Nhạc sỹ Giáng Son: Giống mình quá cũng chán

Thứ Năm, 04/08/2016, 16:38
Sau "Bóng tối Jazz", Giáng Son - người đàn bà của "Cỏ và Mưa", "Những mùa hè lạnh", "Nắng muộn"… tưởng chừng sẽ lấp nốt những khoảng trống còn lại trong vùng âm nhạc Jazz hiện đại. Nhưng không, chị vẫn để "vùng tối" đó mở rộng ở đâu đó trong lòng và nhường chỗ cho một "vùng tối nhạc kịch" liên quan đến "Truyện Kiều" - một trong những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam.


- Chào nhạc sỹ Giáng Son. Sau thành công của "Bóng tối Jazz", tới đây, chị có sản phẩm nào mới không?

+ Giáng Son đang có một vài dự án làm cho sân khấu, trong đó có Nhà hát kịch Việt Nam, đó là viết nhạc cho vở "Kiều". Tôi không dám nói đây là vở nhạc kịch chính thống nhưng các diễn viên Nhà hát Kịch sẽ phải tự hát và hát trực tiếp trên sân khấu. Tôi cảm thấy rất thích thú, đồng thời cũng thấy đây là một thử thách lớn với bản thân mình.

Bởi "Truyện Kiều" quá nổi tiếng ai cũng biết rồi. Cái sự biết này đã là một áp lực lớn với tôi. Ngoài ra, thể thơ 6-8 của tác phẩm kinh điển này khi chuyển thành nhạc sẽ ra sao? Chưa kể, các tình huống, tâm lý nhân vật như thế nào? Kể ra cũng hơi lo và hồi hộp. Đây có lẽ là dự án lớn nhất trong năm nay của Giáng Son.

- Năm ngoái, chị cũng đã cộng tác với Nhà hát Kịch trong vở "Hamlet" rồi. Giáng Son còn lo gì nữa?

+ Dự án mới khởi công và kịch bản âm nhạc đến tháng 10 này là phải xong. So với lần cộng tác trước với Nhà hát Kịch Việt Nam trong vở "Hamlet", thì lần này phần âm nhạc nặng hơn rất nhiều, xuyên suốt từ đầu đến cuối. Ngoài viết những ca khúc riêng cho từng nhân vật mà còn phải viết cho cả dàn đồng ca nữa. Âm nhạc giống như một người dẫn chuyện từ khi mở màn cho tới khi kết màn. Kể cả dàn đồng ca và cả nhân vật, tầm 20 bài. Tính ra gần bằng số bài cho 2 album. Chưa kể còn nhạc nền nữa. Đến nay, tôi đã viết được gần nửa. Hi vọng tháng 8  này xong hết.

Sau khi viết xong, tôi sẽ phải ngồi tập cho từng diễn viên, sau đó tập cho cả dàn đồng ca nữa. Vì đây xác định là viết cho các bạn diễn viên hát nên tôi sẽ tiết chế lại một chút về âm nhạc, co hẹp lại quãng giọng để phù hợp với họ hơn. Chứ tôi hay "vung tay" kiểu "Thu cạn", xuống rất là thấp, lên rất là cao.

Còn những câu thơ Kiều 6-8 bản thân nó đã có sẵn âm điệu của âm nhạc rồi, mình phải giữ nguyên thơ cụ Nguyễn Du, không dám sửa thơ cụ thì  làm sao để viết cho khác và hay, quả là một điều khó khăn! Đương nhiên, tôi sẽ cắt một số câu cho nó gọn để phù hợp với cấu trúc của âm nhạc hơn.

- Tôi vẫn hình dung Giáng Son trong khuôn dáng "Bóng tối Jazz", nghĩa là đầy bản năng, đầy phá cách trong vùng âm nhạc của chị. Với một người nhạc sỹ có cá tính như thế, viết ca khúc theo đơn đặt hàng thì sẽ ra sao?

