Nhạc sĩ Dương Trường Giang: Tôi không chọn sự an toàn

Thứ Năm, 10/03/2016, 09:06
Thẳng thắn và đôi khi cực đoan, Dương Trường Giang chia sẻ những câu chuyện về sáng tạo, về âm nhạc và con đường độc hành mà mình đang theo đuổi. Đó cũng là cách nhìn đáng trân trọng của một người trẻ dám sống, dám dấn thân đi con đường riêng của mình.


- Phát hành album sau 10 năm với những thành công đầu ấn tượng, đặc biệt là từ "Phố không mùa", Giang có nghĩ là mình quá chậm?

+ 10 năm trước tôi đã có thành tựu, nhưng tôi không cần những cơ hội nhỏ, để làm nổi mình. Tôi nghĩ, đó là một con đường dài, cần sự miệt mài, cần một quá trình. Khi mình không  phụ thuộc vào những mốc son, mình hoàn toàn chủ động tạo ra những cơ hội. Tôi vốn không sợ thất bại. Tôi không họp báo, ra đĩa nhạc để chờ mọi người tung hô mình, mà tôi chờ xem mình đang thiếu cái gì. Những va chạm, mâu thuẫn với việc khen chê sẽ giúp mình tiến lên. Tôi vào đời bằng hai bàn tay trắng, không có kinh tế, không có gì cả. Nhưng thay vì ngồi thương thân trách phận, tôi làm việc. Có thể con đường của tôi sẽ chậm hơn mọi người nhưng không sao cả, vì tôi đang đi con đường của chính mình.

- Những người trẻ họ luôn tranh thủ từng cơ hội để nổi tiếng, còn Giang thì không, ngay cả cơ hội làm việc ở Tp Hồ Chí Minh, anh cũng từ chối. Giang có nghĩ là mình đi ngược lại mọi người?

+ Đúng là nhiều người trẻ có thể đánh đổi tất cả. Nhưng tôi thì không. Tôi còn gia đình, còn âm nhạc. Tôi đã từng sống ở TP. Hồ Chí Minh một thời gian và tôi nhận ra, ở đó không phải là đất của mình, dù trong đó, tôi kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng tôi cũng thấy một điều, thành phố đó sẽ không cho người ta được lắng lại. Ở Hà Nội vẫn là may mắn nhất, nó có sự ồn ào, náo nhiệt nhưng vẫn có những lúc được lắng lại, được yên tĩnh, thư thái. Tôi không viết được gì ở trong TP. Hồ Chí Minh mà chỉ kiếm tiền. Đó là thời kỳ đỉnh cao của "Phố không mùa", tôi và Bùi Anh Tuấn có thể làm được điều gì đó. Tôi có nhiều cơ hội nhưng đã bỏ qua, vì về cơ bản, tôi không bằng mọi giá để kiếm tiền, tôi nghĩ mình có thể làm ra tiền để tận hưởng cuộc sống chứ không phải làm ra tiền để mang về nhà ngắm. Tôi quyết định quay ra Hà Nội, bắt đầu bằng việc dạy học với lương tháng khiêm tốn chỉ 7 triệu đồng.

- Chừng như Giang chỉ tin vào bản thân mình mà thôi. Tuổi trẻ có sự ngông cuồng, ngẫu hứng, nhưng tuổi trẻ cũng sẽ tự kiêu và tự mãn lắm đấy?

+ Làm nghệ thuật cần sự sáng tạo và ngẫu hứng. Theo góc nhìn của tôi, có nhiều nghệ sĩ không làm được nghệ thuật, nhưng cũng có nhiều người làm nghệ thuật nhưng không phải là nghệ sĩ. Nếu cứ đặt một công thức nào đó cho nghệ thuật thì nó không còn là nghệ thuật nữa. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không sáng tạo được nữa thì hãy dừng lại và bắt đầu một nghề khác. Người ta nghe mình, vì khác mọi người.  Và người ta đi tìm các nghệ sĩ để nghe vì mỗi người sáng tạo một cách khác nhau. Còn nếu đi từ đầu cuộc đời đến cuối cuộc đời mà mình vẫn thế thì không còn gì cho họ khám phá nữa.

- Giang là một người trẻ khá ngông cuồng, cá tính nhưng âm nhạc của anh lại dịu dàng, sâu thẳm, đó là những bản tình ca lãng mạn, sâu sắc của một người đàn ông từng trải, chín chắn, điều này có gì mâu thuẫn?

