bọn tôi ngẫu nhiên gặp nhau ở Hồ Tây. Sau đó có tờ báo giật tít, biết đâu chính là Thụy Kha nhỉ, "tứ quái" và mọi người cứ gọi chúng tôi là tứ quái. Tự dưng nó thế.

Chính vì bài báo đó mà mỗi lần tôi về Hà Nội chơi, chúng tôi lại gặp nhau. Dương Thụ muốn làm đêm nhạc đó, về một thế hệ của chúng tôi, những con người tài hoa, yêu quý nhau, nể trọng nhau. Chúng tôi đã để lại 4 phong cách khác nhau cho âm nhạc.

- Nhưng có lẽ ông là người có nhiều đêm nhạc nhất trong nhóm bộ tứ. Tôi khá ngạc nhiên, vì mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Cường mới có một live show riêng đầu tiên. Còn ông, ông có nhớ mình đã có bao đêm nhạc riêng?

+ Đêm nhạc riêng của tôi tính bằng số ca khúc, vài ba trăm, có khi hơn, tôi không nhớ, chỉ biết tôi nổi tiếng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, riêng một mình tôi đã hát hàng trăm đêm. Hồi đó mời tôi rẻ mà. Tôi lấy cát xê rất ít, chỉ thích gặp quần chúng, sinh viên, bộ đội, rồi đến bệnh viện. Có đêm tôi hát tới 30 bài. Người ta muốn nghe tận gốc nhạc Trần Tiến, nghĩa là tôi phải hát.

Sau này, may quá, có thêm Hà Trần, Tùng Dương, thế là mình sướng rồi, đỡ phải hát. Ngày xưa đi hát cát xê đôi khi chỉ là một tô phở, một ly rượu, chứ làm gì có tiền bạc thị trường như bây giờ. Tôi không thuộc về thế giới này.

Nhạc sĩ Trần Tiến- ca sĩ Hà Trần và bố Trần Hiếu.

- Ông không thuộc về thế giới này, vậy ông thuộc  về đâu?

+ Tôi bỏ thế giới này về với biển, với nỗi buồn, niềm vui của biển. Muốn tìm tôi, hãy đi về phía biển. Tôi đang nghĩ về những lời thì thầm của biển, biển kể điều gì tôi viết điều đó. Tôi giống như người chép lại chuyện của biển, tôi đến tuổi đó rồi, không thích lên sân khấu, không thích gặp nhà báo.

Tôi viết nhiều hơn ngày xưa, nhưng chưa đưa ra, vì có thể kén người nghe, chưa hợp thời. Giai đoạn này âm nhạc đang loạn. Tôi nghĩ, những người nghệ sĩ hãy sống bằng trái tim, hãy làm việc bằng trái tim và đi về phía trái tim mà sống, nó ở phía đằng sau bóng khuất của mặt trăng, đằng sau bóng khuất của mặt trời. Đó là thế giới của nghệ sĩ. Cứ lặng lẽ làm việc của mình.

- Ông có nói rằng, ông là người may mắn, vì cuộc đời cho quá nhiều thứ…

+ Đúng là cuộc đời đã cho tôi nhiều quá. Trời cho tôi viết nhiều bài hát hay, trời cho tôi một người vợ hiền và hai đứa con ngoan, trời cũng cho tôi một ngôi nhà bên bờ biển. Tất cả là trời cho.

- Nghĩa rằng ông không biết đến những bất hạnh, khổ đau?

+ Tôi chỉ may mắn thôi, chứ cũng phải trải qua rất nhiều bất hạnh, không may mới có may mắn. Cuộc đời mà, những thăng trầm, những khổ đau, hạnh phúc ta đều nếm trải.

- Vâng, ở tuổi của ông, người ta hay hoài niệm về quá khứ. Còn ông, lúc này, ông nghĩ nhiều về điều gì?

+ Tôi không nghĩ gì cả, tôi sợ tổng kết cuộc đời của mình, sợ ra album, sợ ra sách, ra tuyển tập, đó là dấu hiệu của sự kết thúc mà tôi chưa kết thúc. Biết đâu bây giờ tôi còn viết hay hơn, tôi không quan tâm đến quá khứ, không nghĩ đến tương lai, chỉ nghĩ đến hiện tại, mấy phút trôi qua mình có hạnh phúc hay không.

Mỗi một giây phút sống phải là hạnh phúc. Tôi vẫn đang viết nhạc hip hop, tôi không thích viết về tuổi già, về cái chết. Con người ta còn khát vọng là còn sống, còn khát khao cái đẹp, sự trẻ trung, mạnh mẽ, khát khao tương lai, chứ không nhìn về quá khứ. Như thế mới còn năng lượng để sáng tạo. Tuy nhiên, tôi không "mơ về nơi xa lắm" viển vông đâu.

