Nước mắt sau ánh hào quang

Thứ Năm, 11/08/2016, 08:22
Yêu ảo thuật hơn cả bản thân, sẵn sàng chết trên sân khấu. Diệp Bảo Hiệp bảo rằng, ảo thuật đã chữa lành mọi vết thương của cơ thể và tâm hồn, nuôi dưỡng trái tim, giúp anh có những khoảnh khắc thăng hoa nhất trong cuộc đời.


1. Nhận được tin nghệ sĩ Ngọc Giao, ông bầu cuối cùng trong "tứ đại" bầu sô Sài Gòn thập niên 80 của thế kỷ trước qua đời, từ Nha Trang, Diệp Bảo Hiệp bắt xe khách vào ngay TP Hồ Chí Minh thắp nén hương từ biệt người anh nghệ sĩ đáng kính. Di chứng trận tai biến hơn hai năm về trước khiến đôi chân Bảo Hiệp còn run rẩy, nhưng anh vẫn quyết tâm đi, bởi tình nghệ sĩ nặng lắm, sắt son và bền chặt không gì thay đổi được. Còn sức là còn đi, còn trái tim là còn yêu thương. Giống như cái nghiệp ảo thuật vận vào người anh, còn hơi thở là còn đam mê, còn hiến dâng.

Hơn 30 năm về trước, Diệp Bảo Hiệp từng làm mưa làm gió trên sân khấu ảo thuật Việt Nam, với những chuyến đi dọc dài dất nước cùng những màn ảo thuật độc đáo, đậm chất sáng tạo. Làm ảo thuật không chỉ nhanh tay, lẹ mắt mà đòi hỏi sự đầu tư và óc sáng tạo không ngừng. Vì thế, ngoài học hỏi những ngón nghề của các bậc thầy ảo thuật trong nước và thế giới, Diệp Bảo Hiệp luôn "lận lưng" cho riêng mình những màn trình diễn có một không hai.

Thập niên 90, Bảo Hiệp được mệnh danh là thần bài và vua bồ câu xứ biển.

Máu, nước mắt phía sau tấm rèm sân khấu không ai có thể thấu hiểu được, nhưng dù thế thì sự tận hưởng của khán khả vẫn vượt trên tất cả, hóa giải mọi nỗi đau và vất vả hiểm nguy của người nghệ sĩ. Thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ảo thuật nước nhà vẫn còn mới lạ, dân trí biết đến ảo thuật manh mún, thì Diệp Bảo Hiệp đã học và biểu diễn màn cưa người đứt đôi bằng cưa lốc khổng lồ.

Khán giả thời đó đã kinh ngạc khi xem tiết mục và họ gọi anh là David Copperfield Việt Nam, bởi sự rùng rợn, ly kỳ, sửng sốt và bất ngờ chẳng khác nào tiết mục cùng tên của ảo thuật gia lừng danh người Mỹ David Copperfield.

Diệp Bảo Hiệp cho biết, anh đã phải tôi luyện nhiều tháng ròng, phải nghiên cứu nát óc để làm sao tiết mục vừa có tính rùng rợn lại vừa mang yếu tố sáng tạo, mới mẻ từ hình thức cho đến nội dung. Và anh đã chọn chiếc cưa lốc người ta dùng để cưa cây cổ thụ khổng lồ với hàng răng cưa sắc lẹm, bóng loáng.

Mặc dù đã tập dượt nhiều lần, nhưng sác xuất rủi ro là không thể tránh khỏi. Chỉ cần sơ sẩy một li sẽ lấy mạng người nghệ sĩ ngay lập tức. Biết trước rủi ro nhưng Bảo Hiệp chấp nhận, bởi đam mê cống hiến đã chảy trong mạch máu, anh "say" đến mức không thể nào bỏ cuộc. Anh từng tuyên bố: "Bảo Hiệp sẽ hạnh phúc nếu được chết trên sân khấu".

Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng nghệ sĩ Bảo Hiệp.

