Những thách thức trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Indonesia

Thứ Ba, 22/10/2019, 10:59
Chiều 20-10, tại Thủ đô Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2.

Với mục tiêu đưa nền kinh tế Indonesia lọt top 5 thế giới vào năm 2045, ngoài chính sách đối ngoại, Tổng thống Widodo sẽ phải hóa giải nhiều thách thức trong nước.

Hướng tới nền kinh tế 7.000 tỷ USD

Ông Widodo tái đắc cử sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4, tiếp tục đảm nhận chức vụ trong 5 năm. Hiến pháp Indonesia quy định một người chỉ có thể đảm nhận cương vị tổng thống trong tối đa hai nhiệm kỳ.

Theo các nhà phân tích, thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ này với ông Widodo là kinh tế. Tổng thống Widodo nói trong lễ nhậm chức rằng Indonesia muốn trở thành nền kinh tế trị giá 7.000 tỷ USD và không còn đói nghèo. Tuy nhiên, những mục tiêu đó sẽ không tự động đến và không đến một cách dễ dàng. 

Năm năm qua, Tổng thống Widodo đã triển khai một số cải cách quan trọng như hạn chế trợ cấp giá xăng dầu, nhờ đó định hạng tín nhiệm quốc gia của Indonesia được nâng lần đầu tiên sau hai thập kỷ.

Ngân hàng Standard Chartered của Anh thậm chí từng dự đoán nền kinh tế Indonesia sẽ đạt khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện Indonesia không chỉ là nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu mà còn là nước cung cấp than, đồng, vàng, thiếc và niken quan trọng của thế giới.

Tuy nhiên, năm 2018, đồng nội tệ Indonesia đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 5%, thấp nhất kể từ năm 2017. Không những thế Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo con số này có thể tụt xuống còn 4,9% năm 2020 và 4,6% năm 2022 nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế thế giới. 

Rào cản trong dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng khiến cho tăng trưởng kinh tế Indonesia bị chững lại trong thời gian qua. Trong khi đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, Indonesia cần đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 7%/năm. 

Vì vậy, trong 5 năm tới, Chính phủ của Tổng thống Widodo cần phải ưu tiên đẩy mạnh chương trình phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần giải quyết tình trạng sản xuất đình trệ và nâng cao đời sống của người dân tại nhiều địa phương, tăng cường triển khai các dự án kết nối các cảng biển và sân bay trên toàn quốc thành các trung tâm nông nghiệp và du lịch đồng thời ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. 

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng sẽ phải chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Indonesia bị đánh giá là "tụt hậu" so với một số nước láng giềng về phát triển lực lượng lao động lành nghề.

Tháng 8-2019, Tổng thống Widodo đã công bố kế hoạch dời Thủ đô Jakarta về đảo Borneo, khu vực Đông Kalimantan do Jakarta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ ô nhiễm nghiêm trọng, ùn tắc giao thông, lũ lụt, với nhiều phần đang dần bị nước biển nhấn chìm.

Tuy nhiên, chuyển thủ đô tới Borneo sẽ gia tăng nguy cơ cháy rừng, để lại hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, đe dọa đời sống của động vật tự nhiên và cư dân bản địa. 

Không những thế còn tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ, bởi ước tính, dự án di dời thủ đô sẽ tiêu tốn 33 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ khi nền kinh tế Indonesia tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tổng thống Widodo trong lễ nhậm chức chiều 20-10.

Hòa hợp dân tộc, đảm bảo an ninh và chống khủng bố

Indonesia là quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo và cũng là quốc gia có số dân theo Đạo Hồi lớn nhất thế giới. Vì vậy hòa hợp dân tộc luôn là thách thức với những người lãnh đạo đất nước. Thời gian qua, Tổng thống Widodo đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn với Hồi giáo, bằng cách bổ nhiệm Ma'ruf Amin, một giáo sĩ Hồi giáo làm liên danh của mình.

Nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Widodo giành chiến thắng ở các khu vực có dân số thiểu số không theo đạo Hồi như Bali, Papua và Đông Nusa Tenggara. Trong khi ở những khu vực có dân số Hồi giáo bảo thủ, như Aceh và miền Sumatra, số phiếu bầu cho ông còn thấp hơn so với kì bầu cử trước. 

Mặc dù liên minh đảng ủng hộ Jokowi đã kiểm soát được hơn một nửa số ghế trong quốc hội với 560 thành viên, chính phủ của ông vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể đến từ các đảng chính trị đối lập. Bởi vậy, muốn duy trì sự ổn định chính trị trong giai đoạn tiếp theo, Jokowi và Phó Tổng thống của ông sẽ phải giải được bài toán về sự hòa hợp dân tộc.

Để đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống, Indonesia đã phải huy động hơn 30.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội triển khai đảm bảo an ninh cho thủ đô vì lo ngại nguy cơ xảy ra các vụ tấn công. 

Kể từ tháng 9 tới nay, lực lượng chống khủng bố của Indonesia đã bắt giữ 27 nghi phạm khủng bố trên khắp nước này, từ Sumatra tới Bali. Trong số này có hai đối tượng tấn công bằng dao nhằm vào Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Indonesia Wiranto và một Cảnh sát trưởng địa phương trong chuyến thị sát tới thành phố Pandeglang thuộc tỉnh Banten trên đảo Java hồi tuần trước. 

Tất cả các nghi phạm đều là thành viên của nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một mạng lưới khủng bố có liên quan với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Vì vậy, để đảm bảo an ninh, chống khủng bố sẽ là vấn đề quan trọng của Chính phủ.

Đức Quý
.
.
.