Cuốn sách của nhạc sĩ Trần Tiến.

- Còn tình yêu, đến tuổi này, ông còn năng lượng để yêu?

+Tôi cũng thích lăng nhăng chứ, tôi có đầy đủ tính xấu của đàn ông, nhưng ông trời không cho, vì ông trời bảo, tạo ra tôi để viết nhạc thôi, ông trời cho cái này sẽ lấy mất cái khác. Tôi không phải là người phản bội phụ nữ. Nhưng tôi yêu cái đẹp, mê phụ nữ chứ, không thì sao mà sáng tác được. Bây giờ tôi vẫn mê những cô gái đẹp, nhưng chỉ mê thôi, không làm điều gì xấu. Ông trời cho tôi dục vọng để tạo ra năng lượng sáng tạo, chơi đàn, đó là thứ trời cho.

- Nhiều người tò mò về đời sống bình thường của một nghệ sĩ ham rong chơi như Trần Tiến sẽ thế nào nhỉ? Người phụ nữ bên cạnh ông chắc phải khổ tâm vì ghen?

- Tôi sống đơn giản bằng tiền bản quyền. Tôi không có nhiều nhu cầu, đó là cuộc sống của lính, không mong ước gì cao xa cả, thích biển thì ở gần biển, một ngôi nhà giản dị bên bờ biển. Với tôi thế là đủ. Tôi cũng tự lo được cho mình, tự mua quần áo, rách chỗ nào biết tự khâu. Nấu ăn thì ngon thứ nhì thế giới, tự làm nhà.

Ngày xưa tôi học kiến trúc mà. Thời đi lính tôi từng làm nhà trong rừng, và bây giờ, cũng tự tay tôi làm nhà. Tôi là người biết tuốt, cái gì cũng làm được. Tôi viết nhạc, rồi tự phối, tự chơi đàn, tự hát. Cái gì cũng làm được cả. Nhưng để ra thành sản phẩm cho nhân dân thì phải nhờ những người chuyên nghiệp, hát cũng phải nhờ chuyên nghiệp.

- Nhạc sĩ Nguyễn Cường có kể cho tôi về "giấc mơ gãy cánh"của thế hệ ông. Ông nhớ gì về thời đó?

+ Vì ngày đó chúng tôi có nhiều khát vọng, mơ một ngày được biết đến, được nổi tiếng. Nguyễn Cường hợp với giao hưởng hơn ca khúc, nhưng dân mình hay dằn vặt, trăn trở nên thời gian này sẽ yêu Trần Tiến hơn Nguyễn Cường. Khi nào đời sống khá hơn, biết nghe giao hưởng, họ sẽ yêu Nguyễn Cường hơn. Đó là người bạn thân nhất của tôi.

Thực tế, có nhiều người nổi tiếng nhưng  tôi không phục, nhưng tôi phục nhiều người chưa nổi tiếng, hoặc không bao giờ nổi tiếng. Những người quay lưng với đời sống, với danh vọng, với tiền bạc, họ viết rất hay nhưng đã quay lưng thì đôi khi đồng tiền cũng quay lưng với họ, họ sống nghèo khổ, danh vọng cũng quay lưng với họ, vì danh vọng thuộc về đám đông, mà đám đông thường hời hợt.

Hiện nay có ai nghe nhạc Việt ngoài nghe Sơn Tùng, nhạc Hàn Quốc, nhạc Tây.  Bây giờ là thời loạn của âm nhạc. Có rất nhiều loại, thứ nhất là sáng tác vì nghệ thuật và vì kinh tế. Thứ hai là vì nghệ thuật, chui vào tháp ngà viết. Thứ 3 là vì thị trường và có một dạng thứ 4 là không vì gì cả.

Chuỗi chương trình In The Spotlight họ không tìm nhạc thị trường, không tìm nhạc được viết trong tháp ngà, họ tìm tôi, vừa làm nghệ thuật, vừa được đám đông chấp nhận, dù đám đông này không đông lắm nhưng những người đã đến với nhạc Trần Tiến là một kiểu khác, không phải ai đi đường nhìn thấy Trần Tiến cũng mua vé đâu. Tôi thích như thế.

- Và sẽ có một điều thú vị trong đêm nhạc này là ra mắt  cuốn sách "Ngẫu hứng Trần Tiến". Viết nhạc chưa đủ sao ông còn viết sách?

+ Ô, đây không phải là tự truyện, không phải hồi ký, chỉ là một thứ văn ngẫu hứng của Trần Tiến. Người ta gọi đây là những bài hát trong bóng tối của tôi. Tôi viết nó cũng như viết lời bài hát thôi. Đó là những mẩu chuyện về cuộc đời, buồn vui của kiếp sống tôi đều đã nếm trải. Đọc đi để thấy tôi, nó là phần khuất không có trong âm nhạc.

- Vâng, cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.