+ Đương nhiên không phải mình muốn viết cái gì là viết được cái ấy. Nhưng người viết chuyên nghiệp sẽ phải vượt qua thử thách. Mình phải hóa thân vào nhân vật, của nhiều thể loại khác nhau không riêng gì kịch, thậm chí giao hưởng, hợp xướng… Khi hóa thân vào thì đó chính là cảm xúc rồi. Chứ nếu nói không có cảm xúc thì không thể nào viết được đâu. Nghề nghiệp mà. Nhưng người nhạc sỹ sẽ phải biến hóa như thế nào để có thể vẫn kiểm soát được trong từng câu nhạc ấy màu sắc âm nhạc của mình, cá tính âm nhạc của mình.

- Nghĩa là Giáng Son tỉnh táo hơn?

+ Đúng là với "Bóng tối Jazz", gần như là một Giáng Son "bung lụa" và phiêu linh hết mình. Tôi không phải kiềm chế bản thân mình và vùng vẫy hoàn toàn trong thế giới âm nhạc đầy thể nghiệm ấy. Sản phẩm này sau khi ra mắt nhận được nhiều lời khen ngợi và còn được trao Giải Cống hiến nữa nhưng Giáng Son không thể sống trong niềm vui ấy mãi được. Cuộc sống phải trôi đi chứ.

Như một cuộc chiến đấu của bản thân mình, sau "Bóng tối Jazz" đây giống như một thử thách của riêng tôi ở địa hạt sân khấu. Ngày xưa nói đến sân khấu, tôi ngại lắm.

- Nhưng cộng tác với một đơn vị Nhà nước, hẳn chị cũng biết giá tác phẩm sẽ thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường. Có người nói Giáng Son ngây thơ đấy?

+ Vì Nhà hát Kịch Việt Nam trả theo cơ chế Nhà nước nên tôi biết sẽ ra sao! Nhưng không thể so sánh với việc viết nhạc trẻ và viết nhạc sân khấu được. Như tôi nói, tôi muốn thử thách mình. Tôi xem đây là nấc thang mới trong nghề nghiệp của mình. Tôi thì vẫn ngây thơ trong mọi chuyện mà!

- Thường thì phụ nữ thích an toàn, nhất là sau khi đã có một chút thành tựu, càng thích điều đó. Nhưng nhạc sỹ Giáng Son có vẻ khác. Chị luôn tìm cách vượt ra khỏi vùng an toàn đó?

+ Thực ra tôi cực thích sự an toàn đấy. Nhưng đó là trong cuộc sống bình thường. Còn trong âm nhạc, tôi thấy nó bao la rộng lớn quá, mình viết mới chỉ một phần nhỏ thôi. Tôi tự hỏi, vậy thì sao mình không tiếp tục khai phá nó? Nó vẫn nằm trong đam mê của mình về âm nhạc cơ mà.

- Người ta vẫn xem nhạc sỹ là người thuộc về hậu trường, phía sau ánh đèn hào quang sân khấu. Từ ngày tách nhóm "Năm dòng kẻ" đến nay, hẳn ca sỹ Giáng Son phải có lúc nào đó nhớ ánh đèn sân khấu chứ?

+ Từ ngày đó đến nay cũng đã 10 năm rồi và Giáng Son không có gì để ân hận cả. Thời gian đầu sau khi tách nhóm thì nhớ, nhưng bây giờ, tôi đã yên lòng với sự lựa chọn của mình. Tôi đã có thành công trong nghề nhạc sỹ của mình và tôi cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình.

Rất buồn cười. Cách đây 1 tuần, tôi có tham gia chương trình "Nghệ sỹ tháng", ê-kip chương trình đó rất muốn Giáng Son hát một bài. Tôi năn nỉ đừng bắt tôi hát nhưng không được. Vì bây giờ tôi không có thói quen đứng trước ánh đèn sân khấu nữa. Giờ mà lên hát thì ngượng lắm. Trước đây dù sao vẫn có 4 người bên cạnh. Bây giờ, solo một mình, tự nhiên thấy ngượng lắm, chân tay thừa thãi.