Gắn bó với mảnh đất Nha Trang hơn nửa đời người, Diệp Bảo Hiệp đã mang ảo thuật đến với tất cả các hòn đảo lớn nhỏ xung quanh phố biển. Ở đó, dân chài quanh năm vục mặt ngoài biển, họ "đói" nghệ thuật ghê gớm lắm và họ "thèm" được thưởng thức nghệ thuật, trong đó có ảo thuật. Cả xóm quên cả ăn, bỏ cả làm hào hứng đi xem nghệ sĩ về làng trình diễn những pha ảo thuật như tiên như bụt, há hốc mồm, trợn ngược mắt theo dõi "phù thủy" Diệp Bảo Hiệp hóa phép trên sân khấu mà ngơ ngẩn ngẩn ngơ. 

Trong suốt những năm tháng làm "phù thủy", Diệp Bảo Hiệp đã khiến hàng triệu người phải tròn xoe mắt kinh ngạc trước những màn biểu diễn gay cấn, mãnh liệt và không kém phần nguy hiểm của mình. Bí quyết để thành công với nghiệp ảo thuật lại không đến từ trường học, vì ngay từ bé Diệp Bảo Hiệp đã không được học hành đến nơi đến chốn, là cậu bé sớm phải lao ra đời kiếm kế sinh nhai. Ảo thuật đến với Diệp Bảo Hiệp cũng tình cờ, tự nhiên như là định mệnh.

Nhờ trải nghiệm thực tế trong mỗi chuyến đi và nhờ trường đời "tát" vào mặt nhiều lần đã cho Bảo Hiệp một cái nhìn về con người phong phú, đa chiều. Dưới ánh đèn, dưới sân khấu, dưới con mắt, mọi thứ anh làm đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải không để lại bất cứ "tì vết" nào sau mỗi pha "biến hóa".

Tình yêu mãnh liệt, vô điều kiện của khán giả dành cho Diệp Bảo Hiệp chính là ngọn lửa hun đúc để rồi đốt cháy đam mê của anh. Là thành viên Hội ảo thuật gia quốc tế IBM, một trong 10 gương mặt ảo thuật Việt Nam gặt hái được tiếng vang trong nghề, nhưng Diệp Bảo Hiệp luôn lắng mình và chọn lối biểu diễn riêng. 

Ở bất cứ đâu, ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp cũng sẵn lòng biểu diễn cho mọi người xem.

Bảo Hiệp tâm sự, với anh, khán giả không hề có ranh giới địa vị, không hề có khoảng cách sang hèn. Trái lại, anh cảm thấy hạnh phúc mỗi lần được đứng trên boong tàu rách nát của một làng chài và biểu diễn ảo thuật. Đó là khoảnh khắc anh thăng hoa nhất, khi nhận được niềm hứng khởi, sự "thèm thuồng" nghệ thuật của bà con làng biển. Diễn xong người ta cho ký cá, cân mực anh cũng vui không sao tả xiết.

Bảo Hiệp chia sẻ: "Tôi biết ơn những người đến xem tôi biểu diễn. Họ càng nghèo khổ, dân trí càng thấp thì tôi càng trân trọng và phải làm sao diễn bằng cả trái tim. Tôi sung sướng sau mỗi lần bước xuống sân khấu".   

2. Hai năm trước, khi đang trên đường lưu diễn tại Đắk Nông, Diệp Bảo Hiệp bị tai biến, anh phải vào bệnh viện cấp cứu sau đó về nhà tập vật lý trị liệu. Đó là biến cố lớn nhất trong cuộc đời biểu diễn của Diệp Bảo Hiệp.

Những ngày thu mình trong căn phòng tập vật lý trị liệu, Diệp Bảo Hiệp nhớ nghề đến quay quắt. Anh tự nghĩ ra phương pháp tập luyện bằng cách dùng đôi bàn tay xoay chuyển những thao tác cơ bản của ảo thuật, vừa có tác dụng giãn cơ, vừa tạo sự nhanh nhạy. Đôi tay lúc đầu tai biến quét qua co rút, cứng đơ, run rẩy nay đã vận động mềm mại, hồi phục đến chín mươi phần trăm. Từ bàn tay, Diệp Bảo Hiệp sáng tạo thêm nhiều màn ảo thuật độc đáo.

