Những "cao thủ" dạy ghita ở Hà thành

Chủ Nhật, 29/10/2017, 16:21
Từ năm 1945, cây ghita đã trở thành bạn đường thân thiết của các nhạc sỹ kháng chiến, giới học sinh sinh viên và nhiều người yêu nhạc. Nhiều nhạc sĩ đồng thời là người đệm ghita rất giỏi đã xuất hiện như Hoàng Vân, Trọng Bằng, Tô Vũ, Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký...


Người mở lớp dạy ghita đầu tiên là Tạ Tấn vào năm 1944, đến năm 1954 các lớp học của ông chuyên nghiệp hơn. Từ đó đến nay ở Hà Nội có nhiều nghệ sĩ dạy ghita, góp phần vào bồi dưỡng những "cây" ghita nổi tiếng.

Những người thắp lửa ghita

Tạ Tấn sinh năm 1925, tên thật là Tạ Duy Thái, quê Hoài Ðức (Hà Tây cũ). Năm 15 tuổi, Tạ Tấn vào Sài Gòn và may mắn được một thương gia Nhật Bản giỏi ghita truyền dạy cho. Với năng khiếu đặc biệt, ông tiếp thụ rất nhanh, rồi tiếp tục theo học thầy dạy ghita chuyên nghiệp người Philippines, sau đó về Hà Nội sống và dạy đàn.

Tạ Tấn cũng là những người đầu tiên góp phần thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Hơn 30 năm giảng dạy, Tạ Tấn đã góp phần hình thành một thế hệ ghita sau này nổi tiếng như Trần Văn Thân, Ngô Ðăng Quang, Nguyễn Lương Bình, Nguyễn Ðức, Nguyễn Văn Dị, Lê Hùng Phong... Tiêu biểu là Ðặng Ngọc Long, Phó chủ nhiệm khoa ghita Nhạc viện Berlin (CHLB Ðức) và các nghệ sĩ này, sau đó cũng thu nhận nhiều học trò để truyền dạy.

Nhóm “Thất cầm” còn lại 4 nghệ sĩ, trong đó 3 nghệ sĩ còn khỏe, thi thoảng chơi ghita ở Hồ Gươm.

Sau Tạ Tấn, nhóm "Thất cầm" hình thành vào năm 1962 là một minh chứng cho tình yêu say mê của giới trẻ Hà thành. Hơn nữa, đó là minh chứng cho tài năng, những tâm hồn đồng điệu đã biết kết hợp với nhau để làm nên sức mạnh.

Họ tạo thành làn sóng và thắp lên tình yêu ghita với phần lớn giới trẻ Hà Nội và lửa đam mê đó vẫn cháy trong lòng lớp trẻ đến ngày hôm nay. Một số người trong nhóm "Thất cầm" từng là học trò của Tạ Tấn và sau này phát triển, hoàn thiện tài năng thêm bằng cách tự học, họ cũng giúp các nghệ nhân làm đàn hoàn thiện các cây ghita Việt Nam thời đó.

Tiếng vang của "Thất cầm" khơi dậy không khí sôi nổi, mạnh mẽ trong giới trẻ. Nhiều lớp học ghita của nhóm "Thất cầm" hình thành từ năm 1962 và đến năm 1973 thì trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn được mở ra ở hầu hết các quận nội thành.

Vũ Bảo Lâm có lớp dạy ở 78 Hai Bà Trưng; Quang Tôn vừa làm Báo Hà Nội mới vừa dạy các lớp ở tại gia đình số 70 Cầu Gỗ; Hải Thoại thuyên chuyển nhiều nơi nên các lớp học cũng thường xuyên thay đổi; Phạm Văn Phúc và Nguyễn Tỵ thường dạy ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, các Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các gia đình yêu ghita.

Thời gian này còn xuất hiện các lớp dạy đàn rất đông đúc của hai nghệ sĩ Văn Vượng ở số 44 Hàng Bồ; Trịnh Đình Thi ở 212 Khâm Thiên, Nguyễn Đức ở 343 Bạch Mai, Trần Nhất ở 1132 Đường Láng... Các nghệ sĩ ngày đó được người  dân yêu mến gọi là "những người tử vì đạo ghita".

