Nữ sĩ Đoàn Lê: Hoa gạo về trời

Thứ Hai, 13/11/2017, 10:51
Tôi không biết phải gọi bà Đoàn Lê là “nhà” gì. Nhà thơ, nhà văn, biên kịch, đạo diễn, hay họa sỹ? Nếu gọi một trong số đó, hay thậm chí tất cả, tôi vẫn thấy không đủ. Và có lẽ, không bao giờ là đủ với một người tài hoa, nhan sắc trong nghệ thuật như bà. Và con người ấy, giờ đây, đã về bên kia cùng với mấy sợi tơ trời của mình.


Nữ sĩ Đoàn Lê trút hơi thở cuối cùng vào chiều 6-11 tại Bệnh viện Quân y 103 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Bà hưởng thọ 75 tuổi. Những ngày này, chẳng hiểu tại sao tôi lại xem đi xem lại hai bức ảnh chụp hai chị em nữ sĩ Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo.

Một bức ảnh được chụp vào 20 năm trước, khi hai chị em trên đường đi suối Mỡ làm phim “Con Vá” và một bức ảnh chụp lúc hai chị em đã về già, đứng cùng nhau trong “nắng chiều rực rỡ”, cạnh biển số nhà 16 để tiễn khách.

Hai con người tài hoa, cô đơn nhất mực ấy - giờ đây phải chia ly, một người đang cô quạnh nốt trong “đường nhân gian”, một người đã như một bông hoa đỏ về trời. Hai con người sống tựa vào nhau như hai vế của một câu lục bát, giờ đây chỉ còn một vế hiu hắt.

Nữ sĩ Đoàn Lê năm 32 tuổi và khi về già. Ảnh: FB Đoàn Tảo.

Có lẽ, người buồn nhất là nhà thơ Đoàn Thị Tảo. Hơn năm mươi năm trước, lúc đương thanh xuân, thắm thiết, trong sinh nhật chị mình, bà đã viết: “Ngày chị sinh, trời cho làm thơ… Vấn vương mấy sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan” đã ám ảnh bao thế hệ.

Đó là những câu thơ trích trong bài thơ “Cho một ngày sinh” của nhà thơ Đoàn Thị Tảo, sau này được nhạc sỹ Trọng Đài phổ thành ca khúc “Chị tôi” nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi qua giọng hát của ca sỹ Mỹ Linh. Ca khúc này sau đó cũng được chọn là nhạc phim trong bộ phim “Người Hà Nội” do Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê đạo diễn, ra mắt khán giả vào năm 1996.

Trong một lần phỏng vấn, nhà thơ Đoàn Thị Tảo nói rằng: “Lúc đó còn trẻ. Làm sao đã hiểu hết mọi sự đời? Sao mà biết đời hai chị em lại gập ghềnh, lắm truân chuyên như thế? Khi viết những câu thơ ấy, hẳn tôi và hẳn cả chị tôi không nghĩ rồi một ngày, chúng tôi sẽ sống lẻ bóng trong cái tình riêng bỏ chợ và tình người đa đoan ấy như thế nào. Bài thơ như một định mệnh, hình như không chỉ vận vào đời của chị em chúng tôi, mà còn vận cả vào những người có một chút máu văn nghệ”.

Tôi còn nhớ hồi học cấp 3, vốn mê văn chương nên hay la cà các hiệu sách cũ nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh) để mua những tạp chí về văn học để đọc. Không nhớ chính xác nằm trong cuốn nào, số nào, nhưng trong một bài viết về hai chị em Đoàn Lê – Đoàn Thị Tảo, có một câu thơ mà chẳng hiểu sao tôi nhớ dai cho tới tận bây giờ: “Sao chị lại bói hoa/ Cho một thời con gái?”.

Ngày nghe tin bà Đoàn Lê qua đời, tôi tìm kiếm mọi ngóc ngách, tìm cả trên mạng, vẫn không biết hai câu thơ đó nằm trong bài thơ nào. Tang gia đang bối rối, tôi không gọi xác nhận vì cũng không muốn “làm phiền” tới người còn ở lại. Nghe đâu, mấy ngày này, bà Đoàn Thị Tảo sức khỏe cũng yếu, lại càng yếu hơn khi chị mình ra đi về thế giới bên kia...

Lúc còn trẻ, bà Đoàn Lê viết: “Ngày xưa em thơ ngây/ Ngồi bói bông hồng nở/ Đoán tình yêu sau này/ Vẹn tròn hay dang dở” trong bài thơ “Bói hoa”. Từ những ngày đó, bà đã chơi trò chơi định mệnh của cuộc đời mình.

Ngày bà Đoàn Lê mất, nhà văn Hồ Anh Thái, một người bạn thân thiết với hai chị em có kể lại, nhà Đoàn Lê đông anh chị em, nhưng bà thân nhất với người em gái Đoàn Thị Tảo. Mười chín tuổi, chị Lê sinh con, cô em gái phải lên Hà Nội bế cháu cho chị đi theo đoàn làm phim.

