Nữ cảnh sát đầu tiên trên thế giới

Thứ Tư, 14/06/2017, 13:49
Ngày nay, hình ảnh người nữ cảnh sát đã quá quen thuộc với người dân. Hầu như lực lượng cảnh sát nước nào cũng có nữ quân nhân, họ cùng đóng góp vào sự bình yên cuộc sống cho cộng đồng. Nhưng để trở thành người nữ cảnh sát đầu tiên trên thế giới thật không dễ dàng gì.


Nữ cảnh sát đầu tiên của Mỹ và đầu tiên trên thế giới là Aurora "Lola" Greene, sinh tại Elmira, New York. Cha bà mất vào năm 1877, đây là nguyên nhân khiến Lola phải bỏ ngang trung học để kiếm tiền. Bà đã có thời gian dạy học ở New York và Nebraska trước khi kết hôn với LeGrand Baldwin vào năm 1884. Những năm sống ở Lincoln, bà làm thư ký để mưu sinh và là tình nguyện viên xã hội. Công việc của bà là giúp đỡ những phụ nữ "bướng bỉnh".

Vợ chồng bà có 2 con trai, Myron và Pierre. Năm 1893, gia đình bà rời khỏi Lincoln và sống tại nhiều thành phố để LeGrand theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Ông LeGrand gia nhập Công ty E.P.Charleton, có trên 50 chuỗi cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Đến đâu, Lola cũng vẫn tiếp tục công việc tình nguyện của mình, bao gồm cả phục vụ trong Ban quản lý của hai nhà cộng đồng Florence Crittenton. Đây là một phần của mạng lưới nhà cứu hộ quốc gia dành cho những phụ nữ bất hạnh - chính là gái mại dâm và các bà mẹ đơn thân.

Năm 1904, Công ty Charleton cử LeGrand đến Portland để mở cửa hàng đầu tiên ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Lola làm việc trong văn phòng kinh doanh của cửa hàng và tham gia ban quản lý nhà cộng đồng Florence Crittenton của thành phố. Bà đã nhanh chóng nổi tiếng như là một nhà điều tra có tài năng và một nhà quản lý có tấm lòng từ bi. Các cuộc điều tra của bà bao gồm việc tiến hành các cuộc phỏng vấn chi tiết về những người phạm pháp trẻ tuổi và thường xuyên đến thăm nhà hoặc nơi làm việc của họ.

Mục tiêu của Lola là tìm hiểu càng nhiều càng tốt về những phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh để giúp họ hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống tốt hơn. Sau đó, Lola phục vụ trong Ủy ban tổ chức của Toà án vị thành niên thành phố Portland. Thẩm phán Arthur Frazer, người đứng đầu thành phố đã chỉ định bà làm một cán bộ quản chế các “bà gái” nhưng không nhận lương.

Trong cuộc Triển lãm kỷ niệm 100 năm của Lewis và Clark, được tổ chức ở Portland vào năm 1905, Hiệp hội Trợ giúp Du khách đã nhờ Lola làm công việc giám sát hội chợ để bảo vệ các bà gái và phụ nữ. Nhờ thành công tại sự kiện này, Lola được đề bạt chính thức là một sĩ quan cảnh sát vào năm 1908.

Ngày 1-4-1908, Lola Baldwin đã đọc lời tuyên thệ tại Sở Cảnh sát thành phố Portland, trở thành nữ cảnh sát đầu tiên của Mỹ. Bà công tác tại đây từ năm 1908 đến 1922.

Bà Lola Baldwin, tuổi 94, tháng 3-1954.

Lola đã có một ảnh hưởng lớn đối với việc thực thi pháp luật của tiểu bang, liên bang và các nhà tù. Bà là cố vấn Hội đồng nhân dân thành phố Portland, bảo hộ Toà án thành phố về vấn đề quan hệ gia đình và là Phó ban Quản lý đặc biệt của bang Oregon. Bà qua đời ngày 22-6-1957, hưởng thọ 97 tuổi, tại Portland.

Trong suốt sự nghiệp cảnh sát, Lola Baldwin nhấn mạnh việc ngăn ngừa tội phạm và ủng hộ cải cách đối với việc giam giữ. Bà đã thúc đẩy các luật lệ nhằm bảo vệ phụ nữ, tư vấn cho các cơ quan tư pháp khác về các vấn đề thực thi luật pháp của phụ nữ và chứng minh rằng phụ nữ có thể là sĩ quan cảnh sát xuất sắc.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Lola trở thành nữ Cảnh sát Mỹ đầu tiên, Thị trưởng thành phố Portland Tom Potter đã tổ chức buổi lễ long trọng vào ngày 1-4-2008 để vinh danh bà.

Lola Baldwin chính là nguồn cảm hứng để tác giả Gloria Myers cho ra đời cuốn sách mang tên “Người Mẹ của thành phố”.

Hòa Nghĩa
.
.
.