Điều làm cho người dân khâm phục hơn nữa, là nhóm "Thất cầm" đã cùng nhau nghe những tác phẩm của A.Segovia, F.Sor, Villa Lobot... qua đĩa và kỳ công ghi ra thành bản nhạc để có thể tự tập và truyền dạy tới học trò.

Trong nhóm "Thất cầm", có lẽ Hải Thoại là người có số phận éo le và chịu nhiều khó khăn nhất. Sau này, nghệ sĩ Quang Vinh - con trai của nghệ sĩ Hải Thoại có nói rằng: "Với cha và cả với tôi, tiếng đàn ghita không chỉ là những âm thanh được chắt lọc từ trí tuệ của người nghệ sĩ mà còn là nỗi niềm của mỗi số phận, mỗi con người... Nhờ vào cây ghita mà cha đã nuôi hai anh em trai tôi khôn lớn. Chính vì thế mà cha thường nói: "Gia đình mình mắc nợ cây ghita!".

Hải Thoại đã soạn lại các bài Mừng Tây Nguyên chiến thắng, Trăng sáng đôi miền, Bài ca hy vọng, Quê em miền Trung du... dành cho ghita. Và khi ông tấu lên những bản nhạc đầy cảm xúc, day dứt đã làm mê mẩn biết bao thế hệ học trò.

Hai người thầy đặc biệt

Thiệt thòi hơn những nghệ sĩ khác, nghệ sĩ Trịnh Đình Thi và Văn Vượng dù bị khiếm thị nhưng đã tự học đàn và trở thành những người chơi cừ khôi. Suốt hơn 40 năm giảng dạy, cả hai cũng đã có hàng nghìn học trò trong đó có nhiều người thành tài. Riêng Văn Vượng, ông còn vinh dự là người khiếm thị duy nhất được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Nghệ sĩ Tạ Tấn.

Trịnh Đình Thi sinh năm 1944 tại Hà nội, ông bắt đầu làm quen với cây đàn ghita từ năm 13 tuổi, bộc lộ năng khiếu đặc biệt đối với loại nhạc cụ này. Năm thầy 17 tuổi,  một vụ nổ chất hóa học đã làm thị lực của ông kém dần rồi mờ hẳn.

Ông phải cần mẫn đi học chữ nổi, sau đó học tiếng Anh, tiếng Nga để mở rộng kho tàng kiến thức cho mình và để có thể tiếp cận với các tác phẩm soạn cho ghita nổi tiếng của thế giới. Năm 1966 khi mới 22 tuổi, Trịnh Đình Thi bắt đầu sự nghiệp dạy đàn.

Ban đầu, ông chỉ nhận kèm cặp một vài em, nhưng sau đó quá nhiều người xin theo học nên ông phải bố trí dạy cả tuần. Cách dạy đàn của ông thật đặc biệt, tay đánh đàn, chân đập phách vào chân học trò để giữ nhịp. Cách học này rất dí dỏm lại khiến học trò dễ thuộc nhạc.

Ông luôn giữ một nguyên tắc với trò là không chơi thành thạo được bài cũ thì không dạy bài mới. Lớp học đàn trước đây tập trung dạy ở 212 Khâm Thiên, một năm chuyển xuống khu Nghĩa Tân, sau chuyển về dạy tại nhà mới (số 18 ngõ Liên Việt - phố Nguyễn Lương Bằng).

Nghệ sĩ Trịnh Đình Thi tâm sự: "Tôi đặc biệt yêu thích các bản ghita cổ điển của Nga và đã mạnh dạn chuyển soạn nhạc "Chèo thuyền" của Tchaikovsky vốn dành cho đàn Balalaika 4 dây của Nga cho ghita. Hằng ngày, tôi dành 12 tiếng đồng hồ cho ghita. Chính ghita đã giúp tôi vượt qua bóng tối, vượt qua những đau đớn của một người khiếm thị để làm một người dạy đàn".

Hơn 40 năm qua, ông đã truyền dạy cho hơn một vạn học trò, có gia đình cả cha và con đều học ông. Để rèn luyện sức khỏe, ông thường xuyên phải tập thể dục, tập Yoga và "trồng cây chuối". Với ông, sức khỏe và lòng đam mê phải đi liền với nhau.

NSƯT Văn Vượng được nhiều người thường ví von: "Khi hai mắt không nhìn được, ông đã nhìn bằng tai, bằng xúc giác và bằng trái tim". Quả đúng như vậy, khi không còn đôi mắt sáng, ông đã vịn vào tiếng đàn để đứng lên, vượt qua tất cả để mang tiếng đàn đến cho công chúng và làm cho nhiều người say mê tiếng đàn của ông.