Sau này, đến lượt con gái, con trai chị Lê sinh con, lại cũng đến lượt bà Tảo đến trông cháu; đám cháu gọi bằng bà. Chị Lê chuyển nhà ra Đồ Sơn, bà Tảo cũng đi theo trông nom nhà cửa cho chị để chị thỏa sức vẫy vùng các miền đất nước mà làm phim. Không phải chỉ phục vụ chị và cháu, bà còn tìm thấy ở đấy nguồn vui có bạn tri kỷ văn chương.

“Thơ chị Tảo có những câu ám vào vận vào đời chị Lê: “Vấn vương mấy sợi tơ trời / Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan”. Đấy là nhân sinh nhật chị Lê, chị Tảo ngồi viết bài Cho một ngày sinh, tưởng như vô tình mà là nói về một số phận. Bây giờ, sau ngày 6-11-2017, cả Đồ Sơn và Hà Nội đều vắng bóng chị Lê rồi, tôi băn khoăn chị Tảo có còn ai tri âm để mà chuyện đời, chuyện văn chương nghệ thuật”, nhà văn Hồ Anh Thái chia sẻ.

Hai chị em Đoàn Lê – Đoàn Thị Tảo trên đường đi suối Mỡ làm phim “Con Vá”. - Ảnh: Tư liệu gia đình.

Tôi nhớ mãi căn biệt thự nhà vườn phủ đầy hoa lá có tên gọi là “Lộc Vừng” nằm dưới chân núi Vân Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng). Lần đó, tôi đi ké cùng một người bạn về nhà bà Đoàn Lê – Đoàn Thị Tảo chơi. Ngày đó đến nay cũng đã 3 năm. Tôi vẫn nhớ như in hôm đó, tiếp chúng tôi là một người đàn bà hơn 70 tuổi, nhưng vẫn còn nhan sắc.

Người ta nói, thời trẻ, khối ông chết vì cái gáy trắng của cô gái Đoàn Lê năm nào. Mặc dù bà đang chống chọi với căn bệnh tim nhưng nhắc đến văn chương, hội họa, phim ảnh, ánh mắt bà lại sáng lên. Đó là những ngày bà rất muốn gần biển, về với biển nhưng phải đi đi lại lại giữa Đồ Sơn và Hà Nội để chữa bệnh.

Tạm biệt bà Đoàn Lê, nữ sĩ tài hoa của đất cảng Hải Phòng. Tạm biệt người chị đa đoan nặng nợ trong thơ, trong nhạc... Tạm biệt “người đàn bà có giọng cười hồn nhiên khi xưa/ người đàn bà có một thời rực rỡ” Đoàn Lê. Tạm biệt một kiếp má hồng. Cầu cho bà hạnh phúc ở một nơi chốn mới.

Nhà văn Dương Thị Nhụn: Đoàn Lê có những trang văn đầy sức nặng

Nhà văn Đoàn Lê về Đồ Sơn khi tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt. Bệnh tiểu đường di truyền ngày một nặng thêm. Về với biển, không khí phóng khoáng của đại dương đã tiếp thêm cho bà sức mạnh.

Đồ Sơn cách nội thành Hải Phòng khoảng hai chục cây số, song việc đi lại rất thuận tiện. Nhà hai nữ sĩ, nhà văn - đạo diễn - nhà biên kịch Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo cách chỗ đón xe chỉ khoảng hai trăm mét nên thuận tiện cho việc đi lại giữa Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng và Đồ Sơn. Thỉnh thoảng chị em Câu lạc bộ nữ Văn nghệ sĩ Hải Phòng lại tổ chức một buổi xuống nhà hai bà.

Đã xuống Đồ Sơn là chơi qua trưa. Đồ ăn được bàn bạc từ hôm trước, nhanh và đơn giản song vô cùng ấm cúng. Sau bữa trưa, mọi người quây lại xem tranh của nữ sĩ Đoàn Lê, bàn luận đủ mọi thứ chuyện. Chuyện của những người cùng chung niềm đam mê, người ngoài vô tình nghe được chắc sẽ ngạc nhiên, vì mọi người ít nói đến chuyện cơm áo gạo tiền mà xoay quanh việc đọc, viết và cả vẽ.

Từ ngôi nhà nhỏ ẩn sâu trong xóm núi, nhà văn Đoàn Lê đã khai thác tận cùng cuộc sống đầy thân phận của những con người, cảnh vật và cả những sinh linh bé nhỏ. Hàng loạt tác phẩm được viết tại đây: Trinh tiết xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa… tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại và nhiều truyện ngắn được độc giả đón nhận vì giọng văn rất riêng.

Có tiếp xúc mới thấy nhà văn Đoàn Lê hóm hỉnh thế nào? Sự từng trải cùng với cuộc sống riêng nhiều trắc trở khiến những trang văn đầy sức nặng về ngữ nghĩa song lấp lánh tiếng cười, đôi khi là giễu nhân tình thế thái.