Sự vắng bóng của Diệp Bảo Hiệp để lại tiếc nuối và khoảng trống cho khu vui chơi giải trí nổi tiếng Vinpearl Land Nha Trang và cho khán giả thành phố biển. Anh đã quyết tâm vực dậy bản thân, từng bước chiến thắng bệnh tật để lại được quay trở về ánh đèn sân khấu.

Chỉ một thời gian ngắn, Diệp Bảo Hiệp quay trở lại ảo thuật bằng đôi chân tập tễnh và đôi tay chưa hồi phục. Anh giấu khiếm khuyết của mình trong làn khói huyền ảo của ánh đèn sân khấu. Những tiết phục ảo thuật không hề "yếu" đi, trái lại càng mãnh liệt, gay cấn, đi từ ngạc nhiên đến bứt phá.

Ảo thuật không đòi hỏi sức khỏe phi thường nhưng yêu cầu sự nhanh của đôi tay, lẹ của đôi mắt, bình tĩnh của trái tim. Trên sân khấu, Bảo Hiệp khôn khéo gây sự chú ý của khán giả vào bàn tay của mình, để họ quên đi một bên chân "tai biến" đang lết từng bước. Vì thế, chẳng ai phát hiện ra cái chân "tật nguyền" của anh, để mà chỉ trỏ, bàn tán.

Bảo Hiệp cùng cậu con trai đang làm việc tại Công an tỉnh Khánh Hòa.

Bảo Hiệp cho biết: "Nếu không có biến cố, chắc hẳn chưa bộc lộ hết khả năng tiềm tàng của trí tuệ và niềm đam mê bỏng cháy của mình dành cho ảo thuật. Sức khỏe mỗi ngày tiến triển tốt ra là nhờ món ăn tinh thần ảo thuật. Mình hạnh phúc, thăng hoa cũng do tràng pháo tay của khán giả. Nếu không có điều ấy, có lẽ Diệp Bảo Hiệp đã chết từ lâu rồi".

Trót mang nghiệp ảo thuật, thì phải theo đuổi đến cùng, dù cái nghề nó bạc lắm, đôi khi rời sân khấu không có ổ bánh mì lót dạ. Cho nên làm ảo thuật không ai giàu cả, muốn có tiền thì đừng theo nghề ảo thuật. Kinh tế gia đình anh ổn định, không giàu nhưng chẳng nghèo, có đủ khả năng lo cho con cái ăn học thành người. Nguồn thu chính lại là nghề đánh cá xa bờ và kinh doanh.

Hơn 10 năm trước, anh sở hữu một đội tàu hùng mạnh, mỗi chuyến ra khơi cá đầy ăm ắp. Thời cuộc thay đổi, không tìm được người đi biển nên anh phải bán bớt tàu, chỉ giữ lại một chiếc, lúc nào nhớ biển, nhớ nghề thì có cái mà ngắm. Các con của anh đều trưởng thành, trong đó hai người tiếp cận nghiệp của cha, tham gia biểu diễn trong các sự kiện lớn của thành phố, nhưng tình yêu thì không đủ lớn để sẵn sàng "chết" trên sân khấu như cha. Còn cậu con trai út thì khác nhất nhà, không mê nghệ thuật, chỉ ước mơ làm Cảnh sát hình sự.

Những ngày chữa bệnh ở thành phố Nha Trang, cứ chiều đến là Bảo Hiệp lại ra bãi tắm trước nhà, lao mình xuống biển. Nhìn anh ngụp lặn giữa làn nước trong xanh như con rái cá, không ai biết anh đang bệnh tật. Chiều nào lên bờ, anh đều "ngứa nghề" biểu diễn những tiết mục ảo thuật ngay giữa bãi biển phục vụ miễn phí bà con và khách du lịch. Chỉ bằng đôi tay, anh biến khóa khôn lường, khán giả cứ mắt tròn mắt dẹt, vỗ tay rầm trời.

Thân quen đến mức, hễ chiều nào không thấy anh xuất hiện là mọi người dáo dác đi tìm. Bạn bè trong giới động viên anh nên mở lớp dạy ảo thuật cho những người đam mê, để giữ lấy cái hồn cốt của môn nghệ thuật vốn nhiều người xem mà ít người làm.

Ngọc Thiện
.
.
.