Chính tiếng đàn quyến rũ của ông đã làm say mê biết bao cô gái, học trò và một học trò đã trở thành vợ ông vì mê. Văn Vượng bị mất thị giác từ năm lên 4 bởi bệnh đậu mùa. Năm lên 7, Văn Vượng tìm được chiếc âu trầu của mẹ, căng lên đó mấy sợi dây cao su và vui sướng chơi một cách say sưa như nghệ sĩ chơi đàn. Tài năng âm nhạc của ông phát lộ từ đó.

Ông được một người bạn của gia đình khuyên gia đình mua ghita và dạy cho. Năm 1955, ông được tiếp xúc với chữ nổi Brai và học cách chép nhạc. Một chiều mùa hè năm 1968, ông được người anh ruột đèo từ nơi sơ tán Hưng Yên lên Hà Nội.

Khi nghe chiếc loa công cộng ở Bờ Hồ phát bài "Người Hà Nội" của Nguyễn Định Thi, ông đã bắt anh dừng xe lại để nghe cho hết vì giai điệu du dương, trầm ấm, thiết tha về mảnh đất Thủ đô. Đêm ấy, ông không ngủ. Một cảm giác bồi hồi khó tả cứ dồn dập trong trái tim ông. Khi chuyển soạn, ông không thuộc lời bài hát mà phải nhờ một người hát lại cho nghe giai điệu.

Ngày hôm sau, bản chuyển soạn bài hát thành nhạc đã hoàn thành. Sau đó, ông còn chuyển soạn nhiều bài khác như "Suối mơ" (Văn Cao), "Nhạc chiều" (Sube), "Phiên chợ Ba Tư" (Ambecatenbey)... NSƯT Văn Vượng còn là một nhân vật trong bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” của nghệ sĩ Trần Văn Thủy, là một trong những bộ phim tài liệu xuất sắc nhất về Hà Nội.

Nở rộ các câu lạc bộ

Các lão nghệ sĩ ghita ở Hà Nội vẫn miệt mài dạy hết lớp này đến lớp khác cho thanh niên, sinh viên và học sinh. Giờ các ông đã cao tuổi, nên các lớp học đều được tổ chức tại gia đình. Riêng CLB Ghita cổ điển do nghệ sĩ Nguyễn Phương Hà làm chủ nhiệm, có trụ sở chính là Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô đã mở 9 cơ sở dạy ghita trên địa bàn Thủ đô.

CLB có hơn 400 thành viên, hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Nghệ sĩ Nguyễn Phương Hà cho biết, CLB nối tiếp thế hệ cha anh đi trước, duy trì hoạt động, mục đích tạo sân chơi văn hóa bổ ích cho những người yêu thích đàn ghita.

Ông Trịnh Đình Thi dạy học trò.

CLB Ghita cổ điển đã lập một trang điện tử: guitarvietnam.com làm nơi trao đổi thông tin, diễn đàn giữa các hội viên, giới thiệu các tác phẩm nhạc soạn ghita cho các hội viên và những người yêu thích ghita.

Ở Hà Nội, hiện nay còn có rất nhiều CLB ghita hoạt động thường xuyên, như: CLB ghita Hàng Trống, CLB ghita Việt Nam - Tây Ban Nha và CLB ghita sinh viên các trường đại học: Xây dựng, Công nghiệp, Kiến trúc, Ngoại Thương, Bách khoa, Luật Hà Nội, Học viện Tài chính... Thành viên của các CLB này chủ yếu là học trò của các lão nghệ sĩ ghita của Hà Nội.

Trong số các bạn trẻ học ghita, một phần để làm nghề còn phần lớn vì yêu thích, coi cây ghita như người bạn. Phong trào học và chơi ghita của giới trẻ, cùng với các CLB ghita đã làm nên những nét đặc sắc của Thủ đô. Bao nhiêu năm qua, cây ghita với những âm thanh tuyệt vời của nó đã góp phần làm cho phong trào văn nghệ của Thủ đô trở nên đa dạng, phong phú, làm cho Hà Nội văn minh hơn, đẹp đẽ hơn

Ngô Thục Miên
.
.
.