Tạp chí Cửa Biển thường nhận được tác phẩm mới bà gửi. Bà thường nói ưu tiên ''sân nhà'' trước. Vậy là thỉnh thoảng bà lại đến tạp chí, chuyện trò lúc lâu rồi về lại Đồ Sơn. Cô cháu nội học Trường Sân khấu điện ảnh được bà quan tâm đặc biệt.

Bà thường gửi truyện của cháu và rất vui khi truyện được đăng tải. Lần nào bà cũng gọi điện, giọng nhẹ nhàng nhưng thoảng tiếng cười ở đầu bên kia: “Cháu Mỹ Linh cảm ơn ông Vũ, cảm ơn bà Nhụn”. Biết là lời cảm ơn của bà nhưng vẫn thấy ấm lòng. Một nữ sĩ đa tài được nhiều người mến mộ là thế mà lúc nào bà cũng ân cần, chân tình như người trong nhà.

Hai ngôi nhà của hai chị em được ngăn cách bằng lối đi và rất nhiều loại cây. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn đi lại từ phía sau vẫn thấy dáng dấp của một thiếu nữ đài các sống trong nhung lụa. Giọng nói dịu dàng, cử chỉ khoan thai, bà như lướt đi quanh ngôi nhà.

Hai chị em Đoàn Lê – Đoàn Thị Tảo luôn gắn bó bên nhau - Ảnh: Tư liệu.

Phía góc vườn là mấy ngôi mộ. Có lần bà dẫn chúng tôi về phía ấy và chỉ mộ của em gái, của con trai “Còn đây là chỗ của chị và chị Tảo”. Thấy bà nói vậy mà thấy cay cay sống mũi. Hai nữ sĩ đa tài bệnh tật sống lặng lẽ tách biệt với xóm giềng. Vườn cây rì rào về đêm chắc càng vắng vẻ và bí ẩn.

Giờ đây người phụ nữ tài sắc đa đoan Đoàn Lê đang còn “vấn vương với sợi tơ trời” vì những tình cảm của gia đình, bạn bè và người hâm mộ.

NSƯT Nguyễn Văn Lượng: Một nữ sĩ tài hoa

Chị Đoàn Lê... Vậy là chị đã về trời, nữ văn sĩ, một nghệ sỹ tài hoa của thành phố tôi yêu đã ra đi . Đây là một trong những người phụ nữ cổ động nhiệt tình và tâm giao với Văn Lượng trong nghề nghiệp phim ảnh. Một loạt những tác phẩm ở lĩnh vực phim truyện như: "Con Vá", "Nước mắt của biển", "Chim bìm bịp" chị đã cùng tôi đam mê trong khắp các nẻo đường quê hương để săn tìm cái đẹp.

Những năm tháng khó khăn của cuộc sống đã luôn gắn bó chị em mình. Cuộc sống của một nghệ sỹ cho tôi nhìn về một phận người như chị để hiểu nhan sắc, tài hoa, số phận... luôn là những con đường khắc nghiệt khó đồng hành. Nhưng chị mãi mãi là chị kính yêu. Rất thương và kính trọng chị.

Nữ sĩ Đoàn Lê tên thật là Đoàn Thị Lê, sinh ngày 15.4.1943 tại Hải Phòng, bút danh Hạ Thảo, nguyên Trưởng phòng Biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật thành phố Hải Phòng. Nhiều tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết của bà đã để lại dấu ấn độc giả như: “Cuốn gia phả để lại”(tiểu thuyết), “Thành hoàng làng xổ số”(tập truyện),“Lão già tâm thần”(tiểu thuyết), “Trinh tiết xóm chùa'' (truyện ngắn)...

Bà từng nhận nhiều giải thưởng văn học, như giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (tiểu thuyết ''Cuốn gia phả để lại''), Giải thưởng Báo Văn nghệ và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (truyện ''Trinh tiết xóm Chùa''), Giải A tạp chí Sông Hương (truyện ''Đêm ngâu vào'')…

Nữ sĩ Đoàn Lê còn thành công ở vị trí biên kịch và đạo diễn, với các tác phẩm: ''Bình minh xôn xao'' (biên kịch, 1979), ''Cha và con'' (biên kịch, 1979), ''Làng Vũ Đại ngày ấy'' (biên kịch, 1980), ''Con Va'á'' (biên kịch kiêm đạo diễn - Bông sen bạc Liên hoan phim toàn quốc), ''Chim bìm bịp'' (đạo diễn, Huy chương bạc Liên hoan phim toàn quốc).

Bà còn đến với hội họa với niềm đam mê sâu sắc. Tranh của bà đủ triển lãm riêng mấy cuộc và góp mặt trưng bày cùng các họa sĩ khác tại các Galery sang trọng ở Hải Phòng và Hà Nội.

Du Nguyên
.
.
.