Trước mình không bao giờ cố gắng làm ca sỹ cả. Hồi đó, tôi hỗ trợ các bạn hát bè và sáng tác cho nhóm là chính. Tôi tự biết, tôi không phải là một người có giọng hát quá hay. Với tôi, tiêu chuẩn của một người ca sỹ đó là phải có giọng hát  hay và đẹp.

Bây giờ làm ca sỹ mệt lắm. Bạn để ý không, bây giờ gameshow hầu hết đều là gameshow về ca hát thôi. Người người làm ca sĩ. Nhà nhà làm ca sỹ. Thế mà tôi lại trốn. Bởi lẽ, tôi hiểu bản chất của nghề ca sĩ. Đó là một nghề cực kì khó. Ngoài có một giọng hát trời cho, phải có một cái đầu thông minh.

Chưa hết, phải có một ekip rất là tốt hỗ trợ mình nữa (gồm nhạc sĩ hiểu giọng mình mới đẩy lên được, trợ lí, truyền thông…). Không phải đơn giản đâu. Nhưng vì nghề ca sĩ nó quá lung linh. Khi nổi tiếng rồi thì kiếm tiền cực dễ. Một bước thành sao. Điều đó rất hấp dẫn các bạn trẻ. Tôi biết nhiều bạn trẻ chẳng có giọng nhưng vẫn đang cố sống cố chết để làm ca sĩ. Tôi rất thương các bạn ấy. Vì họ cứ ôm mộng ảo.

Họ không biết mình là ai, không hiểu mình ở đâu, năng lực của mình về nghệ thuật ra sao? Bao nhiêu người từ các cuộc thi đi ra và mất tăm. Và rồi Vietnam Idol, The Voice, X-Factor... liên tục gối chồng thay  nhau  lên sóng và trôi tuồn tuột. Nên nếu bạn trẻ đó không có cái gì đặc biệt thì sẽ bị mất hút ngay lập tức.

-  Chị vừa nhắc đến cụm từ "sự hiểu mình". Tôi tò mò không biết Giáng Son hiểu âm nhạc hay âm nhạc hiểu chị?

+ Tôi nghĩ âm nhạc rất rộng lớn nên mình muốn viết các thể loại âm nhạc khác nhau để hiểu nó. Pop, dân gian đương đại, blue, jazz... Mình cũng mới có thử sức thể nghiệm vài cái thôi. Tôi nghĩ, có lẽ âm nhạc hiểu mình hơn là mình hiểu về nó. Như tôi nói ở trên, âm nhạc mênh mông và vô cùng lắm.

- Sau abum thứ 2 "Bóng tối Jazz", chị tự nhận mình chưa đi hết vùng đất mới mẻ này. Sau dự án "Kiều" trên, chị có tiếp tục chinh phục nó không?

+ Sau khi làm xong album 2 này, có một số ca sỹ ngỏ lời muốn tôi viết tiếp và đề nghị cộng tác với họ vì những dự án kiểu thế cũng ít. Tôi cũng đang suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi không phải là người thích cái gì quá gấp gáp, vội vàng "Bóng tối Jazz", tôi đã phải dành dụm trong 8 năm. Tôi luôn tâm niệm không phải lúc nào mình cũng viết hay.

Có những thời điểm một ngày viết 2 bài và cả 2 bài đều hay, như "Nắng muộn" và "Vệt buồn" chẳng hạn. Nhưng cũng có khi tịt ngóm luôn 6 tháng. Tôi sợ viết xong không hay, mà tôi lại tự ru mình là nó hay. Tôi rất sợ! Tôi thường đưa cho một số người thân nghe ca khúc mới sau khi tôi viết để cho khách quan. Mình đang phê, đứa con tinh thần nên con nào mà mình chẳng yêu. Có những bài viết rất nhanh trong khoảnh khắc nào đó. Nhưng để có khoảnh khắc đó, tôi đã có nhiều thời gian dồn nén trước đó, 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm. Tôi sợ lặp người khác, sợ lặp lại chính mình. Giống mình quá cũng chán!

- Cảm ơn nhạc sĩ Giáng Son! 

Đậu Dung
.
.
.