+ Tôi bắt đầu có độ lắng khi viết cho phụ nữ, đứng từ góc nhìn của họ nhìn về mọi thứ. Thực ra trong tình yêu, hai người yêu nhau, vậy thì chẳng có ai đau hơn cả, nỗi đau đó là của chung. Thế nên, khi nào viết được cho phụ nữ, biết đứng từ góc nhìn của họ, ở đó sẽ có sự cảm thông, chia sẻ, khi đó mình đã đứng ở một cảnh giới có thể làm nghệ thuật chân chính. Khi nào mình vẫn viết như viết nhật ký, viết đay nghiến, thì chừng đó, tác phẩm sẽ không có giá trị. Tác phẩm nghệ thuật, về cơ bản, đằng sau nó phải có tính khích lệ, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hướng tới những giá trị nhân văn. Tôi làm nghệ thuật không để kiếm tiền là vì thế.

- Và hình như Giang cũng đang đứng ngoài cuộc chơi của thế giới showbiz?

+ Tôi không quan tâm đến đám đông đang làm gì, nghĩ gì. Tôi có nhiều dấu mốc trong chặng đường làm nghệ thuật của mình nhưng tôi coi đó là những viên gạch nhỏ để bước tiếp trên chặng đường dài phía trước còn rất xa và nhiều tham vọng. Sau buổi họp báo ra album là thời gian tôi trống rỗng nhất. Cảm giác tận hưởng chỉ là quá trình mình làm việc cho đến khi ra sản phẩm, còn sau đó, tôi bị rơi kinh khủng. Tôi chưa biết mình sẽ làm gì. Khi làm việc tôi dám chấp nhận rủi ro và đôi khi chỉ cần một phần thành công đã có thể ăn mừng rồi. 

Tôi rất ít khi hỏi ý kiến xung quanh, hoặc có thể hỏi nhưng sau đó tôi lại có quyết định khác hẳn, bởi tôi không đi theo số đông. Nếu lựa chọn sự an toàn thì chẳng còn gì để bàn về nó nữa. 90% con người trên thế giới hưởng thụ sự an toàn giống nhau, còn 10%,  chia làm hai nửa, đó là những người dám đi khác, 5% lên đến đỉnh cao vì họ đi đúng và 5% cực kỳ tồi tệ vì đi sai. Đi đúng thì thành huyền thoại, còn đi sai, bị lãng quên. Nếu mình làm mọi thứ một cách thông thường trên một công việc không thông thường như làm nghệ thuật là mình đang đi sai đường.

- Nếu đã nghĩ được thấu đáo đến thế là Giang cứ ung dung mà đi con đường của mình thôi, nhưng sẽ cô độc và lạc lõng đấy?

+ Tôi ung dung mà, cứ đi con đường của mình thôi, không phải nhìn ngang, ngó dọc gì. Ngày trẻ tôi ngổ ngáo và sống vội. Sau những mất mát, tôi rút ra được nhiều điều suy nghĩ, chín chắn hơn. Với tôi, mỗi bài hát viết từ những trải nghiệm của mình, là một điều đáng quên bởi nó đi từ một niềm đau nào đó. Tôi nghĩ, nghệ sĩ, phải có đủ tự tin và kiên định đi con đường của mình, bởi đến một ngày nào đó,  có thể chính họ sẽ tạo nên một xu hướng. Làm nghệ thuật mà không hiểu điều đó thì không thể thành công. Tôi không thích những khán giả đến chỉ để làm đẹp lòng mình. Tôi cần những khán giả đến để khám phá. Tôi không hát để chị vui. Tôi hát để chị cảm nhận đó đúng là tôi. Nếu chị yêu thì tôi đúng, nhưng nếu chị không yêu chưa chắc tôi đã thất bại, thế nên, nghệ sĩ đôi khi chỉ có một tiếng vỗ tay nhưng thật lòng cũng đáng trân trọng hơn là những tràng vỗ tay theo đám đông, phong trào.

Giang từng nổi tiếng với sự kết hợp của Bùi Anh Tuấn trong “Phố không mùa”.

- Nếu Giang nói âm nhạc đáp ứng nhu cầu thị hiếu của giới trẻ thì tôi thấy thị hiếu ấy bây giờ thật đáng lo ngại vì nó nhốn nháo và xô bồ?

+ Tôi nghĩ, âm nhạc phản ánh nhu cầu người nghe. Âm nhạc phát triển khi con người có nhu cầu nghe nó. Người nghệ sĩ, có thể vì hoàn cảnh, buộc phải làm theo thị hiếu như những người thợ để đáp ứng nhu cầu của đám đông. Có những người nghe nhạc để ngày qua ngày, có những người nghe nhạc để ngẫm. Nếu đi vào Miền Tây, chị sẽ thấy âm nhạc rất quan trọng, để bớt nỗi cực khổ của cuộc sống, âm nhạc ở đó không phải để nghĩ, vì ở đó, họ có nhu cầu nghe nhạc để sống tiếp. Mọi sự tồn tại đều có lý do của nó. Trong khi thế giới đang nghe giao hưởng, opera, thì người dân mình còn lo chạy giặc, lo trồng lúa cho đủ ăn. Khi người ta có cuộc sống đủ đầy, bình an, tự khắc, họ sẽ có thị hiếu cao sang. Cứ kệ đi, thời gian sẽ là màng lọc tốt nhất cho những gì còn lại.

- Giang nghĩ sao khi nhiều nghệ sĩ bây giờ đổ xô đi hát nhạc xưa, lựa chọn sự an toàn, vì họ ngại khám phá, đổi mới. Hay vì thiếu những ca khúc mới cho họ?

+ Tôi nghĩ, tri ân ngày cũ thì tốt. Nhưng tri ân ngày này qua ngày khác thì chẳng có thời gian để sống ngày mới. Người nghệ sĩ thực thụ sẽ đi đường riêng Tôi trân trọng quá khứ, nhưng cuộc sống, nhân sinh quan của chúng tôi đã khác, không thể bắt chúng tôi thích những cái cũ dù nó là giá trị. Ở Việt Nam làm gì cũng theo phong trào, theo đám đông. Nghe nhạc cũng vậy. Vì mọi người thiếu tự tin, tự đặt mình kém hơn người khác. Nhưng người trẻ, cần có cái nhìn riêng, quan điểm riêng của mình, đừng sống bằng cái nhìn và suy nghĩ của người khác. Tôi đặt mình ra ngoài cuộc chơi, mọi người cứ lao đi đâu thì kệ thôi. Một ngày nào đó, tôi sẽ tri ân những người mình thích và làm mới những tác phẩm của họ theo cách của tôi với thái độ trân trọng nhất. Bởi âm nhạc ngày xưa nếu hát hôm nay, nó vẫn cần một không khí thời đại chứ không phải là sự làm mới kệch cỡm, cầu kỳ.

- Vậy điều Giang hướng tới là gì, một nghệ sĩ đa năng, vừa sáng tác, vừa hát?

+ Tôi chỉ cố gắng làm sao xứng đáng là một nghệ sĩ sống ở đất Bắc. Nghệ sĩ ở đất Nam họ vẫn bị ảnh hưởng bởi đời sống công nghiệp, thế nên, họ có cách nhìn nhận khác. Theo tôi, đất Bắc là thầy, đất Nam là thợ, có thể tôi hơi ngông cuồng, nhưng tôi nghĩ thế và đó là lý do tôi quay lại đất Bắc. Tôi không phấn đấu làm nghệ sĩ đa năng, mà tôi chỉ làm nghệ thuật, chỉ hát những bài phù hợp và không có ý định làm kinh tế bằng ra đĩa. Tôi sẽ làm một thứ âm nhạc mang tên mình, con đường đó sẽ còn rất xa, nhưng cứ làm thôi, dần dần những viên gạch nhỏ sẽ thành bức tường, thành ngôi nhà. Tại sao không ?

- Nhưng có vẻ khoảng cách giữa những viên gạch đang quá xa? Anh có tin vào một ngày gần đây, môi trường âm nhạc của Việt Nam sẽ tiệm cận sự văn minh?

+ Vì vật liệu mình không có, phải mày mò. 10 năm, chọn trong kho tàng 300 bài để ra được CD này, với nhiều người là lâu, nhưng với tôi là may mắn. Nếu mình đắn đo một chút trên con đường mình đi, mình sẽ chậm hơn rất nhiều. Vì thế tôi sẽ kiên định đến cùng, nhanh hay chậm không đếm bằng thời gian mà bằng sự lao động, cống hiến của nghệ sĩ. Tôi vẫn nghĩ, đến một lúc nào đó, khi sự du nhập bão hòa và cân bằng giữa Tây và ta, mọi thứ sẽ ổn định. Và chừng nào có một người đứng lên, đủ uy tín, trách nhiệm, kết nối người nghe với người làm nhạc và cùng nhìn về một phía, chúng ta sẽ có một thị trường âm nhạc văn minh.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện cởi mở của Giang.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.